4/9/23

 

Thời hoa đỏ.

Tôi đến Hải Phòng vào một ngày cuối hạ đầu thu, thành phố hoa phượng này chỉ còn lại lác đác vài bông hoa nở muộn; một mình lang thang phố lạ, bất chợt, nhớ đến nhà thơ Thanh Tùng (1935-2017), ở tp này đã viết Thời hoa đỏ, cho đến bây giờ vẫn còn đỏ rực!

Được biết, ông viết bài thơ năm 1972, trên nền bối cảnh trước đó, người vợ của mình, đi tìm đứa con riêng trong tiếng bom gầm rú của chiến tranh đánh phá Hải Phòng, Quảng Ninh thời đó. Bài thơ có 33 câu, cấu tứ hơi lạ, bắt đầu, nhớ về một thời tuổi trẻ, đầy mộng mơ trên ghế nhà trường; “Anh mải mê về một màu mây xa/ Về cánh buồm bay qua ô cửa nhỏ”, còn “Em hát một câu thơ cũ/ Cái say mê một thời thiếu nữ” vô tư! Chẳng có gì đáng nói ở đây, nếu không có một cái na ná như tình yêu hay một tình yêu đơn phương nảy nở, ai đã từng yêu, sẽ biết nó đau khổ đến nhường nào khi yêu mà ngộ nhận được


yêu! Con tim, như cánh phượng “tan tác đỏ tươi/ như máu ứa một thời trai trẻ”, câu thơ như rứt ruột viết ra, có máu hòa trong nước mắt. Và còn gì đau  hơn khi hai “đơn lẻ”, đã thấu tâm hồn nhau, mới thấy lòng mình tan tác! “Ta nhìn sâu vào mắt nhau/ Mà thấy lòng đau xót”, thơ như thắt lại, đẩy nỗi đau, giấu nhẹm vào bên trong rồi tự an ủi mình “ Như tháng ngày xưa ta dại khờ”!

 “Trong câu thơ của em/ anh không có mặt”, đồng nghĩa với: trong tình yêu của em không hề có anh; một sự thật phũ phàng đến tàn nhẫn! Nhưng không sao, được yêu em đã là hạnh phúc, dù “Anh biết mình vô nghĩa đi bên em” nhưng “Anh đâu buồn mà chỉ tiếc/ em không đi hết những ngày đắm say” của tình yêu trước đó; còn gì cao thượng hơn! Cũng xem xem với Puskin “Cầu mong em được người tình như anh đã yêu em”. Cuối cùng, để qua ngày đoạn tháng, tìm chút bình yên trong tâm hồn, cố gắng diễn cho xong vai của mình, ai cũng trở về với cái tôi vang bóng một thời: “em của thời hoa đỏ ngày xưa/… anh của thời trai trẻ ngày xưa”.

Thời hoa đỏ, một bài thơ mà ai cũng thấy ít nhiều có bóng mình trong đó, đặc biệt những người phải lên bờ xuống ruộng, ngập lặn trong tình yêu đơn phương/ ngộ nhận thống khổ. Bài thơ là mẫu số chung cho những cuộc tình ngộ nhận mà thời nào cũng có, lúc nào cũng có, bởi tình yêu chỉ có một, còn thứ na ná thì nhiều!

 Được Nguyễn Đình Bảng, phổ nhạc năm 1989, trong một hoàn cảnh khá đặc khi ông nằm viện bên Liên Xô cũ, vô tình đọc được Thời hoa đỏ; chỉ có nỗi đau mới thấu được nỗi đau, bài hát ra đời trong giây lát. Bài thơ được ghép cánh, có những khắc khoải, dâng trào mãnh liệt, có những khoảng lặng dịu êm thu về trong nỗi đau cùng cực.Tuy nhiên, để “thấm” được những dư vị đớn đau, khi trái tim có “vết xước”, những luyến tiếc, hoài niệm về một thời đã qua… khi nghe bài hát, cần phải có trải nghiệm, nếu chưa yêu thì nên yêu, yêu rồi thì nâng giữ, giữ không xong thì hát…Thời hoa đỏ và nhớ rằng cái gì không thuộc về mình có níu kéo cũng bằng không!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét