16/3/14

Góc nhìn giới trẻ:

 99,99% chúng ta hiểu sai về đam mê


Mr Bow


Đề tài ĐAM MÊ hẳn không xa lạ gì với mọi người. Quá nhiều người đã viết, đã nói, đã diễn thuyết về đam mê theo vô vàn khía cạnh khác nhau, kèm theo những minh chứng hùng hồn về hiệu quả của đam mê đối với cuộc sống, đối với ai theo đuổi thành công và truy cầu hạnh phúc…
·                          Một họa sĩ thành công cần có đam mê
·                          Một doanh nhân thành công cần có đam mê
·                          Một nhà khoa học thành công cần có đam mê
·                         
·                          Thậm chí một chàng trai trăng hoa thành công cũng cần có đam mê!
Đó là tất cả những gì dễ liên tưởng nhất khi nói về đam mê.
Như vậy rõ ràng đam mê theo nghĩa đó có nghĩa là bị hấp dẫn, bị lôi cuốn, bị nhập tâm, bị thèm muốn, bị chi phối một cách mãnh liệt hướng tới một thứ gì đó cụ thể. Ví dụ: Đam mê làm giàu!

Đam mê hay nghiện?

Nếu cố gắng liên tưởng rộng hơn chút nữa, chúng ta chẳng thấy sự khác nhau mấy giữa những người “đam mê” đó với người nghiện thuốc lá, nghiện heroin, nghiện sex…
Thay vì nghiện những thứ tôi vừa liệt kê, “những người có đam mê” của chúng ta nghiện thứ khác: Tiền, danh vọng, kiến thức, sự hoạt động thể chất (ví dụ quá thích chơi môn thể thao nào đó), khoái lạc tinh thần (thứ mà chúng ta đặt tên rất mỹ miều là hạnh phúc) và vô vàn những thứ khác.
Vậy đam mê mà hay được nhắc tới là sự thiên vị đặc biệt đối với một hoặc một số nhỏ hoạt động nào đó trong cuộc sống chúng ta, khi đó, những hoạt động khác trở thành thứ yếu, không quan trọng! Chúng ta nói cần phải có đam mê theo cách nhìn đó!
Bị định hướng: Tất thảy những thứ mà loài người đang tìm kiếm là tập hợp những giá trị sẵn có, vốn đã bị đám đông hoặc các hệ thống chính trị, tôn giáo, xã hội… mặc nhiên xem là có giá trị đặc biệt. Ví dụ: Tiền-vật chất, danh vọng, quyền lực, địa vị, sự công nhận, tri thức…
Trong dữ liệu của bạn, có gì khác ngoài tập hợp đó?
Bạn đã bị đào tạo, bị tiêm nhiễm từ bé để mặc nhiên xem trọng hệ giá trị đó. Bạn đã mê chúng rồi, không mê cái này thì mê cái khác! Đó chính là lí do mà rất nhiều người không thể biết được họ “đam mê” thứ gì, vì có quá nhiều thứ để lựa chọn. Thực ra, bạn đang bị lôi vào những thứ nghiện ngập. Tại sao ư? Càng nhiều con nghiện heroin thì heroin mới có giá! Càng nhiều con nghiện tiền thì tiền mới có giá!
Nhiều người nói họ đam mê cái này, họ đam mê cái kia nhưng thực ra họ đang mắc kẹt vào những thứ đó, khó thoát. Cơn nghiện vật chất hiện nay của xã hội là biểu hiện rất rõ ràng của đam mê bị hiểu sai. Nó phải bị hiểu sai thôi vì có nhiều người muốn bạn hiểu sai về đam mê, càng sai càng tốt. Họ sẽ cực kì có lợi từ việc đó! Khi bạn bị dính vào sự nghiện ngập đó, bạn cực kì dễ bị sai khiến!

Vậy đam mê thật sự là gì?

Bạn đã bao giờ bắt gặp loại người mà xung quanh của họ là một bầu không khí thật đặt biệt chưa? Bầu không khí của tự do và tình yêu cuộc sống. Bầu không khí của cảm hứng. Bầu không khí của sự kết nối sâu sắc vào mỗi hành động của họ.
·                          Khi họ làm việc kiếm tiền họ sẽ làm hết mình.
·                          Khi nghỉ ngơi họ sẽ chẳng quan tâm đến công việc.
·                          Khi yêu họ sẽ yêu.
·                          Khi chơi thể thao họ sẽ hòa làm một với thể thao.
·                          Khi ăn họ sẽ ăn ngon lành.
·                          Khi trò chuyện họ lắng nghe theo cách đặc biệt và trao đổi với mọi người ân cần, cởi mở.
Họ làm bất cứ thứ gì cũng với cảm hứng và với năng lượng cao. Thậm chí khi người đó buồn bạn cũng sẽ thấy cách họ đối diện và đốt cháy nỗi buồn ra sao!
Đó mới chính xác là đam mê. Đam mê đó có nghĩa là một trạng thái sống đầy mãnh liệt nhưng không lệ thuộc vào bất cứ một việc cụ thể nào. Đam mê đó cần sự thức tỉnh và thông minh tuyệt đỉnh. Vì cuộc sống là tập hợp của rất, rất nhiều hoạt động khác nhau. Cớ sao ta chỉ thiên vị một vài hoạt động?

Làm thế nào để có đam mê thật sự?

Cần một cuộc cách mạng nội tâm

Việc đầu tiên là phải hiểu rõ toàn bộ hệ giá trị mà bạn đang mặc nhiên tin vào là do xã hội, chính trị, tôn giáo bày ra. Bạn phải tự mình xem xét điều đó. Khi bạn đọc nội dung tôi viết thì đó chỉ là thông tin được truyền tải, rất hời hợt. Chỉ khi bạn bắt đầu xem xét, truy xét đến tận cùng xem thử điều tôi nói là đúng hay sai thì lúc đó mới có sự thay đổi nhận thức xảy ra.

Khi bạn tự nhận ra bạn bị lừa!

Hãy suy nghĩ về điều đó thử xem, khi bạn bừng tỉnh!
Tôi đã bừng tỉnh vào một thời khắc rất đặc biệt trong đời mình. Cuộc sống của tôi từ đó mới có trật tự. Tôi mới nếm trải được đam mê sống có nghĩa là gì. Tất thảy những gì tôi nghe từ người khác về đam mê đều là thứ rẻ tiền và ngu ngốc thảm hại.
Hãy tự hỏi chính bạn rằng nếu bạn cứ đeo đuổi một vài thứ mà bạn cho là quan trọng (thật ra thì cũng là ai đó nói cho bạn nó quan trọng) và bỏ qua nhiều thứ khác thì bạn có thực sự cảm thấy vui vẻ và hạnh phúc hay không?

Cuộc sống thì quá nhiều, vậy mà chúng ta lại chọn quá ít. Thế là thông minh sao?

Hãy nghĩ về điều này: Đi tắm cũng cần phải đam mê! Khi bạn tắm với đam mê, khi bạn cười với đam mê, khi bạn ngủ với đam mê, khi bạn nhìn ngắm với đam mê, khi bạn lái xe với đam mê, khi bạn viết lách với đam mê. Khi bạn sống với đam mê!
Tôi cá với bạn, đó là cuộc sống như trong mơ! Mà mơ là thế nào, ngay cả trong giấc mơ hoang đường nhất của bạn, bạn cũng chưa bắt gặp cuộc sống đó đâu!
Mr. Bow


12/3/14

 Bằng tiến sĩ Việt Nam: Hàng mã


Lê Diễn Đức

Ngày 6 Tháng Ba năm 2014, tờ “m.vietnam.net” đăng bài “24.000 tiến sĩ Việt Nam đang làm gì?” cho biết, theo số liệu thống kê mới nhất của Bộ Giáo Dục và Ðào Tạo (GD & ÐT), tính đến năm 2013 có 633 tiến sĩ là giảng viên các trường cao đẳng, 8.519 tiến sĩ là giảng viên các trường đại học” rồi đặt câu hỏi “Vậy 15.000 tiến sĩ đang làm việc ở những đâu?”
Bằng tiến sĩ ở Việt Nam là cả một câu chuyện khôi hài và khá dài dòng.
Cho đến thập niên 90, do chất lượng và trình độ chuyên môn kém của các trường đại học Việt Nam nên tiến sĩ của miền Bắc Việt Nam được công nhận ở nước ngoài qua đường nghiên cứu sinh, chủ yếu ở các nước trong phe xã hội chủ nghĩa.
Ði nghiên cứu sinh là một việc ưu đãi, phải có lý lịch tốt, là cán bộ của các viện hay giảng viên trường đại học, nhưng nhiều khi cũng phải lo lót chạy chọt. Ra tới nước ngoài rồi thì đa số dành thời gian cho học và nghiên cứu thì ít, mà cho đi buôn thì nhiều. Không hiếm nghiên cứu sinh đến thời gian nộp luận án (thông thường sau 3 năm, trừ thời gian học tiếng) phải nhờ các sinh viên năm cuối viết giúp, học thuộc lòng và chạy tới giáo sư cố vấn (promotor) để tìm sự hỗ trợ. Khi bảo vệ luận án thì lúng túng, thiếu tự tin, nhưng rốt cuộc cũng đạt điểm trung bình nhờ sự đồng cảm và “hữu nghị”.
Tôi là người đã chứng kiến những cuộc bảo vệ như thế ở Ba Lan, nên đây là sự thật. Chính vì thế mà Giáo Sư Nguyễn Văn Hiệu, cựu viện trưởng Viện Khoa Học Việt Nam, nói một câu nổi tiếng “cứ dắt một con bò sang Nga thì trở về là có một phó tiến sĩ”.
Ông Nguyễn Văn Hiệu là một trong số những nghiên cứu sinh hiếm hoi, có nhiều công trình khoa học ở Viện Nghiên Cứu Nguyên Tử Dupna, được Liên Xô (cũ) phong hàm giáo sư khi mới 30 tuổi. Nhưng khi ông về nước, được cơ cấu vào Ban Chấp Hành Trung Ương Ðảng, thực hiện đúng đường lối tận dụng trí thức của đảng. Lo việc đảng, lãng chuyên môn, điều kiện nghiên cứu bằng không, rốt cuộc ông cũng trở thành một “con bò”.
Ðùng một cái vào đầu thế kỷ 21, Việt Nam bỏ luôn chữ “phó”, tất cả phó tiến sĩ ngủ dậy sau một đêm bỗng dưng trở thành tiến sĩ. Ðồng thời, các trường đại học Việt Nam cũng làm luôn việc nghiên cứu sinh và tự cấp bằng tiến sĩ, đồng loạt, như một phong trào. Trường Nguyễn Ái Quốc, cái nôi đào tạo cán bộ chính trị cho đảng cộng sản Việt Nam (ÐCSVN), nơi giảng dạy chủ nghĩa Mác-Lenin đã bị vứt vào sọt rác lịch sử, cũng cấp bằng tiến sĩ. Văn bằng tiến sĩ từ đây được sản xuất nhanh chóng, đâu đâu cũng thấy, trở thành một đề tài cho công chúng đàm tiếu, khinh thường, chẳng có một chút giá trị nào trên học đường quốc tế.
Cần phải lưu ý rằng, học vị tiến sĩ là văn bằng cao nhất trong hệ thống đại học phương Tây, do đó hệ thống đào tạo tiến sĩ của họ được thiết lập rất chặt chẽ và nghiêm chỉnh.
Chương trình đào tạo tiến sĩ là để cung cấp cho xã hội những nhà khoa học chuyên nghiệp và giáo sư đại học tương lai, những người am hiểu chuyên sâu một lĩnh vực nào đó, có khả năng phát hiện, thiết kế thí nghiệm hay nghiên cứu giải quyết vấn đề, có khả năng phân tích và diễn giải kết quả nghiên cứu, có khả năng truyền đạt kết quả nghiên cứu đến đồng nghiệp trong chuyên ngành và công chúng.
Trong khi ở Việt Nam, các vị lãnh đạo các tổng công ty, tập đoàn, doanh nghiệp trên các tấm danh thiếp đều có hai chữ “tiến sĩ”. Chưa có quốc gia nào trên thế giới khi xuất hiện trên báo chí học vị “tiến sĩ” được gắn kèm với các nhà lãnh đạo nhiều như ở Việt Nam.
Việt Nam là quốc gia có số lượng giáo sư, tiến sĩ nhiều nhất Ðông Nam Á nhưng nghiên cứu khoa học lại nằm trong nhóm thấp nhất của khu vực, không có một trường đại học nào của Việt Nam nào được đứng trong bảng xếp hạng 500 trường đại học hàng đầu thế giới. Ông Nguyễn Khắc Hùng, cựu chuyên viên đối ngoại, Học Viện Hành Chính Quốc Gia từng nói số người có bằng tiến sĩ ở Việt Nam cao gấp 5 lần Nhật Bản.
Dốt hay phô trương. Mặc cảm dốt nát và thua thiệt về văn hóa, các quan chức phải lấy cái mác “tiến sĩ” gắn vào cho mình, như là một thứ bùa hộ mệnh.
Ngoài sự khoe khoang, háo danh, sĩ diện, bằng cấp cũng là chiếc giấy thông hành trên con đường lọt vào các cơ quan nhà nước và leo lên các bậc thang quyền chức. Cho nên trào lưu “chạy” bằng giả lan tràn, trở thành phổ biến trong xã hội Việt Nam.
Nguyễn Thế Thảo, chủ tịch Hà Nội, học kém, chật vật kiếm được cái bằng kiến trúc sư ở Ba Lan, nhưng khi có chức, có quyền phải kiếm bằng được bằng “tiến sĩ” của trường... Nguyễn Ái Quốc. Kiếm bằng cách nào chỉ có trời biết! Ðây là một trong vô vàn ví dụ, trong chính sách chiến lược lạ lùng của Hà Nội, đến năm 2020, 100% công chức diện thành phố quản lý (cấp chi cục trưởng và chi cục phó) có bằng tiến sĩ!
Nguyễn Ngọc Ân, giám đốc Sở Văn Hóa-Thể Thao và Du Lịch tỉnh Phú Thọ đã có học vị tiến sĩ với đề tài “vấn đề di sản văn hóa với việc phát triển kinh tế du lịch tỉnh Phú Thọ” từ trường đại học Nam Thái Bình Dương của Mỹ. Trong khi đó ông Ân không hề biết tiếng Anh, chỉ có bằng cử nhân tại chức kinh tế-quốc dân khóa 24 (lớp học được tổ chức tại thành phố Việt Trì)!
Nguyễn Văn Ngọc, thời điểm còn là Phó bí thư tỉnh ủy Yên Bái, chỉ trong vòng 6 tháng đã “dùi mài kinh sử” với 17 ngàn USD, cũng trở thành “tiến sĩ” của đại học Nam Thái Bình Dương.
Trong khi đó, trường đại học Online này không được thừa nhận về tiêu chuẩn (unaccredited), bị báo chí phanh phui từ nhiều năm qua.
Dương Chí Dũng, cựu chủ tịch Hội Ðồng Quản Trị Vinalines, người vừa nhận án tử hình vì tội tham nhũng, đi xuất khẩu lao động ở Cộng Hòa Dân Chủ Ðức, về Việt Nam và làm cán bộ bình thường, đi học lớp tại chức tại đại học hàng hải, rất nhanh sau đó lấy bằng thạc sĩ, rồi tiến sĩ kinh tế. Tiến sĩ kinh tế này đã làm Vinalines nợ nần, thất thoát hàng tỷ đô la.
Vũ Viết Ngoạn, chủ tịch UƯy Ban Giám Sát Tài Chính Quốc Gia, sử dụng bằng “tiến sĩ” tài chính qua chương trình đào tạo từ xa của La Salle (khác với đại học La Salle tại Pennsylvania), cũng là một trường “rởm” ở Mỹ.
Ông Phạm Minh Hạc, giáo sư của Bộ GD & ÐT đã từng nói trong bài “Cán bộ xài bằng giả để kiếm cái ghế” (bee.net.vn):
“Tôi còn nhớ năm 2001, Bộ GD & ÐT phát động phong trào thanh tra bằng giả, đưa nó thành chủ trương của ngành. Ðến năm 2005, sau 4 năm, đã phát hiện được 10 ngàn bằng giả. Số bằng giả này chủ yếu tập trung ở công chức nhà nước trong đó có cả cán bộ cấp cơ quan trung ương”.
Trong bài “Bằng giả: Sờ đâu dính đó!”, ngày 06 Tháng Mười, 2012, tờ Người Lao Ðộng viết:
“Năm 2003, Ban Chỉ Ðạo Kiểm Tra Văn Bằng, Chứng Chỉ tỉnh Cà Mau phát hiện tỉnh này có trên 600 trường hợp cán bộ sử dụng bằng cấp có vấn đề. Trong đó, nhiều cán bộ đảm nhiệm những chức vụ quan trọng đã bị xử lý kỷ luật. Tuy nhiên, đa số những người này vẫn cứ thăng quan tiến chức.”
Tại phiên họp ngày 25 Tháng Hai năm 2014 của Hội Ðồng Quốc Gia Về Giáo Dục và Phát Triển Nhân Lực giai đoạn 2011-2015, Bộ Trưởng Bộ GD & ÐT Phạm Vũ Luận nói “thực tế những người có bằng giả hay bằng thật, nhưng chất lượng giả chỉ có thể ‘chui’ vào hệ thống công chức nhà nước, chứ không thể vào được các doanh nghiệp tư nhân”.
Ðương nhiên, các công ty tư nhân là những doanh nghiệp lời ăn, lỗ chịu, họ phải thận trọng kỹ càng trong việc tuyển dụng, mà đối với họ, không quá coi trọng bằng cấp, chủ yếu là năng lực chuyên môn, tay nghề.
Cho nên, nếu quay lại câu hỏi “15.000 tiến sĩ đang làm việc ở những đâu?”, quá dễ dàng để thấy rằng, những tiến sĩ hữu danh, vô thực đang nằm trong bộ máy cầm quyền, ăn tục nói phét, sáng cắp ô đi, tối cắp về. Lực lượng “trí thức” rởm này là biểu tượng của lối sống tự sướng, kiêu ngạo, giả dối, lưu manh của cả hệ thống.
Con đường xã hội chủ nghĩa mà “đến hết thế kỷ này chưa chắc đã thấy” (lời của Tổng Bí Thư ÐCSVN Nguyễn Phú Trọng) được hô hào bằng những mỹ từ trên các băng rôn, áp phích đỏ chót, giăng khắp nơi để lừa bịp xã hội, lấp liếm sự ảo tưởng và giả tạo, y chang những cái bằng tiến sĩ vô giá trị, một thứ hàng mã không hơn không kém.


7/3/14


Ngôn ngữ của lưỡi cây
 Nguyễn Văn Tuấn
truongduynhatLưỡi cây ở đây có nghĩa là “lưỡi gỗ”. Gỗ là thứ vô tri vô giác (?). Ngôn ngữ của cái lưỡi cây là thứ ngôn ngữ vô tri và phi nhân tính. Đọc cái tựa đề “Xử 2 năm tù với đối tượng xâm phạm lợi ích của Nhà nước” tôi liên tưởng đến thứ ngôn ngữ của lưỡi cây. (Dù không dám nói là rành tiếng Việt, nhưng tôi đã thấy “xử 2 năm tù” là có vấn đề về cú pháp tiếng Việt).
Tôi có vấn đề với hai chữ “đối tượng”. Theo tôi hiểu thì hai chữ này có nguồn gốc từ loại ngôn ngữ chính trị của Tàu theo chủ nghĩa Mao. “Đối tượng” dịch sang tiếng Anh có nghĩa là “object”, có nghĩa là một thực thể có thể nhìn và sờ. Thấy trong wiki tiếng Việt, người ta định nghĩa tương tự: đối tượng là “cái gì đó hữu hình có thể cảm giác được.” Nhưng chẳng hiểu sao ngày nay “đối tượng” được dùng để chỉ một con người! Có thể nói rằng ngôn ngữ thời nay đã trở thành một thứ ngôn ngữ hành chính hóa (ví dụ như kiểu “người tham gia giaothông”!) Hành chính hóa ngôn ngữ là một cách làm cho xã hội trở nên vô cảm hơn, vô lương tri hơn và phi nhân tính hơn.
Người ta có tên có họ (trong trường hợp này là Trương Duy Nhất), tại sao không gọi người ta bằng tên họ? Rất có thể người ta dùng “đối tượng” để hạ thấp nhân phẩm và hạ nhục người ta? Hạ thấp nhân phẩm bằng cách xem người đó như là một vật thể. Nếu giả thuyết đó đúng thì cách nói như lưỡi cây như thế phản ảnh sự kém văn minh của người viết.
Xin nói ngoài lề một chút về cách dùng từ ngữ cho văn minh và thích hợp. Ngày xưa, trong y khoa người ta hay dùng chữ subject để chỉ người tham gia nghiên cứu, male/female để chỉ giới tính của bệnh nhân. Nhưng có người chỉ ra rằng chữ subject là vô tri, thiếu tôn trọng người tham gia nghiên cứu, còn hai chữ male/female là chỉ giống đực/ giống cái của động vật (thường là chuột), và không thích hợp cho người. Do đó, sau này người ta hay dùng participant hay patient (thay cho subject), và người am hiểu dùng men/women thay cho male/female.
Đọc những thông tin mà tòa dùng để kết án ông Trương Duy Nhất tôi thấy… buồn cười. Ví dụ như đoạn nói rằng ông ấy đăng 11 bài viết và có 34186 lượt truy cập và 483 ý kiến bình luận. Tôi phải hỏi “rồi sao?” Có sao đâu. Mấy con số đó chẳng nói lên điều gì cả. Hay là phía Nhà nước ganh tị vì bài trên web của ông có nhiều người đọc?
Còn đoạn “Các bài viết này có nội dung không đúng sự thật, tuyên truyền, xuyên tạc đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, ảnh hưởng đến uy tín của Đảng, Nhà nước; đưa ra cái nhìn bi quan một chiều gây hoang mang lo lắng, làm ảnh hưởng đến lòng tin của quần chúng nhân dân đối với sự lãnh đạo của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước” thì càng … vui hơn nữa. Người viết câu đó nghĩ sao khi ngài Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng nói rằng tham nhũng làm người dân mất niềm tin và đe dọa đến sự tồn vong của chế độ. Nhiều lãnh đạo cao cấp của đảng và Nhà nước hay dùng chữ “tồn vong” và “mất niềm tin”, thậm chí còn nhiều chữ nặng nề hơn nữa (1). Những phát biểu này có gây hoang mang trong quần chúng không? Một ông Trương Duy Nhất nói thì có bao nhiêu người nghe; các lãnh đạo nói mới có hàng chục triệu người nghe.
Nếu ông Trương Duy Nhất viết không đúng sự thật, thì báo chí Nhà nước có nhiệm vụ phản biện lại những gì ông ấy viết, chứ sao lại bỏ tù người ta. Hơn 700 tờ báo mà thua một trang web cá nhân ư? Nhưng ông Trương Duy Nhất tuyên bố trước tòa rằng “Với tư cách nhà báo tự do tôi góp phần cho không khí dân chủ ở Việt Nam, góp phần giúp các nhà lãnh đạo Việt Nam nhận thức được những vấn đề của đất nước, những suy nghĩ của người dân.” Thật ra, ông Trương Duy Nhất tuyên bố thêm một câu còn hay hơn nữa: “Có những loại tù mà người ta cảm thấy ân hận hay xấu hổ, nhưng trường hợp của tôi thì tôi thấy tự hào.” Đúng quá!
Đọc lại câu đó mới thấy một kiểu suy luận vừa nực cười vừa hồ đồ. Trong một nước với 90 triệu dân, mà chỉ có 34 ngàn lượt đọc bài viết của ông Trương Duy Nhất, tức là trong 10 ngàn người chưa đầy 4 người đọc được bài viết của ông. Vậy mà người ta nói là gây hoang mang và làm ảnh hưởng đến lòng tin của quần chúng (90 triệu người)! Cách khái quát hóa (generalization) của họ phải nói là quán quân tầm cỡ quốc tế về sự hồ đồ và làm cho các nhà xã hội học chuyên về survey phải … khóc. Khóc cho sự thảm hại của logic. Nếu muốn gán ghép thì cũng cố làm cho thông minh một chút, chứ gán ghép như thế thì phải nói là thấp kém quá.
________________________
(1) Ví dụ như trong bài “Mất dân là mất Đảng, mất chế độ” (Vietnamnet), ông Đỗ Hoài Nam, Chủ tịch Viện Khoa học xã hội Việt Nam viết: “Nhìn thẳng vào sự thật để thấy thực tế đau lòng là tình trạng xa dân, vô cảm với dân… đang dần trở thành phổ biến. Thực trạng này giảm lòng tin vào Đảng. Đây là điều không được phép xem thường vì mất lòng tin của dân là mất dân; mất dân là mất Đảng, mất chế độ”.
Chủ tịch Trương Tấn Sang nói: “Niềm tin của nhân dân đối với Đảng và chế độ đang bị suy giảm do tệ tham nhũng, lãng phí, suy thoái đạo đức lối sống của một bộ phận cán bộ, đảng viên. Nhưng tôi tin, nhân dân bao dung vẫn tin và kỳ vọng nếu Đảng kịp thời chỉnh đốn”, và “Mỗi một cán bộ, chức càng cao, quyền càng to thì trách nhiệm trước sự suy giảm niềm tin của nhân dân vào Đảng càng lớn” (báo Người Lao Động 2013)