Thời vàng son của ban nhạc ABBA
Tháng 6/1966, lần đầu tiên, Bjorn Ulvaeus (sinh năm 1945) gặp Benny Andersson (sinh năm 1946). Lúc đó, Bjorn đang là thành viên của một nhóm nhạc folk nổi tiếng có tên là Hootenanny Singers.
Trong khi đó, Benny đang chơi keyboard cho ban nhạc pop lớn nhất những năm 60 của Thuỵ Điển - The Hep Stars.
Cuối năm, hai người đã cùng nhau sáng tác chung ca khúc đầu tiên và đến cuối thập niên 60, Bjorn Ulvaeus và Benny Andersson đã thiết lập được những mối quan hệ khắng khít trong sáng tác.
Benny rời nhóm The Hep Stars và nhóm Hootenanny Singers của Bjorn cũng chỉ còn xuất hiện trong phòng thu.
Mùa xuân 1969, Bjorn Ulvaeus và Benny Andersson gặp 2 cô gái, nửa còn lại của ABBA: Agnetha Faltskog (sinh năm 1950) và Anni-Frid Lyngstad (còn gọi là Frida - sinh năm 1945).
Agnetha Faltskog và Bjorn Ulvaeus kết hôn vào tháng 7/1971, Benny Andersson và Frida kết hôn vào tháng 10/1978.
ABBA thời vàng son. Ảnh: Internet
Sự hợp tác ban đầu của nhóm chỉ là sáng tác các ca khúc, đệm đàn, sản xuất và hát đệm cho những ca khúc solo của mỗi người.
Năm 1970, ý tưởng thành lập một ban nhạc để hát chung. Sau nhiều lần thất bại, 2 năm sau, ca khúc People Need Love ra đời đã chứng minh được sự thành công trong nỗ lực của các thành viên trong nhóm. Họ tự đặt tên cho mình là Bjorn & Benny, Agnetha & Anni-Frid.
Trong cuộc thi tiếng hát truyền hình toàn châu Âu năm 1973 được tổ chức tại Thuỵ Điển, nhóm nhạc đã nhận giải 3 với bài Ring Ring. Single và album cùng tên đã vươn lên đứng đầu trong bảng xếp hạng âm nhạc của Thuỵ Điển và trở thành phổ biến tại Châu Âu.
Năm 1974, ca khúc nổi tiếng Waterloo đã lọt vào vòng chung kết và đạt giải nhất trong cuộc thi tương tự được tổ chức tại Brighton, Anh. Tên ABBA được chính thức công bố, lấy theo 4 chữ cái đầu của các thành viên trong nhóm.
Có một điều may mắn là tên ABBA là thương hiệu của một công ty đóng cá hộp tại Thụy Điển và công ty này đã nhường lại tên của mình cho nhóm nhạc nổi tiếng này.
Waterloo giữ vị trí đầu bảng châu Âu và lọt vào Top Ten của Mỹ. Những album được phát hành sau đó đã đưa ABBA đến tột đỉnh của vinh quang.
SOS - album thứ 3 đã khẳng định vị trí và Mamma thống lĩnh vị trí số 1 trong bảng xếp hạng ở Anh.
Vài năm sau đó, ABBA gây sốt tại Australia và 6 lần đứng ngôi đầu bảng tại nước này.
Năm 1976, với những ca khúc trữ tình, lãng mạn như Fernando, Dancing Queen cùng với bộ sưu tập Greatest Hits và The Best of ABBA được tung ra đã gây nên “sóng gió” tại nhiều nước.
Sau đó, vào những năm cuối cuối thập niên 70 những ca khúc nổi tiếng Money, Money, Money, Knowing me, Knowing You, Take A Chance On Me, Summer Nigh City, I Have A Dream... đã gây tiếng vang trên toàn thế giới.
ABBA trở thành thần tượng trong lòng công chúng yêu nhạc lúc bấy giờ.
Năm 1982, ABBA tan rã trong sự nuối tiếc của khán giả hâm mộ toàn thế giới. Người ta khao khát sự trở lại của ABBA từng ngày nhưng tất cả chỉ là hoài niệm.
Vào cuối năm 2005, khán giả từ 31 nước trên thế giới đã theo dõi một chương trình đặc biệc được tổ chức tại Copenhagen, Đan Mạch để kỷ niệm 50 năm cuộc thi ca nhạc châu Âu Eurovision. ABBA không tới tham dự nhưng Waterloo được bình chọn là ca khúc hay nhất của Eurovision.
Năm 2000, một thương gia giàu có đã lên tiếng mời ABBA tái hợp và đi lưu diễn vòng quanh thế giới trong 100 ngày trị giá một tỷ USD nhưng cả bốn thành viên đều từ chối.
Tháng 12/2010, Hoàng gia Anh cũng bày tỏ mong muốn mời ABBA tới hát tại lễ cưới hoàng tử William và hôn thê Kate Middleton nhưng sự việc đã không thành.
Liên quan đến câu chuyện tái hợp ABBA, Bjoern Ulvaeus, một cựu thành viên của ABBA từng nói: “Hãy giữ chúng tôi trong kỷ niệm của một thời vinh quang”.
Vào tháng 10/2012, Bjoern Ulvaeus tuyên bố, một bảo tàng dành riêng cho ABBA sẽ được mở cửa tại Stockholm (Thụy Điển) vào đầu năm 2013.
Bảo tàng đang được xây dựng trong khuôn viên đại sảnh âm nhạc Thụy Điển trên đảo Djurgarden - trung tâm Stockholm. Nơi đây sẽ trưng bày những kỷ vật gắn bó với ban nhạc Thụy Điển lừng danh một thời. Những bộ trang phục biểu diễn, các vật dụng lưu niệm từng được trưng bày trong cuộc triển lãm ABBAWORLD ở châu Âu và Úc vào năm 2009 - 2011.
Ông còn hy vọng, cả bốn cựu thành viên của nhóm sẽ tham dự lễ khánh thành bảo tàng, dự kiến diễn ra vào tháng 4 hoặc tháng 5/2013. Không loại trừ khả năng ABBA sẽ tái hợp một lần nhân dịp này nhưng chắc chắn không có chuyện ABBA tái hợp trên sân khấu: "Chúng tôi là nhóm nhạc duy nhất chưa bao giờ được tái hợp. Tôi nghĩ rằng điều này thật thú vị bởi các bạn sẽ chỉ nhớ tới một ABBA với những con người trẻ trung, đầy tham vọng và tràn trề nhiệt huyết chứ không phải những ông già bà lão yếu ớt, cố cưỡng ép mình phải đứng thẳng để hát".
Cho dù thế nào đi nữa, đến nay, đúng 30 năm kể từ ngày ABBA tan rã, ban nhạc huyền thoại này vẫn chưa một lần tái hợp.
>> Xem tiếp: Agnetha - linh hồn của ABBA
Trương Văn Khoa tổng hợp
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét