1/12/19

Một cái nhìn minh triết về con người

(Đọc Tứ thư của Diêm Liên Khoa)[i]

  •   ĐẶNG LƯU
  • Đọc xong trang cuối cùng, gấp sách lại, một cảm giác kinh hoàng xâm chiếm. Đã có một sự thật như thế xảy ra trên thế gian này sao? Có những đồng loại của chúng ta đã phải qua những kiếp nạn khủng khiếp như vậy sao? Đây có phải là tột cùng phi lý trong cái gọi là xã hội người? Đó là những câu hỏi tôi tự đặt ra sau khi đọc Tứ thư của Diêm Liên Khoa mà bản thân không thể trả lời.
Tứ thư kể về số phận của những trí thức Trung Quốc trong cuộc Đại nhảy vọt do Mao Trạch Đông phát động, thực hiện từ 1958 đến 1962, mà cụ thể ở đây là chuyện hàng trăm trí thức bị đày ải đến khu Dục Tân bên sông Hoàng Hà để trồng trọt, luyện thép. Nhà tù khổng lồ này có nhiều khu. Tập sách “ghi chép” về khu 99 - một khu dành riêng cho gần trăm trí thức bậc cao. Nghề nghiệp của họ có đủ: nhân viên Viện nghiên cứu, cán bộ trường đại học, giáo sư, bác sĩ, nhạc sĩ, nhà văn, nhà ngôn ngữ học, chuyên gia pháp luật, nhà hoạt động tôn giáo, học giả… Có người từng soạn những bộ từ điển cho cả nước dùng; có người từng dịch Tư bản luận, giảng giải triết học cho lãnh đạo chóp bu. Họ là tinh hoa của đất nước. Cai quản toàn bộ trí thức ở đây là Con Trời - một gã trai trẻ, không có tên tuổi cụ thể, không học hành gì, nhưng mánh lới giam cầm, đày ải con người thì được trang bị đầy đủ. Số phận của các tù nhân tùy thuộc vào tính khí nóng lạnh của Con Trời. Khu 99 duy trì kỷ cương, kỷ luật bằng mười điều răn (một kiểu mô phỏng Mười điều răn của Đức Chúa Trời trong Thiên Chúa giáo). Ai phạm một trong những điều răn ấy, hậu quả sẽ khôn lường. Phương tiện quản lý hữu hiệu nhất mà cấp trên chỉ thị cho Con Trời áp dụng với các trí thức là thi đua. Ai tích cực thi đua, có thành tích xuất sắc thì sẽ được trao một bông hoa nhỏ màu đỏ. Năm bông hoa nhỏ sẽ đổi được một bông hoa nhỡ, năm bông nhỡ sẽ đổi được một ngôi sao năm cánh. Theo quy định của cấp trên, ai có năm ngôi sao thì sẽ thành người tự do, đi đâu, ở đâu cũng không ai dám hỏi. Không có năm ngôi sao, anh là kẻ trốn trại, là tồn tại bất hợp pháp, ai cũng có thể tố giác. Những bông hoa đó khiến mọi người đều làm việc hết mình, bởi chỉ dành được 120 bông nhỏ thì họ mới có cơ trở về đoàn tụ với gia đình.
Đã đến nơi này, mọi người phải nộp tất cả các cuốn sách mang theo. Bao nhiêu là sách quý, những kiệt tác của các nền văn hóa, văn học đông tây kim cổ, có cuốn là độc bản trong cả nước, tất tần tật phải nộp để Con Trời lần lượt xé nhóm lò. Ai không chịu nộp, lén lút đọc sách đều phải chịu trừng phạt bằng những cách khác nhau. Một chủ trương nhất quán: muốn trí thức ngoan ngoãn phận cừu thì trước hết phải triệt hạ tri thức.
Công việc trước mắt ở khu Dục Tân là sản xuất lương thực. Đất đai vùng Dục Tân vốn cằn cỗi, phong thổ không hợp với tiểu mạch - loài cây lương thực chủ yếu phải trồng. Nhưng ý chỉ của cấp trên là ý Chúa. Là nhà khoa học am hiểu về nông nghiệp, anh bảo mỗi mẫu nhiều nhất cũng chỉ được một trăm cân thôi ư? Sao không thể là hai trăm cân? Sao không thể là một ngàn cân? Sao không thể là một vạn cân, là mười vạn cân? Anh phải nói là sẽ đạt một vạn cân, mười vạn cân như thiên hạ vẫn đua nhau nói. Nói vậy thì anh sẽ được trao bông hoa. Nói càng cao sẽ càng được nhiều bông hoa. Nói khác, anh đừng mong có ngày nhìn thấy vợ con. Trên thực tế, làm được bao nhiêu không quan trọng, miễn phải báo cáo năng suất thật cao với cấp trên, vì cấp trên muốn nghe như vậy. Cấp trên chỉ biểu dương những đơn vị nào báo cáo năng suất thật cao. Thỉnh thoảng có đợt kiểm tra thì chồng một lớp bao tiểu mạch bên ngoài, còn bên trong chất đầy những bao cát. Cả khu, cả nước phát cuồng vì những báo cáo láo. Cứ thế, sự dối trá được đẩy lên thành phẩm chất hàng đầu, thành một tiêu chuẩn thi đua.
Rồi việc sản xuất lương thực phải nhường chỗ cho công việc khác trọng đại hơn: luyện thép. Người người luyện thép, nhà nhà luyện thép, cả nước thành đại công trường luyện thép. Đến cả ở Trung Nam Hải cũng có lò luyện thép. Phải làm sao để đuổi Anh vượt Mỹ - cấp trên đã chỉ thị như thế. Ở khu 99 Dục Tân, ban đầu, các trí thức thu nhặt những dụng cụ lao động bằng sắt đã hỏng để cho vào lò luyện. Khi nguồn nguyên liệu ấy cạn kiệt, không biết luyện bằng gì, nhờ sáng kiến của anh chàng thí nghiệm ở một viện nghiên cứu, người ta luyện thép bằng cát đen bên bờ sông Hoàng Hà. Cây cối bị chặt trụi làm củi đốt lò, chim chóc cũng không còn chỗ đậu. Môi trường bị tàn phá tan hoang, đâu đâu cũng trơ trụi. Để cho thế giới thấy rằng người Trung Quốc đã luyện thép từ cát đen mà vẫn có sản phẩm chất lượng vượt trội, không còn phải phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu nhập ngoại, cấp trên cho mở triển lãm thành tựu. Sản phẩm các nơi đem đến trưng bày đều là loại thép tốt, luyện từ những dụng cụ bằng sắt cuối cùng mà người ta vét được, thay cho những tảng tổ ong lỗ chỗ được luyện từ cát đen. Cấp trên biết thế, nhưng cấp trên cần điều ấy.
Cuốn sách Tứ thư của nhà văn Diêm Liên Khoa
Và điều gì phải đến đã đến: nạn đói khủng khiếp xảy ra. Dạ dày con người không chịu nạp những con số thay cho lương thực. Mà lương thực thì ngày càng khan hiếm, đến mức cạn kiệt. Khẩu phần của mỗi người bị cắt giảm từng ngày. Từ chỗ mỗi ngày được vài lạng, dần dần chỉ còn một nắm, rồi cắt hẳn. Nạn đói đã trở thành một thảm họa khủng khiếp. Thoạt đầu, mọi người còn kiếm rau, lá ăn qua ngày. Sau, rau lá cũng hết, phải đi tuốt hạt cỏ nấu cháo. Giữa mùa băng giá, đến hạt cỏ cũng bói không ra. Ai có thắt lưng da, giày da thì cắt nhỏ, nấu nhừ lên thành một thứ sền sệt để nuốt cầm hơi. Khu 99 bắt đầu có người chết đói. Ngôi mộ của kẻ xấu số đầu tiên đã bị hai người quật lên, cắt thịt nấu ăn để có sức mà… tự tử, vì họ không chịu được sự hành hạ của kiểu chết từ từ vì đói.
Người cứ tiếp tục chết, và tình trạng ăn thịt người chết để cầm cự ngày càng phổ biến, không ai có thể ngăn được.
Số người ít ỏi còn lại bỏ trốn khỏi khu Dục Tân, tìm đường tự giải thoát. Lúc ấy họ mới biết khắp nơi, đâu đâu cũng là những bãi mả mới mênh mông, rợn ngợp, đi mãi không cùng. Thậm chí, vô số xác người không ai chôn, thối rữa, trơ xương trắng phơi đầy trên những đồng hoang… Cấp trên cho lập “trạm gác yêu nước”, bịt tin tức về số người chết đói các vùng, tránh gây hoang mang. Nhưng cả đất nước chìm trong chết chóc, bịt hay không, có ý nghĩa gì.
Tóm lược qua như thế để thấy phần nào cái sự thật kinh hoàng được nhà văn tái hiện. Mỗi trang văn của Tứ thư đều chật cứng chi tiết rợn người, mà những gì tóm tắt trên đây chưa thể hiện được cái cảm giác ấy. Hơn 300 trang sách, không có chỗ cho triết luận cao siêu hay trữ tình ngoại để dông dài. Tác giả dường như hoàn toàn biến mất, chỉ còn lại những dòng ghi chép để sự thật cất tiếng. Tôi không đủ tư liệu để so sánh xem trong văn học thế giới, có cuốn sách nào viết về đói khát rùng rợn hơn những trang viết của Diêm Liên Khoa trong Tứ thư hay không, nhưng cái cảm giác rùng mình ớn lạnh y như bị vây bọc bởi tử khí, như bị nhốt vào cái phòng lạnh đầy những xác chết đã bị xẻo thịt nham nhở… thì đây là lần đầu tiên tôi biết đến.
Tuy nhiên chỗ ghê gớm của Diêm Liên Khoa chưa phải là ở bức tranh chết chóc thê thảm được phơi bày (ví dụ: hàng chục xác chết xếp chồng lên nhau ở một căn phòng không khác gì một kho đông lạnh; những xác người bị vùi xuống đất, chỉ vài ngày sau, đến hòn đá đánh dấu mộ cũng không thấy nữa…), mà là ở sự miêu tả cái chết diễn ra từ từ bên trong thân xác con người, cảm nhận sự hao khuyết từng tế bào của cơ thể, với cảm giác: “lờ đờ run rẩy, đi không nổi, phải bò lết trên mặt đất như con chó”…, “trong bụng có tiếng réo sôi ùng ục vì đói, giống như trong bụng có một dòng nước đang chảy sắp cuốn trôi cả ruột dạ mình đi…”; “một khi đã tháo dạ thì người ta không thể đi nổi nữa,… cứ mặc sức tháo dạ chết”… Người đói cảm thấy thấy từng bộ phận thân xác mình đang rã rời, nặng nề, bị tử thần gặm nhấm dần dần trong trạng thái tuyệt vọng tỉnh táo. Ta mới hiểu vì sao có kẻ phải ăn thịt đồng loại để có sức mà treo cổ lên xà nhà, chấm dứt sự hành hạ của kiểu chết dần.
Chính trạng thái chết từ từ như thế có sức tàn phá nhân tính con người một cách khủng khiếp. Đói khát, chết chóc như một thứ thuốc thử tàn nhẫn làm bật ra những gì mà trong điều kiện sống bình thường, người ta có thể che đậy.
Khi cái đói chưa ập đến khu 99, dù bị đày ải, sỉ nhục, phần lớn trí thức chân chính đều cố giữ phẩm giá của mình. Bằng mọi cách, người ta vẫn lén đọc những trang sách quý được giấu giếm khéo léo bởi đó là một thứ nhu cầu đích thực. Lao động cực nhọc không làm người ta bê tha. Thậm chí, có người còn dám đương đầu với cường quyền để khẳng định sự kiên trung. Ông tôn giáo thà chịu phạt bằng lao động khổ sai, làm lừa làm ngựa kéo xe đi hàng trăm cây số, chứ nhất quyết không chịu đái vào cuốn Kinh thánh theo mệnh lệnh của Con Trời. Nhà học giả và nữ nhạc sĩ dù bị đánh đập, bêu nhục vẫn không chối bỏ tình yêu chân chính của mình. Thế nhưng, không ai có thể kiên gan được với sự hành hạ của đói khát. Khi cái dạ dày réo ùng ục, người ta mới nhận ra rằng, không có gì quý bằng mạng sống. Chỉ cần một nắm bột mì đen, người ta sẵn sàng nộp hết những quyển sách quý cuối cùng. Ông tôn giáo không ngại ngần đem ảnh Đức Mẹ ra móc mắt, giày đạp dưới chân trước mặt Con Trời để chứng tỏ sự tuân phục tuyệt đối, mong nhận được một chút gì bỏ vào mồm. Khắp mọi xó, người ta rình mò bắt lỗi, tố giác lẫn nhau để lập công nhằm kiếm thêm bông hoa nuôi hy vọng tự do hay vài hạt đậu rang nhai nuốt để cầm hơi.
Trước cái đói, cái chết, tình yêu cũng trở nên phù phiếm, rẻ rúng quá chừng. Trong hoàn cảnh bị cầm tù nghiêm ngặt, tình yêu đẹp đẽ, cao thượng (giữa một trí thức chân chính là học giả với một người phụ nữ xinh đẹp là cô nhạc sĩ) vẫn nảy nở. Từng có lúc, nhờ tình yêu mà họ dám vượt lên khổ đau bằng một thái độ ngạo nghễ. Vậy mà, chính nữ nhạc sĩ đã lén lút hẹn hò và đem tấm thân ngà ngọc của một trí thức cao quý cho một tên có quyền nhưng xấu xí, đê tiện, thô lỗ giày vò để kiếm miếng ăn. Không phải cô phản bội tình yêu. Bằng chứng là, mỗi miếng ăn kiếm được, bao giờ cô cũng dành một ít cho người mình yêu. Nhưng, cái nghịch cảnh ấy khiến nỗi đau càng trở nên sâu sắc. Nhục nhã nhất là khi cô khỏa thân trước Con Trời, cầu xin hắn muốn cô (không ngoài mục đích kiếm chút lương thực), nhưng bị hắn từ chối thẳng thừng. Trong những “tư thế người” được khắc họa ở đây, không có tư thế nào xấu xí thế này: “nhạc sĩ bèn vội vàng từ trong chăn đứng dậy, bò ra như một con chó, để cho người đàn ông kia từ phía sau cô ta dấn vào trong, còn cô ta càng ngẩng cao đầu, vươn cái cổ vốn dài gầy của mình, nhìn chằm chằm vào nửa cái bánh bao bột mì ấy”. Trong những cái chết được miêu tả, không có cái chết nào gây ám ảnh khủng khiếp như cái chết của nữ nhạc sĩ: chết trong một tư thế làm tình: “Cô ta quỳ trên cái chăn và đống cỏ ấy mà chết, quần cởi đến cổ chân, bộ mông để truồng ưỡn cong lên trên không, máu chảy ra từ dưới mông, men theo vế đùi trong chảy đến tận quần và cổ chân cô ta, còn đầu của cô ta thì gác dưới đất, khuôn mặt hơi nghiêng nghiêng nhìn ra ngoài, cái miệng lộ ra trên nửa khuôn mặt, đến chết vẫn còn ngậm đầy đậu tương rang đã nhai vụn và chưa nhai vụn, hơn nữa, trong hai bàn tay giơ lên cao khi cô ta dùng khuỷu tay chống xuống đất, vẫn còn nắm chặt hai nắm đậu rang nữa.
Cô ta chính là đang dùng tư thế quỳ hầu hạ gã đàn ông kia trong kỳ kinh nguyệt, thì nuốt đậu tương bị nghẹn mà chết”.
Ai đã đọc Báu vật của đời của Mạc Ngôn, hẳn không quên hình ảnh một cô gái xinh đẹp, từng rất kiêu sa, nhưng vì đói khát, đã phải bò lết theo cái bánh bao do một tên vô lại buộc vào dây như một mồi câu nhử trước mặt, để mặc hắn lột quần muốn làm gì phía sau thì làm. Hai tác phẩm có chi tiết giống nhau, tuy nhiên, sự nhục nhã đau đớn của kiếp người thì ở Tứ thư mới là tột cùng.
Không phải ngẫu nhiên, trong tập “ghi chép” này, tác giả không cấp cho các nhân vật những họ tên cụ thể, mà chỉ gọi họ bằng nghề nghiệp chung chung: anh chàng thí nghiệm, ông tôn giáo, nữ nhạc sĩ, nhà ngôn ngữ, nhà văn, học giả… Chắc chắn đó là một dụng ý. Với cách gọi như vậy, tính phổ quát của bi kịch được gia tăng. Nghĩa là, thảm cảnh không còn là của một cá thể nào, mà của mọi tầng lớp. Nhưng sự cao tay là ở chỗ, mặc dù mang những danh xưng chung chung như vậy, cá tính của các nhân vật vẫn không bị triệt tiêu. Nhờ các chi tiết nghệ thuật hết sức sắc nét, sống động, nhờ bút pháp khách quan hóa đến mức tối đa mà mỗi nhân vật đều hiện lên rõ mồn một, không nhập nhòa, trộn lẫn vào nhau.
Trong Tứ thư, Diêm Liên Khoa đã tạo nên một thế đối chọi gay gắt giữa lương tri chân chính (học giả là đại diện) với nhân cách đốn mạt (nhà văn là đại diện).
Ở khu 99, nhà văn, bề ngoài là một trí thức bị đày ải, phải lao động khổ sai như bao nhiêu người khác, nhưng bên trong còn là một tay chỉ điểm thượng hạng. Nhiệm vụ của anh ta không chỉ tham gia trồng tiểu mạch, gom cát đen, chặt cây đốt lò luyện thép, mà còn lén lút theo dõi hành tung của từng người, ai có biểu hiện gì bất thường đều bị chép lại đầy đủ trong tập vở có tên Ghi chép về tội nhân, bí mật đưa cho Con Trời để hắn gửi lên cấp trên. Không một lời nói, hành vi nào của bất cứ ai thoát khỏi đôi mắt tinh tường, cặp tai thính nhạy của nhà văn. Anh ta có tố chất của một con chó nghiệp vụ. Người này lén đọc sách gì, người kia làm việc gì ẩn khuất,… hết thảy đều bị nhà văn ngầm báo lên trên, và họ đều bị trừng phạt thích đáng. Do sự tố giác của anh ta mà học giả và nữ nhạc sĩ bị khép tội gian dâm, bị bắt đi biệt tích, chịu bao nhiêu trận đòn tàn nhẫn, rồi lại bị ném về khu 99 để mọi người nhục mạ. Nhà văn chính là hình ảnh của những “nhân viên an ninh giấu mặt” được cài cắm ở không sót một đơn vị, tổ chức, cơ quan nào trong xã hội.
Đối nghịch với nhân cách tồi tệ của nhà văn là sự minh triết, cao thượng, trong sáng của học giả. Cái con người từng “soạn thảo diễn giảng triết học cho vị lãnh tụ cấp trên cao nhất ở Bắc Kinh” ấy luôn có cái nhìn thấu suốt hơn người. Ông không hề cúi đầu trước cường quyền, bạo lực, tuy vậy, khi cần, ông sẵn sàng tuân phục kẻ cầm quyền để bảo vệ người mình yêu trước những đe dọa. Trong gần trăm trí thức ở khu 99 Dục Tân, chỉ có ông là người duy nhất không toan tính một điều gì cho riêng mình hết, nhất nhất mọi điều ông nghĩ, mọi việc ông làm đều vì người đồng nạn. Không ai cắt cử, ông vẫn tự nguyện “làm người tổ chức Phải Sống” cho cả khu 99 đang lả đi, sắp gục ngã vì đói khát. Ông thấy mình có nhiệm vụ phải đánh thức ở mọi người lòng khát sống để vượt qua kiếp nạn này. Ông đi đến từng giường, từng buồng nói những câu khích lệ để níu giữ sự sống cho từng người. Ông động viên mọi người tìm cái gì có thể nuốt vào được để duy trì hơi thở, dù đó có thể là những cái thắt lưng, đôi giày bằng da (nấu nhừ để ăn) hay là những hạt cỏ dại dùng để nấu cháo… Ông xót xa vì không làm được gì trước sự rơi rụng dần của từng thành viên khu 99. Chính ông đã quyết liệt ngăn mọi người không được ăn thịt đồng loại, bởi đó là hành động phi nhân không thể nào chấp nhận. Ông rộng lượng, thấu hiểu, không bao giờ nghĩ xấu về nữ nhạc sĩ dù cô ấy đã trao thân cho những tên khốn nạn, bởi ông hiểu, cái hành động đốn mạt của cô ấy chẳng qua là để níu giữ sự sống mong manh mà thôi. Ông cũng sẵn sàng tha thứ cho nhà văn ngay cả khi biết rõ rằng, vì sự tố giác của người cầm bút đê tiện ấy mà ông và nữ nhạc sĩ đã phải bao oan khuất, đớn đau, nhục nhã.
Trong hoàn cảnh mà mọi niềm tin hoàn toàn sụp đổ, duy nhất chỉ có học giả là vẫn đinh ninh: “Nói cho cùng, nước nhà vẫn còn cần những người trí thức…”, để rồi rốt cùng, cũng chỉ mình ông cay đắng nhận ra: nếu cần những người chết đói, cấp trên sẽ nghĩ ngay đến chúng ta (những trí thức). Phải lao động khổ sai, không ngờ ông vẫn âm thầm viết bản thảo Thần thoại Sisyphus Mới gửi gắm một triết lý cao sâu về cái khổ hạnh mà mỗi kiếp người phải nếm trải. Bản thảo này cho thấy, ông chỉ tin yêu con người - những người sống đầy đủ những khổ đau, vui buồn trong cõi thế này. Đúng, làm kiếp con người thật vô cùng khốn khổ, nhưng đó là điều thần linh không bao giờ có được. Ấy là cái kết “có hậu” của một tác phẩm tràn ngập bi thương.
Cái kết “có hậu” càng được củng cố thêm bởi những chi tiết có vẻ rất lãng mạn ở cuối truyện, chẳng hạn: khi mọi người tìm cách ra khỏi khu Dục Tân - nơi đày ải họ cho đến chết, thì anh chàng thí nghiệm (người duy nhất được phóng thích khỏi cái “nhà tù” đó nhờ sáng kiến luyện thép từ cát đen) lại cùng gia đình và nhiều người khác lũ lượt kéo nhau vào khu Dục Tân; khi Con Trời trả tự do cho mọi người và bảo họ vào lấy những cuốn sách đã nộp trước đây, họ mới vỡ lẽ: anh ta chỉ xé nhóm lò những cuốn sách nào trùng bản, cất cẩn thận từng cuốn đã thu giữ; Con Trời tự đóng đinh mình lên cây thập tự - cái khổ hình mà Chúa Jesus xưa phải chịu để chuộc tội nhân loại; nhà văn - người ghi chép về các tội nhân để báo cho cấp trên - thì hối lỗi sâu sắc và tự trừng phạt mình vì những hành động bất lương… Mỗi chi tiết đều như một dụ ngôn, cứ đặt trong mỗi tương quan, nó lại phát lộ những ý nghĩa mới, sâu xa. Tác phẩm đòi hỏi phải được lý giải ở nhiều bình diện, từ nhiều góc độ khác nhau. Trữ lượng của nó hết sức dồi dào.
Ai gây ra thảm trạng này cho những trí thức ở khu Dục Tân và cả đất nước Trung Hoa? Nhiều lần Diêm Liên Khoa nhắc đến cấp trên cao nhất, “cấp trên của mọi cấp trên”, nhắc đến Bắc Kinh, nơi có Trung Nam Hải. Nhưng cái Trung Nam Hải đó vẫn có lò luyện thép, cũng như Thiên An Môn vẫn có ruộng thí nghiệm mỗi mẫu 10 vạn cân. Vậy thì tác giả đâu có mơ hồ về kẻ gieo tai họa cho đất nước, nhân dân. Nhưng ông nhìn mọi sự bằng ánh mắt điềm đạm lạ thường. Cái cảm hứng tố cáo thật sự đã được thay thế bởi thái độ an nhiên minh triết. Ông đứng cao hơn sự thật, bởi sự thật nào, nói cho cùng cũng chỉ là kết quả của một cách nhìn, một sự diễn giải.
Để có một Tứ thư hôm nay, một dân tộc vĩ đại đã phải trả cái giá quá đắt. Không dân tộc nào muốn có những trang sử bi thảm như Trung Quốc những năm Đại nhảy vọt để làm chất liệu cho tiểu thuyết; song một khi đã xảy ra thảm cảnh ấy thì không thể không có tiểu thuyết. Tiểu thuyết lúc này đã mang một sứ mệnh lớn hơn văn chương.
Tuy nhiên, để có một Tứ thư, phải có một tài năng lớn. Người ấy hoàn toàn phải làm chủ ngòi bút của mình như đã tuyên bố: “Tôi là hoàng đế của viết lách chứ không phải là nô lệ của bút mực”.



[i] Tứ Thư – Diêm Liên Khoa, Châu Hải Đường dịch,  Nxb Hội Nhà văn, 2019.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét