20/4/14


  Đừng để thêm những cái chết vô tội

                                                                    Bs. Trần  Văn Phúc


Năm 1988, tiến sĩ Andrew Wakefield cùng đồng nghiệp đã xuất bản trên tạp chí Lencet một bài báo cho rằng vắc xin phòng bệnh sởi có khả năng gây ra rối loạn phát triển ở trẻ, mà hậu quả cuối cùng là chứng tự kỷ. Năm 2002, Wakefield tiếp tục cho đăng bài báo thứ hai khẳng định mối quan hệ nhân quả giữa vắc xin sởi và bệnh tự kỷ.
Các nhà khoa học hàng đầu thế giới đã nhanh chóng tập trung nghiên cứu, hơn một nghìn công trình khoa học quan trọng được đăng tải đều bác bỏ những quan điểm trong 2 bài báo của Wakefield. Vậy nhưng không ít bậc cha mẹ sợ hãi vắc xin phòng sởi và đã quyết định không cho con tiêm chủng. Khắp nước Anh, tỷ lệ trẻ được tiêm phòng sởi giảm đột ngột, trong khi trẻ mắc bệnh sởi tăng lên đột biến.
Dịch sởi bùng phát ở nước Anh từ năm 2004, đỉnh điểm của dịch là năm 2012 đã đe dọa tính mạng hàng nghìn trẻ em, đó là cái giá quá đắt phải trả cho việc truyền thông sai sự thật. Ai sẽ là người chịu trách nhiệm về sự sợ hãi vắc xin phòng sởi của người dân? Đương nhiên là tiến sĩ Andrew Wakefield, người đã vi phạm nhiều nguyên tắc và đạo đức trong nghiên cứu y khoa để cho ra đời 2 bài báo.
Câu chuyện của nước Anh thì như vậy, còn của chúng ta thì sao? Tôi nhớ buổi sáng đầu tháng 2, vừa đến bệnh viện giao ban khoa xong thì tôi nhận được điện thoại của bác sĩ trưởng khoa hồi sức cấp cứu nhi mời hội chẩn siêu âm và phim X quang bệnh nhi 2 tuổi bị sởi biến chứng viêm phổi, suy hô hấp rất nặng đang phải thở máy. Sau khi hội chẩn, tiên lượng cháu bé tử vong, nhìn thấy bệnh nhân đang chết dần dưới tay mình, chắc chắn không một bác sĩ nào tránh khỏi tâm trạng đau buồn.
Và chúng tôi biết bệnh sởi đã bắt đầu bùng phát, diễn biến rất phức tạp.
Buổi sáng giao ban toàn viện, bao giờ cũng có phần báo cáo tình hình bệnh nhân sởi và được coi là báo cáo quan trọng hàng đầu. Những giường bệnh dành riêng cho sởi đã quá tải, có khi 4 – 5 cháu phải nằm chung một giường, số bệnh nhân nặng do sởi biến chứng ngày nào cũng có. Bệnh nhân đông đến mức tràn ra cả hành lang, các bác sĩ trực xong vẫn phải ở lại làm việc mà không dám nghỉ bù.
Mấy tháng trời nhân viên y tế mệt mỏi với bệnh nhân sởi ngày một đông, điều đó khẳng định ngành y không hề lơ là với dịch bệnh. Nhưng câu hỏi đặt ra: vậy đâu là nguyên nhân làm cho bệnh sởi bùng phát?
Hãy nhớ lại vụ tiêm chủng vắc xin viêm gan B cho 3 cháu bé sơ sinh bị tử vong ở Quảng Trị, khi đó truyền thông vào cuộc. Một số bài báo đã thổi bùng lên ngọn lửa dư luậnhậu quả là nhiều người dân sợ hãi tiêm vắc xin, coi vắc xin như thuốc độc giết người.
Bản thân tôi là một bác sĩ, vậy mà nhiều bạn bè gọi điện nói là không dám cho con tiêm vắc xin, tôi dùng mọi cách khuyên bảo nhưng vẫn không ăn thua. Tiêm chủng có thể xảy ra một vài biến chứng, thậm chí có thể chết người vì tai biến nhưng đó là những tai biến hy hữu. Ngược lại, không được tiêm chủng hoặc tiêm không đến nơi đến chốn thì có thể hủy diệt cả cộng đồng, 108 trẻ chết vì sởi là cảnh báo một thảm họa hoàn toàn có thật.
Trước khi xảy ra vụ việc 3 cháu bé bị tử vong khi tiêm vắc xin viêm gan B, công tác tiêm chủng mở rộng ở các địa phương làm rất tốt, tỷ lệ 100% trẻ được tiêm chủng đầy đủ là có thực ở hầu hết các cơ sở. Và trẻ mắc bệnh sởi thì cực kỳ hiếm, chỉ mang tính cá biệt và cũng không lây lan trên diện rộng như hiện nay.
Sau vụ tiêm chủng 3 cháu bé bị tử vong, nhiều người chọn cách không cho con tiêm chủng. Bệnh sởi bùng phát hôm nay với 108 cháu bé tử vong cũng là một hệ quả tất yếu.
Chúng ta hãy lấy bài học từ nước Mỹ, cô siêu mẫu, diễn viên, người dẫn chương trình nổi tiếng Jenny McCarthy không may có con trai được phát hiện mắc chứng bệnh tự kỉ năm 2005. Jenny cho rằng, chính vắc xin sởi là nguyên nhân gây bệnh, nên năm 2007 cô đã phát động chiến dịch tẩy chay tiêm vắc xin sởi. Nhiều bậc phụ huynh đã nghe theo Jenny mà không cho con đi tiêm phòng, hậu quả là dịch sởi bùng phát ở Mỹ năm 2010 và tăng gấp 3 lần vào năm 2013 với 1.336 trẻ tử vong trong tổng số 128.044 ca mắc bệnh. Thông cảm với nỗi đau của Jenny về đứa con bệnh tật, thông cảm với chiến dịch của Jenny cũng chỉ vì mục đích nhân đạo, nhưng sự thiếu hiểu biết và cực đoan của cô thì rất khó thông cảm vì đã để lại hậu quả khôn lường. Cũng may là Jenny McCarthy đã tỉnh lại, kịp thời thừa nhận và đính chính những sai lầm mà cô đã gây ra.
Đã có lúc người ta mơ đến một thế giới không có bệnh sởi, nhưng sự thật thì dịch sởi đang quay trở lại sau nhiều năm được khống chế một cách hiệu quả nhờ biện pháp tiêm phòng vắc xin. Vậy ai là người phải chịu trách nhiệm này? Là tiến sĩ y khoa Andrew Wakefield, là diễn viên Jenny McCarthy, là truyền thông Anh, truyền thông Mỹ, truyền thông Việt, hay chính ngành y tế thế giới mà trong đó có Việt Nam?
Sẽ chẳng có ai phải chịu bất cứ một trách nhiệm pháp lý nào, nhưng cái chết của những đứa trẻ vô tội vì bệnh sởi là lời khép tội lớn nhất dành cho tất cả những ai vô trách nhiệm.
Trần Văn Phúc


 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét