14/5/19

29.7.2002
Đặng Văn Nhâm
Nói về dâm thi, dâm ca, dâm kinh... trong lịch sử, văn hoá và tôn giáo của loài người
Nhân đọc bài "Khởi" của Lưu Nguyễn Ðạt trong sách"Thiên đường tìm lại" của Hồ Truờng An
 
I- "KHỞI": GIỚI THIỆU HAY CHƯỚNG NGẠI? 
Trước tiên tôi được biết đến"Thiên đường tìm lại" (TÐTL), một tập dâm thi của nhà văn Hồ Trường An (HTA), là nhờ bài giới thiệu khéo léo và phê bình rất dễ thương của nhà văn nữ Vũ Thi An (VTA), đăng trên tạp chí Hải Ngoại Nhân Văn (số 23, tháng 6.02, tr.63, nhan đề "Vấn đề dục tính trong thơ văn VN"). Vài ngày sau tôi mới nhận được tập thơ này do chính tác giả gửi tặng. Vốn là một kẻ đam mê những gì trong phạm trù văn hóa có dính líu đến chữ "dâm" hay có vị "dâm", tạm gọi là "dâm hương trong chữ nghĩa", nên tôi vội vàng tò mò mở ra đọc. Nhưng mới vài trang đầu, gọi là "khởi", tôi liền bị khựng lại ngay, bởi bài "Thi văn dục ái qua thiên đường tìm lại " của ông Lưu Nguyễn Ðạt (LNÐ).

Ðọc bài của ông LNÐ, tự nhiên tôi bị cụt hứng và khó chịu vô cùng. Cảm giác cụt hứng và khó chịu của tôi ví chẳng khác nào cảm giác của một gã si tình, đã mót lắm rồi, lại sắp sửa được giao hoan khoái chí với người đẹp đã loã lồ sẵn sàng chờ đợi trên giường, bất ngờ lại bị một bậc đại nhân, cực kỳ nghiêm nghị, chưng diện bảnh bao, hào nhoáng, với luận điệu rất "moralisateur", cố níu lại để giảng giải lang bang những chuyện kinh kệ, thần thánh lăng nhăng trên trời dưới đất!

Về nội dung, bài "KHỞI" của ông LNÐ, viết rất cầu kỳ, cộng thêm một số trích dẫn điển cố các huyền thoại La-Hy và tên mấy bộ kinh tôn giáo. Tuy nhiên, xem ra vẫn chẳng đủ khả năng minh giải, hay phát lộ tính chất quan yếu, cao quí, và thiêng liêng của chữ " dâm" trong văn học, tôn giáo và lịch sử nhân loại. Trong suốt 9 trang chữ, đã được trịnh trọng đặt ngay đầu thi phẩm, ông LNÐ vẫn không đạt nổi mục tiêu thông thường, tối thiểu, của người viết tựa là kích động khiếu thẩm dâm cho người đọc trước khi họ bắt đầu nếm cái vị dâm tràn trề lai láng trong 112 trang giấy khổ nhỏ của nhà văn HTA. Có lẽ chính vì thế mà bà VTA đã phải thành thực kể lại trong bài phê bình dẫn thượng: "Tôi mở tập thơ ra xem, phải đỏ mặt ngay". Theo tôi, sự "đỏ mặt" của bà là một phản xạ tự nhiên trước một trạng thái đột ngột, sững sờ, vì tinh thần chưa được chuẩn bị.

Ðó là một bằng chứng của sự thất bại rõ rệt. Sự thất bại ấy, thực ra không nằm trong nội dung thi phẩm hay thuật dụng ngữ của nhà văn HTA, mà lại do chính bài "Khởi"của ông LNÐ. Người đọc có cảm nghĩ dường như ông LNÐ viết bài "Khởi" này chẳng phải viết cho thi phẩm "Thiên đường tìm lại", nhắm gột rửa sạch sẽ thành kiến sai lầm, lạc hậu cuả quần chúng VN về các loại dâm thi, dâm truyện, dâm ca, dâm kinh v.v... Cũng chẳng phải ông viết thay cho tác giả HTA, để nói lên tính cách thiết thân, thiêng liêng, thần thánh của cái dâm, với công năng sinh sản cao quí, vốn là giềng mối lưu truyền dòng giống nhân loại của cái dâm, kể từ thuở Hồng Hoang (Big Bang), khi con người còn phải đi trong thế lom khom bằng cả 2 chân lẫn 2 tay như loài dã nhân (thuyết Darwinisme).

Nên biết, việc hành dâm còn được chính Élôhimhay Yahweh [tiếng Hê Brơ (hébreu) là một ngôn ngữ cổ của dân Do Thái, chỉ Thượng Ðế của đạo Du Già (Judaisme), nguồn gốc cuả Thiên Chúa Giáo] dặn dò, khuyến khích thủy tổ loài người bằng một câu then chốt [trích trong truyền thuyết "Document sacerdotal", do Jean Bottéro dịch] như sau: "Soyez féconds et multipliez vous, remplissez la terre et soumettez-la!"... (Tạm dịch: Hãy sinh sản và tăng trưởng, hãy trám đầy mặt đất và khuất phục nó!). Trong chương Sáng Thế (Genèse:1,28) kinh TCG cũng ghi lời dặn ông Adam và bà Eve của Yahweh-Elôhim, nguyên văn: "Remplissez la terre et dominez la!"(hãy trám đầy trái đất và thống trị nó!)

Ngoài ra, còn một truyền thuyết khác, của phái Yahwiste, vẫn có trong thánh kinh viết bằng tiếng Hê Brơ, Yahweh-Elôhim đã kể chuyện con rắn dụ khị bà Eve ăn trái cấm (chớ không xác định trái táo như ông LNÐ viết). Chuyện "ăn trái cấm" trong thánh kinh thực ra còn nhiều ẩn số, mặc dù hàng mấy ngàn năm nay, các nhà thần học và lãnh tụ tôn giáo đã tốn nhiều công sức và giấy mực vẫn chưa giải đáp được. Trong khi đó, ông LNÐ, chẳng biết gì về thánh kinh đã khẳng định nông cạn, bừa bãi bằng câu: "Trái táo biểu tượng cho thánh lệnh cấm đoán phạm giới, đồng thời tạo kiến thức phân tách nam nữ tính, và từ đó dẫn tới đam mê dục ái và vòng sinh tử, song song với ý niệm nghiệp chướng luân hồi cuả Phật giáo. Tất cả chỉ là kiến thức và ngộ giác ngay trong nhân thế!"

Nơi đây, xin mở ngoặc ngay để nói nhỏ với ông LNÐ rằng cái "ý niệm về nghiệp chướng luân hồi" giữa TCG và PG khác nhau xa lắm và tuế toái lắm, chúng ta chớ vội quơ quào vào! Tóm lại, với cái lối "Khởi" như thế, người đọc, dù hời hợt đến đâu chăng nữa, vẫn thừa nhạy cảm nhận ra ngay dụng tâm của ông LNÐ, chỉ cốt viết cho riêng ông. Dĩ nhiên thôi!

Song le, chính vì vậy mà chẳng những ông Lưu Nguyễn Ðạt đã không giới thiệu nổi đặc tính "dâm", chất " dâm", nghệ thuật diễn tả rất hiện thực về những hành động và khoái cảm "dâm" chứa chan lênh láng trong tác phẩm của Hồ Trường An. Nên biết: Bản chất cái dâm vốn thông tục và thực dụng hằng ngày như ăn, uống, ngủ, ỉa v.v... Cái dâm lại trần truồng, lõa lồ, hiện rõ từng lỗ chân lông. Từng làn da thịt mỏng dính, màu tươi hon hỏn, dễ thương, gợi thèm khát đến nhểu giãi, xếp nếp kín đáo ở những nơi sâu kín nhất trong cơ thể con người... từ thuở Hồng Hoang, con người còn ăn lông ở lỗ đã tuyệt đối chối bỏ, vứt tung hết mọi thứ vỏ che đậy giả tạo. Trong cái dâm, kể cả dâm thi, dâm truyện, dâm ca, dâm kinh... không có một chỗ đứng nào cho trí thức huê dạng, hay đạo đức. Cái dâm đòi hỏi cái thực và cái " người" thật người! Nếu biết được như thế, tất ta sẽ thấy ngay lối viết cầu kỳ, trí thức của ông LNÐ đã chẳng hợp tí nào với nội dung của tập dâm thi này. Xin dẫn chứng:
"... Tôn giáo trên toàn thế giới thường đề cập đến dục ái như một hiện tượng minh giải. Trong thánh kinh Thiên Chúa Giáo và Cựu Ước, nhân loại đồng tình, thể hiện qua nam giới A-Ðông. Nữ tính Ê-Va xuất chiết từ cơ thể A-Ðông, nên nhân bản nguyên thủy bất tách. Trái táo biểu tượng cho thánh lệnh cấm đoán phạm giới, đồng thời tạo kiến thức phân tách nam nữ tính, và từ đó dẫn tới đam mê dục ái và vòng sinh tử, song song với ý niệm nghiệp chướng luân hồi của Phật Giáo. Tất cả chỉ là kiến thức và ngộ giác ngay trong nhân thế. Kinh điển Tantra Ấn Ðộ, Mật Tông Tây Tạng, và Kama Sutra, đều phổ quát liên quan mật thiết giữa tình dục và thánh tính ngay trong giới hạn và chiều sâu cuả nhân thế..." (tr. 14,15). "... Chữ nghĩa dục ái trở thành âm điệu, thành hoà âm tiếp nối dòng nhạc Mozart luân biến Don Juan thành tuyệt tác. Thi ngữ dục ái lại mắc mưu những đường cong ấm áp, nở nang, sâu hoắm trên thân thể Apollon biến thạch, trên làn da huyền bích của nữ thần Diane đang ngâm mình bên dòng sông vĩnh cửu..." (tr.16).

Chẳng những vậy, ông Lưu Nguyễn Ðạt còn làm một việc có tính cách phô trương không cần thiết. Ông viết một bài ngắn, chỉ vỏn vẹn 9 trang giấy nhỏ, chữ lớn bằng Việt văn, cho người VN đọc, nhưng lại trịnh trọng chú thích cẩn thận đến 21 chữ Việt rất quen thuộc và thông dụng sang tiếng Anh. Nhưng chẳng may ông lại định nghĩa và chú thích sang Anh ngữ không chính xác lắm về chữ "dâm".

Khi muốn biện hộ cho tập dâm thi của tác giả Hồ Trường An, cho rằng không có sắc thái thú tính, hạ cấp, mà chính là một dục cảm thanh cao, ông LNÐ đã viết lằng nhằng, nghĩa lý tù mù vẫn bằng cách dùng chữ cầu kỳ ra vẻ thông thái: "Trước hết chúng ta hãy tránh vài ngộ nhận về dục cảm và thú tính. Sắc thái nặng nề của thú tính hời hợt, thô cục, ngoại vi, ứ đọng tại khía cạnh phô bày nhục dục vụn vặt, với những khoái lạc tạm bợ, vụng về, không phải là địa hạt hoặc cứu cánh của thi văn dục ái, mà chỉ là môi trường hạ cấp của dâm thư ". (tr.10)

Câu này, ông LNÐ viết bằng tiếng Việt mà người đọc còn cảm thấy thô nhám, gồ ghề cường điệu, nuốt không trôi như: thô cục, ngoại vi... Thế mà tai hại thay, ông lại còn chú thích thêm Anh ngữ như: thô cục (graphic), ngoại vi (epidermic), khiến cho cổ họng người đọc càng bị nghẹn nhiều hơn.

Nhưng tai hại nhất cho nghệ thuật của thi phẩm "Thiên đường tìm lại" là ông Lưu Nguyễn Ðạt đã không chuyển đạt được sự khác biệt tinh tế giữa 2 từ "porno" với "érotique / erotic" sang Việt ngữ. Ông đã dùng ngay chữ "dâm thư" để chú thích bằng tiếng Anh là: Pornography!( số 6, tr.10)

Theo sự hiểu biết rất tầm thường của tôi, chữ "dâm thư ", còn gọi là "dâm thi", không kém gì "dâm ca", hay "dâm kinh"... cần phải được trang trọng và nghiêm nghị dịch bằng từ: Érotique (Pháp ngữ), hay Erotic (Anh ngữ). Chữ này vốn gốc Hy Lạp (erôs), (Chú ý: chữ Erôs có dấu mũ đàng hoàng), rất thông dụng trong văn chương La-Hy. Các nhà làm văn hoá Hy Lạp thường dùng từ "erôs" để biểu diễn một trong số những đặc tính cảm quan tinh tế nhất cuả dân tộc Hy Lạp. Chữ này, trong Cựu Ước Kinh TCG, ta thấy đã được hoán vị bằng từ "amour" (tiếng Anh: love), và được lập đi lập lại đến cả thảy 600 lần. Nhưng trong Tân Ước Kinh, người ta thấy chữ đó đã bị kiểm duyệt, loại hẳn ra ngoài, để thay thế bằng một chữ Hy Lạp khác là "agapè" (danh từ), "agapan" (động từ), và "agapètos" (tĩnh từ), và đã được nhắc đi nhắc lại tới 320 lần trong bộ kinh này.

Còn chữ "pornography" mà ông LNÐ đã dùng nên dịch là "tục dâm" hay "nhục dâm" (trong đó bao gồm: thị dâm, thính dâm, khứu dâm, vị dâm, khẩu dâm, thủ dâm, cước dâm, v.v...), tức phân định rõ rệt những động tác hành dâm thuần túy (như sự giao cấu đủ các kiểu cọ), với những sản phẩm dâm thuộc về tư tưởng hay tinh thần (như dâm thi, dâm ca, dâm kinh, dâm truyện...) Nên biết dâm thi, dâm ca, dâm truyện, hay dâm kinh, vốn là những sản phẩm tinh thần của con người có suy tư, với một bộ thần kinh cảm xúc cực kỳ bén nhậy và một thiên khiếu thẩm dâm hiếm quí. Một bài dâm thi tuyệt tác, nếu phổ nhạc, và được đồng ca ở nơi thờ phượng, tức là dâm ca. Thí dụ như những bài dâm ca trong thánh kinh viết bằng tiếng Hê Brơ của người Do Thái cổ: "Cantique des cantiques", những bài tụng ca "Hymne homérique V, à Aphrodite" , V, 53-74, thế kỷ thứ VII trước TC, những bài dâm tình ca của dân Ai Cập cổ, viết theo lối chữ tượng hình (hiéroglyphe) đã được Siegfried Schott giải tự. Thông dụng nhất, và nhẹ nhàng nhất là bài tình ca "Hymne à l'amour" của thánh Paul (1 Corinthiens, chapitre 13) đã gợi hứng cho Edith Piaf phổ nhạc. Ðáng kể hơn nữa là bài thánh ca tán tụng yêu đương "Quand on n'a que l'amour" (Khi ta chỉ có tình yêu) thường được cất lên trước những cuộc lễ cưới ở nhà thờ TCG... Còn nếu những bài dâm thi được truyền tụng lâu đời, thì được gọi là dâm kinh (như Kâma-Sutraâ. Chú ý: chữ "â" có dấu mũ đàng hoàng nghe! Tôi sẽ nói đến bộ dâm kinh này trong một phần sau).


Erotic là một "ta-bu"? 
Ðối với chữ "Erotic" mà tôi vừa nêu trên, có lần ông Lưu Nguyễn Ðạt đã dùng để chú thích ngay khi mở đầu bài, cuối trang 9. Câu này ông viết nguyên văn: "Trong một nền văn hoá còn nhiều gò bó bảo thủ, nhục dục thường được coi như một thứ "ta-bu", một việc cấm kỵ, kiêng tránh như phải kềm hãm, be bờ một mãnh lực hoang tạp, hỗn độn..." Nếu chỉ có thế cũng chẳng đáng nói làm gì, nhưng tai hại vô cùng, ông LNÐ lại còn cố giải thích thêm cái "ta-bu" (tabou / taboo) của ông là do: "Căn cứ vào từ "eros" (gốc Hy Lạp) và những thành ngữ như: Erotica, Erotic poetry, Poésie érotique" (nguyên văn).

Thực hết sức hỗn độn, và sai lầm, khi ông LNÐ khẳng định việc cấm kỵ nhục dục, là một thứ "ta-bu" trong nền văn hoá VN, lại bắt nguồn từ chữ "Erôs"! Qui kết như thế, chứng tỏ ông đã không đếm xỉa gì đến từ nguyên học (étymologie). Ông LNÐ đã cột buộc cái "ta-bu" (của riêng ông, chứ chưa hẳn của cả một nền văn hoá!) vào chữ "erôs" đầy huyền thoại cao quí, đẹp đẽ của người Hy Lạp và nền văn hoá La-Hy tối cổ cuả nhân loại.

Xin đưa ra vài dẫn chứng:
Trong khuôn khổ giới hạn của bài này, dĩ nhiên tôi không thể nào kể đầy đủ chi tiết nguồn gốc điển tích, huyền thoại kỳ bí về thần Erôs, vốn tiêu biểu cho tình yêu, và dâm tính đầy nhựa sống, chứa chan tình cảm lãng mạn của dân tộc Hy Lạp. Trong lãnh vực tư tưởng, nghệ thuật Hy Lạp, khi những vì tinh tú và ánh sáng trên bầu trời giao hợp nhau, hay lu mờ đi, đều có thần Erôs. Khi nhựa cây đã tràn ngập trong thân cây vào buổi đầu xuân ấm áp, cũng là do thần Erôs. Khi hai sinh vật gặp nhau, ôm ghì, siết chặt lấy nhau, kéo dài trong giây lát, một thời gian, hay cả một cuộc đời, cũng là hiện thân của thần Erôs! Nhưng ngược lại, nếu cuộc sống trở nên ảm đạm, u buồn, lại không có Erôs!
Dĩ nhiên, con người không thể nào có phép thăng thiên, để bay thẳng lên trời như thần Icare, nhưng con người vẫn chẳng thể nào sống ở thế gian hoàn toàn vắng bóng thần Erôs cho được. Hình ảnh của thần Erôs đã được các nhà nghệ thuật tạo hình Hy Lạp mô tả như một thanh niên cường tráng, trên lưng mang đôi cánh, luôn bay bổng giữa không trung, trong trạng thái vô trọng lực, nằm trên nền màu xanh đen của những chiếc lọ lục bình, đủ cỡ lớn nhỏ. Sở dĩ người Hy Lạp luôn luôn tạo hình thần Erôs đang bay lơ lửng giữa không trung, vì muốn nói lên thần lực của Erôs, cho rằng Erôs có thể làm giảm nhẹ mọi sức ép đè nặng trên kiếp người, đồng thời làm dịu bớt những cảm xúc chất chứa nặng chĩu trong tim của những kẻ yêu nhau. Ðiều này chứng tỏ từ thời thượng cổ, các nhà thông thái, các văn nhân, thi sĩ, các nhà nghệ thuật Hy Lạp đã biết đến định luật về sức hút, hay còn gọi là hấp lực của trái đất, do nhà bác học Newton khám phá ra. Hơn thế, Erôs còn được coi như vị thần có khả năng huyền bí thúc đẩy vạn vật từ thể tĩnh sang thể động, và làm cho lòng người xúc động...

Tóm lại, Erôs chẳng những là một vị thần trong huyền thoại cổ Hy Lạp, mà còn là một đấng sáng tạo sinh động đóng vai trò trung gian giữa trời và người. Cho đến bây giờ người ta vẫn còn tìm thấy những bài thánh ca tuyệt tác của những nhà thơ thần thoại Hy Lạp (des hymnes orphiques) đã thánh hoá và ca tụng Erôs bằng những câu truyền tử lưu tôn trong dân gian Hy Lạp như sau: "Détenteur des clés de l'univers" (Người nắm giữ chìa khoá cuả vũ trụ), và câu: "Tient entre ses mains le gouvernail du monde" (Ðôi tay cầm bánh lái con thuyền thế giới)...

Vậy xin hỏi: Ông LNÐ căn cứ vào đâu mà đã gán cho thần Erôs cái đại tội tình dục tục tĩu, đến nỗi đã bị dân tộc VN, và văn hoá VN coi như một thứ "ta-bu" cấm kỵ?!


Apollon và Diane là ai? 
Tiếp theo, ta hãy nói đến điển cố. Khi một nhà văn, hay nhà nghiên cứu, muốn đem một điển cố trong kho tàng văn chương đông tây kim cổ vào bài viết của mình, tức thị muốn cho bài có chiều sâu sắc, nói ít mà chứa đựng nhiều tình tiết. (Lắm khi phải tốn nhiều trang giấy). Nhưng nó đòi hỏi nhà văn, hay người sử dụng điển cố trong văn chương, phải am tường cặn kẽ điển cố và trích dẫn phải thật xứng hợp với tình huống hiện hữu trong bài văn. Thí dụ như muốn tả vẻ đẹp của người con gái mình mới làm quen ngoài phố mà kể rằng nàng đẹp như Chung Vô Diệm thì thực chẳng còn có gì buồn cười và lố bịch cho bằng! Vậy mà khi nói đến dục ái trong thi phẩm "Thiên đường tìm lại", ông Lưu Nguyễn Ðạt đã dẫn ra hai nhân vật thần thoại cổ Hy Lạp là Apollon và Diane. Hai vị thần này thực sự chẳng liên quan gì tới vấn đề dục ái hết thảy!

Nên biết: Trong kho tàng huyền thoại và văn chương Hy Lạp cũng như trong tinh thần, tập quán của người Hy Lạp từ xưa đến nay, hai vị thần Apollon (nam) và Diane (nữ) không phải là biểu tượng đặc trưng cho dâm tính hay khoái lạc nhục dục. Apollon là một trong 12 vị thần Olympe, ra đời tại Délos, mẹ là Léto, đã bị thượng đẳng thần Zeus dụ dỗ, thuyết phục, và sinh ra đời 2 người con là thần Apollon với một người em gái song sinh là nữ thần Artémis... Trong con mắt của người Hy Lạp, Apollon là một vị thần khả ái, gợi hứng sáng tác cho các nhà nhạc sĩ, thi sĩ, và là một vị thần bảo trợ cho mọi ngành nghệ thuật, tượng trưng cho mặt trời và ánh sáng văn minh, phản ánh thiên khiếu nghệ thuật của nước Hy Lạp, và cũng là thần tượng của tuổi trẻ, của sắc đẹp và của tiến bộ.

Như vậy, rõ rệt Apollon không ăn nhập gì đến dâm thi, nhưng vẫn bị ông LNÐ lôi bừa vào bài của ông. Hơn thế nữa, khi trích dẫn nữ thần Diane, ông đã không ngờ rằng trong văn chương và huyền thoại Hy Lạp, vị nữ thần lừng danh kim cổ, tượng trưng độc nhất vô nhị cho ái dục chính là nữ thần Aphrodite. Còn nữ thần Diane, nguyên gốc nằm trong thần thoại của người La Mã cổ (Ý Ðại Lợi). Về sau, nàng Diane đã được Hy Lạp đồng hoá với nữ thần Artémis, em song sinh cuả Apollon.

Trong kho tàng huyền thoại La-Hy, ta càng ngạc nhiên hơn là không bao giờ có thể tìm ra được đoạn văn nào nói đến nữ thần Diane "ngâm mình bên giòng sông vĩnh cửu" (trích nguyên văn của ông LNÐ) mà chỉ biết được ở Némi có một ngôi đền thờ nữ thần Diane, nằm bên một cái hồ và một bìa rừng thiêng! Ðến đây, thiết tưởng tôi cần nói thêm đôi điều về nữ thần Aphrodite, để chứng minh lối trích dẫn điển cố của ông. Aphrodite vừa là nữ thần bảo hộ cho các cuộc hôn nhân, tình yêu vợ chồng, và sự sinh sản... Nhưng đồng thời nàng cũng là một nữ thần thường được dùng làm biểu tượng cho dục vọng cuồng nhiệt mà không sức gì cản nổi. Ðôi khi nàng còn phá hoại cả những cuộc phối ngẫu hợp pháp, đưa đẩy vợ chồng đến tình trạng ngoại tình, và tạo ra nguyên nhân những cái chết bởi dục vọng và tội ác. Trong kho tàng huyền thoại cuả La Mã, nếu muốn tìm một vị nữ thần tương đối giống như Aphrodite, tôi thiết nghĩ không ai khác hơn là nữ thần Vénus.

Về hình tượng, nữ thần Aphrodite, thường được người Hy Lạp mô tả khoả thân hay đôi khi bán khoả thân, khoác trên thân thể bốc lửa dục tình ngùn ngụt một tấm the mỏng dính, trong những thế đứng, ngồi cực kỳ khêu gợi dâm dục... Về nguồn gốc cuả Aphrodite, ta thấy có hai giả thuyết khác nhau khá dài dòng và phức tạp, nên không tiện kể thêm vào đây. Riêng tôi, nếu có ai cắc cớ hỏi: "Trong số tất cả các nữ thần Hy Lạp, anh thích ai nhất?", chẳng cần suy nghĩ, tôi xin thưa: "Thích nhất Aphrodite. Vì nàng là hiện thân cuả đủ mọi đức tính cao quí hiếm có, lẫn những thói hư tật xấu rất "người" của nhân loại!" Ðiều này bạn có đồng ý với tôi hay không tùy bạn!


II. VÀI ÐIỀU VỀ KIẾN THỨC Ở BÀI "KHỞI" TRONG CUỐN "THIÊN ÐƯỜNG TÌM LẠI"


Chuyện Mozart v à Don Juan 
Như đã chứng minh, người đọc có thể hiểu rằng ông Lưu Nguyễn Ðạt viết bài "Khởi" cho dâm thi "Thiên Ðường Tìm Lại" như là để phô trương vốn kiến thức của một nhà khoa bảng có bằng tiến sĩ ở Mỹ. Ðọc bài ông viết, ta thấy ngay cái vốn ấy bao gồm nhiều lãnh vực, thuộc nhiều nền văn hóa đông-tây, kim-cổ: thần thoại La-Hy, nhạc Mozart, và các bộ kinh điển của các đại tôn giáo như Cựu Ước, Tantra, Mật Tông, và Kâma Sutra, v.v... Về khoản Anh văn, như ông đã chú thích 21 lần trong bài, chắc không ai dám chê. Nhưng còn các khoản khác, hiển nhiên nhiều người đã cảm thấy "tức anh ách" mà không buồn nói. Riêng tôi, chẳng ngại tài sơ trí thiển, cứ đánh liều lạm bàn với ông, may ra được học hỏi thêm nơi ông điều nào mới mẻ hay không?

Trong phần trước, tôi đã nói đến việc trích dẫn điển cố La-Hy, với một số thần thoại về Apollon, Diane, Érôs... Bây giờ tôi mạn phép lạm bàn đến nhạc Mozart, qua câu sau đây của ông LNÐ: "Chữ nghĩa dục ái trở thành âm điệu, thành hòa âm tiếp nối dòng nhạc Mozart luân biến Don Juan thành tuyệt tác". (nguyên văn). Có thể nhiều người chẳng thể nào hiểu rõ được cái ý gì chứa đựng trong câu viết tù mù này, nhưng vẫn thừa sức biết được một vài sự kiện cụ thể về cuộc đời sáng tác của Mozart và giá trị đích thực của nhạc phẩm Don Juan (trình diễn năm 1787, tại Prague). Ông LNÐ nói "Chữ nghĩa dục ái" đã làm cho nhạc phẩm Don Juanthành tuyệt tác. Ðiều này chứng tỏ rõ rệt ông đã chẳng biết tí gì về sức khỏe yếu kém bẩm sinh, về nỗi bất hạnh trên phương diện tình trường và cuộc sống lứa đôi không hạnh phúc đã khiến thiên tài Mozart mệnh yểu (1756-1791) trong cảnh thảm não. Vào một ngày mùa đông, năm 1791, một chiếc xe tang cũ kỹ đã lặng lẽ đưa thi hài ông ra nghĩa điạ, trong bầu không khí lạnh lẽo, cô đơn, độc nhất chỉ có một con chó nhỏ trung thành lẽo đẽo theo sau... Ông LNÐ cũng chẳng biết gì hơn về khuynh hướng sáng tác của Mozart. Ông chỉ viết càn. Bởi xét trong số 600 nhạc phẩm của Mozart đã để lại cho nhân loại, nhạc phẩm Don Juan chỉ được coi như đã thành công hơn nhạc phẩm "Les noces de Figaro" (Lễ cưới của chàng Figaro) mà thôi. Còn những nhạc phẩm lừng danh, bất hủ của Mozart, mà cả thế giới âm nhạc đều đã phải nghiêng mình ái mộ, chính là những nhạc phẩm cuối cùng trong cuộc đời ngắn ngủi của Mozart, là: La flute enchantée (ống sáo thần) và Requiem (1797). Hai nhạc phẩm này đã được Mozart viết bằng cả máu lệ của một con tim đau đớn, buồn tủi cho số kiếp hẩm hiu đầy nghịch cảnh của mình. Như vậy, xin hỏi "chữ nghĩa dục ái" nào đã khiến cho 2 tuyệt phẩm bất hủ, được cả thế giới âm nhạc từ mấy thế kỷ nay thừa nhận và tán tụng, nhưng lại bị ông LNÐ gạt ra rìa?!


Chuyện trái táo! 
Bây giờ bước sang lãnh vực tôn giáo và kinh kệ mà ông LNÐ đã lôi vào bài "Khởi" ngắn ngủn, rỗng tuếch của ông, qua câu trích dẫn nguyên văn sau đây: "Trong thánh kinh Thiên Chúa Giáo và Cựu Ước, nhân loại đồng tình, thể hiện qua nam giới A Dông. Nữ tính Ê Va xuất chiết từ cơ thể A Dông, nên nhân bản nguyên thủy bất tách. Trái táo biểu tượng cho thánh lịnh cấm đoán phạm giới, đồng thời tạo kiến thức phân tách nam nữ tính, và từ đó dẫn tới đam mê dục ái và vòng sinh tử... Kinh điển Tantra Ấn Ðộ, Mật Tông Tây Tạng, và Kama Sutra, đều phổ quát liên quan mật thiết giữa tình dục và thánh tính ngay trong giới hạn và chiều sâu của nhân thế..." (tr. 14,15).

Chỉ vỏn vẹn một câu ngắn như thế mà ông LNÐ đã lôi gần hết các đại tôn giáo tối cổ của nhân loại vào, khiến nhiều người không khỏi giật mình. Kẻ nào dốt chắc sẽ không khỏi khiếp sợ cái vốn kiến thức bao la của ông lắm. Nhưng trong con mắt của những kẻ tinh đời, người ta thấy hành động phô trương này của ông chẳng khác nào con nhà trọc phú, mắc bịnh khoe! Nhưng dù sao ta vẫn không thể gạt ngang sự viện dẫn của ông, mà chẳng xét đến khía cạnh "đúng lúc, đúng choã", hay còn gọi là "thích hợp" hay không của những kinh điển mà ông đã nêu tên. Nếu sự viện dẫn này thực sự ích dụng phần nào cho việc giới thiệu tác phẩm "Thiên đường tìm lại" của nhà văn Hồ Trường An, và giúp cho người đọc mở mang thêm phần nào trí tuệ về tôn giáo, thì cũng là điều đáng ca ngợi. Nhưng đáng tiếc thay, qua ngay mấy chữ đầu "Kinh Thiên Chúa Giáo  Cựu Ước"(?!), ông LNÐ đã tỏ ra chẳng biết cả đến Thiên Chuá Giáo có những bộ kinh nào, và tên gọi đàng hoàng là gì. (Nơi đây tôi không tiện đi sâu vào chi tiết. Bạn đọc nào tò mò, muốn tìm hiểu thêm, xin đón đọc tác phẩm khảo luận "ÔNG TRỜI LÀ AI? TÔN GIÁO LÀ GÌ?" của tôi sắp xuất bản).

Khi nói về dục ái của con người, ông LNÐ đã lôi cả ông Adam, bà Eva, thủy tổ loài người, với tội ăn vụng trái cấm, để vu khoát khẳng định: "Trái táo biểu tượng cho thánh lệnh cấm đoán phạm giới, đồng thời tạo kiến thức phân tách nam nữ tính, và từ đó dẫn tới đam mê dục ái và vòng sinh tử..." Viết như thế, trước hết, chứng tỏ ông đã không biết gì về cặp Adam và Eva đã do dân Hebreux cổ (tổ tiên của người Do Thái) tạo ra, và đã có tới 2 truyền thuyết hoang đường cùng một lúc: -
Một nằm trong "Document Sacerdotal", gồm 11 điều, ghi rõ Elôhim (tên gọi ông trời của người Hebreux) chế ra thủy tổ loài người (điều 8,9), nhưng không thấy nói đến trái cấm. -
Một nằm trong "Yahwiste", gồm 13 điều. Trong đó, Yaweh-Elôhim chế thêm ra chuyện con rắn dụ bà Eva ăn trái cấm trên "cây tri giác" (arbre de la connaissance, hay còn gọi là: Arbre-du- Discernement-du-Bien-et-du-Mal) (điều 3, 5, 6,7,8,9,10).
Hơn thế, ông vẫn không biết, ngoài 2 truyền thuyết kể trên trong kinh của đạo Du Già (Judaisme), nguồn gốc cội rễ của Cựu Ước Kinh TCG... còn có nhiều truyền thuyết khác về nguồn gốc loài người, như của dân Thổ, Mễ Tây Cơ, Mông Cổ v.v...


Triết lý " Ăn trái cấm" 
Mặt khác, về chuyện ăn trái cấm (arbre de la connaissance) mà ông LNÐ đã gọi cách trẻ con là "trái táo", thôi ta cũng chẳng nên bận tâm làm gì. Nhưng còn chuyện ông bảo rằng "trái táo biểu tượng cho thánh lệnh cấm đoán phạm giới... sinh tử "? Ðiều này chứng tỏ ông Ðạt chỉ thấy sao hiểu vậy, chẳng khác nào đứa trẻ con gọi "trái cấm trên cây tri giác" là... trái táo! Triết lý "ăn trái cấm" trong thánh kinh các đạo Judéa-Christianisme hằng mấy trăm năm nay đã tốn không biết bao nhiêu giấy mực và tim óc của nhiều nhà thần học và nhiều nhà nghiên cứu tôn giáo, nhưng vẫn chưa đạt đến một thỏa hiệp tư tưởng nào, mà nay, chỉ bằng một câu ngắn ngủi, ông LNÐ đã khẳng định là "biểu tượng cho thánh lệnh cấm đoán phạm giới...", thì quả thực ông thuộc loại "điếc không sợ súng" siêu hơn mọi người!

Theo tôi, muốn tìm hiểu ý nghĩa sâu xa của triết lý "ăn trái cấm" trong các loại thánh kinh Judéa-Christianisme, ta phải tìm ngay nơi chữ đầu tiên của chương sáng thế (Genèse). Thánh kinh của đạo Du Già, gồm 3 bộ: Torah /Loi (gồm 5 quyển), Les Prophètes (8 quyển), Les Écrits (gồm nhiều quyển, trong đó có quyển dâm ca Le Cantique des Cantiques...) Ngoài ra, ta còn phải biết thêm, Cựu Ước Kinh TCG đã bắt nguồn từ các bộ kinh Du Già, sau được bổ túc thêm bằng Tân Ước Kinh, gồm 4 bộ: Les Évangiles, Les Actes des Apôtres, Les Épitres và L'Apocalypse. Trong phạm vi bài này, tôi không thể đi sâu vào các bộ kinh ấy hơn nữa. Vả chăng không cần thiết.

Khi vừa mở chương Sáng Thế (Genèse) ra, ai cũng phải nhận thấy ngay, nó đã khởi bằng một chữ Hebreucổ: "BÉRÉCHIT". [Chữ này được dịch là: Au commencement... (tiếng Pháp); hay: In / from the beginning... (tiếng Anh)]. Vậy, theo từ nguyên học (étymologie), chữ Béréchit là gì? Chữ này bắt đầu bằng âm tiết "BER", ngụ ý trỏ "đứa trẻ thơ", biểu tượng của thiên lương thuần khiết của con người lúc mới mở mắt chào đời. Tương xứng với khái niệm "nhân chi sơ tánh bản thiện" và triết lý "xích tử chi tâm" của văn hóa và tôn giáo Á Ðông (Phật, Lão, Khổng). Nhưng, ta vẫn còn phải tìm hiểu sâu xa thêm hơn nữa. AÂm tiết "BER" đã khởi đầu bằng mẫu tự "B", mà người Hebreux phát âm là: BETH. Nên biết, tiếng "BETH" vốn được người Hebreux minh họa bằng một cái chấm nhỏ, nằm giữa một hình vuông không khép kín. Hình vuông này chỉ một cái khung, một căn nhà có người, hay đích xác nhất là chỉ cái dạ con của người phụ nữ đang cưu mang một bào thai (foetus).

Tới đây, một câu hỏi cần phải đặt ra: "Tại sao các thánh kinh của Du Già Giáo, nguồn gốc của Cựu Ước Kinh TCG, lại đều khởi đầu bằng mẫu tự thứ nhì (chữ"B"), mà không bằng mẫu tự thứ nhất (chữ"A")? Bởi mẫu tự "B" vốn tượng trưng cho tính lưỡng diện, lưỡng cực của thế giới nhị nguyên, cho sự đối đãi (dualiteù). Còn chữ "A", tức "ALEPH" (tiếng Hebreu), chỉ chất khí (Hydrogène) theo thủy nguyên học (hydrogenèse). Chất khí vốn mang thể đơn thuần, đồng nhất (uniteù), nguồn gốc phát sinh ra vạn vật. Mặt khác, chữ "B" (beth) còn chỉ xạ khí, sự bốc hơi (émanation), có nghĩa hẹp là: Một thành hai. Và nghĩa rộng là: Do sự phóng xuất từ chất khí, từ thể đơn thuần ra thành đa số bao la và vô biên...

Tóm lại, do cơ sở từ nguyên học, chúng ta hiểu được ý nghĩa thâm sâu, rốt ráo của chữ "BERECHIT" mở đầu các kinh thánh Judea-Christianisme, là con người đã phát sinh từ một thể đồng nhất hóa thành đa dạng, tức cùng một thủy tổ mà hoá ra đông đảo vô số, nhưng trong thâm tâm con người vẫn luôn luôn khắc khoải hướng về thể đồng nhất của cội nguồn, tức tìm về cái chấm"ALEPH", điểm khởi nguyên của giống người. Nhưng đáng buồn và đáng tiếc thay, khi đã ra đời rồi, con người sống lạc lõng trong thế giới nhị nguyên, với món tội tổ tông nặng chịch trong tâm khảm, cộng thêm cuộc tranh sống bạo tàn diễn ra hằng ngày, trong một hoàn cảnh kinh tế ngày càng khó khăn, khiến lớp hậu duệ của Adams và Eva đã lần hồi đánh mất thiên lương, trở nên đối đầu, chống chọi nhau kịch liệt, đến mức xâu xé, giết chóc nhau thảm khốc qua các cuộc thánh chiến, hay còn gọi là chiến tranh tôn giáo. Có hiểu được như thế, tất nhiên ta mới nhận ra câu "nên nhân bản nguyên thủy bất tách" của ông LNÐ chỉ là một lối phóng bút viết càn.

Nhân tiện, thiết tưởng tôi cũng cần phải nói thêm, thật vắn tắt rằng: Muốn hiểu được tư tưởng của người Hebreux (Do Thái cổ), ta còn phải biết phân tách chữ Hebreux, để khám phá ra những điểm chung giữa các chữ viết cùng một loại phụ âm (consonnes). Bởi chữ Hebreu không dùng mẫu âm (voyellles). Nhưng lại có rất nhiều chữ viết cùng một phụ âm. Mặt khác, ta còn phải biết, mỗi mẫu tự (lettres) của tiếng Hebreux, khác hẳn mọi ngôn ngữ trên thế giới, đều mang một trị số. Như vậy, mỗi chữ Hebreux đều hàm chứa một giá trị tương ứng với những con số, tính trên căn bản các mẫu tự nằm trong chữ đó.


Tantra Ấn Độ là gì? 
Bây giờ ta hãy xét đến câu ông LNÐ viết: "Kinh điển Tantra Ấn Ðộ, Mật Tông Tây Tạng, và Kâma Sutra, đều phổ quát liên quan mật thiết giữa tình dục và thánh tính ngay trong giới hạn và chiều sâu của nhân thế". Theo tôi, có lẽ khi kể tên mấy bộ kinh này vào bài viết, chắc ông cũng chỉ ngon trớn phô chơi một chút cho oai vậy thôi. Chứ nếu một người cẩn trọng, có chút lương thiện trí thức, không ai dám hạ bút như thế bao giờ. Bởi ai cũng biết mỗi bộ kinh là một phần cốt tủy của một tôn giáo. Mỗi tôn giáo đều có một số điểm dị biệt nào đó về một vài vấn đề thuộc địa hạt tâm linh, tình cảm hay nhục dục. Như vậy thánh kinh của các tôn giáo không thể nào pha trộn, nhập cục vào nhau như một món tả pín lù, hay một đĩa "salade ruisse" được. Thí dụ như bộ Tân Ước Kinh đã dùng để bổ túc, làm phụ bản cho bộ Cựu Ước Kinh, và kinh Talmud chỉ dùng để giải thích thêm cho bộ kinh Torah, chứ không thể trộn lộn vào nhau được. Nhưng ông LNÐ đã quơ bừa một lúc cả 3 quyển kinh của 2 tôn giáo Tantra Ấn Ðộ và Mật Tông Tây Tạng- vốn khác nhau như nước với lửa! - vào một mối "liên quan mật thiết giữa tình dục và thánh tính" (nguyên văn). Sở dĩ tôi đã không kể bộ dâm kinh Kâma Sutra vào đây, vì cho đến nay hầu hết tín đồ các tôn giáo ở Ấn Ðộ như: Bà La Môn (Brahmanisme), Ấn Giáo (Hindouisme), Tantrisme, và Jainisme... vẫn không ai công nhận Kâma Sutra như một bộ kinh chính thức. Thậm chí ngay cả giới giáo đồ Tantrisme cũng không ai dám công khai nhìn nhận gía trị tinh thần của Kâma Sutra!

Trước hết nên biết: Kinh Tantra, không liên hệ xa gần gì với PG Mật Tông Tây Tạng, và hoàn toàn không phải là một dâm kinh như Kâma Sutra. Tantra chỉ là một tôn giáo chủ trương đề cao khí lực của nữ giới (gọi là: shakti), cho rằng đó là một sức mạnh thần thánh mà nữ giới đã thụ nhận từ các đấng thần linh tối thượng, có hiệu năng gây kích động nam giới. Trong thần thuyết này, ta thấy nữ giới đóng vai chủ động, còn nam giới hoá thành thụ động. Vì "phái yếu" (sexe faible) chính là sức mạnh của Thượng Ðế. Do đó, người Ấn Ðộ còn gọi đạo Tantrisme bằng một cái tên khác là: Shaktisme. Trong phạm vi tín ngưỡng, kinh Vệ Ðà của đạo Bà La Môn (Brahmanisme) tôn thờ 3 vị nam thần: Agni (thần lửa trên mặt đất), thần Surya (mặt trời trên không trung), và thần Vâyu (gió trong không khí). Còn Ấn giáo (Hindouisme) lại thay thế bằng 3 vị thần khác có cặp và rất xung khắc là: Brahma (thần không gian và thời gian), Shiva (thần sáng tạo và hủy hoại), thần Vishnou (bảo thủ và canh tân). Cả 2 đạo này đều chủ trương đặc biệt tán dương và thần thánh hoá nam giới, xuyên qua hình tượng các nam thần. Ðến đây, phải nhận ra rằng 2 đạo Bà La Môn và Ấn Giáo vốn là nền tảng tinh thần của sự phân chia đẳng cấp rấr rõ rệt trong xã hội Ấn, đồng thời cũng đã đẻ ra tệ đoan "kỳ thị nữ giới "đến mức cực kỳ dã man, tàn bạo, rất thảm thương. Vì thế, đạo Tantrisme đã thay thế 3 ngôi thánh thể nam giới (Trimurti) đó, bằng một cặp thần linh lưỡng cực. Mỗi vị thần có một nữ thần phụ tá, tượng trưng bằng Shakti, nhân cách hoá làm vợ của thần Shiva... Như thế, ta phải hiểu chủ trương của Tantra chẳng liên quan gì đến "tình dục và thánh tính" của ông LNÐ hết thảy, mà chỉ nhắm phục hồi vai trò quan trọng của nữ thần trong tín ngưỡng, để tạo sự cân bằng nam / nữ, chẳng khác nào như đức mẹ đồng trinh Maria của TCG và Phật Bà Quán AÂm cuả PG!

Về mặt tình dục nam nữ, ta có thể tìm thấy điểm tương đồng giữa lưỡng cực Âm-Dương của Lão giáo với "Yoni" và "Linga" của Tantra. Nếu từ xưa đến nay, xuyên qua hàng mấy ngàn năm, trong lãnh vực tôn giáo và văn hoá Ðông-Tây, đã không một ai dám qui kết triết thuyết AÂm-Dương cuả đạo Lão là "một liên quan mật thiết giữa tình dục và thánh tínhx", thì bây giờ ông Ðạt cũng không thể nào liệt Tantra vào hàng dâm đạo được. Chí đến Ấn giáo, ngót cả tỷ tín đồ, với các đền thờ đã khắc cẩn và trưng bày vô số hình tượng dâm dục (sculptures érotiques), biểu diễn đủ các màn hành dâm đặc biệt của từng cặp, có khi cả một tập thể giữa người với người, hay giữa người với súc vật... mà nổi tiếng nhất thế giới là ngôi đền Khajurâho, vẫn chưa một ai cho đó là một liên quan mật thiết giữa tình dục với thánh tính hết thảy. Bởi ai cũng đã biết rõ ràng mục tiêu và chủ trương của Tantra Ấn Ðộ chẳng phải là một dâm đạo và kinh Tantra chẳng có mùi vị dâm kinh chút nào. Ngược lại, Tantra đích thực là một tín ngưỡng đặt trên nền tảng phối hợp quân bình giữa nam-nữ, tán dương tính chất hoà đồng và đồng đẳng của hai thể xác nam nữ, đồng thời xoá bỏ mọi giai cấp xã hội. Trong triết lý Tantra, người ta còn nhận thấy nổi bật lên một chủ thuyết quan yếu: Khi đã lột bỏ mọi thứ vật dụng trang phục, con người chỉ còn là những tấm thân tứ đại trần truồng, thì đó chính là sự bình đẳng tuyệt đối giữa mọi con người. Vì người nào cũng có một bộ phận sinh dục như nhau với công năng tình dục như nhau. Theo tôi, đọc kinh sách, nếu có quán triệt được tối thiểu đến như thế thì hãy nói đến tôn giáo. Ngược lại, chớ nên dại dột viết càn mà mang tội!


Mật Tông Tây Tạng liên hệ gì? 
Phật Giáo gồm có tam thừa: Tiểu Thừa (Hinayâna), hay còn gọi là PG Nguyên Thủy (Theravada), Ðại Thừa (Mahâyâna) và Kim Cang Thừa (Vairayâna). Mỗi thừa đều có nhiều tông phái khác nhau. Người học Phật nào cũng biết, thuở sanh tiền đức Như Lai không hề viết một chữ. Có thể bởi các đấng thánh tăng, thiền tổ chủ trương "bất lập văn tự", song cũng có thể lúc bấy giờ, vào khoảng thế kỷ thứ VI hay thứ V trước công nguyên, người Ấn Ðộ chưa có chữ viết (?). Dù sao những nghi vấn này vẫn không quan trọng. Nhưng về sau, PG đã trở nên một tôn giáo có số lượng kinh sách vô địch. PG Nguyên Thủy có khoảng 15.000 trang kinh sách. PG Ðại Thừa có khoảng ngót 100.000 trang. Nhưng so với PG Tây Tạng vẫn còn ít hơn đến 2 lần! Như vậy, theo tôi nhận định, muốn tìm hiểu thấu đáo kinh điển và chủ trương của PG Tây Tạng, dù một người dùng hết thời giờ trong cuộc đời của mình, hằng ngày chỉ chuyên chú đọc kinh và tìm hiểu ý nghĩa chứa đựng trong đó, chắc cũng phải mất đến mấy kiếp mới xong! Vậy mà, đáng khiếp sợ thay, ông LNÐ đã dám lôi cả Mật Tông Tây Tạng, một tông phái thuộc Kim Cang Thừa, vào trong vài chữ "Kinh điển Tantra Ấn Ðộ, Mật Tông Tây Tạng, và Kâma Sutra, đều phổ quát liên quan mật thiết giữa tình dục và thánh tính ngay trong giới hạn và chiều sâu của nhân thế"(sic!) Trước sự thể này, tôi biết dùng lời nào để nói với ông cho vừa, và làm sao giãi bày trọn vẹn "Mật Tông Tây Tạng " cho bạn đọc thông suốt. Thiển nghĩ, nếu không khéo, có thể tôi dám bị rơi ngay vào vết chân của ông. Nhưng thôi, dù sao bài này chỉ khép tròn trong phạm vi "dâm kinh, dục ái và thánh tính", tôi cũng nên thẳng thắn lạm bàn với ông Ðạt đôi điều.

Trước hết, tôi nghĩ có thể ông LNÐ đã nghe đâu đó về chuyện một số tăng sĩ Mật Tông Tây Tạng có vợ như giới Tân Tăng ở Nhật Bản. Theo sự tìm hiểu của tôi, quả thực ở Tây Tạng có một số tăng sĩ có vợ, con công khai, đàng hoàng. Nhưng, nếu vậy ông cần phải biết thêm: Mật Tông Tây Tạng vốn có đến 4 hệ phái khác nhau. Khác, chẳng phải vì chủ thuyết, chẳng phải vì giáo điều, vì nghi thức hay tục lệ cúng bái, mà chỉ khác khu vực. Như vậy, sự khác biệt chỉ có tính cách địa phương. Trên bình diện tổng thể, tăng sĩ PG nào, dù là Mật Tông Tây Tạng, cũng phải giữ nằm lòng câu "Ái dục mạc thậm ư sắc",ø không được léng phéng với đàn bà con gái. Tại sao? Dĩ nhiên, có thể trả lời rằng: Do chủ trương "diệt dục". Vâng, không sai. Song trên thực tế, còn một nguyên nhân nữa, hết sức quan trọng, vì liên quan đến các khía cạnh kinh tế, tài chánh, gia đình, xã hội, tín ngưỡng, và văn hoá... Chính điều này ta cần phải quan tâm thâm cứu kỹ càng hơn.

Từ hàng ngàn năm rồi, sở dĩ đạo Phật (cũng như đạo Thiên Chúa) đã cấm giới tu sĩ lấy vợ, bởi các nhà khai sáng và lãnh đạo PG và TCG đã rút được một bài học quí gía từ những tệ nạn của đạo Bà La Môn (nguồn gốc của đạo Phật), và Du Già (cội rễ của đạo TCG). Khi các thầy tu lấy vợ, tất sẽ sinh con, đẻ cháu. Như thế sẽ tạo ra tệ nạn "cha truyền con nối ". Tài sản, đất đai, chùa chiền, đền thờ... do tiền bạc của tín đồ, bá tánh thập phương cúng dường, sẽ bị vợ chồng thầy tu soán đoạt rồi trao truyền lại cho các thế hệ con cháu, biến thành tư sản của một dòng dõi gia tộc. Nhưng, ở Tây Tạng, giới tăng sĩ lấy vợ, đẻ con, lập nên cả một hệ thống "tăng sĩ cha truyền con nối, gia đình trị" chỉ riêng có hai phái Gelugtpa (tăng sĩ mũ vàng) và phái Sakyapa. Nhưng 2 phái này cũng đã thành hình từ lâu lắm rồi, tính ra không dưới... 930 năm trước đây, và tiếp tục truyền thừa mãi đến tận bây giờ. Vậy, xét ra chuyện các tăng sĩ phái Gelugtpa và Sakyapa Tây Tạng lấy vợ cũng chẳng khác nào giới mục sư Tin Lành ở Mỹ, và khắp nơi trên thế giới, hay như phái Tân Tăng Nhật Bản mà thôi. Trong trường hợp này, nếu ông LNÐ đã không thể lôi việc các mục sư Tin Lành và giới Tân Tăng Nhật Bản vào vụ " liên quan mật thiết giữa tình dục và thánh tính" của ông, thì cũng không thể nào dùng tục lấy vợ của một số tăng sĩ Tây Tạng, để qui kết cho cả Mật Tông Tây Tạng vào câu nói vu khoát đó. Tóm lại, nên nhớ và phân biệt cho kỹ rằng, việc một số tăng sĩ, và mục sư lấy vợ hoàn toàn không ảnh hưởng gì đến các bộ Cựu Ước Kinh, Tân Ước Kinh của đạo Ki Tô, hay các bộ Tạng, Luật của Phật Giáo hết thảy!


III- VỀ DÂM KINH "KÂMA- SUTRA" NHÂN ÐỌC BÀI "KHỞI"

Tư tưởng và hành động 
Trước khi mạn phép trình bày vài ý kiến về quyển dâm kinh "Kâma-Sutra" của Ấn Ðộ với Lưu Nguyễn Ðạt, thiển nghĩ, giữa tôi với ông Ðạt hoàn toàn "dĩ ngãi vô thuø". Nhưng sở dĩ tôi dám mạo muội góp ý với ông, vì như nhiều người đã nói với tôi, sau khi đọc bài "Khởi" của ông họ cảm thấy tức anh ách, không chịu được. Dĩ nhiên tôi cũng cảm thấy như họ. Nhưng tôi tự hỏi: Tại sao ta lại phải mang cái "anh ách" ấy trong bụng làm gì cho mệt. Thà cứ thẳng thắn trình bày với ông để nhờ ông giảng giải cho những điều hay lẽ phải. Như thế có tốt đẹp hơn không? Ðó chính là nguyên nhân, khiến nơi đây, tôi tiếp tục đặt vấn đề với ông LNÐ, liên quan tới câu ông viết nguyên văn: "Kinh điển Tantra Ấn Ðộ, Mật Tông Tây Tạng và Kama-Sutra, đều phổ quát liên quan mật thiết giữa tình dục và thánh tính ngay trong giới hạn và chiều sâu của nhân thế." (tr. 14,15 TÐTL). Trong câu này "cái tức anh ách" nằm ở chỗ ông viết "phổ quát liên quan mật thiết giữa tình dục và thánh tính ngay trong giới hạn và chiều sâu của nhân thế". Ông chỉ nói mà không giải thích, không chứng minh gì cả, khiến tôi làm sao mà chẳng thấy "anh ách " trong bụng cho được?

Theo tôi, khi cần phải lý giải một vấn đề nào trong lãnh vực văn học, nghệ thuật, ta cần phải tìm hiểu chi ly, cặn kẽ, diễn tả sắc bén, lý luận đanh thép, để cho vấn đề được sáng tỏ. Như thế, chắc sẽ không sao tránh khỏi sự va chạm tự ái, sinh ra thù nghịch, đối với những người cầm bút tâm địa hẹp hòi, trình độ hiểu biết còn thô sơ, ấu trĩ. Nhưng, ta nên biết, trên trường văn trận bút, cũng như trên võ đài, không có chỗ nào dành cho "khoan nhượng" hay "chơi bẩn". Ðộc giả cũng như khán giả võ đài sẽ là phán quan công minh nhất để thẩm định giá trị và tài năng đích thực của hai bên tranh luận, hay tranh tài. Từ căn bản tranh luận đó, nơi đây ta lại đề cập thêm về quan điểm của ông LNÐ trong phạm trù "dâm thư", mà ông đã dịch sang Anh ngữ là: "pornography" (số 6, tr. 10). Ðến đây, có bạn sẽ tự hỏi: Tại sao ta phải quan tâm đến hai chữ này như vậy? Vâng, thắc mắc của bạn kể ra cũng hợp lý lắm. Nhưng, theo tôi, quan niệm về "cái dâm" của người viết chính là ngọn đuốc soi đường, là kim chỉ nam cho tác giả đi sâu vào các ngóc ngách, hang hốc của vấn đề. Nếu quan niệm sai, tất tác giả sẽ không tránh khỏi bị lạc hướng, diễn tả méo mó vấn đề. Trong trường hợp này, nếu người đọc thiếu thận trọng, sẽ không tránh khỏi sa chân lạc bước theo tác giả luôn!

Nếu trong bài, ông LNÐ chỉ dùng chữ "dâm thư" không thôi, ta sẽ không nhận ra được quan niệm sai lầm của ông. Vì ngôn ngữ VN vốn không dồi dào súc tích lắm trong lãnh vực này. Nhưng xét trong ngôn ngữ Âu-Mỹ, ta thấy các dân tộc Tây phương nhìn vấn đề này phóng khoáng hơn, nên có nhiều ngôn từ thông dụng, diễn tả chính xác hơn, tùy theo từng trường hợp. Trong lãnh vực văn hoá và tư tưởng, như thi ca, kinh điển, khi đề cập đến cái dâm, các nhà nghiên cứu và sáng tác Tây phương thường dùng chữ Érotique (erotic), chứ không ai dùng chữ: Pornographie (pornography) bao giờ. Thí dụ: poème érotique, hay poésie érotique, và poète érotique (dâm thi, thi sĩ viết dâm thi), chứ không ai dùng chữ poète pornographique. Trong lãnh vực tín ngưỡng và tôn giáo cũng thế. Người ta dùng những chữ Livre érotique, hay Bible du sexe (dâm kinh); chứ không bao giờ dùng chữ Bible pornographique, poésie pornographique, hay Livre pornographique! (Xin nói rõ: hai chữ Biblevà Livre nơi đây có nghĩa Kinh và Thư, hay nói chung là Thánh Thư). Sự tinh tế đó trong văn chương và tín ngưỡng cần phải có, chẳng khác nào như sự tinh tế trong tư tưởng của một người đàn ông trí thức, thanh lịch. Khi ngủ với vợ hay ngủ với nhà thổ, đành rằng mục đích thoả mãn dục lạc chỉ là một, và các hành động dâm dục vẫn diễn ra y hệt; nhưng cảm xúc và tư tưởng liên hệ tới hai kẻ đối tác khác nhau ấy không thể hoàn toàn như nhau được. Người đàn ông trí thức, thanh lịch, phải cảm nhận thấy từ trong chốn thâm sâu nhất của tư tưởng và tình cảm, trong lúc giao hoan với vợ có sự trân trọng, nâng niu, mơn trớn, vuốt ve, thương yêu, trìu mến, và tình tứ, lãng mạn. Ngược lại, khi ngủ với nhà thổ, tuyệt nhiên những thứ cảm xúc và tư tưởng cao thượng ấy không thể nào chen vào được, dù chỉ trong một sát na giữa cuộc truy hoan thuần túy thỏa mãn xác thịt. [Muốn rõ hơn, xin xem tiếp đoạn sau, nói về Kâma-Sutra]. Tóm lại, trước hai đối tác vợ và nhà thổ, bất cứ một người đàn ông bình thường nào cũng không thể coi vợ như nhà thổ, hay ngược lại, nhà thổ như vợ, và khi ngủ với vợ coi như ngủ với nhà thổ! Vậy, cũng một cách như thế, không thể lẫn lộn giữa 2 chữ "Érotique" và "Pornography" được!
(Tôi nói như thế chỉ là một lối dùng hình ảnh cụ thể để diễn tả một vấn đề chẳng những đã trừu tượng lại thường chuyển hoá, tùy từng trình độ kiến thức và cảm quan của mỗi cá nhân. Tuyệt nhiên không có ý ám chỉ ông thuộc hạng "bất tri kỳ vị" trong tư tưởng. Xin ông hiểu rộng mà thứ lỗi cho!)


Kâma-Sutra là gì? 
Câu ông LNÐ viết kể trên, đã đề cập đến các tôn giáo Tantra Ấn Ðộ, Mật Tông Tây Tạng, và Kâma-Sutra, cho rằng "đều phổ quát liên quan mật thiết giữa tình dục và thánh tính". Hai tôn giáo Tantra Ấn Ðộ và Mật Tông Tây Tạng, tôi đã đề cập đến rồi. Nay chỉ góp ý về Kâma-Sutra mà thôi. Theo nhận xét của tôi, không mấy người VN quan tâm tới hai tôn giáo Tantra và Mật Tông. Nhưng riêng Kâma-Sutra, có lẽ đa số đàn ông, thanh niên VN, có trình độ kiến thức chút đỉnh đều nghe nói đến. Trong số, một ít người, nếu đọc được ngoại ngữ, có thể đã vào thư viện mượn coi, hay mua về, cất kỹ trong một xó xỉnh nào đó, để thỉnh thoảng lén vợ con, lôi ra đọc. Như thế, tôi có thể nói mà không sợ sai lầm bao nhiêu là đại đa số những người đã đọc Kâma-Sutra, chỉ cốt xem hình vẽ đủ các kiểu hành dâm, để thoả mãn dâm tính, và thói tò mò. Trong số những hạng người mà tôi vừa nêu trên, một hạng chỉ nghe nói đến Kâma -Sutra, một hạng đã đọc và chỉ coi hình để biết các kiểu cọ, các động tác hành dâm, cho mãn nhãn mà thôi. Trong câu trên, khi đề cập tới Kâma-Sutra, người ta không hề thấy ông nói lên, dù chỉ vài chữ đơn sơ, bộc lộ sự thắc mắc hết sức tự nhiên của người đọc sách là: Tại sao Kâma-Sutra lại được gọi là dâm kinh? Tại sao "Le cantique des cantiques", và "Talmud" trong kinh Torah của đạo Du Già (Judaisme) lại không ai coi là dâm kinh?

Vâng, từ xưa đến nay, nhiều người trên thế giới đã coi Kâma-Sutra là một dâm kinh. Khái niệm này, thực ra chỉ là một ý nghĩ có phần hoang tưởng, song hợp lý. -
Hoang tưởng đối với những ai không tưởng tượng nổi, hay không thể chấp nhận được, vấn đề tình dục kể trong một quyển thánh thư. -
Nhưng ngược lại, nó được coi như rất hợp lýđối với những người có tư tưởng phóng khoáng, coi chuyện dâm dục và những chuyện thần thoại, huyền bí trong thánh thư chỉ là một sự tự nhiên. Trong đạo Du Già, đã có những quyển dâm kinh như " Le cantique des cantiques" và "Talmuds" thì sao?
Hơn thế, nhờ công phu sưu tầm và giải mã các bản khắc chữ tượng hình (hiéroglyphe) trên đất nung thời cổ đại trong vùng Trung Ðông của nhà khảo cổ Siegfred Schott, ta được biết, trong kho tàng thần thoại và kinh điển viết bằng ngôn ngữ Ai Cập, Xê Mít cổ (Sémites) và Accadienne v.v... trong vùng Lưỡng Hà (mésopotamie, thuộc Irak ngày nay) cũng kể nhiều chuyện dâm tình rất táo bạo như: Thần Enlil của dân Xu Me (Sumériens, vùng Nam Lưỡng Hà) đã rình chờ nữ thần Ninlil, để thừa cơ đè ngửa nàng xuống, hiếp dâm, khiến cho nàng có chửa... Chuyện nữ thần Inanna (người Accadiens gọi là Ishtar), con gái thần An, đã cố tình lả lơi, bẹo dạng để cho gã làm vườn của cha nàng đè xuống hiếp dâm ngay trong vườn. Nên biết nàng Inanna có tượng thờ trong giáo đền của dân Xu Me, với danh hiệu là "thánh đĩ" (prostituée surnaturelle). Một chuyện khác viết bằng tiếng Accadienne, trong sử thi" Épopée de Gilgamesh", một loại thánh thư của dân Xu Me cổ còn kể chuyện Enkidu, về sau trở nên bạn chí thân của Gilgamesh, sinh trưởng trong vùng thảo nguyên, từ nhỏ tới lớn, sống quanh năm suốt tháng với các loài vật, nên chỉ toàn giao cấu với những con vật cái (bestialiteù). Một hôm, có một người đàn bà lạc bước đến vùng hoang dã này, đã khêu gợi và quyến rũ anh ta giao hợp. Thế rồi sau "sáu ngày và bảy đêmkhoái lạc" ghì siết, quằn quại, gã mục đồng thô bạo này đã nếm mùi đàn bà rồi, liền bỏ luôn đồng cỏ với các loài súc vật, đi theo người đàn bà đó, để lần hồi trở nên một gã "đàn ông" đúng nghĩa. (Tabl. I,Colonne IV, 16 s). Nếu chuyện kể chỉ có thế cũng chẳng đáng nói làm gì. Trong bộ sử thi ấy đã diễn tả không úp mở, với những từ ngữ trắng trợn nhất, hành động mời mọc của cô nàng như: Elle laissa tomber son écharpe / Et découvit sa vulve pour qu'il put jouir d'elle, / Et rejeta ses vêtements, /Alors il s'allongea sur elle, /... (Nàng bỏ tấm khăn choàng rơi xuống, / để lộ âm hộ của nàng ra, cho chàng có thể chơi nàng, /... Và cởi bỏ quần áo, chàng phủ dài lên người nàng, /...) Khi nói về trạng thái sướng khoái, cực dâm, của hai người, tác giả sử thi còn dùng luôn chữ "nish libbi" (tiếng Accadienne) là một loại ngôn ngữ rất thô tục trong quần chúng. Mặt khác, trong thánh thư của các sắc dân vùng Lưỡng Hà thời cổ đại còn ghi những điều cấm kỵ liên quan đến việc hành dâm như mỗi năm có những ngày nào đó, tính theo niên lịch Ả Rập, Hồi giáo, (thí dụ như ngày mồng 6 của tháng Tashrit- khoảng giữa tháng 9 và tháng 10 d.l.- ) bị cấm không được giao hoan. Chuyện cấm đoán này, cho đến nay vẫn chưa ai lý giải được! Tóm lại, những chuyện này, xét về đại thể không khác gì "Le cantique des cantiques" và "Talmud" của dân Do Thái bao nhiêu. Vậy tới đây, ta hãy coi như tạm đủ, để biện minh cho khái niệm hợp lý đã nêu trên.

Nhưng dù sao, nếu ai đã đọc Kâma-Sutra và Le cantique des cantiques, hay Talmud rồi, chắc sẽ dễ dàng đồng ý với tôi rằng lối diễn tả trong bộ kinh Du Già của dân Do Thái, xuyên qua các bản dịch, có phần dịu nhẹ và ít kích thích hơn kinh Kâma-Sutra, rất nhiều. Ngoài lối tả bằng một ngôn từ rất chân thực các động tác hành dâm, Kâma-Sutra còn tràn ngập những hình ảnh minh hoạ các cuộc giao hoan, đủ kiểu, đủ loại, qua nhiều khía cạnh khác nhau.Tuy nét vẽ và lối diễn tả bằng hình ảnh và màu mè thuở đó còn rất thô sơ, nhưng cũng đã đạt đến mức kích dâm cao độ đối với những ai chỉ xem kinh Kâma-Sutra với mục đích để gợi hứng và tìm khoái cảm. Bởi thế, ta không lạ gì "Le cantique des cantiques" và "Talmuds" đã được liệt vào hàng kinh điển của đạo Du Già, mặc dù chẳng dễ dàng gì. Nhưng, ngược lại kinh Kâma-Sutra đã không đạt được điạ vị chính thức đó trong các giới quần chúng Ấn Ðộ. Thậm chí ngay tín đồ của đạo Tantrisme cũng không chịu thừa nhận giá trị tinh thần của nó.
Là người VN, lại không am tường về tâm lý, tín ngưỡng, phong tục, tập quán của dân Ấn Ðộ, nhất là chưa từng nghiên cứu kỹ Kâma-Sutra, vậy ông LNÐ đã căn cứ vào đâu để cho rằng Kâma-Sutra có liên quan mật thiết giữa tình dục và thánh tính? Tôi thiển nghĩ, muốn có một khái niệm đứng đắn về Kâma-Sutra, cũng như tất cả các tôn giáo khác - hay bất luận một vấn đề nào - ta cần phải tìm hiểu cặn kẽ nguyên ủy, bối cảnh và nội dung của nó. Như thế mới hy vọng tránh bớt được phần nào sai lầm đáng tiếc.


Kâma-Sutra có thánh tính không? 
Trước câu hỏi này, dĩ nhiên ông Lưu Nguyễn Ðạt sẽ cho rằng: Có! Như thế, tất ông cần phải biết thêm rằng: Nếu một quyển sách "có thánh tính", tức là một "THÁNH THƯ" (Livre), một quyển "KINH" (Bible). Chữ "Kinh" vốn gốc Hán Việt, bộ Mịch, 13 nét, nghĩa: thường (phép thường, đạo thường), sách của thánh hiền. Nếu nói" kinh tạng" thì nghĩa là sách các tôn giáo, bộ sách tôn giáo. Nếu ông LNÐ chỉ thông tiếng AÂu, Mỹ, thì chữ "Bible" vốn gốc Hy Lạp số nhiều (ta biblia), đồng nghĩa với "les Livres", và ý nghĩa cũng không khác gì chữ "Kinh" của VN. Vậy, phải chăng ông cho rằng giá trị thiêng liêng về tinh thần và tư tưởng của Kâma-Sutra chẳng khác nào các bộ kinh PG, kinh Vệ Ðà, kinh Coran của Hồi giáo, kinh Torah của đạo Du Già, kinh Cựu Ước và Tân Ước của TCG? Tới đây, tôi xin nhường sự trả lời cho ông Ðạt và nhường sự phê phán cho độc giả. Nhưng riêng tôi, chẳng cần phải biện luận dông dài làm gì, ai cũng thấy: Không!

Vì như trên đã nói, nếu quả thực Kâma-Sutra có thánh tính, tất đã chính thức được liệt vào kinh điển của Ấn Ðộ giáo (Hindouisme), đạo Tantrisme, hay đạo Bà La Môn (Brahmanisme), [như Le cantique des cantiques, hay Talmudtrong kinh Torah của đạo Du Già], mà tác giảû của nó, tên Vâtsyâyana, vốn là một tín đồ Bà La Môn trung kiên. Hơn nữa, có thể, nguồn cảm hứng để biên soạn bộ sách này của Vâtsyâyana còn phát xuất từ truyền thống rất cổ xưa của đạo Bà La Môn và trong đời sống hằng ngày của dân tộc Ấn. Ðiều này, ai cũng dễ dàng nhận ra, nếu chịu đọc kỹ Kâma-Sutra.

Theo tôi, rõ ràng Vâtsyâyana đã căn cứ trên luật Manou (qui tắc luân lý của Ấn Ðộ) và tựa vào truyền thuyết thần Shiva, một vị thần sáng tạo đồng thời cũng là chủ nhân ông của tượng Linga, một hình tượng dương vật đang cương cứng (phallus), được dựng đứng trong các đền thờ thần Shiva, theo hướng thăng thiên, biểu trưng cho sức mạnh sinh sản của tạo hóa. Ðọc Kâma-Sutra, ta còn nhận thấy chủ đích tác giả chỉ nhắm phản ánh những phong tục rườm rà và tập quán tế nhị của giới quần chúng đô thị giàu có mà thôi. Trong đó gồm những khái niệm về sự hòa hợp giữa trách nhiệm(dharma), tình yêu (kâma) và sự giàu coù (artha). Ðặc biệt đáng chú ý hơn hết: Tác giả đã loại bỏ hẳn ra ngoài khái niệm thứ tư, cuối cùng, song rất quan trọng đối với dân Ấn có tín ngưỡng là: Sự giải thoát (moksha), tức vòng cuối của một chu kỳ luân hồi. Ðiểm này càng chứng tỏ rõ rệt hơn lối viết vu khoát, vô sở cứ của ông Ðạt cho rằng Kâma-Sutra có thánh tính!

Thực chất của Kâma-Sutra chỉ là một quyển sách khoái lạc phục vụ hạnh phúc nhãn tiền cho những ai không tin thuyết luân hồi, tái sinh, không tin con người sẽ đầu thai kiếp khác, song cũng không muốn chết sớm trước một trăm năm. Nên biết, người Ấn cũng như phần đông dân Á châu, trong số có cả VN, đều tin rằng, nếu không có gì trục trặc, kiếp người thường là một trăm năm. Vì thế mở đầu truyện Kiều, thi hào Nguyễn Du đã viết: "Trăm năm trong cõi người ta..."! Nhận xét về Kâma-Sutra, đa số người Á châu đều chỉ coi là một thứ dâm thư, xem cho thỏa tính tò mò, hoặc dùng làm đề tài đấu láo trong những lúc trà dư tửu hậu. Chẳng mấy ai nghĩ rằng nó có "thánh tính" và cũng chẳng ai dám gọi nó là "dâm kinh", để đặt nó ngang hàng với kinh Tantra và kinh PG Mật Tông Tây Tạng, ngoại trừ một mình ông Lưu Nguyễn Ðạt! Về phía người Tây phương cũng không khác. Ða số dân Tây phương đều cho Kâma-Sutra là một tác phẩm dâm dục phóng đãng, vô loại, mà tác giả đã cố tình nêm thêm gia vị cho tăng phần hấp dẫn ngon lành, hầu thỏa mãn dâm tính của con người.

Nguyên tác Kâma-Sutra viết bằng Phạn ngữ (Sanskrit)õ, phổ biến vào khoảng thế kỷ thứ IV sau Thiên Chúa. Về sau, đến năm 1883, một nhà khai khẩn người Anh ở Ấn Ðộ, tên Richard Burton, đọc thấy mùi vị dục tình nóng bỏng của giống người sinh trưởng trong các vùng nhiệt đới bốc tỏa mù mịt trong Kâma-Sutra, nên ông ta đã dịch nó sang Anh ngữ, để nhiều người Tây phương có dịp thưởng thức. Hơn một thế kỷ nay, tuÿ bản dịch Anh ngữ của Kâma-Sutra đã in rất nhiều và phổ biến rất rộng rãi khắp nơi trên thế giới, nhưng vẫn không dễ gì leo vào được kệ sách của các thư viện.

Dù sao đó vẫn chỉ là một số nhận xét bề ngoài. Nếu bây giờ ta chỉ căn cứ vào đó để vội vàng rút ra ngay một kết luận như ông LNÐ, e rằng ta không tránh khỏi phiến diện, và thiên kiến chủ quan. Ta cần phải chịu khó đào sâu vào nội dung của Kâma-Sutra hơn nữa, mới khám phá ra được chỗ dụng tâm sâu sắc về mối tương quan nam-nữ, về chính trị, xã hội và tín ngưỡng... của tác giả, đã được gói ghém khéo léo trong những màn hành dâm với cường độ kích thích nhục cảm rất cao.


Kâma-Sutra và mối tương quan giai cấp... 
Nếu thực sự đã đọc Kâma-Sutra và kinh Tantra rồi, tất nhiên ông Lưu Nguyễn Ðạt phải nhận ra ngay trong cốt tủy của 2 tác phẩm ấy đã có sự xung khắc kịch liệt. Nhưng rất tiếc ông đã không nhận ra tính chất tương phản của nó, nên đã lầm lẫn gom chung Tantra và Kâma-Sutra vào làm một nhóm kinh điển có thánh tính. Xin thưa, đây là những điểm khắc biệt chủ yếu giữa Tantra và Kâma-Sutra. Trong một đoạn trên tôi đã nói: Chủ yếu của Tantra là đề cao khí lực, một sức mạnh thần thánh của nữ giới (shakti), phục hồi địa vị quan yếu của phụ nữ trong xã hội, phong tục, tập quán và tôn giáo của dân tộc Ấn, xuyên qua biểu tượng Yoni và Linga, chẳng khác nào Âm/Dương của Lão giáo. Tóm lại, Tantra chủ trương con người, từ bản thể, dù nam hay nữ, đều bình đẳng. Trong khi đó, ngược lại, đạo Bà La Môn và Ấn Giáo lại chủ trương kỳ thị nữ giới đến thảm hại. Hơn thế, các tôn giáo này còn là điểm tựa tinh thần của sự phân chia các đẳng cấp cách hết sức sâu xa, và cực kỳ nghiệt ngã trong xã hội Ấn. Phân chia về mức độ vệ sinh, thanh tịnh (degré de pureteù) của tâm hồn. Phân chia về dòng dõi huyết thống, về giai cấp xã hội (caste - chữ này của Bồ Ðào Nha, gốc La Tinh"castus"). Phân chia về màu da, đen sậm (giới lao động nghèo khổ), đen vừa, và da trắng (giới quí phái, giàu sang, hiếm quí, tức loại "mưa không đến mặt, nắng không đến đầu" v.v... Nên biết, đối với dân Ấn, giai cấp xã hội (Người Ấn gọi là "varna", tức màu. Thí dụ như: Màu trắng chỉ giới đạo sĩ Bà La Môn "Brahman", màu đỏ chỉ giới chiến sĩ "Kshatriya" v.v...) thuộc về huyết thống và dòng dõi, có tính cách truyền tử lưu tôn, chứ không thể "gia nhập" được!

Tìm hiểu kinh Vệ Ðà (ra đời khoảng 1.000 năm trước TC), người ta thấy xã hội Ấn chia ra làm 3 "varna" gồm: Brahman, Kshatriya, và Vaishya (giới sản xuất), tượng trưng cho 3 diện quan yếu trong xã hội Ấn thời bay giờ, là: bảo vệ truyền thống tín ngưỡng, phòng thủ quốc gia và sản xuất thực phẩm, vật dụng công ích. Ðến thời kỳ cuối cùng của Vệ Ðà (khoảng thế kỷ chót trước TC), người ta thấy lại nảy ra thêm một giai cấp mới nữa là Shudra (nô bộc). Tất cả giềng mối bất bình đẳng xã hội nêu trên đều bắt nguồn từ luật Manou, mà tác giả Kâma-Sutra đã dùng làm nòng cốt tư tưởng. Tất cả những kẻ nào trong 4 giai cấp đó mà không tuân hành nghiêm chỉnh, thí dụ như một đàn ông thuộc giai cấp Bà La Môn mà lấy một người đàn bà con gái thuộc giới nô bộc làm vợ, đẻ con, tức khắc bị loại ra khỏi giai cấp biệt đãi của mình, và bị giáng xuống cấp thứ 5 gọi là Chiên Ðà La (Parias). Con cái của những cặp nam nữ pha giống đó cũng bị liệt vào hạng Chiên Ðà La luôn! Chưa hết: Dưới các giai cấp đó, còn có thêm một hạng mạt rệp nữa, bị đối xử thua xa loài vật, gọi là "Jâti", không ai dám cả chạm vào quần áo của họ! May thay, đến năm 1950, nhờ phong trào cách mạng nổi lên khắp nơi trên thế giới, nhân dân Ấn mới có được bản hiến pháp xóa bỏ sự phân chia các giai cấp xã hội kể trên.

Như thế, tóm lại, nếu đã đọc Kâma-Sutra, tất nhiên ông LNÐ phải nhận ra ngay điểm chủ yếu là: Tác giả đã khoét sâu thêm hố chia rẽ giữa con người với con người vào đến tận chỗ thâm sâu, kín đáo nhất, thiêng liêng, quí báu nhất và riêng tư nhất trong cuộc đời của mỗi con người, bất kỳ nam hay nữ, là Hạnh phúc ái ân.
Tác giả đã núp dưới chiêu bài "một tín đồ Ba La Môn" để tàn nhẫn qui định những điều kiện yêu đương như sau: "Phải lấy vợ cùng một giai cấp, còn đồng trinh, gia thế tốt, giàu có, trẻ, đẹp, và phải kém ít nhất 3 tuổi". Nếu người đàn ông có ngủ với một người đàn bà, con gái nào thuộc giai cấp thấp hơn, phải coi đó như một sự giải trí thôi. Không được lấy. Do đó, vấn đề nhà thổ, thậm chí đến loại gái làng chơi hạng sang, đĩ quí phái trong xã hội Ấn Ðộ cũng được nhìn qua lăng kính giai cấp, coi như một hình thức để bảo tồn đức tính e thẹn, nết na cho giới vợ hiền, thuộc hàng mệnh phụ phu nhân, con nhà khuê các... Cũng nên biết, ngay trong giới đàn bà, con gái chơi bời trong xã hội Ấn Ðộ cũng chia ra làm 8 hạng, từ hạng con sen, con đòi đến hạng đĩ sang, không thể lẫn lộn được. Vì hạng đĩ sang, nhiều tiền, có thể dùng huê lợi kiếm được bằng thân xác của mình để xây đền, cất miễu, và có người còn đủ sức dâng cả ngàn con bò sữa cho các đạo sĩ Bà La Môn. Ngay như đức Phật thuở sanh tiền cũng đã được một ả chơi bời hạng sang, một đêm ngủ với khách được trả tới 50 đồng tiền cổ (écu), đã cúng dường Phật cả một vườn xoài để ngài dùng làm tu viện (histoire d'Âmrapâli). [ Xem thế, ta đủ biết bọn tu hành, trí thức thời nào vẫn có máu lợi dụng. Họ không tha cả giới đàn bà khổ sở nhất, đến mức phải bán trôn nuôi miệng! Ngoại trừ đức Phật]. Ở VN, đến thời Bảo Ðại, hạng đĩ "có tàn có tán, có bàn hương án thờ vua, có chùa thờ Phật" trong xã hội ta cũng không hiếm gì! Chưa hết, Kâma-Sutra còn là cả một hệ tư tưởng về loại đĩ hạng sang (courtisanes), và đã dành cho hạng người này một địa vị đặc biệt, liệt vào hàng tôi tớ của Thượng Ðế, tiếng Phạn gọi là Devadâsi (servantes du Dieu), và là đối tác của giới đạo sĩ. Những cô ả này là biểu tượng trên thế gian của các đấng thần linh (apsarâs) trên cung trời cao vòi vọi, vừa để cám dỗ những nhà tu khổ hạnh vừa để thưởng công bọn tín đồ sùng đạo. Như vậy, giới đĩ hạng sang trong xã hội Ấn, trong tinh thần của Kâma-Sutra, vừa có tính cách tà dâm vừa có tính cách ân sủng.

Theo Kâma-Sutra, trong lúc ái ân với vợ, thuộc cùng một đẳng cấp xã hội, người đàn ông Bà La Môn không thể bắt vợ làm những việc có tính cách ô nhục như cô nàng Monica Lewinsky đã hút "xì gà gộc" của TT Bill Clinton. Ngược lại, ngoài xã hội, người đàn ông Bà La Môn có quyền bắt người đàn bà thuộc giai cấp dưới làm việc đó thay cho vợ. Và người đàn bà, con gái thuộc giai cấp thấp hơn có bổn phận phải hoan hỉ phục vụ. Trong gia đình, người đàn ông Bà La Môn cũng không thể đòi hỏi vợ tham gia các cuộc làm tình tập thể kiểu Dương Quốc Trung, anh trai của Dương Quí Phi, đời Ðường bên Tàu, đã bày ra "nhục trận" (trận thịt, với cả bầy đàn bà con gái lõa lồ bu quanh), hay bắt chước Stalin, trùm đỏ trong Ðiện Cẩm Linh đã bắt vợ phải tham gia trong những cuộc làm tình tập thể cùng với nhiều đàn bà khác (muốn biết rõ hơn, xin xem thêm "STALIN, chính trị và tình ái" của Ðặng Văn Nhâm). Nhưng, ở ngoài xã hội, đối với giới phụ nữ thuộc giai cấp hèn kém hơn, anh ta có quyền làm như thế, và gọi đó là "Cuộc giao hợp với một bầy bò cái!" (L'union avec un troupeau de vaches)! Mặt khác, một người Bà La Môn, hạng sang quí nhất trong xã hội Ấn, khi giao hoan, không được lùa cái lưỡi của mình vào trong chỗ thâm sâu, kín đáo nhất của người vợ. Nhưng, ngược lại hạng nô lệ, hay làm nghề chăn voi có thể làm việc đó với vợ của nó mà không sợ bị xấu hổ. Dù vậy, bọn tôi tớ có thể dùng cái miệng của họ để phục vụ cho bộ phận sinh dục của người chủ, khiến ông, bà chủ được hưởng sướng khoái nhục dục nhiều hơn. Nên nhớ, hành động này chỉ diễn ra trong vòng chủ nhân ông với tôi tớ cả nam lẫn nữ. Còn nữ chủ nhân thì chỉ được phép dùng gia nhân phái nữ vào việc đó. Cấm tiệt các bà chủ không được xài tớ trai vào việc này! Trong lãnh vực dâm dục, dân Ấn coi việc lắp đít (sodomie) là xấu xa, dơ dáy nhất, chỉ riêng dân chúng trong vùng Nam Ấn (dravidiennes) thường hay áp dụng mà thôi. Và những người đồng tính luyến ái (homosexuels), trong xã hội Ấn bị coi như thành phần đã bị thiến, hay như những... hoạn quan VN triều Nguyễn!

Ði sâu hơn vào Kâma-Sutra chút nữa, về mặt khoái lạc ái ân thuần túy, ta thấy tác giả đã chia bộ phận sinh dục của nam giới và nữ giới ra làm 3 hạng khác nhau, tùy theo khuôn khổ và tầm vóc. Mỗi hạng đều có đối tác tương xứng. Thí dụ:

Nam giới (dương vật):
1.- Cỡ bự, gọi là: ngựa giống (étalons) 2.- Cỡ trung, gọi là: Bò mộng (taureaux)
3.- Cỡ tiểu, gọi là: Thỏ (lièvres)

Nữ giới (âm hộ):
1.- Cỡ bự, vừa to lại rộng và sâu, gọi là: Voi cái (éléphantes)
2.- Cỡ trung, gọi là: Ngựa cái (juments)
3.- Cỡ tiểu, vừa nhỏ lại cạn, gọi là: linh dương nhỏ (gazelles).

Tóm lại, theo thiển kiến của tôi, về thực chất, Kâma-Sutra chỉ là một tác phẩm hấp dẫn, có khả năng lôi cuốn người đọc vào những hành động cực dâm, với thú hưởng cực lạc khoái cảm trong lúc giao hoan, theo kiểu của Vâtsyâyana. Như vậy, đối với những độc giả bình thường như tôi và các bạn, nếu không phải là đệ tử của Vâtsyâyana, không ai chấp nhận Kâma-Sutra là một tác phẩm có thánh tính, hay một thánh thư, hoặc một kinh tạng. 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét