21/9/22

                               Xoắn mạc nối lớn nguyên phát

Thông báo 2 trường hợp và đọc lại Y văn

                                                              Bs: Võ Ngọc Thạch

Tóm tắt:

Xoắn mạc nối lớn nguyên phát, là một tổn thương hiếm gặp, được Eitel

mô tả đầu tiên vào năm 1899, từ đó đén nay có khoảng  250 đến 400 trường hợp được thông báo. Lâm sàng biểu hiện một bụng ngoại khoa cần can thiệp cấp cứu và thường nhầm với ruột thừa viêm. Bệnh ít được chẩn đoán đúng trước mổ. Ctscan đa dãy có giá trị chẩn đoán cao. Phẫu thuật cắt bỏ thường được khuyến cáo, vì giải quyết nhanh thương tổn, phòng ngừa biến chứng, rút ngắn ngày nằm viện.

Tại Bvđk Vĩnh Đức Quảng Nam, chúng tôi gặp 2 trường hợp, đều là nam, 57 tuổi và 28 tuổi, trường hợp sau, được chẩn đoán đúng trước mổ, do được nghĩ đến và có hình ảnh trên Ctsan khá rõ ràng. Nay, thông báo để quí đồng nghiệp tham khảo.

Từ khóa: Xoắn mạc nối lớn, Nhồi máu mạc nối lớn.

 

 

 

 

 

                                        Primary omental torsion 
                              report 2 cases and review the literature
                                                                     Vo Ngoc Thach,MD

Summary:

Primary omental torsion, a rare lesion, was first described by Eitel in 1899,
 since then about 250 to 400 cases have been reported. 
The clinical presentation of a surgical abdomen requires urgent intervention and is often mistaken for an  appendicitis.
 The disease is rarely diagnosed correctly preoperated. 
Multi-slice CT scan has high diagnostic value. 
Surgical excision is often recommended, because of the rapid resolution of lesions, prevention of complications, and shorter hospital stay.
At Vinh Duc General Hospital, Quang Nam Province, we encountered 2 cases, 
both male, 57 years old and 28 years old, the latter case was diagnosed
 correctly before surgery, because it was thought of and had quite clear images
 on Ct san. Now, notice for your reference.
Key word: Primary omental torsion, Omental infarction.

 

1, Mở đầu:

Xoắn mạc nối lớn nguyên phát (XMNLNP) là một tổn thương hiếm gặp, được Eitel mô tả đầu tiên vào năm 1899, từ đó đén nay có khoảng  250 đến 400 trường hợp được thông báo[9,12]; tuy nhiên, trên thực tế số lượng bệnh nhân chắc chắn cao hơn nhiều.  XMNLNP chiếm khoảng 1.1% trong tổng số trường hợp đau bụng cấp[11]

Lâm sàng biểu hiện một bụng ngoại khoa cần can thiệp cấp cứu và thường được chẩn đoán đúng trong mổ.

Ở nước ta, bệnh lý này chưa được nghiên cứu nhiều và có lẽ bs Phan Trần Đức, Bv Nhi Đồng Nai, thông báo ca đầu tiên vào năm 1998[3]

Tại Bvđk Vĩnh Đức Quảng Nam, chúng tôi gặp 2 trường hợp, nay xin thông báo để quí đồng nghiệp tham khảo.

2/ Giới thiệu bệnh án

 2.1/ Bệnh án 1:

       - Bệnh nhân: Nguyễn Ca.., 57 t, nam

       - Địa chỉ: Thanh Hà, Hội An, Quảng Nam

      - Vào viện: 13h30, 1/12/2019, số lưu trữ: 39975

     - Lý do: đau bụng

    - Bệnh sử: Bn đau bụng trước nhập viện một ngày, có dùng thuốc trị đau dạ dày nhưng không khỏi, xin nhập viện.

    - Tiền sử: Không có tiền sử chấn thương hay mổ bụng.

     - Cận lâm sàng:

       Ctm: HC: 4.310.000/mm3, Hb=124g/L, Hct=39%; BC: 11.310/mm3( N:73.8%, L:17.3%); CRP=36.88; TS=3p, APTT=30, PT= 93

       Creatinin:77𝝁mol/l, Glucose:5.49mmol/l, AST:23.4U/L, ALT: 15.0U/L

       Siêu âm: Ruột thừa viêm

      Các xét nghiệm khác trong giới hạn bình thường.

-         Bn được hội chẩn với chẩn đoán trước mổ ruột thừa viêm cấp, Ptv: bs Nhân

-         Trong mổ phát hiện xoắn mạc nối lớn, và cắt bỏ phần mạc nối lớn bị xoắn, kèm cắt ruột thừa


-         Hậu phẫu bn ổn định và ra viện sau 5 ngày.

2.2/ Bệnh án 2:

       - Bệnh nhân: Lê Nguyễn Thiên Vư.., 28 t, nam

       - Địa chỉ: Điện Tho, Điện Bàn, Quảng Nam

      - Vào viện: 17h40, 7/8 /2020, số lưu trữ: 18910

     - Lý do: đau bụng

    - Bệnh sử: Bn đau bụng đã 5 ngày nay, không nôn, không đi phân lỏng, có dùng thuốc (tự mua uống) nhưng không khỏi, ngày nay thấy đau nhiều hơn, kèm sốt nhẹ, xin nhập viện.

    - Tiền sử: : Không có tiền sử chấn thương hay mổ bụng.

    - Khám hiện tại: Bn tỉnh, sinh hiệu ổn, sốt: 38.5. Bụng: đau âm ỉ nửa bụng phải và quanh rốn, không chướng, mass (-), dấu tắc ruột (-), phản ứng thành bụng (+).

     - Cận lâm sàng:

       Ctm: HC: 4.780.000/mm3, Hb=144g/L, Hct= 43.4%; BC: 11.020/mm3( N:70.0%, L:18.8%); TS=3p, APTT=30, PT= 77

       Creatinin:64𝝁mol/l, Glucose:5.54 mmol/l, AST:27.3 U/L, ALT: 31.5 U/L

       Siêu âm: Viêm bờm mỡ đại tràng phải, Ruột thừa viêm thứ phát.

Ctscan: Xoắn mạc nối lớn, phân biệt với ruột thừa viêm/ viêm bờm mỡ đại tràng.

Các xét nghiệm khác trong giới hạn bình thường.

-         Bn được hội chẩn với chẩn đoán trước mổ: Xoắn mạc nối lớn, Ptv: bs Thạch

-         Trong mổ (Nội soi) phát hiện có dịch hồng loãng, mạc nối lớn bị xoắn 6-7 vòng ở bờ tự do phía bên phải; tím đen, nhiều giả mạc bám vào. Tiến hành: cắt bỏ phần mạc nối lớn bị xoắn, kèm cắt ruột thừa, hút sạch dịch, kiểm tra các tạng khác không thấy bất thường


-         Hậu phẫu bn ổn định và ra viện sau 5 ngày.

3/ Nhận xét, bàn luận:

    3.1/ Dịch tễ hoc:

        XMNLNP là một tổ thương hiếm gặp, được Eitel mô tả lần đầu tiên vào năm 1899, bệnh xảy ra ở cả 2 giới, mọi lứa tuổi [1,6,11 ], nam nhiều hơn nữ, độ    tuổi hay gặp 30-50 tuổi; Morris tổng kết từ 1905 - 1930 có 164 ca [ 6 ]; Nguyễn Thanh Phong, tổng hợp được 12 trường hợp người lớn từ 1/2010- 8/2013, tại Bv Bình Dân tp HCM [2]; Lê Sĩ Phong và Trần Thanh Trí có 38 bệnh nhân trẻ em từ 6/2012 đến 12/2017 (trên 5 năm) tại Bv Nhi đồng 2 Tp HCM[1]. Tỷ lệ gặp XMNLNP trên mổ ruột thừa là < 4/1000[11].

    3.2/ cơ chế:

      Mạc nối lớn, bắt đầu hình thành từ tuần thứ 5 và phát triển gần như đầy đủ vaò tuần thứ 20 trong bào thai, diện tích # 0.2- 0.6m2 ở trẻ con, 0.4- 0.8 m2 ở người lớn, ở trẻ con nó lớn dần theo độ tuổi; diện tích mạc nối lớn # ½ diện tích toàn bộ phúc mạc. Xoắn mạc nối lớn, chính xác là xoắn một phần mạc nối lớn, nguyên nhân cho tới nay vẫn còn chưa rõ; các tác giả đều ghi nhận một số yếu tố thuận lợi hoặc nguy cơ như: béo phì, giới tính, những hoạt động làm tăng áp lực ổ bụng đột ngột ( nâng tạ, khuân vác, ho…); những bất thường về giải phẫu: mạc nối lớn chẻ đôi, phần cuối giống như cái lưỡi ( tongue- like omental structures)[7], cuống mạc nối quá dài, mạch máu bên bờ phải mạc nối lớn quá nhỏ, mong manh, …nên dễ bị xoắn[3,4,5,6,10,11,12], mạc nối lớn có thể bị xoắn ở bên bờ trái nhưng hiếm hơn [8,10].

   Xoắn mạc nối lớn có 2 dạng: xoắn nguyên phát ( Primary omental torsion = POT) và xoắn thứ phát ( Secondary omental torsion = SOT). Xoắn nguyên phát là mạc nối lớn tự xoắn quanh theo trục dọc (thường cùng chiều kim đồng hồ), trong khi bờ tự do của mạc nối không bám dính vào bất cứ một nơi nào trong ổ bụng. Trái lại, khi bờ tự do của mạc nối lớn bám dính vào một nới nào đó như trong thoát vị bẹn (hay gặp nhất), u nang buồng trứng, vết mổ cũ… phần mạc nối lớn khi đó xoắn quanh giữa 2 đầu cố định này, gọi là xoắn thứ phát; ta có thể hình dung như một chiếc võng bị xoắn lại ở giữa. Xoắn thứ phát thường gặp hơn xoắn nguyên phát. Tổn thương gải phẫu bệnh học khi xoắn xảy ra là thiếu máu, phù nề, thoát mạch, nhồi máu, hoại tử và dính.

    3.3/ Lâm sàng:

     Lâm sàng biểu hiện bằng đau bụng cấp, đau âm ỉ hay từng cơn vùng thượng vị, quanh rốn hoặc hố chậu phải (100% trường hợp), có thể có kèm theo buồn nôn hay nôn, thường không sốt, khám bụng thấy đau, chướng it và đặc biệt có phản ứng dội (+), có thể sờ thấy mass nếu mạc nối lớn bị xoắn lớn, công thức máu thường có bạch cầu tăng vừa; bệnh nhân thường có triệu chứng tương tự như ruột thừa viêm, viêm túi mật cấp, u nang buồng trứng xoắn, viêm bườm mỡ đại tràng…Hầu hết các trường hợp đều chẩn đoán trước mổ là ruột thừa viêm [1,2,3,6]. Xoắn có hiện tượng tự tháo, bệnh nhân đau rồi lại hết và thường tái phát nhiều lần trong quá khứ, khai thác kỹ bệnh sử để có hướng chẩn đoán. Người bệnh thường đến viện sau 1-6 ngày, nên càng dễ nhầm với ruột thừa muộn.

   3.4/ Chẩn đoán:

      Vì XMNLNP có triệu chứng không đặc hiệu, nên chẩn đoán đúng chỉ có 0.6- 4.8% [9]; hầu hết trường hợp chỉ chẩn đoán được trong mổ [1,2,3,6,7,8,9]; 38 trường hợp của Lê sĩ Phong ở Bv Nhi đồng 2 đều chẩn đoán trước mổ là ruột thừa viêm[1]. Khi mổ, lúc vào ổ bụng, nếu thấy có dịch máu hồng loãng (serosanguinous), hay ruột thừa bình thường thì phải thám sát toàn bộ ổ bụng, tìm hình ảnh xoắn mạc nối hay nhồi máu mạc nối. Việc chẩn đoán đúng trước mổ, cần phải khai thác kỹ bệnh sử và quan trọng nhất là phải nghĩ đến XMNLNP, để có chỉ định cận lâm sàng phù hợp như Ct scan. Ctscan có vai trò quan trọng trong chẩn đoán bụng cấp, nó giúp loại trừ các trường hợp như ruột thừa viêm, viêm túi mật cấp, viêm túi thừa manh- đại tràng, u nang buồng trứng xoắn…Trong XMNLNP, Ctscan có hình ảnh “xoáy nước” (whirl), tuy nhiên hình “xoáy nước” cũng có thể gặp trong liposarcoma, viêm bờm mỡ đại tràng (epiploic appendagitis), loạn dưỡng mỡ mạc treo ruột (mesenteric lipodystrophy)[2]. Siêu âm cũng có vai trò nhất định, giúp loại trừ viêm túi mật, phát hiện dịch trong ổ bụng; trong xoắn mạc nối, siêu âm có hình ovan hay hình bánh tăng âm; siêu âm Doppler thấy hình ảnh mạch máu trong khối này[2,9]. Có một thương tổn gần giống với xoắn mạc nối lớn là nhồi máu mạc nối lớn (omental infarction), được Bush giới thiệu lần đầu tiên vào năm 1896[14]; dù cơ chế bệnh sinh khác nhau, nhưng hậu quả là một, trong XMNLNP, nhồi máu là tiến trình của xoắn hay gọi là nhồi máu thứ phát; do vậy một số nghiên cứu đưa hai hình thái bệnh lý này vào chung một nhóm [12].

Bệnh nhân số 1, chỉ được phát hiện trong mổ, trong khi bn số 2, nhờ có nghĩ đến, nên cho chụp ctscan và phát hiện được trước mổ. Theo chúng tôi, những trường hợp đau bụng phải hay hố chậu phải đến muộn, nên cho chụp ctscan nếu có điều kiện, để chủ động hơn trong chẩn đoán và điều trị.

   3.5/ Điều trị:

     Hiện chưa có một guideline nào cho điều trị XMNLNP, bảo tồn hay phẫu thuật, vẫn còn đang tranh cải. Một số tác giả cho rằng phẫu thuật là không cần thiết vì đây là tổn thương tự ổn định, triệu chứng sẽ mất dần sau 2 tuần [2,12,14].Trong một phân tich gộp, Nolberto Adrian và cs, tổng hợp trên Y văn, được 146 Bn bị nhồi máu mạc nối, từ 1/2000 đến 6/2018 (>18 năm) [12], trong đó 107 Bn (73.3%) điều trị nội khoa, có 17Bn (15.9%) thất bại, phải chuyển phẫu thuật; tỷ lệ điều trị nội thành công là 84.1% (90Bn). Tuy nhiên, phần lớn tác giả đồng thuận cho điều trị phẫu thuật vì: giải quyết ngay thương tổn, ít biến chứng như áp xe, dính hay nhiễm trùng, thời gian nằm viện ngắn [2,10,12]. Ngày nay, nội soi ổ bụng đã thành phẫu thuật thường qui, ít xâm lấn, an toàn, thẩm mỹ; trong XMNLNP, nội soi vừa để chẩn đoán, vừa  điều trị, một sự kết hợp hoàn hảo(!) cho những trường hợp chưa có chẩn đoán rõ ràng. Nhưng nếu chẩn đoán đúng thì điều trị nội khoa cũng nên xem xét lựa chọn, để tránh một cuộc mổ không cần thiết. Vấn đề còn tồn tại ở đây là có cần phải cắt bỏ ruột thừa hay không (?) nhất là trên những bệnh nhân trẻ tuổi, khi vai trò miễn dịch của nó ngày càng được khẳng định[13,15]

4/ Kết Luận:

XMNLNP là một thương tổn hiếm gặp, nguyên nhân gây đau bụng cấp trên lâm sàng, có triệu chứng tương tự như ruột thừa viêm, nên thường được chẩn đoán đúng trong mổ. Ctscan đa dãy, có độ chẩn đoán chính xác cao. Điều trị phẫu thuật, cắt bỏ phần mạc nối bị xoắn hoại tử thường được lựa chọn.

 

 Tài liệu tham khảo:

1, Lê Sĩ Phong, Trần Thanh Trí. Xoắn mạc nối lớn ở trẻ em tại bệnh viện nhi đồng 2. (2018) Y hoc Tp Hồ Chí Minh, phụ bản tập 22, số 4, trang: 134-138.

2, Nguyễn Thanh Phong (2014) Đặc điểm lâm sàng và điều trị xoắn mạc nối lớn nguyên phát. Y hoc Tp Hồ Chí Minh, tập 18, số 1, trang: 167-173.

3, Phan Trần Đức, Võ Hòa Khánh (1999). Nhân một trường hợp xoắn mạc nối lớn nguyên phát ở trẻ em. Thời sự Y Dược Học số 4, trang: 86-88.

4, Richard H. Turnage, MD Kathryn A, Richardson,MD (2008). Abdominal wall, umbilicus, peritonium, mesenteries, omentum, and retroperitonium in       Sabiston Texbook of surgery. 18th edition, pp:1145.

5, Robert L. Bell and Neal E. Seymour  (2005). Abdominal wall, mesenteries, omentum, and retroperitonium in Schwartz” s principles of surgery, 8th edition, pp:1323.      (duoi 100 cases)

6, www. Jpeds.com. Chiara Zanchi, MD  Patrizia Salierno, MD Roberto. Bellomo, MD. Primary acute omental torsion in an overweight girl.

7, Ozgus Albuz MD…Primary torsion of omentum: a rare cause of acute abdomen. The American journal of Emergency medicine (2010) 28,115.e5-115.e7

8, https://www.ncbi.nlm.nih.gov › articles Left-sided omental torsion with inguinal hernia - PMC - NCBI

9, https://emedicine.medscape.com/article/191817-overview. Omental Torsion. Updated: Aug 19, 2021 

10, https://www.researchgate.net/publication/12400707_Primary_torsion_of_the_greater_omentum

11, Wang, Yue MM; Huang, Ran MM; Li, Chun PhD; Li Weisong PhD. Acute abdomen caused by torsion of the omentum. A pediatric case report. Journals.Iww.com. April 15,2022- volume 101-Issue 15- p e29184.

12, https://www.sciencedirect.com/science/article/pii/S2049080120301709 OMENTAL INFARCTION: SURGICAL or CONSERVATIVE TREATMENT? A CASE REPORTS and CASE SERIES SYSTEMATIC REVIEW. Annals of Medicine and Surgery Volume 56, August 2020, Pages 186-193

13, https://www.sciencedirect.com/science/article/abs/pii/S1044532318300010 The immunological functions of the Appendix: An example of redundancy? Seminars in Immunology Volume 36, April 2018, Pages 31-44

14, www.ejrnm.springeropen. Antonio Corvino, Maria Raffaela Campanino…Left-sided omental infarction without torsion: report of a case with radiologic- pathologic correlation. Published:07 july 2020

15, I. A. Kooij,   S. Sahami,  S. L. Meijer,  C. J. Buskens,  and A. A. te Velde  The immunology of the vermiform appendix: a review of the literature Clin Exp Immunol. 2016 Oct; 186(1): 1–9

 

 

 

 

 

·          

 

 

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét