31/12/21

 

Ảnh thế giới ấn tượng năm 2021

Các hãng tin quốc tế chọn ra những bức ảnh ấn tượng nhất năm, truyền tải thông điệp về sức mạnh thiên nhiên hay hậu quả của chiến tranh, dịch bệnh.

Các hãng tin quốc tế chọn ra những bức ảnh ấn tượng nhất năm, truyền tải thông điệp về sức mạnh thiên nhiên hay hậu quả của chiến tranh, dịch bệnh.

Nữ tu Ann Roza quỳ gối trước lực lượng an ninh trong cuộc biểu tình phản đối đảo chính ở thành phố Myitkyina, bang Kachin, phía bắc Myanmar ngày 8/3 để cầu xin cảnh sát dừng sử dụng bạo lực với người biểu tình.

Hai cảnh sát cũng quỳ gối và nói với bà họ phải làm điều đó để ngăn chặn biểu tình. Những cuộc đụng độ giữa lực lượng an ninh và người biểu tình Myanmar phản đối đảo chính được cho là đã cướp đi sinh mạng của hơn 1.000 người.

Những giàn củi hỏa táng nạn nhân Covid-19 tại thủ đô New Delhi, Ấn Độ hồi tháng 4, khi quốc gia Nam Á hứng chịu đợt bùng phát nghiêm trọng nhất do biến chủng Delta. Ngoài nhân viên tổ chức tang lễ, gần như không ai có thể vào để gặp mặt người thân lần cuối.

Ánh trăng chiếu sáng chiếc thuyền gỗ nhỏ chở 17 người di cư chờ trợ giúp ngoài khơi Lampedusa, Italy hồi tháng 7. Ngư dân Italy bắt gặp chiếc thuyền này và gọi cho lực lượng chức năng, thông báo rằng những người trên thuyền đang rất được giúp đỡ.

Vùng biển giữa Libya và Italy là một trong những tuyến đường di cư nguy hiểm nhất trên thế giới. Rất nhiều người di cư đã chết trên biển khi mạo hiểm tìm đường tới châu Âu.

Một ngôi nhà bị tro bụi núi lửa bao phủ trên đảo La Palma, thuộc quần đảo Canary, Tây Ban Nha hồi tháng 10. Do núi lửa đang phun trào, phóng viên không thể tiếp cận ngôi nhà mà chỉ có thể sử dụng máy bay không người lái, cách duy nhất để ghi lại mức độ nghiêm trọng của thảm kịch.

Núi lửa tiếp tục phun ra lượng lớn dung nham và tro bụi suốt hơn một tháng sau khi tỉnh giấc. Ngôi nhà trong ảnh bị phủ đầy tro bụi như nhiều ngôi nhà khác trong khu vực, nhưng nó vẫn đứng vững.

Cảnh sát bắt một phụ nữ tham gia biểu tình ở thủ đô London, Anh, sau vụ Sarah Everard bị một cảnh sát mặc thường phục bắt cóc và sát hại.

Cuộc biểu tình diễn ra ngày 13/3 để thể hiện nỗi tiếc thương cô gái xấu số. Tuy nhiên, do London đang áp dụng các biện pháp hạn chế ngăn Covid-19 nên cảnh sát đã giải tán đám đông, dẫn đến đụng độ với người biểu tình.

"Patsy Stevenson trông rất nổi bật với làn da trắng ngần và mái tóc đỏ. Tôi nghĩ hình ảnh cô gái biểu tình bị hai cảnh sát nam không rõ mặt khống chế đã trở thành biểu tượng cho nỗi phẫn nộ", phóng viên Hannah McKay của Reuters, người đã chụp bức ảnh, cho hay.

Một ngư dân cho cá mập voi ăn ở Tan-Awan, Philippines hồi tháng 9.

"Thật thú vị khi khám phá các biện pháp phong tỏa ảnh hưởng thế nào đến mối quan hệ giữa Tan-Awan, một thị trấn ở Philippines, và loài động vật đang suy giảm số lượng", phóng viên Hannah Reyes Morales của New York Times chia sẻ.

"Cho cá mập voi ăn có ảnh hưởng đến chế độ dinh dưỡng và hoạt động di cư của chúng, trong khi cá mập bị trầy da do bơi quá gần thuyền, nhưng cơ hội ngắm nhìn loài cá lớn nhất thế giới lại thu hút du khách đến thị trấn. Điều quan trọng là phải để cá mập và ngư dân trong cùng khung hình, vì bức ảnh này thực sự nói về sự phụ thuộc lẫn nhau", Morales nói thêm.

Du khách xem núi lửa phun trào ở Iceland hồi tháng 4. Bức ảnh được chụp ngay khi miệng núi lửa thứ hai bắt đầu hình thành.

"Thật kỳ lạ khi thấy mọi người đứng gần như vậy. Có thể rất nguy hiểm, chủ yếu do khí độc, không phải dung nham. Nếu gió đổi hướng, họ có thể gặp nguy hiểm. Đấy là một trong những khoảnh khắc bạn chụp được thứ gì đó siêu thực", nhiếp ảnh gia Arnar Kristjansson cho hay.

Thành viên Taliban cầu kinh buổi tối tại sân bay quốc tế Hamid Karzai ở thủ đô Kabul hôm 28/8, gần nửa tháng sau khi Taliban tái kiểm soát Afghanistan. Bên ngoài sân bay khi đó là khung cảnh hỗn loạn khi hàng nghìn người cố vào bên trong để được sơ tán.

"Những người đàn ông này là lính đặc nhiệm được triển khai để đảm bảo an ninh sân bay. Rất khó để vào được bên trong, tôi đã bị từ chối hoặc bị đánh. Hôm đó, tôi quyết tâm vào bằng được. Khi màn đêm buông xuống, tôi vào trong, trước khi giải thích với nhóm lính Taliban rằng tôi chỉ cần chụp vài bức ảnh của họ bên trong sân bay", phóng viên Jim Huylebroek của New York Times nói.

Một người tị nạn (phải) được thành viên Hội Chữ thập đỏ Tây Ban Nha an ủi hồi tháng 5.

Bức ảnh được chụp ở Ceuta, một trong hai khu vực Tây Ban Nha giáp với Maroc trên bờ biển Địa Trung Hải. Trong hai ngày 17 và 18/5, hơn 8.000 người đã vượt qua tuyến đường này để thực hiện hành trình tới châu Âu.

Người đàn ông này đến cùng anh trai, người đã bất tỉnh sau chặng đường vượt biển. Anh hoảng sợ khi nghĩ người bạn đồng hành sắp chết. Một thành viên của Hội Chữ thập đỏ đã an ủi anh, nói rằng mọi thứ sẽ ổn.

"Đôi khi, những người di cư không nhận được sự giúp đỡ hoặc quan tâm mà họ cần. Thật tuyệt vời khi ghi lại khoảnh khắc kết nối thực sự giữa hai con người, không phụ thuộc vào xuất thân hay tôn giáo của họ", phóng viên Bernat Armangue của AP cho hay.

Một con ngựa được quân đội Thụy Sĩ vận chuyển bằng máy bay hồi tháng 4.

"Những con ngựa được tiêm thuốc mê và bịt mặt rồi được vận chuyển bằng trực thăng. Cơ thể chúng cũng được bọc vải vì trên không khá lạnh", phóng viên Saignelégier Fabrice Coffrini của AFP, người chụp bức ảnh, nói. " Đó là hình ảnh rất lạ vì trong khung hình không có trực thăng".

Mọi người cho chim mòng biển ăn trong màn sương mù vì ô nhiễm ở Delhi, Ấn Độ hồi tháng 10.

"Câu chuyện ban đầu là về ô nhiễm, nhưng đối với tôi bức ảnh này hoàn toàn về các loài chim. Chúng trông thật ấn tượng trong bối cảnh đầy sương khói", phóng viên Navesh Chitrakar của Reuters nói.

Ảnh: AFPReutersNY TimesAP

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét