Chuyện quanh cái Ruột thừa
Huy&Nghi
Ruột thừa(appendix) hay còn gọi là ruột dư,
ruột tịt; mỗi người một cái, già trẻ lớn bé, ai cũng có cả. Ruột thừa nằm trong
bụng, dài từ 3- 15 cm, hơi giống con giun; nếu chiếu lên da bụng, thì nó tương
ứng với một điểm ở phía ngoài và dưới về phía bên phải của lỗ rốn ( chuyên môn
gọi là điểm Mc Burney); nó “đính” vào ống tiêu hóa ở chỗ cuối ruột non đầu ruột
già; sở dĩ gọi là “thừa” vì nó tuy có “gốc gác” là ruột nhưng lại không tham
gia vào quá trình tiêu hóa thức ăn; tuy nhiên những nghiên cứu sau này cho thấy
nó có vai trò bảo vệ cơ thể với việc tạo ra những kháng thể chống lại vi sinh
vật lạ,
giống như hai cục a-mi-dal ở cổ
họng vậy, do đó, có thể nói hai cơ quan này như hai “trạm kiểm dịch” trên đường
tiêu hóa và nói nó “thừa” cũng hơi bị… oan! Thi thoảng, giới chuyên môn cũng
gặp ruột thừa nằm bên trái do “đảo ngược phủ tạng”, những người này thì có trái
tim nằm bên phải lồng ngực.
(ảnh-internet) |
Ruột thừa rất dễ bị viêm, mà khi đã viêm thì
cho tới nay, chỉ có một chọn lựa duy nhất là Mổ, và không nên để quá
24 tiếng đồng hồ ( Đã có một vài nghiên cứu dùng thuốc để điều trị, nhưng kết quả mơ hồ và
chưa được Y giới chấp thuận).Nếu không được mổ kip thời, ruột thừa tiến triển
theo một trong ba cách sau: hình thành khối viêm cứng chắc (chuyên môn gọi là:
đám quánh); thành ổ mủ (ap-xe); và vỡ
mủ, gây viêm mặt trong thành bụng (chuyên môn gọi là viêm phúc mạc). Ruột thừa vỡ mủ là một tai họa! Trước đây, ở thôn quê, nhất là những “vùng
sâu vùng xa”, cánh tay y học chưa với tới được, kiến thức người dân thì…mù,
những bệnh nhân bị ruột thừa vỡ mủ đều chết hết do nhiễm trùng nhiễm độc, mà
dân gian không biết, gián cho một từ là đau
bụng bão! Ngày nay, ruột thừa vỡ mủ, tuy không đến nỗi chết ( có chết nhưng
ít) do được can thiệp phẫu thuật, nhưng hậu quả của nó để lại thật khôn lường
như: dính ruột, tắc ruột, ổ mủ tồn lưu .v.v., nhiều trường hợp phải mổ đi mổ lại
hai, ba, bốn… lần! Bởi vậy, ruột thừa, đối với một số bác sỹ Phẫu thuật viên có
“tư tưởng” “chém lầm hơn bỏ sót!” nhất là trong những trường hợp khó chẩn đoán.
Do đâu ruột thừa bị viêm? Do tắc nghẽn lòng
ruột thừa(chiếm đa số), tắc nghẽn trực tiếp từ bên trong (thường gặp) như: sỏi
phân,
giun kim, hạt trái cây( ớt, ổi…)…; tắc nghẽn gián tiếp từ bên ngoài “đè”
vào như hạch viêm… và còn một vài nguyên nhân khác (không thuộc phạm vi bài
viết nhỏ này). Trước đây, dân Âu-Mỹ thường bị ruột thừa nhiều hơn dân châu Á,
do chế độ ăn giàu thịt, mỡ, ít chất xơ, làm cho thời gian đào thải chậm lại,
tạo điều kiện cho ứ đọng và tắc nghẽn. Ngày nay, tình trạng trên có xu hướng
ngược lại. Ngay cả các nước trong một khu vực cũng có sự khác nhau, chẳng hạn
như Thailand có tỷ lệ dân số bị viêm ruột thừa thấp nhất, có lẻ, người dân nơi
đây ăn chay nhiều hơn chăng?
Hình viên sỏi phân |
Việc định bệnh ruột thừa viêm không khó ở # 80-90
% trường hợp, đây là những bệnh nhân điển hình, nhất là ngày nay có sự hổ trợ
của siêu âm; 10-20% còn lại mới là chuyện đáng bàn. Ngay tại vị trí ruột thừa (như nói ở trên) có ít nhất 7 bịnh
cần phải phân biệt với ruột thừa, do vậy, việc cắt “oan” ruột thừa là “chuyện
thường ngày ở huyện”! Chuyện này, chỉ người trong nghề mới hiểu; dưới làn da
bụng “nõn nà” ấy, “tiềm ẩn” bao điều giả
dối, để thách thức, đánh lừa giới cầm dao và đó cũng là “động lực”, là "niềm đam
mê khám phá"của người Phẫu thuật viên, họ, thường hơn nhau ở chỗ quyết định cái nào mổ, cái nào
không.
Cắt ruột thừa có khó không? Xin thưa: không
khó ở #90% trường hợp, với sự tiến bộ của gây mê hồi sức, của thiết bị nội soi;
chỉ
cần 15-45 phút là xong đối với một ruột thừa chưa có biến chứng. # 10% còn
lại thì khá “gian nan vất vả”, nhiều trường hợp phải mất 2-3 giờ, với nhiều lo
lắng những ngày sau mổ và sau đó là bao hiểm nguy rình rập như: dính ruột, tắc
ruột, xoắn ruột…có thể xảy ra bất cứ lúc nào trong quãng đời còn lại. Cách đây
không lâu, một bệnh nhân bị thủng ruột già trong khi mổ cắt ruột thừa nội soi,
tại một bệnh viện khu vực; chuyện “rùm ben”, chưa có hồi kết! Thời sinh viên
của chúng tôi, các Thầy thường luôn nhắc câu: Không có gì quý hơn cái bụng chưa mổ!, không biết ngày nay, có ai
còn nhắc và nhớ khi đứng trước cái bụng của người bệnh.
Hình ruột thừa viêm (trong mổ nội soi) |
Chiếm tỷ lệ lớn (≥ 50%) trong số các phẫu
thuật cấp cứu ổ bụng là mổ cắt ruột thừa, do vậy, có thể nói, ruột thừa là một
trong những nguồn thu không nhỏ đối với một số bệnh viện tư nhân và bác sỹ
phẫu
thuật viên với cơ chế làm việc “quái đản, vô đạo” là “ăn theo sản phẩm”! Trong
một đêm trực, mà mổ được 3-4 cái ruột
thừa, thì coi như “ấm đời cô Lựu”! Bởi thế, đừng ngạc nhiên khi nghe người dân
nói với nhau rằng: khi đau bụng, đừng vô bệnh viện tư nhân, coi chừng nó cắt
ruột thừa hết!. Cách đây vài tháng, ba người trong một gia đình gồm: bà Ngoại,
mẹ và cháu, cùng ăn mít với nhau, ăn xong, cả ba đều bị đau bụng, tiêu chảy;
hai mẹ con sợ quá, vào bệnh viện, khám và cả hai đều được mổ cắt ruột
thừa!; bà Ngoại ở nhà, đi chảy vài lần, hết, khỏe re! (miễn bàn!)
Ruột thừa đã cắt |
Lại nói chuyện siêu âm trong chẩn bệnh ruột
thừa, phải nói công cụ chẩn đoán hình ảnh này, vô cùng hữu ích cho việc khám
chữa bệnh hằng ngày của y giới. Tuy nhiên, nó hoàn toàn phụ thuộc vào kiến thức
và kinh nghiệm của người đọc kết quả, và nó không thể nào thay thế được việc khám
và theo dõi bệnh của người thầy thuốc.Người ta dùng nó để loại trừ những bệnh
giống như ruột thừa hơn là để chẩn đoán ruột thừa. Đã nhiều lần, “ruột thừa
nung mủ” (trên siêu âm), được bác sỹ cho về, vài ngày sau, gặp nhau trong quán
phở, tay bắt mặt mừng, chuyện trò rôm rả- “may quá, may quá!”…và bác sỹ, hôm đó, được ăn
một bát phở không tốn tiền! Qua đây, để thấy rằng, không nên quá tin, quá sợ,
trước bất cứ chuyện gì! Hãy bình tỉnh, sáng suốt, mà “trao thân, gởi phận” cho
một ai đó mà mình tin tưởng đủ tâm, đủ tầm, để người ấy “định đoạt” cái bụng
của mình!; bởi, xin nhắc lại: không có gì quý hơn cái bụng chưa mổ!
Ôi! Còn vô số chuyện “nhân tình thế thái”
quanh cái ruột thừa làm sao mà kể hết, như chuyện giành nhau mổ ruột thừa cho một
quan chức, là cả một thiên phóng sự!
Trên đây, là những mảng sáng, tối, của bức
tranh ruột thừa, hy vọng, “mua vui cũng được một vài trống canh”!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét