25/3/13





Lan man chuyện…đám tang.

 Võ Ngọc Thạch
 Chuyện hiếu hỉ ở đời, việc “tang khó” là vô cùng quan trọng và “một phần tất yếu của cuộc sống”! Đã là người, ai cũng phải chết, dẫu có Chúa hay Phật, chỉ khác nhau ở lý do làm chết mà thôi. Khi một người thân ra đi, cả gia đình, dòng họ, hàng xóm láng giềng, cơ quan đoàn thể…cùng chung tay góp sức, lo cho người đã khuất về nơi yên nghỉ cuối cùng sao cho trọn vẹn nhất, ấm cúng nhất, bởi “ nghĩa tử là nghĩa tận”! Và qua đó thể hiện đạo hiếu của người ở lại.
  Phàm là người, hầu như ai cũng tham sống sợ chết, càng giàu càng sợ, càng già càng sợ, thậm chí nhiều người không dám nghĩ đến từ “chết”, trong thâm tâm ai cũng muốn mình bất tử!  ( ở đây không dám nói tới những vị Anh hùng, những vị chân tu đạt Đạo). Bởi vậy, người ta dành tiền để xây nhà, để lo đám hỏi, đám cưới, để sắm xe… chứ mấy ai dành tiền để lo…đám chết! Qúa lắm thì mua trước ở đâu đó cái sanh phần # 3-4m2 là cùng.
Khi một người nằm xuống, tang gia nào cũng gặp phải những khó khăn nhất định (cả tinh thần lẫn vật chất), gia cảnh bần hàn thì khổ sở chuyện kim tiền, tư gia giàu có thì…đớn đau, tiếc thương vô hạn! Nói chung, giàu hay nghèo ai cũng “hoàn cảnh” cả! “ Không ai khen đám cưới, chẳng ai cười đám ma” là vậy và người đời dùng chữ “ tang khó”, “đám khó”, “ đám héo”, “đám hiếu”… cũng không ngoài ý nghĩa trên. Ông cha ta, coi vậy chứ bao dung và thâm thúy thật!
 Việc phúng điếu( Lễ vật, thăm hỏi,sẻ chia,đóng góp) trong đám tang là một nghĩa cử đẹp, đã có tự ngàn xưa, là thuần phong mỹ tục trong cội nguồn văn hóa dân tộc. 
Trong “tang khó” là mọi người góp sức lo cho một người, không ở đâu tinh thần tương thân tương ái cao cả và cụ thể như ở đây.Nếu ai ở nông thôn sẽ thấu hiểu việc làm đầy ý nghĩa này. Gần đây, trong một vài đám tang ( Người quá cố, có con cháu, gặp thời, làm ăn khấm khá, có đồng ra đồng vào rỏn rẻng!), dưới bảng cáo phó ghi mấy chữ: “ Xin miễn phúng điếu” hay rõ ràng hơn “Xin lỗi, không nhận tiền”, lại buông thêm câu: “Chừ nhận một trăm năm bảy chục, mai mốt làm ăn xa, ai rảnh đâu mà đi trả nợ!” Không nhận tiền nhưng nhận  hương, đèn, hoa, quả ( Hình như những thứ này không phải mua bằng tiền!) Tất nhiên, đó là quyền của tang chủ hay ý nguyện của người đã khuất. Nhưng…có nên làm như thế không(?)  Trong phúng điếu, giá trị vật chất chẳng là bao nhưng khổ nỗi, nó “quyện” với giá trị tinh thần làm một, khó tách biệt, do đó, việc từ chối “ mấy đồng bạc cắc” không khéo lại để mất đi một tình cảm lớn hơn nhiều. Một ai đó (thuộc loại trí thức hẳn hoi) làm vậy, để “khỏi mắc nợ, khỏi phải trả”, nếu nghĩ thế thì đáng buồn và đáng thương thật! Ai có đòi và bắt anh phải trả đâu mà anh lo!
 Con người ta sống đồng nghĩa với việc nợ nần, nhân nghĩa với nhau, xin đừng nghĩ rằng, khỏi phải trả “ mấy đồng bạc cắc” là hết nợ đâu! Không ai thoát được luật Nhân- Qủa, lúc nằm trong bụng mẹ anh đã mang nợ rồi kia mà! Trong thế giới phẳng này," một cánh bướm vẫy ở nước Mỹ có thể làm bão giông ở bầu trời Trung Quốc!" Tiền thì biết mấy cho đủ, sử dụng nó mới là việc đáng bàn. Anh cứ vô tư đón nhận: Những tình cảm sẻ chia của thân bằng quyến thuộc,của tình anh em, của hàng xóm láng giềng…rồi sau đó, anh làm thiện nguyện, làm quỹ khuyến học hay giúp một ai đó có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, vân vân và vân vân, lúc đó “mấy đồng bạc cắc” kia sẽ trở thành vô giá và tiếng thơm sẽ ở mãi với đời!
  Lại nói về chiếc vòng hoa, trước nhất xin khẳng định, vòng hoa không có trong phong tập tập quán của ta, nó là sản phẩm của trời Tây, du nhập vào nước ta theo bước chân của thực dân Pháp.
Phải công nhận, vòng hoa làm cho đám tang trở nên “hoành tráng” hơn, số lượng vòng hoa thường tỷ lệ thuận với độ lớn nhỏ của một đám tang.Trước đây, cuộc sống khó khăn, vòng hoa được xem như một thứ xa xỉ! Đám tang nào lớn lắm, mới có được vài cái vòng hoa. Bây giờ, hầu như cơ quan, đoàn thể nào khi đi viếng tang cũng có vòng hoa, việc “giàu sinh lễ nghĩa” này, thấy cũng hay hay nhưng có cái cần phải suy nghĩ.
 Con người ta ở đời là “sinh ký tử quy”, chết là về với cát bụi, là về với cỏi Tây phương cực lạc, là về với nước Chúa…,nhưng gần gũi nhất, thân thương nhất, mong ước nhất vẫn là…về với ông bà, tổ tiên dòng tộc ( chứ không phải như một kẻ vong thân nào đó đã nói sẽ đi gặp ông tây ông tàu). Vì vậy, cận bàn linh, bên linh cữu, phải ưu tiên sắp đặt những gì phúng điếu thuộc về gia đình dòng tộc trước, rồi mới đến hàng xóm láng giềng, cơ quan, đoàn thể…như thế mới phải Đạo- cây có cội, nước có nguồn, người có tổ tông; như thế “thần thức” của người đã khuất mới không cô đơn, lạnh lẽo.
 Một số tang gia, nhân cái chết của người thân, để “diễu võ giương oai” thanh thế sự nghiệp, đặt “ chình ình” những vòng hoa mang dòng chữ: văn phòng chính phủ, văn phòng quốc hội, UBND tỉnh này huyện nọ…bên bàn linh, còn những cái của bà con cô chú bác, dòng họ, hàng xóm thì…xếp làm một đống để trong góc! Người viết bài này đã từng nghe một câu: " biết thế, chả đem cái gì, uổng công mang vác" rồi vài tiếng chửi thề theo sau...
 Suy cho cùng, đám tang to nhỏ như thế nào cũng là làm cho... người sống; đừng vì một tí danh " hão" mà làm mất đi ý nghĩa của một mỹ tục. Ngày xưa “không ai khen đám cưới, chẳng ai cười đám ma” nhưng ngày nay, không khéo là có và có nhiều nữa đấy!!!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét