1/10/21

 

DUYÊN ANH (1935-1997) : ĐỜI LƯU VONG BI KỊCH 

Đoàn Thạch Hãn







Là một trong những nhà văn nổi tiếng của miền Nam trước năm 1975, Duyên Anh được biết đến như một con người nhiều tài, lắm tật, miệng làm hại thân! Tôi quen biết Duyên Anh từ lâu, từ dạo tôi vẫn thường hay chầu rìa những canh xì phé nảy lửa của những “hảo thủ” lừng lẫy trong làng báo Sài Gòn trước 1975 với một vài doanh nhân, chính khách. Thuở đó, thân phận và túi tiền của tôi không đủ “tư cách” ngồi cùng chiếu với các đàn anh. Vào sòng xì phé là có thể biết ngay tính cách của từng người. Duyên Anh thích “tháu cáy” và khích tướng đối thủ, nhưng lại rất cay cú khi bị khách “tháu cáy”. Thế nhưng sau 1975, tôi mới thật sự thân thiết với Duyên Anh. Ông từng coi tôi như một người bạn vai em ruột rà. Điều này đã được ông viết trong hồi ký.


Năm 1954, Duyên Anh di cư vào Nam. Để kiếm sống, ông đã làm mọi công việc của một thanh niên hè phố, chẳng có nghề ngỗng nào nhất định. Khi thì theo một nhóm sơn đông mãi võ, khi tháp tùng đoàn cải lương lưu diễn đây, mai đó. Lại có lúc quảng cáo cho gánh xiếc rong, rồi giữ xe đạp hội chợ… Sang trọng nhất là làm gia sư, dạy kèm cho trẻ con và dạy đàn ghita, sáo trúc cho những người theo học vỡ lòng nghệ thuật.

Duyên Anh làm thơ rất sớm, đến những năm cuối của thập niên 50, ông bắt đầu viết văn xuôi. Viết để thỏa mãn giấc mơ cầm bút, chẳng đăng đâu cả. Mãi đến năm 1960, ông được nhà văn Trúc Sĩ dẫn tới diện kiến nhà văn Nguyễn Mạnh Côn, lúc đó đang làm chủ bút tờ Chỉ Đạo. Bài thơ “Bà mẹ Tây Ninh” - sáng tác đầu tiên của ông được đăng trên tờ báo này. Một tháng sau, thêm truyện ngắn “Hoa Thiên Lý”, rồi “Con sáo của em tôi” tiếp tục có mặt trên tờ Chỉ Đạo, với lời giới thiệu bốc tới mây xanh của Nguyễn Mạnh Côn. Ngay lập tức, ông được người đọc đón nhận nồng nhiệt. Mỗi truyện được trả nhuận bút 5.000 đồng, thời đó mua được hơn một cây vàng. Nguyễn Mạnh Côn tỏ ra rất ưu ái, tận tình nâng đỡ Duyên Anh để sáng tác của ông thường xuyên xuất hiện trên văn đàn. Và đây cũng là đầu mối oan nghiệt cho cả hai sau này.

Đến năm 1961, khi ông Nguyễn Mạnh Côn rời tạp chí Chỉ Đạo thì Duyên Anh đã thành danh. Ông bắt đầu tung hoành làng báo Sài Gòn với nhiều bút danh khác nhau: Thương Sinh, Mõ Báo, Thập Nguyên, Vạn Tóc Mai, Nã Cẩu, Lệnh Hồ Xung, Độc Ngữ… bằng một giọng văn châm chọc, hết sức cay độc. Thời đó, có hai nhà văn làm báo mà người ta sợ nhất, đó là Chu Tử với bút hiệu Kha Trấn Ác, trong mục Ao Thả Vịt và Duyên Anh. Nạn nhân của Duyên Anh không phải chỉ toàn là người xấu, mà nhiều khi chỉ là một ai đó bị ông ghét, cũng bị ông lôi lên mặt báo, “đánh” không thương tiếc! Sự kiêu căng, miệng lưỡi cay độc của ông đã gây dị ứng cho không ít người. Một nhân vật lãnh đạo chóp bu của Việt Nam Cộng hòa, khi lưu vong ở Mỹ đã bắn tiếng với ông Tô Văn Lai của chương trình Thúy Nga Paris rằng: “Bảo thằng Duyên Anh câm mồm nó lại”.

Duyên Anh được xem như tay tổ trong loại sách “xúi con nít đập lộn”, với những cuốn tiểu thuyết viết về giới du đãng rất ăn khách như “Điệu ru nước mắt”, “Sa mạc tuổi trẻ”, “Vết thù trên lưng ngựa hoang”. Tác phẩm của ông từng ngợi ca tay anh chị Trần Đại (Đại Cathay) như một kẻ giang hồ mã thượng. Trong một bài phỏng vấn, tuần báo Đời hỏi ông: Tại sao trong thời buổi nhiễu nhương lại tôn vinh một tay du đãng, sống ngoài vòng pháp luật lên tận mây xanh? Duyên Anh trả lời: “Chính vì thời buổi nhiễu nhương, không có thần tượng cho tuổi trẻ, nên phải đi tìm cho họ một mẫu thần tượng. Xem ra, Trần Đại là xứng đáng hơn cả”.

Duyên Anh là người thẳng thắn, yêu, ghét rạch ròi. Đã quý mến ai rồi thì ông sống trọn tình, trọn nghĩa với người đó.

Năm 1978, Duyên Anh gặp lại Nguyễn Mạnh Côn trong trại cải tạo. Nhà văn Nguyễn Mạnh Côn có thâm niên hơn 40 năm là đệ tử của ả phù dung nên sức khỏe rất yếu. Biến chứng tâm, sinh lý của một con người có quá trình “phi yến thu lâm” (đọc trại cho… sang chữ “phiện, thú lắm”) quá dài nên khi bị bắt buộc phải cai, cơ thể ông bị hành hạ liên tục. Do đó, sinh hoạt của ông rất bê bối, khiến đa số trại viên khác, dù có thông cảm đến mấy cũng không muốn gần gũi, chia sẻ, trong đó có Duyên Anh. Người khác chẳng sao, nhưng với Duyên Anh, Nguyễn Mạnh Côn cho rằng đó là bội bạc. Nhiều lần ông Côn nói với mọi người: “Không có tôi thì đã không có Duyên Anh! Tôi mà không biên tập nát ra thì truyện của nó ai mà thèm đọc”. Và Duyên Anh đã phản ứng theo đúng tính cách kiêu ngạo của ông: “Không có “Côn Hít” thì Duyên Anh vẫn là Duyên Anh. Ông Côn giỏi sao không biến một thằng cha căng chú kiết nào đó thành một văn tài mà phải đợi đến Duyên Anh?” Từ đó, cả hai nhìn nhau tuy bằng mặt, mà không bằng lòng. Cũng chỉ có thế, ngoài ra Duyên Anh không có bất kỳ hành vi, thủ đoạn nào ác ý với Nguyễn Mạnh Côn, như lời đồn đại đầy ác ý của những kẻ thù ghét Duyên Anh sau này. Nhiều người biết rất rõ chuyện này, hiện vẫn còn sống…

Năm 1981, Duyên Anh được trở về với gia đình khi vợ và các con đã định cư tại nước ngoài. Năm 1983, ông vượt biên sang Malaysia, rồi sinh sống tại Pháp, tiếp tục viết. Cùng phận lưu vong nhưng ông không tiếc lời thóa mạ những đảng phái, phe nhóm chính trị lưu manh đang hoạt động tại hải ngoại. Duyên Anh gọi bọn họ là những kẻ giả hình, những tay lừa bịp, mộng du, chiến đấu trong chiêm bao. Ông cũng lên án đám lãnh đạo, chính khách, tướng tá của Việt Nam Cộng hòa toàn là một lũ vô tài, bất tướng, giàu của cải nhờ bóc lột, nhưng quá nghèo nàn liêm sỉ và nhân cách.

Duyên Anh đã gục ngã ở một nơi được ca tụng như là thiên đường của thế giới tự do. Cũng tại nơi đó, nhà báo Đạm Phong, nhà văn Hoài Điệp Tử… đã bị sát hại một cách tàn nhẫn; cựu sinh viên Đoàn Văn Toại (nhạc gia của ca sĩ Trần Thu Hà) đã bị bắn trọng thương bởi những đồng hương quá khích do bất đồng chính kiến. Năm 1988, Duyên Anh sang thăm Hoa Kỳ. Xui cho Duyên Anh, ngày 30/4/1988, ông cùng một người bạn - họa sĩ Trần Đình Thục đi trên đường Bolsa, đúng vào lúc mặt trận bịp bợm Hoàng Cơ Minh đang biểu dương lực lượng, với mấy chục người loe hoe… Trước đó, Duyên Anh đã từng không tiếc lời chỉ trích mặt trận bịp này trên báo Ngày nay bằng những lời lẽ nặng nề. Ông còn viết cả một cuốn tiểu thuyết mang tựa đề “Tuổi bướm sầu” để vạch trần bộ mặt đểu cáng của những tên chóp bu và những hành động bỉ ổi của mặt trận này. Nhận ra Duyên Anh, một gã thanh niên có thân hình vạm vỡ cầm một cục đá từ trong đám đông xông ra. Duyên Anh bị đánh tới tấp vào đầu, gục xuống trên vũng máu. Sau ca cấp cứu, ông được đưa về Pháp sống đời phế nhân, cánh tay phải và nửa thân hình gần như liệt hẳn. Điều đáng nói, hầu như tất cả các phương tiện truyền thông của người Việt ở hải ngoại, không nơi nào dám lên tiếng bênh vực Duyên Anh, hoặc lên án hành động mang nặng tính khủng bố của những kẻ chủ mưu. Người ta chỉ thấy một vài tờ báo Việt ngữ loan tin một cách hả hê bên cạnh tấm hình Duyên Anh nằm bất tỉnh, đầu vẹo sang một bên, giây nhợ chằng chịt từ đầu xuống cổ!

Dư luận trong cộng đồng người Việt hải ngoại rộ lên nghi vấn chính mặt trận Hoàng Cơ Minh là thủ phạm. Chúng đã cho tay chân sát hại Duyên Anh để trả thù chứ không chỉ là một trận đòn dằn mặt. Một nguồn dư luận khác, cũng không kém phần sôi nổi, và cũng được nhiều người tin, dù rất mơ hồ, không cơ sở: Duyên Anh bị những người yêu mến Nguyễn Mạnh Côn hành hung để phục hận cho những ngày hai người sống chung trong trại cải tạo. Trong giới văn nghệ sĩ của Sài Gòn trước đây đang sống ở hải ngoại cũng có người vì hiềm khích cá nhân với Duyên Anh mà công khai lên tiếng công kích ông một cách mạnh mẽ. Điển hình là trường hợp Tạ Tỵ.

Trước 1975, Duyên Anh và Tạ Tỵ đã như sừng với đuôi. Sau 75, NXB Công an nhân dân có phát hành cuốn sách “Những tên biệt kích cầm bút”, trong đó có điểm tên nhiều văn nghệ sĩ sừng sỏ của Sài Gòn. Tuyệt nhiên không thấy có tên Tạ Tỵ. Nhưng theo Duyên Anh, khi sang Mỹ, đi đâu ông Tạ Tỵ cũng tự nhận mình có tên trong số “những tên biệt kích” đó. Duyên Anh giễu cợt Tạ Tỵ “nhận xằng, khôi hài”. Lửa đổ thêm dầu, Duyên Anh càng trở thành cái gai trong mắt ông Tạ Tỵ.

Nhưng cho dù Duyên Anh có thế nào đi nữa, thì ông cũng là một người cầm bút, không có lấy một tấc sắc trong tay để tự vệ. Nhân danh bất cứ một điều gì để tấn công và hạ thủ một người như thế rõ ràng là một tội ác. Duyên Anh kéo dài cuộc sống tàn phế tại Pháp, cho đến ngày 6/2/1997 thì qua đời vì bệnh xơ gan.

Tác giả bài viết này còn nợ Duyên Anh một món nợ tinh thần. Trong một lần đau ốm, ngỡ mình sắp chết, Duyên Anh đã nhờ tôi học thuộc lòng một bài thơ của ông với lời căn dặn một ngày nào đó, gặp được vợ con của ông thì đọc cho họ nghe. Ông đọc cho tôi, Đằng Giao và Dương Đức Dũng cùng nghe, bắt học thuộc lòng và sau đó xé mất. Đó là bài thơ có tựa đề là “Đãng tử sám hối”. Trong bài có những câu tự vấn lương tâm và thói kiêu ngạo một thời: “Ta dại khờ múa hát giữa ngàn hoa/ Ca bóng tối cứ ngỡ là ánh sáng/ Ta ru hồn ta tháng ngày bịnh hoạn/ Với kiêu sa dị hợm chút tài hèn/ Hỡi cánh diều căng gió vút bay lên/ Ngạo nghễ lắm mà quên dây sắp đứt/ Mũi tên oan phóng đi không thương tiếc/ Lưỡi gươm đau chém nát đóa môi cười/ Anh nhìn anh xưa thế đó em ơi/ Những đổ vỡ của một thời lang bạt…”.

Tôi tin là Duyên Anh thật sự sám hối. Hy vọng ở bất cứ nơi nào trên thế giới này chị Phương (vợ của Duyên Anh) và các cháu cũng như những ai một thời là bằng hữu của ông, hoặc từng thù ghét ông sẽ đọc được những câu thơ này bằng tấm lòng độ lượng đối với một người đã không còn trên cõi đời này.

Đoàn Thạch Hãn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét