29/4/14


Lan man chiều 30
                     H&N

  Đất nước tôi
  Quanh cột mốc 30/4
  “Có hàng triệu người vui,
  Có hàng triệu người buồn”
  Có nghĩa bằng “không”
  Còn chăng chút danh còm hư ảo!
  Hàng triệu sinh linh
  Trên rừng dưới biển
  Tức tưởi nghẹn ngào
  Bắc nam lạc lối
  Di hại còn lâu
  Biết đến khi nào?
  Đất nước ơi!

28/4/14

Chuyện nhỏ tháng tư
                                                                                Dạ Ngân
Má tiễn đứa con trai đầu vào chiến khu khi nó mười tám tuổi. Không cho đi cũng không xong. Nó bóc xóc, ăn ngủ không yên, bạn bè trang lứa nườm nượp lên đường, ở nhà nó thấy nhục.
Đứa em trai út ít ở lại với má. Không lâu sau bom đạn thổi tạt hai mẹ con má ra ven thành, trong một xóm tản cư trên bờ sông lở lói. Đứa út rồi phải lớn, tránh bị bắt lính bằng cách khi có báo động thì treo mình trốn dưới những sàn nhà trong xóm tản cư. Má giữ riệt nó bên mình, nhất định phải có một đứa ở nhà với má!

27/4/14

   Buồn thay! phố Hội.
                                                                                                                                        H&N

 Mấy ngày nay, Hội An đang yên đang lành, bổng dưng “ dậy sóng”, nhiều người đòi “tẩy chay phố cổ”. Trưa nay, xem TV, thấy anh Sự tổ chức họp báo: giải bày, rút kinh nghiệm, thay đổi cách làm…

25/4/14

Quê Choa: Một lý do Bộ Y tế không công bố dịch sởi?

Quê Choa: Một lý do Bộ Y tế không công bố dịch sởi?: H. T Theo Petro Times  NQL: Thông tin  này được ts Nguyễn Hồng Kiên công bố từ cách đây 10 ngày ( xem tại đây! ) nhưng các quan có lẽ c...

20/4/14


  Đừng để thêm những cái chết vô tội

                                                                    Bs. Trần  Văn Phúc


Năm 1988, tiến sĩ Andrew Wakefield cùng đồng nghiệp đã xuất bản trên tạp chí Lencet một bài báo cho rằng vắc xin phòng bệnh sởi có khả năng gây ra rối loạn phát triển ở trẻ, mà hậu quả cuối cùng là chứng tự kỷ. Năm 2002, Wakefield tiếp tục cho đăng bài báo thứ hai khẳng định mối quan hệ nhân quả giữa vắc xin sởi và bệnh tự kỷ.

16/4/14

Làm gì để y tế Việt Nam phát triển

                             Võ Xuân Sơn

 (Theo VnExpress)

Chi phí cho một trường hợp mổ viêm ruột thừa hiện nay ở bệnh viện công loại 1 là khoảng 6 triệu đồng, trong khi ở Mỹ là 55.029,31 USD, tức là chi phí ở Việt Nam chỉ bằng khoảng 1/192 so với ở Mỹ. Như vậy có hợp lý không?

11/4/14

Địa chính trị và thân phận các nước nhược tiểu

                                                      Nguyễn Hưng Quốc:

  Cho đến nay, phần lớn các bài tường thuật hoặc phân tích về việc Nga cưỡng đoạt bán đảo Crimea từ trong tay của Ukraine đều tập trung vào hai đối tượng chính: Nga và các phản ứng của Mỹ và Liên Hiệp Âu châu.

Về phía Nga, người ta tập trung nhiều nhất vào các tham vọng quyền lực của Vladimir Putin, người xem sự sụp đổ của chủ nghĩa cộng sản tại Nga vào đầu thập niên 1990 như một tai họa địa chính trị lớn nhất trong thế kỷ 20 thay vì là một may mắn vì thoát khỏi ách chuyên chế và sự bần cùng; và cũng là người, theo cách nói rất hình tượng của một nhà báo nào đó, “tối nằm mơ mình là Đại đế, sáng thức dậy, hành xử như Stalin”.

Người ta cũng phân tích các mặt mạnh và mặt yếu của Nga trong tham vọng biến thành một đế quốc, trong đó hai mặt mạnh nhất là, một, nguồn tài nguyên dồi dào đủ để gây sức ép lên châu Âu, nếu cần; và hai, quyền lực tập trung hẳn vào một người: Putin (trên nguyên tắc, có thể tại vị cho đến 2024!). Nhưng hai mặt yếu lớn nhất của Nga là: Một, kinh tế yếu và khá què quặt, chủ yếu chỉ dựa vào nguồn dầu khí; và hai, qua cách hành xử của Nga tại Ukraine vừa qua, bộ mặt đế quốc của Nga hiện lên rất rõ nên một mặt, gây sợ hãi đối với các nước láng giềng, và vì sự sợ hãi ấy, họ sẽ ngả theo Tây phương; mặt khác, khiến Tây phương phải cảnh giác, đoàn kết và cứng rắn hơn: Nếu việc lấn chiếm Crimea của Nga là một bất ngờ đối với Tây phương thì, thật ra, nó cũng là một “bất ngờ” đối với chính Nga lúc họ chưa sẵn sàng đủ để hiện thực hóa tham vọng đế quốc của mình.
Về phía Mỹ và Tây phương, người ta tập trung nhiều nhất vào các phản ứng và những hạn chế trong các phản ứng chống lại Nga. Nói chung, cả Mỹ lẫn châu Âu đều đồng ý với nhau ở một điểm: tất cả đều xem việc Nga cưỡng chiếm Crimea của Ukraine là một điều phi pháp, hơn nữa, một hiểm họa. Hiểm họa ấy không nằm ở bản thân Crimea, thậm chí, ngay cả nước Ukraine. Hiểm họa ấy nằm ở hai điểm chính: Một, việc chiếm Crimea chỉ là bước đầu trong âm mưu xâm lược các nước láng giềng của Nga; và hai, nó tạo ra một tiền lệ xấu trong quan hệ quốc tế: nhân danh một lý do vu vơ nào đó, một nước lớn sử dụng bạo lực để lấn chiếm lãnh thổ của một nước khác nhỏ hơn. Xin lưu ý là từ sau chiến tranh thế giới lần thứ hai, tuy ở Âu châu có nhiều cuộc chiến tranh, nhưng đây là lần đầu tiên có cuộc chiến xâm lược và cưỡng đoạt lãnh thổ của nhau.
Biết đó là hiểm họa, tuy nhiên, phản ứng của Mỹ và châu Âu lại bị hai giới hạn lớn: Một, tất cả đều đang gặp nhiều khó khăn cả về chính trị, quân sự lẫn về kinh tế và nhân tâm, không có ai có thể cứng rắn đủ để đối đầu với Nga một cách quyết liệt; và hai, do xu hướng toàn cầu hóa, hầu như tất cả đều có quan hệ kinh tế chặt chẽ với Nga trên rất nhiều lãnh vực, do đó, ngay biện pháp cấm vận cũng chỉ được thi hành một cách dè dặt.
Có điều, hầu hết các nhà bình luận chính trị đều né tránh một khía cạnh khác của cuộc xâm chiếm Crimea của Nga: các phản ứng của chính quyền Ukraine.
Điều dễ nhận thấy nhất là hầu như chính phủ Ukraine hoàn toàn chấp nhận số phận. Lính Nga tràn ngập vào Crimea, lính Ukraine vẫn án binh bất động. Một số khá lớn không đầu hàng nhưng cũng không kháng cự. Đến lúc Nga tổ chức trưng cầu dân ý để sáp nhập Crimea vào Nga, họ vẫn không kháng cự. Ở các nơi đóng quân, lính Ukraine nếu không rút về nước (?) thì cũng tự động giải tán. Ở Tây phương, hầu như mọi người cũng đều chấp nhận việc Ukraine mất Crimea là một việc đã rồi. Không cách gì chống lại hay đòi lại được. Ở Ukraine, chính phủ mới có lẽ cũng nghĩ như vậy. Họ cũng xem như đã mất hẳn Crimea. Tất cả những nỗ lực của họ là lo giữ những phần đất còn lại.
Nhưng vấn đề là: tại sao họ lại chấp nhận một cách dễ dàng như vậy?
Lý do đầu tiên là tương quan lực lượng.
Nước Nga, về ngân sách dành cho quốc phòng lớn gần 50 lần Ukraine (78 tỉ so với 1.6 tỉ); về quân số, nhiều gấp bốn lần; về xe tăng, gấp hai lần; về chiến đấu cơ, gấp sáu lần. Dĩ nhiên, Nga không thể kéo hết số quân và vũ khí này vào Ukraine. Họ còn phải để quân phòng hờ ở biên giới vùng Bắc Caucasus, vùng biên giới với Trung Quốc và vùng Thái Bình Dương. Nhiều nhất Nga chỉ có thể huy động một quân số gấp đôi Ukraine. Nhưng ở đây lại có vấn đề: Không những quân số đông hơn, lính Nga còn tinh nhuệ hơn và vũ khí cũng tối tân hơn hẳn. Sau cuộc chiến với Georgia, Nga tăng ngân sách quốc phòng lên 30%, chủ yếu để hiện đại hóa quân đội. Trong khi đó, suốt cả mấy chục năm qua, đặc biệt trong mấy năm gần đây, các chính phủ thối nát ở Ukraine chỉ làm mục ruỗng không những quân đội mà còn cả đất nước của họ. Lính đã ít, vũ khí vừa ít vừa lạc hậu, cả quân trang quân dụng cũng thiếu thốn. Nhiều chiếc xe tăng không chạy được vì hết bình điện nên đề máy không nổ. Lính, ngay cả đồng phục, cũng không có. Trong số 41.000 đơn vị quân đội của họ, chỉ có khoảng 6000 là có khả năng chiến đấu.
Dưới đây là bảng so sánh tương quan lực lượng giữa hai bên:
                                                                             

Đó là chưa kể một yếu tố khác: Trong số quân lính của Ukraine, có nhiều người gốc Nga; hầu hết tướng lãnh cao cấp lại được Nga đào tạo thời còn chế độ Xô viết. Liệu những người ấy có sẵn sàng cầm súng đánh nhau với Nga? Sự nghi ngờ này có thể thấy rõ khi quân Nga tràn vào Crimea, một vị tướng hải quân của Ukraine đã nhanh nhảu đầu hàng Nga ngay tức khắc.
Bởi vậy, không có gì lạ khi Ukraine thua và chấp nhận thua một cách dễ dàng ở Crimea. Điều duy nhất nhiều người làm được là giữ được tinh thần: ngay cả khi lính Nga đến chiếm đồn trại của họ, dù không phản công, họ vẫn nghiêm trang cầm quốc kỳ và hát quốc gia.
Lý do thứ hai là vì chính trị. Quốc Hội Ukraine thông qua nghị quyết truất phế Tổng thống Viktor Yanukovych ngày 22 tháng 2. Hơn một tuần sau, quân Nga tràn qua biên giới vào lấn chiếm Crimea. Ukraine, lúc ấy chỉ có chính phủ tạm thời, lại mới cầm quyền, còn ngơ ngác và bối rối đủ chuyện, không thể đề ra một chiến lược hay chiến thuật nào có thể thực hiện được.
Lý do thứ ba, quan trọng nhất, vì giới cầm quyền Ukraine thiển cận và bất cẩn. Khi Liên bang Xô viết tan rã vào năm 1991, trên đất Ukraine có hơn 1200 đầu đạn hạt nhân và trên 2500 vũ khí hạt nhân chiến thuật. Năm 1994, Mỹ, Anh và Nga thuyết phục Ukraine bỏ hết các thứ vũ khí ấy, bù lại, họ hứa hẹn sẽ hạn chế việc sử dụng vũ lực hoặc kinh tế để đe dọa Ukraine. Tin tưởng vào những lời hứa hẹn ấy, Ukraine rất ỷ y: Họ cắt giảm quân số, ngưng việc mua sắm vũ khí và hoàn toàn chễnh mãng trong việc tập luyện binh sĩ.
Đó là chưa kể phần lớn những người cầm quyền đều chỉ chăm chăm lo vơ vét tài sản quốc gia hầu làm giàu cho bản thân. Thấy rõ nhất điều này là qua số tài sản của Yanukovych sau khi ông chạy trốn: nhà ông ở không khác gì cung điện của vua chúa ngày xưa. Cũng sơn son thếp vàng. Cũng có cả sở thú riêng. Trong một đất nước còn khá nghèo mà đời sống của giới lãnh đạo vương giả đến độ như vậy thì còn tiền bạc đâu lo chuyện quốc phòng?
Tất cả những sự ích kỷ và bất cẩn như vậy đều xuất phát từ tầm nhìn thiển cận về địa chính trị.
Một số học giả về chính trị học nhấn mạnh: Một, tất cả chính trị đều là địa chính trị (geopolitics); và hai, tất cả các chiến lược đều là địa chiến lược (geostrategy). Không có quốc gia nào có thể thoát được các điều kiện tự nhiên vốn là điều kiện cho sự tồn tại của mình trên mặt đất. Mỗi địa lý có những ưu và khuyết điểm riêng. Nhưng dù ưu hay là khuyết, các yếu tố căn bản liên quan đến địa lý cần phải được lưu tâm trong mọi hoạch định chiến lược lâu dài của quốc gia.
Giới lãnh đạo Ukraine dường như quên hẳn những bài học căn bản ấy.
Với diện tích trên 600.000 cây số vuông (gần gấp đôi Việt Nam), Ukraine giáp giới, về phía nam, với Hắc Hải; phía đông nam, với Biển Azov; về phía tây nam, với Romania và Maldova; về phía tây, với Ba Lan, Slovakia và Hungary; về phía tây bắc, với Belarus; và đặc biệt, về phía đông và đông bắc, với Nga.
Hiện nay, cả Ba Lan, Skovalia, Hungary và Romania đều thuộc khối Liên Hiệp Âu châu cho nên có thể nói, Ukraine là vùng trái độn giữa châu Âu và Nga. Bất cứ âm mưu phát triển của bên nào cũng đều trở thành một đe dọa cho Ukraine: đó sẽ là bãi chiến trường để hai bên đối đầu nhau.
Mà chuyện ấy đã xảy ra từ lâu. Trong thế chiến thứ nhất, Ukraine từng bị xâu xé giữa hai thế lực: phe trục (chủ yếu là Áo) và phe đồng minh (gồm Anh, Pháp và Nga). Khi cuộc cách mạng vô sản bùng nổ ở Nga, Ukraine cũng bị xâu xé làm hai: một bên theo Nga và một bên theo Áo-Hung. Năm 1919, chấm dứt nội chiến, Ukraine lại bị xẻ làm hai: phía tây theo Ba Lan và phía đông theo Nga. Khi Liên bang Xô viết được thành lập vào năm 1922, Ukraine cũng bị xẻ làm hai: phía đông Galicia thuộc Ba Lan, còn lại thuộc về Liên Xô. Trong đệ nhị thế chiến, Ukraine cũng trở thành bãi chiến trường chính của Liên Xô và Đức quốc xã: chỉ riêng tại trận địa Kiev (thủ đô của Ukraine) đã có 600.000 lính Nga bị giết chết hoặc bị bắt (chiếm một phần tư quân số của Liên Xô ở mặt trận phía tây). Trong cả hai cuộc thế chiến, lần nào dân Ukraine cũng chết nhiều. Riêng trong đệ nhị thế chiến, người ta ước tính có khoảng từ 5 đến 8 triệu người Ukraine bị giết chết. Chỉ giới hạn trong quân đội, trong số khoảng 8.7 triệu người lính Xô viết bị tử vong, có khoảng 1.4 triệu là người Ukraine.
Không có gì lạ khi sau thời chiến tranh lạnh, Ukraine lại trở thành nơi tranh chấp giữa Tây phương và Nga. Nhằm mục đích phát triển sức mạnh, nhân tiện, bao vây Nga, Liên hiệp Âu châu phát triển mạnh mẽ về hướng đông. Ukraine trở thành địa điểm cuối cùng của đà phát triển ấy. Trước viễn cảnh ấy, dĩ nhiên Nga không thể không lo lắng. Để tránh bị bao vây, Nga chỉ còn một cách duy nhất: hoặc chiếm hoặc ngăn chận Ukraine lọt vào tay Liên hiệp Âu châu.
Việc Putin xua lính Nga qua chiếm Crimea và không chừng, một số vùng phía đông Ukraine, là một một chuyện dường như tất yếu. Không sớm thì muộn nó cũng sẽ xảy ra. Lý do dễ hiểu: vì vị trí của Ukraine. Nghĩa là vì địa chính trị. Trong cái vị trí trái độn ấy, điều bất hạnh khác của Ukraine: Nga cần Ukraine hơn là Mỹ và Tây phương cần Ukraine.
Cả bài này, tôi viết về Ukraine, nhưng thật ra, trong đầu, tôi chỉ nghĩ đến Việt Nam. Về phương diện địa chính trị, giữa hai nước có rất nhiều điểm giống nhau, phải không?
NguyễnHưngQuốc
(Bài viết thể hiện văn phong và quan điểm riêng của tác giả)


Ngoại cảm là ngụy khoa học


 Mặc dù các trung tâm tìm mộ bằng cách áp vong gây nhiều hệ lụy trong việc quản lý, nhưng chính quyền một số địa phương cho rằng đó là các hoạt động tâm linh nên không thể cấm. Theo TS Đỗ Kiên Cường, đó là một nhầm lẫn rất đáng tiếc về nội hàm của thuật ngữ tâm linh. Chúng tôi đã có cuộc trao đổi với nhà khoa học kiên quyết bác bỏ cái gọi là “ngoại cảm tìm mộ”này, mời bạn đọc theo dõi.

Ông là người nổi tiếng với quan điểm xem tất cả “ngoại cảm tìm mộ” đều là lừa đảo và cần cấm giới ngoại cảm hành nghề. Ông có thể nói rõ hơn về hai quan điểm đó không?
Tôi xin khẳng định lại, “ngoại cảm tìm mộ” là cách nói sai, do không hiểu đúng về ngoại cảm. Ngoại cảm là giác quan thứ sáu, còn khi đi tìm mộ, người ta dùng cả năm giác quan, sao lại gọi là “nhà ngoại cảm”? Đề nghị cấm hành nghề ngoại cảm thì xuất phát từ thực tế, ngoại cảm là hiện tượng gây tranh cãi, chứ không phải là một nghề như các nghề nghiệp khác trong xã hội.
P.T. Bích Hằng (ảnh: Google Search)

Nguyên nhân nào dẫn ông tới các quan điểm gây nhiều tranh cãi đó?
Năm 1998, do quá ấn tượng trước thông tin trên các phương tiện truyền thông về khả năng của “nhà ngoại cảm” Nguyễn Văn Liên, tôi từng viết một bài dài đăng trên An ninh thế giới để giải thích khả năng “siêu phàm” đó bằng khoa học hiện đại. Tuy nhiên khi đọc nội dung cụ thể của bản tổng kết, tôi hoàn toàn thất vọng. Từ đó tôi trở thành kẻ thù của giới ngoại cảm Việt Nam.
Tại sao ông thất vọng?
Các nhà nghiên cứu nước ta hoàn toàn không hiểu ngoại cảm là gì, nên dùng phương pháp thử nghiệm tại hiện trường (field test) để đánh giá. Trong các thử nghiệm “thấy sao ghi vậy” kiểu này, tỷ lệ thành công của giới “ngoại cảm” khá cao. Tuy nhiên khi loại bỏ các ám hiệu thị giác (do ngoại cảm là giác quan thứ sáu, nên để đánh giá nó, cần loại bỏ vai trò của năm giác quan quen thuộc), tỷ lệ của ngoại cảm chỉ ngang với đoán mò. Đó là kết luận của Ủy ban điều tra khoa học các tuyên bố về hiện tượng dị thường, viết tắt theo tiếng Anh là CSICOP, được thành lập tại Mỹ năm 1976 để ngăn chặn cơn triều dâng của các hiện tượng mê tín mới (như ngoại cảm và các hiện tượng tương tự). Sáng lập CSICOP là những nhà khoa học và tư tưởng lừng danh thế giới, như Crick (giải Nobel vì cấu trúc ADN) hoặc Capitxa (nhà vật lý Nga đoạt giải Nobel).
Cho dù nổi tiếng, nhưng họ cũng có thể mắc sai lầm, thưa ông?
Đúng vậy, khoa học không căn cứ vào mức độ nổi tiếng của các tổ chức khoa học hoặc các nhà khoa học, mà chỉ quan tâm tới bằng chứng khách quan mà thôi. CSICOP là một trong nhiều tổ chức cố gắng đi tìm bằng chứng của ngoại cảm nhưng tất cả đều thất bại. Do đó Bách khoa thư Wikipedia trên mạng viết: “Cộng đồng khoa học bác bỏ ngoại cảm do thiếu bằng chứng, thiếu lý thuyết giải thích, thiếu kỹ thuật thử nghiệm có thể cung cấp bằng chứng xác đáng và xem ngoại cảm là ngụy khoa học”.
Như vậy theo ông các tổ chức ủng hộ và lăng xê ngoại cảm nước ta cũng là ngụy khoa học?
Theo quan điểm của các tổ chức uy tín như Viện hàn lâm khoa học quốc gia Mỹ (96% thành viên nghi ngờ, chỉ 4% tin ngoại cảm) hoặc Hội đồng khoa học quốc gia Mỹ thì đúng như vậy. Ông Nguyễn Phúc Giác Hải, Viện phó Viện nghiên cứu và ứng dụng tiềm năng con người, người mở miệng là nói về linh hồn và nhập vong, hoặc ông Vũ Thế Khanh, Tổng Giám đốc Liên hiệp khoa học công nghệ tin học ứng dụng, người không biết ngoại cảm là gì nhưng rất hăng hái nghiên cứu và lăng xê giới ngoại cảm; mới đây lại nói lập mộ giả không phải là lừa đảo vì “liệt sỹ bảo thế”(!), chính là những điển hình cho sự ngụy khoa học trong nghiên cứu ngoại cảm tại nước ta.
Ngày 06/11/2013, tại một hội thảo về ngoại cảm, khi Viện trưởng Viện pháp y quân đội chứng minh hài cốt tướng Kiên do “nhà ngoại cảm” P.T.B.H. chỉ dẫn tìm kiếm chỉ là răng lợn, ông bị mời xuống. Sau đó một cựu tù Phú Quốc chỉ thẳng vào mặt ông và “hằm hằm nói những lời chỉ trích”. Ông nhận xét gì về sự kiện đó?
Theo tôi đó là sự vụ nghiêm trọng, khi niềm tin của một cá nhân thiếu hiểu biết lại ngang nhiên sỉ nhục các bằng chứng khoa học. Tuy nhiên tôi không hề ngạc nhiên khi sự phản khoa học đó xảy ra ở Viện nghiên cứu và ứng dụng tiềm năng con người.
ảnh: Google Search
Trên một trang báo mạng, vị Giáo sư Viện sĩ, Viện trưởng Viện nghiên cứu và ứng dụng tiềm năng con người cho rằng “ai nói Viện chúng tôi phản khoa học thì đến hỏi người ký quyết định thành lập”. Ông có nhận định gì về ý kiến đó?
Thời gian qua, có hai nhận định đáng chú ý về viện nghiên cứu này. Một của nhà toán học nổi tiếng thế giới, Giáo sư Ngô Bảo Châu, khi ông viết trên trang facebook cá nhân ngày 28/10/2013 rằng, đó là cơ sở đi ngược với “ý chí phủ nhận mê tín” của khoa học. Một của cá nhân tôi, khi tôi khẳng định đó là một cơ sở phản khoa học hơn là khoa học.
Mê tín và phản khoa học là những lời kết án không thể nặng nề hơn đối với một tổ chức khoa học. Vậy mà ông viện trưởng không hề đưa ra một phản bác cụ thể nào mà chỉ đề nghị những ai kết án nên đi gặp người ký quyết định thành lập viện. Điều đó cho thấy có lẽ viện không đủ năng lực nội tại để tự bảo vệ mình.
Riêng tôi, tôi đang cân nhắc việc gửi bản chất vấn tới Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam về việc thành lập một viện nghiên cứu mang đầy hơi hướm mê tín như vậy.
Xin quay trở lại với thuật ngữ tâm linh. Ông cho rằng thuật ngữ này đang được dùng không chính xác?
Đúng vậy, chúng ta đang lạm dụng thuật ngữ khá nhạy cảm này. Nhà thơ Trần Đăng Khoa từng nói với tôi rằng, bây giờ người ta mở miệng là nói đến tâm linh; và tôi tiếp lời, nhưng nếu hỏi tâm linh là gì thì có lẽ người nói không trả lời được!
Vậy tâm linh là gì, thưa ông?
Theo Từ điển tiếng Việt, do Hoàng Phê chủ biên, tâm linh có hai nghĩa: tiên tri và tinh thần (ít dùng). Còn theo Từ điển Hán Việt của Đào Duy Anh, tâm linh là trí tuệ tự có bên trong lòng người. Có thể do nghĩa đầu tiên trong từ điển tiếng Việt (tiên tri) mà tâm linh được dùng theo nghĩa các hiện tượng dị thường.
Tâm linh cũng được dùng theo nghĩa tín ngưỡng, có thể do các thuật ngữ tiếng Anh spiritism (thông linh luận) hoặc spiritualism (duy linh luận), một quan niệm xem hồn người chết có thể liên lạc với người sống qua giới đồng cốt. Về mặt khoa học, đó là giả thuyết cần bác bỏ.
Phải chăng do vậy mà nhiều bạn đọc phản đối quan điểm ngoại cảm và tâm linh không có thật của ông?
Đúng vậy, khi tôi viết ngoại cảm và tâm linh không được xem là có thật, nhiều bạn đọc phản đối, vì cho rằng tôi bác bỏ tín ngưỡng. Đó là sự hiểu lầm. Khoa học chỉ bác bỏ ngoại cảm hoặc áp vong, chứ không bác bỏ tín ngưỡng.
Do đó, để thuận tiện cho việc quản lý xã hội, theo tôi nên dùng các thuật ngữ “các hoạt động tín ngưỡng” hoặc “đời sống tín ngưỡng” thay cho “các hoạt động tâm linh” hoặc “đời sống tâm linh”. Khi đó chính quyền các cấp có thể dẹp các trung tâm tìm mộ bằng áp vong mà không sợ ảnh hưởng tới đời sống tín ngưỡng của nhân dân.
Thời gian qua, tuy giới ngoại cảm bị công kích khá mạnh mẽ, những vẫn có không ít sự ủng hộ dành cho “huyền thoại ngoại cảm” Phan Thị Bích Hằng. Ông đánh giá như thế nào về việc này?
Trên tờ Hôn nhân và Pháp luật, tôi đã từng viết loạt bài vạch mặt “nhà ngoại cảm” này. Bà ta chỉ trở thành huyền thoại do những nghiên cứu phi chuẩn của mấy cơ sở ngụy khoa học mà thôi. Với tôi, đó là một kẻ lừa đảo hoặc bị tâm thần (khi tuyên bố mỗi tối nói chuyện với 4-5 vong hồn). Ngoài ra bà ta còn là kẻ báng bổ giáo lý Phật giáo, khi nhập hồn Quang Trung tại chính đại lễ cầu siêu do nhà Phật tổ chức (xin lưu ý Phật giáo không công nhận đấng sáng tạo tối cao và linh hồn bất tử).
Vậy để tăng cường sự quản lý nhà nước, theo ông chúng ta nên làm gì?
Xin nhắc lại nguyên văn đề nghị của tôi đã được đăng trên tờ Thể thao & Văn hóa ngày 02/11/2007: “Theo tôi, về mặt tư tưởng, nên đề cao chủ nghĩa duy vật và phương pháp biện chứng. Về mặt khoa học, nên đẩy mạnh tư duy phê phán và nghi ngờ. Về mặt xã hội, nên tuyên truyền sâu rộng về tác hại của “ngoại cảm tìm mộ” để người dân có thể tự bảo vệ mình. Các hoạt động đó cần được thực hiện một cách đồng bộ, cương quyết, khôn khéo và lâu dài. Sự mê tín mới không dễ đầu hàng đâu!”. Nếu thực hiện đúng những khuyến cáo đó từ sáu năm trước, làm gì có những chuyện bi hài như VTV và báo chí đã phản ảnh trong thời gian qua.
Xin cảm ơn ông.
Quất Lâm (Tổng Hợp)

( Theo Nguyenthiennhan.net)

7/4/14

 Chết dưới tay Trung Quốc (hay thư cho TS Lê Minh Thịnh)


                                                                                                                 Nguyễn Duy Vinh

Thịnh thân mến,
Tôi phải xin phép Thịnh [1] ngay cho tôi được mượn tựa đề quyển sách do Thịnh chủ trương phiên dịch vừa được in ra gần đây để tôi được nói về một cái chết khác dưới tay Trung Quốc. Xin nói ngay với các độc giả là tôi sắp nói về cái chết dần mòn gây ra bởi sự đốt than khí vô trách nhiệm rất trầm trọng của Trung Quốc, một sự đốt than đã đưa nước này vào danh sách của 7 nước có tội gây ô nhiễm không khí lớn nhất đối với quả đất thân yêu của nhân loại.
hình: Google Search
Trước khi đi vào thống kê của 7 nước vừa nói đến, chúng ta, dân Việt Nam trong nước, sẽ lãnh đủ vì hai lý do: 1. chúng ta nằm sát nách Trung Quốc và không khí (ô nhiễm) khi có gió thuận muốn bay sang nước ta, “chúng nó” sẽ không cần hộ chiếu hay thông hành gì cả, 2. việc đốt than để phát điện tại TQ có liên hệ trực tiếp đến sự vận hành của nền kinh tế, công nghệ, thương mại cũng như các doanh nghiệp tại Việt Nam.
Trước tiên xin các bạn đọc lại bài viết của tôi trên boxitvn [2] để biết tại sao quả đất đang bị hâm nóng. Sau khi hiểu được nguyên tắc vật lý của sự hâm nóng này, tôi mời quý vị đọc bài báo vừa được đăng trên mạng sáng nay của đại học Concordia. Một nghiên cứu có phẩm chất cao của Giáo Sư TS Damon Matthews của đại học Concordia đăng hôm 15 tháng 01 năm 2014 [3] đưa ra những kết luận mới cho thấy hai nước Trung Quốc và Hoa Kỳ đứng đầu 7 nước sản xuất 60% của tổng số thán chất CO2 gây ra sự hâm nóng quả đất.
Giáo Sư Matthews đã “lên án” thẳng thắn hai nước Mỹ và Trung Quốc [4] đứng đầu danh sách 7 nước này (gồm có Mỹ, Trung Quốc, Nga, Brazil, Ấn Độ, Đức, và Anh Quốc). Riêng đại cường quốc kinh tế đứng đầu thế giới là nước Mỹ lãnh trách nhiệm trong việc làm tăng nhiệt độ trung bình của quả đất tới 0.15 độ Celsius (xin đọc bài số [2] để hiểu rõ về nhiệt độ trung bình này). Trông thì ít đấy (0.15 độ C) nhưng con số này đại diện cho 20% của tổng số các chất gây ra sự hâm nóng toàn cầu.
Sau đó đến Trung Quốc. Với tổng số than khí CO2 đưa vào bầu khí quyển vì sự đốt than để phát điện khắp nơi trên nước này (cũng là cường quốc kinh tế đứng thứ nhì trên thế giới sau Mỹ), sự đốt than ở Trung Quốc chiếm 70% của tổng số nhiên liệu được chế tạo từ những nguồn khác nhau (như thủy điện, nhà máy dùng hạt nhân v.v…) tại Trung Quốc. Kết quả của nghiên cứu mới của đại học Concordia cho thấy trách nhiệm của Trung Quốc trong việc hâm nóng toàn cầu lên đến 8% và con số này xấp xỉ ngang với tỉ lệ đóng góp của nước Nga. Nhìn vào danh sách 7 nước, chúng ta có thể ngạc nhiên tại sao những nước như BrazilIndonesia (hạng 9), có nền kinh tế còn yếu, mà lại có sự phá phách quả đất trầm trọng như thế. Giáo Sư Matthews và nhóm của ông quy “tội phá phách” này vào sự khai khẩn đất rừng và sự lấy cây cũng như đốt cây trầm trọng trong các khu rừng rậm rạp nổi tiếng như rừng Amazonie và rừng Indonesia (rừng ở Indonesia được coi như nằm trong cái gọi là lá phổi thứ ba của quả đất sau Brazil và các rừng ở Phi Châu). Riêng Canada xứ của bạn Thịnh hiện nay đứng hạng 10 trong danh sách “phá phách quả đất” trầm trọng này.
Vấn đề rất khẩn cấp. Các nước đứng đầu bảng có trách nhiệm rất lớn đối với an sinh của nhân loại. Dĩ nhiên là nếu chúng ta bớt tiêu thụ đi và tiêu thụ có ý thức hơn sẽ giúp cho quả đất rất nhiều (xin xem phần cha ăn mặn con khát nước trong bài [2]). Bớt tiêu thụ những sản phẩm của Trung Quốc cũng là một cách. Bớt mua xe cam nhông và xe gắn máy 2 bánh của Trung Quốc cũng sẽ làm giảm việc sản xuất than khí CO2 tại Trung Quốc.
Trung Quốc mà chết thì chúng ta sẽ ngất ngư vì nhiếu lý do. Trước tiên Trung Quốc sẽ vùng lên đi tìm những nguồn nhiên liệu mới tại các nước láng giềng (chẳng hạn như chiếm các đảo ngoài khơi ở biển Đông, hoặc đem quân sang nắm giữ Miến Điện để lấy nhiên liệu của xứ này…). Thứ hai nếu TQ chết thì bao nhiêu dự án của TQ ở Việt Nam sẽ tan tành và kinh tế Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng có thể đưa đến kiệt quệ. Và túng quá TQ có thể làm liều và xua quân sang chiếm Việt Nam như Nga đang làm ở Ukraine.
Nhưng hậu quả xa xôi nhất sẽ là sự dâng nước ngày càng cao của mực nước biển. Tưởng tượng chỉ 50 năm nữa thôi, nước biển có thể dâng cao lên đến từ 0.3 đến 1.0 thước, thậm chí có nhiều nhà nghiên cứu tuyên bố nước biển sẽ lên cao đến 1.5 thước. Vùng đồng bằng sông Cửu Long (như tôi đã nói đến trong bài [2]) sẽ bị xóa lấp với nước biển mênh mông bắt đầu vào năm 2060 một cách rất tiệm tiến (và cũng có thể sẽ rất đột xuất)…
Chúng ta cần nhiều nghiên cứu khoa học hơn về đề tài này. Việc tiếp tục đốt than và tiêu thụ sản xuất CO2 trên thế giới có khả năng làm tan hết những tẳng băng lớn ở Bắc và Nam Cực là chuyện chúng ta sẽ không tránh khỏi.
Những căn nhà đẹp của các đại gia Việt Nam xây ở vùng đồng bằng sông Cửu Long sẽ mất giá trong tương lai gần. Nhà của Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng ở miền Nam cũng sẽ không thoát khỏi thảm kịch thiên nhiên này.
Trung Quốc nếu khôn ngoan sẽ không coi thường những nước láng giềng. Chỉ có một sự cộng tác lương thiện và công bằng với các nước của ASEAN may ra mới đưa đến những giải pháp ôn hòa và có hiệu quả. Hiện nay các nước láng giềng của TQ đang bị kẹt cứng trong vấn đề ổn định kinh tế. Ai cũng chỉ mong làm giàu. Làm giàu vô tội vạ và vô trách nhiệm. Nạn tham nhũng lan tràn khắp các nước trong khối ASEAN. Từ Phi Luật Tân cho đến Indonesia, qua Việt Nam và Campuchia, không nước nào tránh khỏi nạn tham nhũng trầm trọng đang hoành hành.
Đảng Cộng Sản Việt Nam có trách nhiệm phải lên tiếng với đàn anh Trung Cộng về những khám phá khoa học mới của đại học Concordia. Các nhà lãnh đạo của Đảng và các trí thức kỹ thuật gia trong nước phải ngồi lại với nhau và tìm một cách giải quyết vấn đề phát triển kinh tế Việt Nam sao cho phù hợp với sự tôn trọng môi sinh của quả đất cũng như sự lo lắng cho vấn đề an sinh và sức khỏe của toàn dân.
Tương lai quá ư mù mịt vì các vị lãnh đạo VN hiện nay không có thì giờ và tâm huyết cho vấn đề này vì họ có nhiều vấn đề khác trầm trọng hơn phải giải quyết. Đó là chưa nói đến sự bất tài của các nhà lãnh đạo VN, mà họ lại ngoan cố không chịu thay đổi theo trào lưu tiến hóa của nhân loại. Thêm vào đó họ lại đang thần phục và quỵ lụy nước Tàu một cách vô cùng khó hiểu.
Thịnh ơi, thật nghĩ cho cùng, với tình cảnh hiện nay trong nước, trước sau chúng ta cũng sẽ chết về tay Trung Quốc. Hay nói như thi sĩ Nguyễn Bính: chỉ có Trời kíu (cứu) (we are doomed).
Nguyễn Duy Vinh (viết từ Phi Châu xa xôi đầu mùa xuân 2014)

Tài liệu tham khảo:

[1] Chết về tay Trung Quốc, quyển sách vừa do TS Lê Minh Thịnh chủ trương phiên dịch và ấn tống