20/8/15

 Học sinh Nhật Bản học môn đạo đức như thế nào?
     
Trúc Nguyễn
Khi cầm tờ hộ chiếu mang quốc tịch Việt Nam bước ra khỏi cửa khẩu, chúng ta bị người ngoài săm soi bất nhã, trong khi người Nhật đi đến đâu cũng nhận được sự đón chào yêu mến, nguyên nhân là do đâu? Dù chưa có nghiên cứu hay số liệu chính thống nào được công bố nhưng ai cũng phải thừa nhận (dù đau đớn) rằng nguyên do chính không phải là chuyện giàu nghèo mà chính là ở chỗ phẩm giá con người: đạo đức nhân cách của người Nhật và người Việt Nam là ở hai đầu của một cán cân lệch!

Được "lợi thế" đó trên bàn cân, công đầu phải nói đến là Nhật Bản có một nền giáo dục chân chính đầy đủ ba nhân tố "Chân - Thiện - Mỹ", trong đó môn học đạo đức luôn luôn được nhà trường chú trọng cùng với phương pháp giáo khoa chính xác, phù hợp với độ tuổi và tâm sinh lý học sinh.
Cùng xem sách dạy môn Đạo đức cho học sinh tiểu học lớp 5 lớp 6 đựơc biên soạn như thế nào nhé! Nhật Bản theo hệ giáo dục tiếng Nhật gọi là "Rokusansan" nghĩa là sáu năm tiểu học ba năm trung học cơ sở và ba năm trung học phổ thông. Trong sách Đạo đức dành cho học sinh tiểu học có chương về chủ đề "lòng trung thực", tôi lược dịch và tóm tắc như sau:
NHẬN DIỆN LÒNG TRUNG THỰC
Vì thành thật mà tâm mình không có giả dối.
Vì trung thực mà cái tâm mình nghiêm chỉnh.
Ở đâu có mặt “SỰ THẬT” thì ở đó không có sự gian dối lừa đảo.
Hãy lắng nghe tiếng nói của trái tim mình: Khi quyết định làm một việc nào đó theo cách của bạn, bạn có nghe trái tin cất tiếng hỏi:
- Thực ra, làm theo cách này là tốt hay chưa?
Hay khi bạn che dấu ý định làm một việc gian dối gì đó, bạn có nghe trái tim lên tiếng hỏi:
- Cái cảm giác này không phải là cái cảm giác gian dối hay sao?..
Khi trong đầu nảy ra những suy nghĩ tự vấn như vậy có nghĩa là thanh âm của lòng trung thực đang có mặt trong cơ thể bạn . Vì vậy, chậm lại vài giây để nhìn thẳng vào cái chân tâm của mình mà hành xử trung thực trong mọi việc, bạn có làm đuoc hay không?
Yoshida Shiyouin, nhà giáo dục, triết gia Nhật Bản có nói: “Hành động với cái tâm chí thành là điều mà bất kỳ ai cũng có thể làm được”. Natsume Shouseki, nhà văn Nhật Bản thì nói: “Không thể đem lòng tốt ra đối xử trong thực tế ngoài đời ư? Không bao giờ có chuyện đó”, và : “Người không không thành thật với chính mình thì không bao giờ thành thật với người khác”.
ĐỂ MỖI NGÀY TRÔI QUA TRONG TINH THẦN VUI TƯƠI LẠC QUAN
Sai lầm và thất bại là việc có thể xảy ra đối với bất kỳ ai. Tuy nhiên, trong thực tế thì khi gặp thất bại người ta thường hay bào chữa: tôi đã làm tốt rồi mà! Hoặc là sinh ra nói dối hoặc là viện cớ này cớ nọ để mà đỗ lỗi cho hoàn cảnh. Vấn đề quan trọng là khi nói dối như thế, bạn có giải quyết được gì cho việc thất bại kia hay không?
Hơn nữa mỗi lần nói dối không những làm bạn mất uy tín của bản thân mình đối với những người xung quanh mà còn khiến cho tâm bạn trở nên bồn chồn không yên. Chẳng bao lâu sau đó tự mình cảm thấy tiếc nuối và sĩ nhục, đúng không nào! Vì vậy, trong những trường hợp cụ thể thì làm sao để mình có thể vượt qua được cái tâm nhỏ nhen lừa dối mà giữ lấy lòng trung thực, hoặc khi phạm sai lầm thì mạnh dạn thừa nhận cái sai để mà sữa sai, đó mới là điều quan trọng.
CÓ THỂ NHÌN THẤY "CHÂN TÂM" QUA HÀNH XỬ CỦA BẠN
Khi có ai hỏi cái chân tâm của bạn ở đâu và có hình thù gì thì dường như mình không thể trả lời. Nhưng thực ra không phải hoàn toàn như vậy! "Chân tâm" đó chính là những cư xử tử tế, sự giúp đỡ tự đáy lòng mà mình dành cho người khác.
Tương tự như vậy, ẩn sau lồng ngực thì trái tim bạn đập nhịp như thế nào thì không ai biết nhưng người ta có thể nhìn thấy lòng trắc ẩn của bạn thông qua động thái tích cực mà bạn dành cho người khác. Một tấm lòng nhiệt thành, một hành vi tích cực, một suy nghĩ thiện lành… là bắt đầu một cuộc sống đẹp. Vì vậy con người với nhau phải sống đẹp, phải cư xử đẹp.
LÒNG TRUNG THỰC TOẢ SÁNG
Tự bản thân mình phải suy nghĩ xem, để có tấm lòng thành thực không dối lừa thì phải làm như thế nào, phải luyện tập như thế nào? Trong sâu thẳm lòng người ai cũng có cái tâm thành thực, nhưng lúc nào cũng nghiêm chỉnh làm theo cái tâm chân thành thì không phải là việc dễ dàng, nên phải luyện tập dần dần từ những việc nhỏ. Khi đã vượt qua được cái tâm nhỏ nhen để hành động với tấm chân thành rồi, thì lòng mình sáng rực vô cùng, cả bầu trời trong xanh lồng lộng hiện ra trước mắt mình. Đó là món quà tặng dành cho tâm hồn thành thực. (Lược dịch từ bản tiếng Nhật SGK môn Đạo đức in năm 2014 trang 38, 39, 40, 41).
Chú thích thêm, cuối mỗi chủ đề đạo đức, sách để dành những ô trống để cho học sinh tự viết ra những trãi nghiệm thực tế hoặc tâm tư suy nghĩ của bản thân với chủ đề liên quan. Ngoài ra hoạt động thảo luận nhóm theo những gợi ý có sẵn cũng là sinh hoạt bắt buộc tại lớp.
SGK môn Đạo đức học dành cho học sinh tiểu học Nhật còn nhiều chủ đề thiết thực khác như "Tự do và trách nhiệm", "Lòng trắc ẩn của con người", "Lòng biết ơn"... sẽ giới thiệu trong những bài viết tiếp theo.
TRÚC NGUYỄN

- See more at: https://www.danluan.org/tin-tuc/20150820/truc-nguyen-hoc-sinh-nhat-ban-hoc-mon-dao-duc-nhu-the-nao#sthash.vh3hySyo.dpuf

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét