Ung thư Tuyến Tiền liệt
Bn ở Úc, hỏi:
“Thưa Bác sĩ,
Tôi bị bệnh tiền liệt tuyến đã 4 năm nay. Hiện bác sĩ điều trị đang chích Zoladex 10,8 mg cho tôi mỗi 3 tháng.
Mới đây tôi hỏi bác sĩ điều trị “khi nào thì tôi được khỏi dùng Zoladex?" Và được trả lời là "Tiêm Zoladex chỉ chận đứng bệnh chứ không chữa bệnh." Điều đó có nghĩa là bệnh tôi vẫn còn đó.
Hiện tại sức khỏe tôi tốt, ăn được, ngủ được dầu đã 80 tuổi, cao 1,55, nặng 62 kg.
Xin bác sĩ vui lòng giải thích cho tôi có phải thuốc Zoladex chỉ ngăn chặn bệnh, do đó tôi chưa lành tuyến tiền liệt.
Trân trọng cám ơn Bác sĩ.”
Chữa ung thư tiền liệt
0:00:00 /0:19:44
Đường dẫn trực tiếp
Bác sĩ Hồ Văn Hiền trả lời:
Chữa ung thư tiền liệt
Vị thính giả hỏi về một thuốc được dùng để chữa ung thư tiền liệt và một số bịnh khác. Những nhận xét sau đây không có ý gán cho người hỏi bất cứ định bịnh cá biệt nào và chỉ có tính cách thông tin tổng quát, không có mục đích định bịnh hay ảnh hưởng đến trị liệu của người hỏi.
Tuyến tiền liệt (prostate) (TL) là một tuyến ngoại tiết của bộ phận sinh dục nam, tuy nhiên gần đây người ta cũng đặt tên lại cho một số tuyến tương tự ở phái nữ là tuyến tiền liệt nữ (homologous female prostate, Skene’s gland).
Ở phái nam, tuyến TL nằm dưới và nằm ngay trước ngõ nước tiểu đi ra của bàng quang (bọng đái, bladder), từ đó được đặt tên khoa học là prostate, có nghĩa là “đứng [pro] trước [stat], cửa”, từ tiếng Việt tiền liệt cũng theo nghĩa đó. Trước đây, chúng ta còn gọi là “nhiếp hộ tuyến”. Tuyến TL tiết vào tinh dịch một số thành phần giúp nuôi dưỡng các tinh trùng.
Tuyến TL bao quanh, ôm lấy niệu đạo (urethra) là ống dẫn nước tiểu thoát ra từ bọng đá. Nếu tuyến lớn quá (phì đại, hypertrophy), hoặc có ung bướu, tuyến có thể bóp nghẽn đường đi ra của nước tiểu và làm khó tiểu hoặc bí tiểu.
Ung thư tuyến tiền liệt là một đề tài gây nhiều tranh luận hiện nay trong giới y khoa.
Thường người ta sàn lọc (screen) bịnh nhân bằng 2 phương pháp đơn giản:
khám bằng ngón tay qua ngã hậu môn, tuyến tiền liệt nằm phía trước trực tràng, bác sĩ sờ vào bằng ngón trỏ, cảm giác như lúc sờ vào chóp mũ, và bề mặt (phía sau) tuyến đều đặn đối xứng. Nếu sờ cứng,nổi cộm, to lên không đều thì bác sĩ nghi có bướu (DRE: digital rectal exam, ở đây digital là "dùng ngón tay", không phải kỹ thuật số)
Đo PSA (prostate specific antigen), là một kháng nguyên từ tuyến tiền liệt tiết vào máu, đo dùng đơn vị nanogram/ml.
Nói chung, PSA cao ở bịnh nhân ung thư tuyến tiền liệt, tuy nhiên không phải ai có PSA cao cũng bị ung thư, ví dụ người bị viêm tuyến tiền liệt, tuyến phì đại lành tính cũng có thể PSA lên cao. Thường bác sĩ sẽ nghi ung thư nếu PSA>4 nanogram/ml, tuy nhiên có người bị ung thư nhưng PSA lại thấp hơn 4 nanogram/ml.
Hiện nay, một số cơ quan y tế, như: USPSTF [US Preventive Services Task Force], khuyên không nên thử PSA hàng năm cho đàn ông trên 50 nữa vì người ta rút tỉa từ các nghiên cứu rằng một số đáng kể bịnh nhân vì PSA cao, phải chịu đựng thử thịt (biopsy, sinh thiết), phẫu thuật không cần thiết. Mổi năm ở Mỹ, có 160,000 trường hợp ung thư TL mới được định bịnh, và chừng 27,000 người chết vì bịnh này. Có chừng 2,9 triệu người Mỹ đang mang bịnh này ( American Cancer Society). Tuy nhiên, nói chung dự hậu sống sót khá tốt, 99% người bịnh còn sống sau 5 năm. Ngoài ra, người ta ước tính là 50-70% các ung thư tiền liệt được chẩn đoán sẽ phát triển rất chậm và cho đến khi bịnh nhân chết vì nguyên nhân khác, các ung thư này vẫn còn nằm yên trong tuyến tiền liệt và không ảnh hưởng hay làm ngắn hơn cuộc sống của người mang nó.
Những điểm trên cho thấy rằng không phải lúc nào chúng ta cũng cần chữa dứt (cure) bịnh ung thư tiền liệt. Lựa chọn trị liệu cho thích hợp với mỗi trường hợp tuỳ theo tuổi bịnh nhân, triệu chứng, mức ác tính của u bướu, ví dụ: có lan ra ngoài tuyến TL hay chưa (TNM system staging T2-T3), tuyến có tuỳ thuộc vào các hormone nam (androgen) hay không, cũng như ý thích lựa chọn của bịnh nhân sau khi bịnh nhân đã hiểu rõ về những hậu quả, biến chứng của trị liệu có thể gây ra. Ví dụ, són tiểu, mất kiểm soát tiểu tiện (urinary incontinence) và bịnh bất lực (impotence, erectile dysfunction).
Chữa trị ung thư tuyến tiền liệt bao gồm nhiều lựa chọn khác nhau. Đi từ cắt bỏ tuyến tiền liệt bằng giải phẫu (prostatectomy, qua vết cắt mở, hay nội soi) cho những trường hợp người khá trẻ, ung thư còn giới hạn và bịnh nhân chấp nhận các biến chứng có thể xảy ra. Thứ hai là hoá trị liệu (chemotherapy) hay xạ trị (irradiation). Những trị liệu khác có tính cách giúp người bịnh sống thoải mái trong lúc vẫn mang bướu ung thư trong người. Trị liệu ít can thiệp nhất là "chờ đợi theo dõi" (watchful waiting), thử PSA khám định kỳ bằng ngón tay (DRE), hoặc "giám sát chủ động" hay "active surveillance", chủ động hơn vì gồm cả sinh thiết định kỳ mỗi năm, nếu có thay đổi đáng nghi thì can thiệp nhiều hơn.
Một trong những cách chữa ung thư tuyến tiền liệt là ngăn cản tác dụng của hormone nam (androgen) trên u bướu. Đa số tế bào ung thư tuyến tiền liệt cần tác dụng của androgen DHT (dihydrotestosterone, do dịch hoàn sản xuất) thì chúng mới tăng trưởng và lan ra được.
Sự sản xuất DHT chịu ảnh hưởng của não bộ qua 3 nấc khác nhau:
(a) Vùng hypothalamus (đáy não bộ) tiết ra hormone GnRH (gonadotropin releasing hormone).
(b) Chất này kích thích tuyến yên (hypophysis) tiết ra chất LH (luteinizing hormone) vào máu.
(c) LH kích thích các tế bào Leydig trong dịch hoàn tiết ra testosterone.
Đến phiên dịch hoàn dùng testosterone sản xuất ra DHT. Các loại chữa trị căn cứ trên hormone làm gián đoạn các bước trên trong quy trình sản xuất DHT.
Trong các biện pháp chữa trị dùng "chiến thuật" cắt đường tiếp liệu kích thích tố nam (DHT) cho tuyến tiền liệt, biện pháp "khuôn vàng thước ngọc" (gold standard) là cắt bỏ dịch hoàn, hay thiến (castration, orchiectomy).
Biện pháp khác mà không cần đến dao kéo là block tác dụng của testosterone bằng thuốc. Trong trường hợp chúng ta đang bàn thuốc goserelin (Zoladex) là một loại thuốc có tác dụng cùng chiều hướng với hormon GnRH của hypothalamus nói trên, nên gọi là "GnRH agonist", tuy nhiên nó chỉ kích thích tuyến hypophysis một thời gian ngắn ban đầu, nhưng vì bị kích thích liên tục, sau đó vài tuần thì thuốc lại "down-regulate" (làm giảm, ngưng hoạt động) sản xuất LH của tuyến hypophysis lại, do đó dịch hoàn không bị "ra lệnh" sản xuất testosterone nữa, lượng DHT giảm, tuyến ung thư TL thiếu DHT và không phát triển nhanh thêm được. Sau một thời gian, tác dụng của thuốc trên sản xuất hormon testosterone có thể bị suy giảm.
Chỉ định của goserelin (Zoladex):
Dùng chung với flutamide (một chất antagonist của testosterone), trước khi và trong khi xạ trị cho ung thư tiền liệt còn giới hạn tại chỗ (locally confined prostate cancers).
Chữa cầm chừng cho ung thư tiền liệt đã tiến xa (palliative care of advanced prostate cancers).
Ở phụ nữ, thuốc ngăn chặn sản xuất hormone estrogen, nên cũng được dùng để chữa bịnh endometriosis (nội mạc tử cung hiện diện ngoài lòng tử cung, ví dụ trong phúc mạc là đau bụng, hiếm muộn, vô sinh) và ung thư vú đã tiến xa.
Tóm lại, thay vì cắt bỏ dịch hoàn, loại thuốc như goserelin (Zoladex) 10.8 mg chích vào da 3 tháng 1 lần là biện pháp tốt nhất, tuy đắt tiền hơn, (chừng 1000 đô la Úc/mỗi liều) để ức chế sự sản xuất DHT và testosterone từ dịch hoàn. Nếu ở tuổi 80, vị thính giả vẫn "sức khoẻ tốt" và vui mạnh, có lẽ bác sĩ của ông đã thực hiện mục tiêu lý tưởng mà bác sĩ nào cũng mong muốn đạt được cho bịnh nhân của mình, và tôi xin mừng cho ông. Còn bịnh tiền liệt của mình có còn ở đó hay không, chỉ có bác sĩ của ông mới biết rõ, tuy nhiên theo tôi nghĩ, có lẽ nó để mình yên thì cũng đã tốt lắm rồi.
Chúc quý vị thính giả may mắn.
Bác sĩ Hồ Văn Hiền.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét