21/6/16

Văn hóa cơ bản và phản biện xã hội
  Tô văn Trường
(Theo Tuanvietnam.net)Phản biện xã hội không phản lại, không chống lại xã hội mà trái lại làm cho xã hội phát triển chất lượng, nhanh hơn, bền vững hơn. Phản biện không phải là mổ xẻ, chỉ trích mà là sự bổ sung nhằm “chuẩn mực hóa” các giá trị cuộc sống và xã hội, giúp nhau cùng phát triển.

Bể học mênh mông, tìm hiểu được các nền tảng, các nguyên lý cơ bản, giống như các công nghệ nguồn trong khoa học, các nguồn gốc sâu xa của mỗi sự việc luôn là ước muốn của con người biện chứng và cả trong các triết lý cao siêu của tôn giáo, âm nhạc, và khoa học. Nhiều lần, tôi được nghe người ta đàm đạo đại ý: “Phải chăng nền tảng kiến thức để thực hiện tốt các loại hình, phương pháp phản biện và phản biện xã hội là triết học và kinh tế”? Đây là câu hỏi không dễ trả lời vì nó phụ thuộc vào 3 yếu tố năng lực phản biện, khả năng chịu nghe phản biện của người “mời” phản biện và xã hội đánh giá về chất lượng phản biện!.
Phản biện có lẽ là một từ của tiếng Việt, không có trong tiếng Trung Quốc, tuy lấy hai từ Hán Việt chắp lại: “Phản” như trong phản đối, phản kháng, phản công, phản bác… và “Biện” như trong biện luận, biện bạch, biện minh, biện hộ. “Phản biện” trong hoạt động khoa học là đánh giá một công trình khoa học khi công trình đó được bảo vệ trước một hội đồng khoa học để lấy học vị hoặc để được công nhận sự đúng đắn.

Dự án khai thác bauxite ở Tây Nguyên nhận được nhiều ý kiến phản biện của xã hội.
Ai đã đặt ra từ phản biện ở Việt Nam? Tôi được nghe Gs Hoàng Tụy kể lại đầu 1960, GS và các đồng nghiệp ở khoa Toán Đại học Tổng hợp Hà Nội muốn thực hiện phong cách nghiên cứu khoa học và đào tạo mới, cho nên gặp chuyện luận án khi bảo vệ phải có opponent (từ Nga), Gs Hoàng Tụy bèn nghĩ ra từ phản biện để dịch từ “opponent”. Thế là dần dần thành phổ biến, và đi ra ngoài xã hội để có cuộc sống riêng.
Theo nhà thơ Việt Phương “phản biện” trong phạm vi rộng, không chỉ trong hoạt động khoa học, là rà soát, khẳng định, bổ sung, phát triển một đề án, một công trình, nhằm đạt một hoặc những mục tiêu xã hội thống nhất. “Phản biện” không nhất thiết bao gồm phản bác, nhưng cũng có nhiều khi có phần phản bác. Đặc điểm của “phản biện” là dựa trên lập luận khoa học và chứng cứ thực tế, thực tiễn. Còn “dư luận xã hội”, “góp ý”, “kiến nghị”, “khuyên can” …thì không nhất thiết phải dựa trên lập luận khoa học và chứng cứ thực tế, thực tiễn. “Phản biện xã hội” là thuật ngữ xuất hiện trong Nghị quyết Đại hội X năm 2006 của Đảng cộng sản Việt Nam. “Phản biện xã hội” là phản biện của cộng đồng, của xã hội dân sự, của nhân dân.
Khi có xã hội loài người là có phản biện xã hội. Phản biện bằng cử chỉ, bằng lời, bằng văn bản (có cả báo chí). Thế thì phản biện là quy luật tồn tại và phát triển của xã hội, quy luật thống nhất và đấu tranh giữa các mặt đối lập. Phản biện xã hội không phản lại, không chống lại xã hội mà trái lại làm cho xã hội phát triển chất lượng, nhanh hơn, bền vững hơn. Phản biện không phải là mổ xẻ, chỉ trích mà là sự bổ sung nhằm “chuẩn mực hóa” các giá trị cuộc sống và xã hội, giúp nhau cùng phát triển.
Ở nhiều nước, giới cầm quyền có những tổ chức tư vấn, và xã hội có những “kho tư tưởng” (think tank) phi Chính phủ, làm công việc nghiên cứu, nêu khuyến nghị hoạch định chính sách quốc gia, cùng đóng góp tham gia làm biến chuyển một thực tại, hoặc ý tưởng tương lai nào đó, tức là làm công việc phản biện xã hội. Như Trung Quốc hiện có chừng 2000 “think tank”, gồm vài trăm nghìn người, về số lượng đứng thứ hai trên thế giới.
Ở nhiều nước, phản biện xã hội chủ yếu là phản biện khuyến nghị chính sách của các think tank. Ở nhiều nước khác, phản biện xã hội chủ yếu là phản biện chính cách soạn thảo và nội dung soạn thảo chính sách của giới cầm quyền. Đòi hỏi sống còn của phản biện xã hội là : khoa học hóa, chuẩn xác, thiết thực và dân chủ hóa. Tức là đòi hỏi cái tâm sáng, cái tầm cao, ý kiến có lập luận và dẫn liệu minh chứng có thuyết phục của những người phản biện và của những người nhận phản biện. Có được như vậy thì phản biện xã hội là tốt, xây dựng, tích cực, khẳng định chế độ chính trị, xã hội, phát triển dân tộc và đất nước.
Phản biện xã hội không những chỉ cần nền tảng là triết học và kinh tế, mà dẫu chỉ nói riêng về hiểu biết, còn cần đến nhiều kh́oa học khác nữa, như xã hội học, nhân học, sử học, luật học, dân tộc học và cả hiểu biết về khoa học tự nhiên. Hay nói cách khác là cần có nền tảng văn hóa (văn hóa nghĩa rộng). Phản biện xã hội đặc biệt đòi hỏi có trải nghiệm nhân sinh và xã hội, đòi hỏi từng trải và kinh nghiệm sống.
Ở các nước tiên tiến, họ chủ trương mọi sinh viên ở các trường đại học (không phải trường kỹ thuật mang tính dạy nghề) đều phải học liberal arts tức là có hiểu biết cơ bản về (1) Khoa học tự nhiên: sinh học, toán, hóa, lý; (2) Khoa học xã hội gồm lịch sử, tâm lý, xã hội, kinh tế; (3) Văn học và nghệ thuật: âm nhạc, họa và văn chương; (4) Phương pháp phân tích vấn đề: chủ yếu logic, cơ sở của triết học. Ngay từ khi ngồi ghế nhà trường, sinh viên đã phải viết bài trình bày vấn đề và lịch sử của nước mình. Tất nhiên không phải mọi học sinh ở đại học đều được trang bị như thế nhưng đó là triết lý giáo dục. Suy cho cùng, người ta chỉ có thể phản biện đúng đắn nếu được trang bị văn hóa cơ bản.
Tất nhiên nhà phản biện về vấn đề chuyên sâu thì phải có sự hiểu biết chuyên sâu. Nhưng chuyên sâu không đủ vì mọi hành động đều có ảnh hưởng đến nhiều vấn đề xã hội khác nhau. Biện luận vấn đề nào đó tuy khó, nhưng phản biện càng khó hơn. Tất nhiên đòi hỏi phải có vốn triết học, kinh tế và chừng mực nào khoa học phổ quát (phổ thông), đặc biệt là vốn liếng chuyên ngành (đối tượng) phản biện và vốn sống. Nhưng trước hết người phản biện phải có cái tâm trong sáng cống hiến cho khoa học và xã hội, cũng như cầu thị học hỏi, biết lắng nghe có phân tích và ý thức tiếp nhận cái đúng từ nhiều chiều thì mới có sức thuyết phục. Có những người giỏi nhưng thiếu cái tâm dễ trở thành cãi lộn hoặc khoe tài ăn nói.
Các nhà triết học hiểu biết rất nhiều, đúc kết rất nhiều trên những cơ sở đã suy ngẫm, nhào nặn tư duy và trải nghiệm. Các nhà kinh tế cũng mổ xẻ nhiều vấn đề thời sự về kinh tế xã hội. Trong cuộc sống chúng ta dễ nhìn thấy các tác động nhưng khó nhìn thấy nguyên nhân hơn rất nhiều. Nếu các nhà lãnh đạo chịu khó tìm hiểu, hiểu rõ hơn người dân thường, hiểu biết thấu tháo hơn, hành xử có “tâm” có “tầm” hơn thì người dân sẽ được hưởng lợi nhiều hơn, xã hội và đất nước sẽ phồn vinh, hạnh phúc hơn. Luôn khao khát công lý, tự do, yêu mến cái đẹp “chân thiện mỹ” cũng sẽ là một nền tảng đáng để hy sinh và cống hiến.
Có ý kiến cho rằng, từ lâu, khoa học kinh tế đã không đứng một mình mà luôn gắn với chính trị. Khoa học, lúc đầu chỉ có triết học, sau mới phân chia ra thành nhiều bộ môn, vật lý, toán, y học … nhưng cuối cùng cũng phải quay về với triết học mới giải quyết được các bế tắc. Người Việt thông minh nhưng nhìn chung chưa quan tâm đúng mức về triết học cho nên cũng ảnh hưởng đến những thiếu hụt đáng tiếc đối với nhu cầu bứt phá, đổi mới tư duy. Đương nhiên phản biện xã hội lại càng phải học nhiều thứ, không chỉ riêng triết học và kinh tế, bởi vì “xã hội” là một phạm trù vô cùng rộng. ABC đầu tiên phải học cho làm công tác phản biện xã hội nói chung là triết học (đích thực) và kinh tế. Thậm chí còn có thể nói, muốn làm người có ích thì đầu tiên phải học triết học và kinh tế, có như vậy kiến thức và kỹ năng chuyên môn khác của mình mới phát huy được.
Có lần, tôi cứ suy ngẫm mãi khi nhận được mail tâm sự của một người bạn đồng tâm, Anh Nguyễn Minh Nhị – nguyên Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh An Giang nguyên văn như sau: “Theo tôi, nhà báo hay làm gì có liên quan với “nghề” nói và viết thì phải xác định: Phục vụ cho ai, đến mức nào và trong môi trường nào để có cách “viết và lách” cho đạt yêu cầu mình tự đặt ra. Nhưng tuyệt đối không được nói-viết sai và bậy, càng không trái với ý tưởng của mình. Thà “câm” còn tốt hơn kẻ nói càn để lưu hậu thế. Môt điều cần lưu ý để viết và nói cho đối tượng nào, cái nầy nó quan hệ đến vấn đề là ta đang đứng trên cái nền văn hoá nào để nói và viết cho cho đạt yêu cầu. Báo chí bây giờ “lề” nào đọc cũng khó vô quá!” vv…
Nâng cao chất lượng phản biện đương nhiên cần có kiến thức, nhưng không chỉ có kiến thức và kiến thức không chỉ xoay quanh triết học và kinh tế. Cái cần nhất cho phản biện xã hội ở nước ta, trước hết là có tự do tư tưởng, tự do ngôn luận, tự do báo chí mặc dù những quyền này đã được quy định trong Hiến pháp. Một xã hội phát triển các hoạt động phản biện có chất lượng, hiệu quả cao phải trên cơ sở trình độ dân trí cao và tương đối đồng đều.
Phản biện và phản biện xã hội đòi hỏi tâm sáng, tầm cao, cách đúng của những người phản biện và những người nhận phản biện. Chúng tôi nghĩ rằng phản biện (của từng người) và phản biện xã hội có nền tảng văn hóa càng cao thì càng có giá trị, có hiệu quả. Có khi đối tượng và mối tương giao trong phản biện là người này với người kia, nhưng cũng có khi một người với tập thể và một người với cả xã hội.
Phản biện và phản biện xã hội không phải là khả năng riêng có của các nhà trí thức, các bậc hiền tài. Nhiều nước tiên tiến vẫn có phương pháp đào tạo hiện đại và văn minh là đưa chương trình khích lệ và dạy về khả năng phản biện cho học sinh từ nhỏ. Đã học lên đại học thì ý thức và năng lực phản biện của sinh viên trở thành nhu cầu không thể thiếu được. Thợ thuyền, dân cày, người lao động bình thường, với kinh nghiệm nhân sinh và từng trải sống của mình, với góc nhìn trực diện và sâu sắc từ thực tiễn thường phản biện và phản biện xã hội rất xây dựng, sáng suốt và đúng mực.
Tô Văn Trường

Thế nào là phản biện ?

Posted on Tháng Mười Hai 17, 2011
0

Phản biện là việc làm cần thiết trong lý luận, qua đó người ta đưa ra những lập luân, lý lẽ, bằng chứng, nhằm lý giải, chứng minh ngược lại một vấn đề nào đó, một hiện tượng nào đó, một quan điểm nào đó, một công trình nghiên cứu nào đó vv.., trong nhiều lĩnh vực khác nhau của cuộc sống. Như vậy giới hạn của phản biện rất rộng, vì vậy trong bài này người viết chỉ đề cập đến khía cạnh phản biện chính trị xã hội mà thôi.
Trước hết, phản biện không phải là tư duy nói trái chiều, cố gắng tìm cách biện luận ngược. Người ta chỉ phản biện khi thấy rõ ràng và có bằng chứng rằng vấn đề mà ai đó trình bày, thể hiện, đang có những lỗ hổng, những thiếu sót, và thậm chí là sai lạc. Cái đích của phản biện không phải là bác bỏ, chỉ trích, phê bình, hay phê phán. Mục đích cuối cùng của phản biện là làm sáng tỏ vấn đề dưới ánh sáng thuyết phục của những lý luận mà người phản biện đưa ra. Như vậy phản biện hướng dư luận cân nhắc đến những giá trị tối ưu nhất. Phản biện có ý nghĩa làm vấn đề thêm minh bạch, vì sau khi sàng lọc biện giải qua lại (phản biện và phản phản biện), bản chất và chân lý của vấn đề sẽ được làm rõ (nhiều trường hợp là sáng tỏ hoàn toàn). Một số cây bút lý luận chính trị người Việt cho rằng “phản biện là một khái niệm chính trị” và “phản biện trong xã hội dân chủ là phản hành động”. Trên thực tế phản biện là một khái niệm khoa học xã hội, không nằm trong bất kỳ khuôn khổ nào. Và phản biện chỉ xuất hiện trong lý luận, còn trong hành động, hoạt động, thì phải gọi là phản đối, bác bỏ, hay chống đối vv…
Trong một xã hội có dân chủ, phản biện là cách tốt nhất để nhà cầm quyền và nhân dân hiểu biết lẫn nhau, nhằm giảm thiểu sự bất tuân. Lắng nghe là phương thức tốt nhất để thấu hiểu vấn đề sao cho đạt lý và thuận tình. Một chính sách của nhà nước đưa ra, trước hết phải dựa vào suy nghĩ và mong mỏi của người dân (lòng dân). Muốn đạt được điều đó cần phải thông qua quá trình thảo luận tự do. Mà muốn đạt được sự thống nhất buộc phải có tự do ngôn luận.
Muốn phản biện có hiệu quả, trước hết những tiếng nói phản biện phải có một lượng kiến thức xác định về vấn đề mà họ nhằm phản biện. Thứ hai, người phản biện phải đứng trên một quan điểm hay lập trường nhất định. Đây là yếu tố quan trọng hàng đầu, chỉ đạo quá trình tư duy phản biện. Mỗi phạm vi, lĩnh vực, hay câu chuyện cụ thể của một tập thể, hoặc ai đó đưa ra, họ đều đứng trên một phương diện và quan điểm. Ví dụ trong chế độ Cộng Sản, những vấn đề mà nhà cầm quyền, các nhà nghiên cứu, các nhà chính trị của họ đưa ra, hầu hết đều được định hướng theo tư duy của chủ nghĩa Cộng Sản, tức là tư duy Độc tài. Vì vậy nếu một người muốn phản biện lại những vấn đề đó, sẽ phải đứng trên góc độ tư tưởng phi Độc tài để mà phản biện.
Một người hiểu lơ mơ về đấu tranh ôn hòa, sẽ không thể đưa ra những thuyết lý xác đáng chinh phục được những người có tư tưởng đấu tranh bạo lực. Cũng giống như một người không hiểu gì về cấu tạo của ô tô, sẽ không bao giờ tìm ra những lỗi của nhà sản xuất. Mặt khác, người phản biện phải có một thứ tạm gọi là “kỹ năng phản biện”, nhờ kỹ năng đó người ta mới đào sâu suy nghĩ nhằm làm sáng tỏ vấn đề…
Một người luôn nói là không thích phụ nữ, nhưng lại hay khen cô này đẹp, chê cô kia xấu, người đó nhất định phải (yêu) thích phụ nữ. Một người luôn quan tâm đến bóng đá, nhưng lại nói không thích bóng đá là một người nói không thật lòng. Một người luôn quan tâm đến Dân chủ, nhưng lại nói không chống Độc tài, họ phản biện từ vị trí của một tư tưởng trung lập (đứng giữa), là những lời bao biện nhạt nhẽo. Phản biện chính là sự chống lại nhau về lý luận. Giữa Độc tài và Dân chủ chỉ có sự chống, không có chỗ cho sự nhân nhượng. Vì vậy hoặc phản biện, hoặc đứng ngoài, không có chuyện phản biện chung chung (!)
Cũng chính nhờ quan điểm và lập trường của mình cho nên lập luận mà người phản biện đưa ra, có thể sẽ được nhìn nhận dưới một góc độ khác, tư duy khác. Người nghe, nhất là người bị phản biện sẽ thấy được cái mà họ không thể (hoặc chưa thể) nhìn thấy, nếu đứng trên cương vị và góc nhìn của họ. Đây chính là một bằng chứng, chứng minh về sự cần thiết nhìn từ góc nhìm khác – góc nhìn của sự Đa nguyên.
Từ đây, vấn đề đặt ra, đó chính là kiến thức, nhận thức. Chẳng ai trên thế giới này có đủ tài năng, hiểu biết và vốn kiến thức để có thể phản biện được tất cả mọi vấn đề, mọi hiện tượng trong cuộc sống. Nhưng ít nhất, hành trang phản biện của một người, về một vấn đề, hẹp hơn là trong một câu chuyện – họ phải có – đó là kiến thức về những điều mà chính mình đưa ra phản biện. Và người ta chỉ có thể đứng giữa, khi không tham gia phản biện.
Quan điểm là điểm tựa của lý luận. Chính vì điều đó mà trong lĩnh vực báo chí, các nhà báo hiếm khi viết bình luận, đặc biệt rất kỵ viết phản biện. Khi bình luận và phản biện, họ phải đứng trên một quan điểm nào đó, làm như thế tính khách quan đã mất đi. Nên họ chỉ đơn thuần làm người đưa tin, nhẳm bảo đảm tính trung lập. Như vậy kiến thức và điểm tựa lý luận là hai yêu cầu bắt buộc phải có, để chinh phục đối phương và công luận.
Trong xã hội chưa có dân chủ, phản biện chính là hình thức đấu tranh ôn hòa của ôn hòa, tức là cường độ thấp nhất của đấu tranh chính trị. Nhưng tác dụng của nó lại vô cùng mạnh mẽ: Nó tấn công vào nền chính trị phi dân chủ từ cấu trúc thượng tầng đến nền móng tư tưởng, trên tất cả các mặt của đời sống. Chính vì vậy mà nhà cầm quyền Độc tài thường áp dụng nhiều cách đàn áp thô bạo, nhằm ngăn chặn những tiếng nói phản biện…
Tóm lại phản biện là dùng lý lẽ lập luận của mình chứng minh điều ngược lại với những suy nghĩ, ý kiến, phát biểu và biện luận của người khác. Nhằm đi đến một đáp án chung nhất về sự chân xác của vấn đề (hoặc ít nhất vấn đề cũng được sáng tỏ dưới một góc nhìn khác). Muốn đạt được mục tiêu, sự phản biện phải mang tính thuyết phục cao, nhờ vào vốn kiến thức sâu sắc của người phản biện và nhất là nhờ vào điểm tựa của lý luận, đó chính là lập trường về quan niệm chính trị xã hội của người đó.
Một xã hội sẽ phát triển cân bằng, nếu mọi công dân được tự do phản biện, tự do phát biểu những điều ngược với suy nghĩ của người khác, nhất là ngược với suy nghĩ của nhà cầm quyền.
Lê Nguyên Hồng


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét