28/10/13

Nguyễn Vạn Phú - Một số thủ thuật dùng Google khi tìm kiếm thông tin


Nguyễn Vạn Phú
Mấy cuốn tự điển Anh-Việt, Việt-Anh hiện nay xem như lạc hậu so với thời cuộc chừng 20 năm. Mỗi khi cần tìm những từ mới, không thể nào tìm ra trong các cuốn tự điển này.
Ở đây xin chia sẻ một kinh nghiệm tìm từ tiếng Việt hay tiếng Anh bằng Internet. Đơn giản là gõ từ hay cụm từ muốn dịch vào ô tìm kiếm, tốt nhất là trong ngoặc kép, xong rồi gõ thêm một hai từ liên quan bằng ngôn ngữ muốn dịch.
Ví dụ cụ thể cho rõ. Ví dụ các bạn muốn dịch cụm từ “công đoàn cơ sở” qua tiếng Anh, hãy gõ cụm từ này vào ô search của Google, rồi gõ thêm trade union. Ngay ở kết quả đầu tiên có thể thấy “công đoàn cơ sở” (grassroots trade union).
Ngược lại, ví dụ các bạn muốn dịch từ “procurement” sang tiếng Việt cho chính xác (tức là dùng đúng từ mà các văn bản chính thức đang dùng), bạn gõ từ này vô rồi gõ thêm từ mua hay đấu thầu hay bất kỳ từ gì tiếng Việt cũng được (càng liên quan đến procurement càng tốt). Ở kết quả thứ ba hay thứ tư gì đó, sẽ thấy “mua sắm công” hay “mua sắm chính phủ” (thậm chí còn biết thêm vì sao có sự thay đổi không dùng từ đấu thầu mà nay dùng mua sắm công nữa).
Dĩ nhiên ở đây phải dùng sự phán đoán, chọn trang web của tổ chức nào càng chính thức càng tốt, tài liệu nào càng nghiêm túc thì càng dễ tin tưởng. Và kết quả này chỉ là kết quả ban đầu – cần làm động tác kiểm tra ngược để kiểm chứng.
Cái này đặc biệt hữu ích khi dịch tên các tổ chức từ Việt sang Anh hay từ Anh sang Việt. Ví dụ “Cục Kiểm soát hoạt động khoáng sản” tìm theo cách gõ cụm từ này thêm mineral sẽ ra tên do chính cục này dịch là “Department for Control of Mineral Activities”.
* * *
Nói tiếp chuyện thủ thuật tin học. Giả dụ bây giờ các bạn muốn tìm thông tin về vị luật sư nổi tiếng Nguyễn Mạnh Tường, gõ cụm từ này vào Google, bạn sẽ thấy choáng váng vì ngoại trừ hai kết quả đầu, hàng chục ngàn kết quả tiếp theo là về tay bác sĩ khét tiếng đang ồn ào trên báo chí trong suốt mấy ngày qua. Giờ làm sao?
Nhìn dưới ô search, sẽ thấy ngay một dòng, có chữ Search tools. Bấm vào đó, ở dòng mới xuất hiện bên dưới, bấm Any time và chọn Custom range. Giả thử chọn bất kỳ thời điểm nào trước tháng này, bạn sẽ loại bỏ được gần hết các kết quả có tay bác sĩ khét tiếng kia.
Bây giờ hãy thực hành: Gõ “Kinh tế nhà nước”, “chủ đạo”, “Hiến pháp” vào ô search, (tạm thời lơ đi, đừng nhìn vào kết quả được cập nhật này); Xong rồi trong Custom range, chọn từ tháng 1-10-2012 đến tháng 1-2-2013. Kết quả có thể làm các bạn bất ngờ, ví dụ vài đoạn:
- "So với bản cũ, dự thảo Hiến pháp đưa ra lấy ý kiến nhân dân có thêm một điểm mới là không quy định kinh tế nhà nước là chủ đạo", Phó Chủ tịch QH Uông Chu Lưu nói.
- Trong quá trình thảo luận tại kỳ họp [Quốc hội], nhiều ĐBQH đề nghị trong nền kinh tế thị trường định hướng XHCN, chúng ta không nên quy định “cứng” trong Hiến pháp tên các thành phần kinh tế… Tiếp thu ý kiến ĐBQH, Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp quy định chung về các thành phần kinh tế tại điều 54 [không hiến định kinh tế nhà nước là chủ đạo].
- Điều mấu chốt mà nhiều đại biểu không nhất trí là dự thảo sửa đổi Hiến pháp vẫn khẳng định kinh tế Nhà nước (KTNN) là chủ đạo, trong khi trong suốt thời gian qua khu vực kinh tế này không làm tốt vai trò dẫn dắt nền kinh tế. Các đại biểu nhấn mạnh cả 4 thành phần kinh tế phải được đặt ở vị trí ngang bằng, bình đẳng.
Nói tóm lại, Internet là kho chứa đủ thứ, nếu chịu khó sục sạo, đối chiếu, so sánh, sẽ thấy quan điểm của một số người, một số cơ quan, thậm chí của quan điểm một số tờ báo thay đổi như chong chóng.

18/10/13

Khoa học xã hội ở ta là thế, làm sao khác được!

                                                                     Vương Trí Nhàn


Như tiêu đề của nó đã nêu rõ, bài viết Vụ Luận văn về Mở Miệng: còn cơ hội nào cho ngành KHXH&NV? (xem mạng bauxite Việt Nam 7-10-13) không chỉ xới lại một hiện tượng nổi cộm thời gian gần đây, mà còn động chạm tới tình trạng của khoa học xã hội ở VN nói chung.
Tại sao lớp trẻ Việt Nam ngao ngán KHXH đang dạy ở nhà trường và những đầu óc ưu tú nhất trong thế hệ các em chối từ đến cùng các ngành sử triết ..?
Tại sao những người cầm chịch KHXH hiện nay không ngớt kêu gào đưa trình độ của ngành lên tầm quốc tế, và càng kêu thì họ càng thấy tuyệt vọng?
Bài viết của Nguyễn Thị Từ Huy, suy cho cùng, có liên quan tới các hiện tượng đó.
Đọc xong bài này tự nhiên trong đầu óc một người như tôi nẩy sinh nhu cầu phải trở lại với các câu hỏi "nguyên thủy", chẳng hạn quá trình hình thành KHXH ở ta là thế nào, thực chất quan niệm của xã hội về những người làm KHXH ở ta ra sao…
Có hiểu những nguyên nhân xa, thì mới lý giải được tình hình trong giới gần đây. Họ là những người như thế, được đào tạo như thế, thì sẽ ứng xử với nhau như thế, làm ra những sản phẩm như thế, có gì là lạ.
Để nghiên cứu về tình hình giới KHXH ở VN, tôi có thói quen mò mẫm vào hậu trường của giới nghiên cứu Liên xô trước đây, để tìm sự tương đồng. Ở Thư viện của Viện thông tin khoa học xã hội 26 Lý Thường Kiệt Hà Nội, tôi bắt gặp một số tài liệu có khả năng gợi mở rất cao, nghĩa là cứ y như họ viết về VN vậy.
Thí dụ như bài viết dưới đây của tác giả N. Kozlova, in trên tạp chí Khoa học xã hội ngày nay (ONS) số 2-1991.
Đọc xong, tôi thấy yên tâm. Khoa học xã hội ở ta là thế, làm sao khác được!
Bài viết sau đây không phải bản dịch đầy đủ mà chỉ là một bản lược thuật, được làm để dùng riêng, nhưng tôi tin là đã truyền đạt chính xác các ý tưởng của tác giả.
CHÍNH HỆ TƯ TƯỞNG HÓA KHOA HỌC ĐÃ LÀM NGHÈO VĂN HÓA
Trong xã hội Xô viết, xuất hiện một tình thế quái đản: “Khoa học giữ chức năng hệ tư tưởng, còn hệ tư tưởng thì khoác cái trang phục của khoa học”.
Vấn đề này có cơ sở xã hội của nó.
Trong chủ nghĩa xã hội, tồn tại một kiểu trí thức. Nhờ đáp ứng được nhu cầu cấp bách của cách mạng, họ đóng một vai trò đáng kể trong quá trình lật đổ cái cũ cũng như xây dựng cái mới.
Trong tiếng Pháp có một danh từ les parvenus de la science – tức là những kẻ mới phất lên trong khoa học.
Đó là những kẻ không có học hành cơ bản, nhưng ham hiểu biết và tin vào tương lai.
Ở họ, lòng ham hiểu biết và ý hướng muốn thay đổi thế giới nhập làm một.
Họ không chỉ quan tâm đến tri thức như là những chân lý vĩnh hằng, mà còn ý thức được sức mạnh tri thức khoa học ngay trong hoàn cảnh hiện tại.
Ham hiểu biết, nhưng do nhạy bén với nhu cầu trước mắt của cách mạng, đồng thời họ đi vào chống tri thức( nhất là các tri thức bậc cao, tri thức trừu tượng), và cũng luôn thể phủ nhận cả giới trí thức.
Đây chính là cách mà họ tìm ra trên con đường lập nghiệp.
Với họ, trí thức thường là một thứ ông lớn nhút nhát, hèn yếu khi gặp nguy hiểm, xa lạ với quẩn chúng, không đáng gọi là người.
Nhận thức này được những người cách mạng nhiệt liệt chào đón.
Những người xuất thân từ nhân dân khi nắm quyến lực cảm thấy trí thức chân chính không đi với họ.
Thế là giai cấp thống trị mới coi những nhà trí thức chân chính ấy là ích kỷ, xấu xa. Đám quý tộc về mặt tinh thần, -- vốn hình thành từ xã hội cũ ,-- bị thù ghét coi như rác rưởi.(1)
Một khoảng trống được mở ra và đám trí thức tự học (2) sẽ tìm cách lấp đầy nó.
Đám trí thức tự học này:
·     Là đám tự đào tạo; là những nhà phát minh không thành đạt, những nhà thơ không ai thừa nhận.
                           
·    Họ là những người không được học đến nơi đến chốn, nhưng lại thừa khát vọng muốn đứng ở hàng đầu.
                           
·    Họ đối xử với kiến thức một cách thực dụng. Thay cho việc đối chiếu hiểu biết của mình với chân lý vĩnh cửu , họ lại thích đối chiếu kiến thức đó với thực tế và xem khả năng ứng dụng của kiến thức là tất cả.
                           
·      Học thích tiếp xúc với đám công chúng ít học – chữ mà ta gọi là quần chúng cơ bản.
                           
·     Họ thích làm lại khoa học – biến trường đại học thành chỗ ai vào cũng được, thành những cuộc mít tinh chính trị công cộng.
Từ đầu thế kỉ XX, ở nước Nga, người ta đã thường bàn về dân chủ hóa khoa học. A. Bogdanov muốn gạt bỏ tôn giáo, xóa bỏ tính trừu tượng ban đầu của nhận thức, vả bằng cách đó làm lại khoa học. Lúc này khoa học trở nên dễ hiểu với quẩn chúng, và tính dễ hiểu được coi như là tiêu chuẩn chủ yếu của khoa học chân chính.
Thế là những nhiệm vụ cơ bản của khoa học bị từ bỏ, quyền tự trị của khoa học bị coi như nhu cầu không thể chấp nhận được, nếu không nói là phi lý và giả tạo.
Người ta hướng khoa học vào việc giáo dục quần chúng, mà trong việc này thì lớp trí thức cũ, nhất là những trí thức hàng đầu, không được việc gì cả.
Từ đây trong xã hội mới, khoa học là vũ khí đấu tranh cách mạng, là phương tiện để tổ chức sản xuất và gắn kết xã hội.
Những ngành khoa học nào không làm được việc đó có thể và cần phải xóa bỏ.
“Chân lý cũng phải đỏ” đó là khẩu hiệu dành cho khoa học mới.
Tư tưởng về sự ưu thắng của hành động so với nhận thức cũng rất phổ biến và được coi là một tiêu chuẩn để đánh giá đâu là thứ khoa học cần thiết và có giá trị.
Tri thức [ được hình thành trong xã hội sau cách mạng] là một thứ tín điều mới. Nhưng đó là một tri thức nửa vời, tri thức bị giản lược.
Quá trình giáo dục cũng bị giản lược.
Quá trình này được hình thành đồng thời với sự quảng canh văn hóa, đưa văn hóa về với đám đông. Và quá trình này sở dĩ được kiên trì theo đuổi đến cùng vì nó được xem như một phương thức đạt tới công bằng xã hội là điều mà cách mạng hứa hẹn và đám đông đòi hỏi – ngoài ra thì họ không cần biết rằng đó là văn hóa thế nào cả.
Việc thanh toán nạn mù chữ có một mục đích cụ thể là đưa mọi người tham gia vào khoa học.
Điều quan trọng nhất là sau quá trình này, người ta thấy ẩn chứa một nguyên tắc lớn là không có chân lý chung chung, chân lý cũng có tính giai cấp, nó cũng được ấn định một cách chủ quan.
Đảng độc quyền chân lý, và đảng không thể đồng ý với kẻ thù bất cứ điều gì, kể cả những chân lý sơ giản.
-----
(1) Riêng ở Việt Nam thì có hiện tượng lợi dụng trí thức cũ để thu hút quần chúng và chỉ khi đám trí thức đó không nghe lời mới vứt bỏ không thương tiếc. Nhưng đó là một việc khác (VTN)
(2) Về sau, đám trí thức mới phất này đã tự phong cho mình đủ thứ danh hiệu -- kể cả giáo sư, tiến sĩ và cả viện sĩ nữa, -- tuy các học hàm học vị này không được nước nào công nhận.(VTN)



9/10/13

Xin đừng tát nước theo mưa!
                                                                                                                  Huy&Nghi

 Người Việt ta có thói, khi một ai đó có tài, có đức, hay có công trạng gì đó với dân với nước, thì lúc họ còn sống, chẳng mấy ai “nói năng” gì; thậm chí khi họ gặp “hoạn nạn”, chẳng thấy ai là người chia sẻ, đôi khi còn xa lánh để khỏi “lây” đến mình.

3/10/13

Người Chó- Chó Người
                                                                Huy&Nghi

  Vài lời thưa gởi: Cách đây mấy hôm, trong bàn café sáng, các anh: Tr, Th, ye…cải nhau “té lửa” chung quanh chuyện “ trộm chó- giết người”(xem tai đây), tôi là người đến sau, nên không biết đầu đuôi thế nào, chỉ loáng thoáng hiểu rằng có 2 phe, một phe ủng hộ người bị mất chó và phe kia phản đối việc giết người. Hết cải anh Tr ra về, với khuôn mặt “buồn xo”, giống như vừa mất một cái gì to tát lắm. Tôi nhìn theo anh, cái dáng liêu xiêu với những bước chân vội vã dưới  chút nắng hao gầy giữa Thu vàng úa, anh đi mà như trốn chạy, tôi biết anh buồn lắm, buồn vì không đủ lý lẻ để chứng minh một điều chân thật. Nay, tôi mạo muội mấy dòng này nhằm chia sẻ một phần nào nỗi niềm của anh, nếu có điều gì thất lễ, mong anh lượng thứ.