4/10/22

 Điểm danh các vị vua trẻ con trong lịch sử Việt Nam

Trong lịch sử nước nhà có gần 30 trường hợp các ông vua lên ngôi khi còn là trẻ con. Làm vua như vậy sướng hay khổ?

Triều Đinh

Ông vua trẻ con đầu tiên trong lịch sử phong kiến nước ta là Đinh Toàn (974 – 1001) lên ngôi khi 6 tuổi. Đinh Toàn “làm vua” từ tháng 10 năm trước đến tháng 7 năm sau, chưa đầy 1 năm với đế hiệu là Đinh Phế Đế. Sau khi Lê Hoàn lên ngôi, Đinh Toàn được trở lại với tước hiệu Vệ Vương. Năm Tân Sửu 1001, trong dịp cùng vua Lê Đại Hành (tức Lê Hoàn) đi dẹp loạn Cử Long thuộc vùng Cẩm Thủy, Thanh Hóa, Đinh Toàn bị trúng tên, mất năm 27 tuổi. Trong Đại Việt sử ký toàn thư lại ghi Đinh Toàn mất khi 18 tuổi, tức năm 991.

Triều Lý

– Lý Nhân Tông (1066 – 1127), là vị vua thứ tư của triều Lý, con trai duy nhất của vua Lý Thánh Tông và Ỷ Lan phu nhân tức Linh Nhân hoàng hậu. Tên thật của ông là Lý Càn Đức.

Năm 1072, Thánh Tông mất, Càn Đức mới 6 tuổi lên nối ngôi, tức là vua Lý Nhân Tông. Ông là vị vua chú trọng về văn hóa, giáo dục, mở các cuộc thi kén chọn nhân tài, và đặc biệt ưu đãi, trọng vọng các bậc thiền sư thạc đức. Năm Ất Mão (1075) vua cho tổ chức một khoa thi Tam trường, là khoa thi chọn người giỏi đầu tiên ở nước ta.

Tiếp liền năm sau (1076), vua cho lập Quốc tử giám và bổ nhiệm những người khoa bảng văn học vào dạy.

– Kế vị Lý Nhân Tông là Lý Thần Tông(1116 – 1138), tên thật là Lý Dương Hoán, là vị vua thứ năm của nhà Lý, trị vì từ năm 1127 đến năm 1138, tức là lên ngôi năm 11 tuổi. Lý Thần Tông là con trai của Sùng Hiền hầu – em trai của vua Lý Nhân Tông, tức là cháu gọi Nhân Tông bằng bác.

Có ý kiến cho rằng Lý Thần Tông là hậu thân của thiền sư Từ Đạo Hạnh. Sách Đại Việt Sử ký Toàn thư, quyển III ghi lại việc Từ Đạo Hạnh thoát xác tại chùa núi Thạch Thất năm 1116, ngay trước khi Lý Dương Hoán ra đời. Người ra cho rằng vì Lý Nhân Tông không có con nên Từ Đạo Hạnh đầu thai làm con trai Sùng Hiền hầu để duy trì sự nghiệp của nhà Lý.

Thời Thần Tông nhân dân no đủ, nhưng ông cũng chỉ trị vì được 10 năm, mất khi còn trẻ, mới 23 tuổi.

– Đời thứ sáu là vua Lý Anh Tông (1138-1175) lên ngôi khi mới 3 tuổi. Vua còn nhỏ, Lê Thái hậu nắm quyền nhiếp chính tư thông với Đỗ Anh Vũ làm triều chính đảo điên. Nhờ có các trọng thần như Tô Hiến Thành ra công gánh vác, nếu không triều đình đã đổ nát. Anh Tông làm vua được 37 năm, mất năm 40 tuổi.

– Vua Lý Cao Tông (1173 – 1210), tên húy là Lý Long Trát, còn có tên khác là Lý Long Cán, lên ngôi năm 3 tuổi. Khi còn nhỏ, Cao Tông tỏ ra ngoan hiền, chăm học hỏi, nhưng khi lớn lên không còn sự quản thúc của Tô Hiến Thành nữa, ông trở nên ăn chơi vô độ, tin cậy bọn hoạn quan, nhân dân đói khổ, nổi dậy khắp nơi.

– Đời vua cuối cùng của triều Lý là một nữ hoàng duy nhất trong lịch sử nước ta: Lý Chiêu Hoàng (1218-1278) lên ngôi khi mới 7 tuổi. Như vậy, triều Lý có 9 đời vua thì đã có tới 5 vị (chiếm hai phần ba) lên ngôi ngay từ khi còn ở tuổi thiếu niên, nhi đồng.

Triều Trần

– Mở đầu triều Trần là một ông vua trẻ con nổi tiếng: Trần Thái Tông (Trần Cảnh) (1218-1277). Lên 7 tuổi được đưa vào cung làm hầu cận nữ hoàng đế Lý Chiêu Hoàng, lên 8 tuổi được lấy nữ hoàng làm vợ và được nhường ngôi báu.

– Vua Trần Minh Tông (1300-1357) lên ngôi lúc 14 tuổi. Đấy cũng là do vua cha Trần Anh Tông sớm nhường ngôi. Trần Minh Tông tính tình nhân hậu, biết trọng người tài. Theo truyền thống, năm 29 tuổi ông đã nhường ngôi cho con.

– Trần Hiến Tông (1319 – 1341) được vua cha nhường ngôi ngay khi mới lên 10 tuổi. Việc triều chính vẫn do thượng hoàng điều khiển. Hiến Tông mất sớm, khi mới 23 tuổi.

– Người kế vị Hiến Tông là Trần Hạo, con của thượng hoàng Minh Tông, mới lên 5 tuổi, đế hiệu là Trần Dụ Tông (1336 – 1369). Dụ Tông thông minh, có học vấn, buổi đầu lại được những trung thần có tài giúp giập, nên chính sự tốt đẹp. Nhưng quãng đời về sau lại bị bọn gian thần lũng đoạn. Bởi vậy, sau khi Dụ Tông mất (ở ngôi 28 năm, thọ 34 tuổi), triều đình hỗn loạn, nhà Trần suýt rơi về tay Dương Nhật Lễ.

– Trần Thuận Tông (Trần Ngung) (1378 – 1398) là vua thứ 11 triều Trần lên ngôi khi 11 tuổi. Vua chỉ làm vì mọi quyền lực đều nằm trong tay Hồ Quý Ly. Làm vua được 10 năm, 1 năm đi tu và bị Hồ Quý Ly giết năm 22 tuổi.

– Trần Án tức Trần Thiếu Đế, 3 tuổi lên nối nghiệp Thuận Tông năm 1398, nhưng chỉ ba năm sau – 1400 thì bị Hồ Quý Ly bức phải nhường ngôi. Nhà Trần mất về tay nhà Hồ.

Triều Trần có lệ, vua cha khi còn sống đã truyền ngôi cho con và mình lên làm thượng hoàng, vì vậy các vua Trần đều lên ngôi khi tuổi còn trẻ. Tuy nhiên, có tới 6 vị vua tuổi thiếu niên hầu hết được đặt lên ngai vàng trong tình thế bất thường.

Thời Lê Sơ

– Lê Thái Tổ băng hà khi 49 tuổi, Lê Thái Tông lên nối nghiệp năm 11 tuổi, tự điều hành mọi công việc, được sử gia khen là “vua thiên tư sáng suốt, nối vận thái bình”. Vua chết đột ngột khi mới 20 tuổi.

– Thái tử Bang Cơ (Lê Nhân Tông), lên ngôi khi mới 2 tuổi. 12 tuổi vua đã tự điều hành triều chính. Ông bị người anh là Nghi Dân sát hại năm 19 tuổi.

– Lê Ý được đưa lên làm vua Lê Chiêu Tông khi 11 tuổi trong bối cảnh đất nước loạn lạc. Triều chính nằm trong tay Mạc Đăng Dung. Lê Chiêu Tông ngầm mưu triệt hạ phe cánh họ Mạc, việc bị lộ, vua bị giết khi mới 21 tuổi.

– Em của Chiêu Tông là Lê Xuân được lập lên làm vua Lê Cung Hoàng khi 15 tuổi. Năm 21 tuổi, ông bị Mạc Đăng Dung bức tử.

Triều Lê Sơ do vua Lê Thái Tổ lập ra kéo dài 99 năm, trải qua 10 đời vua thì đã có tới 4 vị lên ngôi khi còn ở độ tuổi thiếu nhi.

Thời Lê Trung hưng

– Lê Trung Tông là con trai của Lê Trang Tông lên kế vị khi 15 tuổi, đóng đô ở Tây Đô để chống nhau với nhà Mạc ở Đông Đô. Trang Tông là người khoan dung, thông tuệ, nhưng mọi việc đều do Trịnh Kiểm quyết. Trung Tông mất năm 22 tuổi, chưa có con.

– Lê Duy Đàm (Lê Thế Tông) được tôn lên ngôi vua vào tuổi lên 7. Nhà Mạc bị đánh bại, chạy lên Cao Bằng. Lê Thế Tông được đón về Thăng Long, nhưng quyền lực vua Lê bị thu hẹp bên cạnh sự bành trướng của phủ chúa. Lê Thế Tông mất năm 33 tuổi.

– Tiếp theo là Lê Kính Tông được Trịnh Tùng lập lên làm vua năm 11 tuổi. Khi trưởng thành, thấy thế lực chúa Trịnh lấn át quá đáng, Lê Kính Tông mưu giết Trịnh Tùng. Việc không thành, chính nhà vua bị bức thắt cổ chết.

– Lê Thần Tông lên ngôi năm 12 tuổi. Năm 36 tuổi ông nhường ngôi cho con, lên làm Thái thượng hoàng. Con chết sớm lại được chúa Trịnh “vời” lên làm vua một lần nữa.

– Lê Chân Tông, con trưởng của Thần Tông, lên ngôi năm 13 tuổi. Ngồi ngai vàng được 6 năm thì bị bệnh mất.

– Lê Huyền Tông, con thứ hai của Lê Thần Tông, sau khi cha chết, lên nối ngôi khi mới 9 tuổi. Và cũng mất sớm vào tuổi 18.

– Lê Gia Tông, cũng là con thứ của Thần Tông, làm vua khi 12 tuổi, ở ngôi 3 năm rồi mất.

Qua 16 đời vua Lê Trung hưng cũng có tới 7 đời “vua trẻ con”, trong đó một số chết yểu.

Triều Nguyễn

Nhà Nguyễn tồn tại 143 năm truyền được 13 đời vua. Các vị “vua trẻ con” đều rơi vào thời kỳ Pháp đô hộ.

– Khi Tự Đức chết, triều thần lần lượt chọn Ưng Chân lên làm vua (Dục Đức), rồi đến Hồng Dật (Hiệp Hòa) nhưng đều bị phế. Nguyễn Văn Tường và Tôn Thất Thuyết lập Ưng Đăng lên ngôi vua (Kiến Phúc) năm 14 tuổi. Kiến Phúc làm vua được 8 tháng thì bị đầu độc chết.

– Hàm Nghi (Ưng Lịch), vua thứ 8 nhà Nguyễn, được lên ngôi năm 13 tuổi. Hàm Nghi không được Pháp phê chuẩn. Vua bị Pháp bắt khi 17 tuổi và bị đưa đi đầy sang Angiêri.

– Vua Thành Thái (Bửu Lân) được lập lên làm vua năm 10 tuổi. Đây là ông vua yêu nước, thương dân, có ý chí chống Pháp. Chính vì vậy, ông bị chính quyền Pháp và Nam triều bù nhìn ép phải thoái vị năm 28 tuổi và bị đi đày ở đảo Reunion.

– Vua Duy Tân (Vĩnh San) được Pháp đưa lên ngai vàng khi mới 8 tuổi. Không dụ dỗ mua chuộc được vua, thực dân Pháp bắt ông đi đầy ở đảo Reunion cùng với vua cha.


Vua Duy Tân (1900-1945, lên ngôi năm 1907).

 

 (Copy trên mạng)


 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét