9/12/16

"Harvard không phải thánh địa, mà là nơi rất… bình thường"

Khi nói tới “Harvard, bốn rưỡi sáng”, ông Trần Đức Cảnh, chuyên gia giáo dục Hoa Kỳ, nguyên thành viên ban cố vấn tuyển sinh của ĐH Harvard, vui vẻ cho biết “không đến nỗi căng thẳng như vậy”.
Đến Harvard mà chỉ nghĩ chuyện học là sai lầm

Xem bài viết “Harvard, bốn rưỡi sáng”, ông thấy câu chuyện này nên nhìn nhận như thế nào là thỏa đáng?
- Phần lớn thông tin của bài viết nói về tinh thần học tập của sinh viên Harvard mang tính chung chung, có thể đọc được.
'Harvard không phải thánh địa, mà là nơi rất… bình thường'
Sinh viên ĐH Harvard trong một ngày hội (Ảnh Shraddha Gupta)
Có lẽ tác giả đến thăm Harvard trong mùa thi cuối học kỳ, hay là với thông tin nhận từ ai đó, nên có nhận xét tính học tập của sinh viên Harvard quá đà. Những thời gian khác trong học kỳ thì không đến nỗi căng như vậy.
Còn nói 20% sinh viên Harvard có thể bị loại là sai hoàn toàn. Đúng ra thì khoảng 2- 3% sinh viên Harvard nằm trong dạng này, vì nhiều lý do, và trong đó thì lý do vì áp lực học tập được xếp thấp.
Thực ra, sinh viên Harvard ít bị áp lực so với “anh hàng xóm” MIT (Massachusetts Institute of Technology) và các trường hàng đầu khác ở Mỹ.
Tại sao tôi lại nói như vậy ư ? Bởi vì triết lý giáo dục của Harvard là học tập phải đến từ đam mê, ước muốn của cá nhân chứ không phải vì áp lực bên ngoài. Động lực học tập của cá nhân là cốt lõi cho sự thành công của từng sinh viên và cho cả trường. Những ai nghĩ rằng đến Harvard để được học tập, dạy dỗ, tôi luyện và uốn nắn để trở thành người tài thì hầu như sẽ không đến được với Harvard.
Đến với Harvard, động cơ nội tại sẽ giúp cho sinh viên biết mình muốn học gì, cần gì, tìm kiếm gì và để làm gì, từ đó phát triển.
Harvard là nơi cung cấp nguồn lực rất tốt, từ tài liệu, môi trường tự do học thuật và sáng tạo, đến nguồn lực giảng dạy. Sự liên hệ và kết nối trong trường cũng là tài sản rất lớn của Harvard, nếu sinh viên biết tận dụng.
Bốn năm học ở Harvard sẽ giúp cho sinh viên rất nhiều cả phần học thuật và những giá trị mềm khác. Nếu đến Harvard chỉ nghĩ chuyện học là sai lầm, và nếu không sai thì chỉ nhận được một nửa giá trị hoặc ít hơn mà Harvard có khả năng dành cho.
Để chọn một sinh viên lý tưởng cho Harvard theo tinh thần trên, công tác tuyển sinh của Harvard rất công phu và tiến trình chọn lọc cũng rất chi tiết và khoa học. Một khi đã chọn được đầu vào theo tinh thần và yêu cầu như thế thì việc giảng dạy còn lại của Harvard chỉ đóng góp khoảng10% là cùng.
Harvard rất thông minh trong việc lấy 90% công sức của người khác làm của mình, mà còn được người khác (sinh viên) vui mừng đóng góp. Đó là lý do vì sao Harvard rất quan trọng công tác tuyển sinh.
Harvard không phải thánh địa, mà là một nơi rất… bình thường
Nói cũng không quá thì Harvard dường như đã trở thành “huyền thoại” đối với không ít người Việt Nam hay Trung Quốc.  Cái nhìn này, theo ông, nên được điều chỉnh như thế nào?
- Góc nhìn của một số người Việt Nam hay Trung Quốc về Harvard có lẽ vẫn còn phần nào mang tính phong kiến, áp đặt. Ngoài ra còn có các yếu tố nằm ngoài học thuật như sự thỏa mãn, tự hào, sĩ diện cá nhân và gia đình dòng họ ...
Đến với Harvard là đến một nơi có điều kiện và môi trường học thuật khá tốt, cá nhân và gia đình nên chuẩn bị tốt về tinh thần học tập, mong muốn học hỏi và đóng góp cho cộng đồng cho xã hội sau này tùy theo lĩnh vực. Tôi không đề cập tới mục đích cá nhân ở đây vì là chuyện tất nhiên.
'Harvard không phải thánh địa, mà là nơi rất… bình thường'
Sinh viên ĐH Harvard trong một ngày hội
(Ảnh Rose Lincoln/Harvard Staff Photographer)
So sánh không quá cực đoan, thì sinh viên đam mê học thuật, có mong muốn chuyển tải nó thành những cái riêng và đóng góp cho sự phát triển xã hội loài người, cũng giống như người đi tu phụng sự cho lý tường cao cả nào đó. Còn nếu học vì lý do bị áp đặt hay vì những giá trị vật chất ảo thì khả năng thảnh công sẽ không cao, thậm chí là thất bại.
Về sự quyết tâm vào Harvard thể hiện trong hồ sơ, qua phỏng vấn của sinh viên Việt Nam hay Trung Quốc thì sao, thưa ông? Đâu là điểm chung, và đâu là đặc điểm riêng của ứng viên đến từ hai đất nước này với các ứng viên còn lại?
- Khi tôi phòng vấn ứng viên người gốc Trung Quốc hay Á châu nói chung cho Harvard, những điểm thường thấy là họ học rất chăm, có điểm học, điểm thi tốt. Gia đình và nhà trường đặt kỳ vọng rất cao, nên họ chịu áp lực rất lớn. Họ thiếu tính độc lập trong các quyết định tương lai, ít sáng tạo, thiếu tự tin, thiếu kỹ năng mềm. Khả năng thể dục thề thao và tính năng động kém hơn ứng cử viên trung bình.
Ngay cả người gốc Trung Quốc và Châu Á ở Mỹ lâu năm vẫn vướng các chuyện trên.
Tôi đã gặp rất nhiều gia đình người gốc Trung Quốc và Châu Á nhờ tư vấn cho con cái họ chuẩn bị vào các trường hàng đầu của Mỹ, trong đó có Harvard. Thực ra không quá khó để làm được chuyện đó. Tuy nhiên, nên chuẩn bị từ sớm thì mọi việc sẽ dễ dàng hơn. Điều quan trọng nhất là mong muốn đó của học sinh và tương lai của học sinh, chứ không phải vì cha mẹ hay những điều gì khác.
Hiện nay có nhiều sách khai thác câu chuyện Harvard. Theo ông, làm thế nào để có sự lựa chọn chính xác khi mà thông tin quá nhiều?
- Những người đã đi qua Harvard, trong đó có tôi, khi nhìn lại thì xem Harvard rất bình thường. Tôi cho đó là điều rất tốt vì bản chất của nó là thế. Nếu mục tiêu của Harvard là đào tạo một lực lượng sinh viên vĩ đại, làm toàn chuyện vĩ đại..., thì nguy cơ sụp đổ rất cao. Mọi thứ phải đến từ nội tại của từng sinh viên.
Hãy xác  định rằng đến với Harvard, bạn sẽ thấy một không gian học tập cởi mở, thông thoáng và thân thiện giữa sinh viên với nhau và giữa sinh viên với giảng viên. Ngay cả người dân thành phố Cambridge (nơi có 2 đại học lớn là Harvard và MIT) và thành phố Boston kế bên cũng rất thân thiện không kém, nhưng không quá dễ dãi.
Thỉnh thoảng bạn sẽ gặp người vô gia cư nằm, ngồi quanh trường Harvard xin tiền bạn. Họ cũng rất lịch sự, và biết đâu trong số họ có người từng là sinh viên Harvard với giấc mơ vĩ đại hơn bạn, nhưng không thực hiện nổi, nên mới tắt lịm như vậy…
Bạn nên đến với Harvard với sự tò mò, một ít nghi ngờ, chuẩn bị tinh thần phản biện, hai mắt luôn mở to nhưng phải ngủ đủ 8 tiếng mỗi ngày…, bạn sẽ ổn.
Xin cảm ơn ông.
Ngân Anh thực hiện

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét