9/3/23

 Cuộc đời và sự nghiệp của danh ca Khánh Ly – Tiếng hát tiêu biểu của nhạc trữ tình Việt Nam

 Theo nhacxua.vn

Ca sĩ Khánh Ly được đánh giá là một trong những nữ danh ca nổi tiếng nhất của làng nhạc Sài Gòn trước năm 1975 và sau này tại hải ngoại. Cùng với Thái Thanh và Lệ Thu thì Khánh Ly được đánh giá là 1 trong 3 nữ danh ca tiêu biểu nhất của nhạc trữ tình Việt Nam.

Tên tuổi của Khánh Ly thường được nhắc đến bên cạnh nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, và bà được xem là người hát nhạc Trịnh hay nhất từ trước đến nay. Tuy nhiên có lẽ cũng vì vậy mà đã có nhiều sự nhìn nhận không đúng, cho rằng Khánh Ly chỉ hát hay nhạc của Trịnh Công Sơn, trong khi bà vẫn hát rất thành công nhạc của nhiều nhạc sĩ khác, như Phạm Duy, Từ Công Phụng, Ngô Thụy Miên… đặc biệt là Trầm Tử Thiêng và Nguyễn Đình Toàn, với những album được xem là hay nhất tại hải ngoại như Kinh Khổ (nhạc Trầm Tử Thiêng), Hiên Cúc Vàng (nhạc Nguyễn Đình Toàn). Lớn Lên Trong Niềm Đam Mê Âm Nhạc Trong ca khúc Yêu Dấu Tan Theo của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn có hai câu hát rất đặc biệt thấp thoáng bóng dáng của ca sĩ Khánh Ly: Em theo đời cơm áo Mai ra cùng phố xôn xao Chữ “Mai” ở trên chính là tên thật của ca sĩ Khánh Ly, Nguyễn Thị Lệ Mai. Tên tuổi của Khánh Ly gắn chặt với hai vùng đất phồn hoa nổi tiếng là Sài Gòn và Đà Lạt, nhưng bà thực chất là người gốc Hà Nội. Khánh Ly sinh ngày 6 tháng 3 năm 1945 tại Hà Nội, chưa kịp lớn thì đã phải chịu cảnh cha mẹ ly tán, mẹ đi bước nữa với người chồng thứ 2 là một cảnh sát. Năm 1955, khi vừa tròn 10 tuổi, Khánh Ly theo mẹ và cha dượng di cư vào Sài Gòn. Ở Sài Gòn được 1 năm thì người cha dượng lại bị chuyển công tác lên Đà Lạt nên đem cả gia đình theo. Thừa hưởng dòng máu văn nghệ từ cha ruột nên ngay từ khi còn nhỏ, Khánh Ly đã rất mê ca hát. Năm 9 tuổi, Khánh Ly đăng ký tham gia một cuộc thi hát tại Hà Nội. Bà thể hiện bài Thơ Ngây của nhạc sĩ Anh Việt nhưng không đoạt giải. Năm 11 tuổi, Khánh Ly trốn nhà, đi nhờ xe chở rau từ Đà Lạt xuống Sài Gòn để tham gia cuộc thi tuyển lựa ca sĩ nhí do đài Pháp Á tổ chức tại rạp Norodom. Ban đầu Khánh Ly chọn bài Từ Giã Kinh Thành để dự thi nhưng ban tổ chức không đồng ý vì đó là cuộc thi dành cho con nít, nên bà đành chọn bài Ngày Trở Về của nhạc sĩ Phạm Duy. Lần này, Khánh Ly đã thắng được giải nhì. Thi hát xong, Khánh Ly lại theo xe chở rau ngược trở về Đà Lạt. Khánh Ly năm 14 tuổi Năm 1957, gia đình Khánh Ly lại chuyển về Sài Gòn, sống gần khu Chợ Quán, theo lệnh điều chuyển công tác của người cha dượng. Tuy không được học hành bài bản, không biết một nốt nhạc nào nhưng chưa lúc nào bà thôi nuôi ước mơ trở thành một ca sĩ. Năm 1960, Khánh Ly bắt đầu đi hát ở vài nơi nhỏ lẻ. Vốn là người mê đọc sách, yêu thích hai nhân vật Khánh Kỵ và Yêu Ly trong Đông Chu Liệt Quốc, bà bèn đem tên hai nhân vật mà mình thần tượng ghép lại thành nghệ danh Khánh Ly. Khansh Ly năm 17 tuổi Năm 1962, Khánh Ly bắt đầu xuất hiện trên sân khấu phòng trà Anh Vũ trên đường Bùi Viện. Tuy nhiên, đi hát chưa được bao lâu thì bà đành phải bỏ ngang vì một lần lầm lỡ. Khánh Ly theo chồng về Đà Lạt và sinh con khi mới tròn 17 tuổi, rồi đi hát ở Night Club, vũ trường duy nhất của Đà Lạt khi đó. Mức thù lao 2500 đồng mỗi tháng, tương đương với lương của một trung uý, giúp cho Khánh Ly có một cuộc sống dư dả và thoải mái nuôi con. Hàng đêm sau khi hát xong, Khánh Ly ngủ lại nhà trọ của các vũ nữ đến sáng mới bắt xe về nhà chơi với con, rồi đến chiều lại bắt xe đi hát. Khánh Ly tại Đà Lạt Trong những cuộc phỏng vấn sau này, kể lại khoảng thời gian sống cùng mẹ và cha dượng, nữ ca sĩ không tránh khỏi những ngậm ngùi. Sự non nớt trong đời sống, tuổi trẻ nông nổi và bướng bỉnh, cộng với hoàn cảnh gia đình không trọn vẹn, thiếu vắng tình thương của người cha và sự quan tâm chăm sóc của mẹ đã khiến cuộc đời Khánh Ly đi vào những ngã rẽ không thể quay đầu khi tuổi đời còn rất trẻ. Chưa sẵn sàng làm vợ nhưng lại bị cuốn vào một cuộc hôn nhân mà thậm chí không biết rõ tình yêu là gì, chưa sẵn sàng làm mẹ nhưng lại sanh liền một lúc hai người con. Những năm tháng đó, Khánh Ly như một hòn sỏi thô mộc thả lăn trên triền dốc, vô định, vô ưu, mải miết lăn theo quán tính. Cuộc sống gia đình, hôn nhân và những đứa trẻ vẫn còn đâu đó rất xa xôi trong tâm thức của cô gái tuổi 18, chỉ có âm nhạc và những bản tình ca là hiển hiện rõ ràng, cuốn hầu hết mọi sự quan tâm, say mê của bà. Sự Nghiệp Âm Nhạc Đỉnh Cao Năm 1967, cuộc hôn nhân không tình yêu của Khánh Ly cuối cùng đã đi đến hồi kết sau 5 năm lạnh nhạt. Bà rời Đà Lạt, ôm hai con trở lại Sài Gòn, bắt đầu dấn thân sâu vào con đường âm nhạc. Cũng từ năm này, Khánh Ly bắt đầu đi hát với Trịnh Công Sơn tại Quán Văn, là một sân khấu được được dựng tạm bợ trên bãi đất trống phía sau Trường Đại Học Văn Khoa Sài Gòn. Từ những đêm nhạc ngoài trời, không thù lao này, tên tuổi của Khánh Ly vụt lên như một hiện tượng trong làng nhạc Sài Gòn khi đó. Khánh Ly nói rằng thời gian trước năm 1967, bà hát rất bản năng vì không được theo học nhạc từ bất kỳ ai. Sau khi gặp nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, được Trịnh Công Sơn hướng dẫn và tập cho hát những bài hát của ông, đó chính là những bước đi đầu tiên để Khánh Ly dần dần trở thành giọng ca ăn khách bậc nhất thời đó. Những năm cuối thập niên 60, những tên tuổi lớn của âm nhạc Việt trước 1975 đều đã gầy dựng được một sự nghiệp lừng lẫy, đỉnh cao. Sự xuất hiện của Khánh Ly trong làng nhạc khi đó tựa như một ngôi sao trẻ mới nổi, đầy triển vọng trong làng nhạc. Tuy nhiên, rất nhanh sau đó, bà vượt nhiều đàn anh, đàn chị đi trước và trở thành một trong những tên tuổi ăn khách hàng đầu tại các phòng trà, sân khấu ca nhạc. Khánh Ly nhận được lời mời hợp tác thu âm với hầu hết các hãng băng đĩa nhạc lớn nhỏ tại Sài Gòn khi đó như hãng dĩa Việt Nam, Dư Âm, Sóng Nhạc, Nhạc Ngày Xanh, Continental, Phạm Mạnh Cương, Sơn Ca, Hoạ Mi, Jo Marcel,… Ngoài nhạc Trịnh, Khánh Ly còn ghi dấu ấn với rất nhiều ca khúc của các nhạc sĩ nổi tiếng khác thời đó như Phạm Duy, Trầm Tử Thiêng, Nguyễn Đình Toàn, Trường Sa, Ngô Thuỵ Miên, Vũ Thành An,… Click để nghe album Kinh Khổ – Khánh Ly hát nhạc Trầm Tử Thiêng Cuối thập niên 60 và đầu 70, Khánh Ly nhiều lần được mời đi lưu diễn nước ngoài. Bà được mời đến Mỹ, Canada và Châu Âu để biểu diễn cho sinh viên Việt Nam nghe dưới sự tài trợ của chính phủ. Phóng viên Nhật Bản phỏng vấn Khánh Ly năm 1971 tại Saigon Tại Châu Á, giọng hát Khánh Ly cũng được biết đến như một tên tuổi nổi bật. Năm 1970, đài truyền hình NHK đã mời Khánh Ly sang Nhật biểu diễn và thu âm các ca khúc bằng cả hai thứ tiếng Việt – Nhật. Trong cùng năm đó, Khánh Ly cũng sang dự hội chợ Osaka và hát Diễm Xưa bằng tiếng Nhật trước hàng ngàn khán giả với phần đệm đàn của nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9. Trước năm 1975, ngoài ca hát, Khánh Ly còn được biết đến như một bầu show, một người kinh doanh. Năm 1968, khi vừa trở lại Sài Gòn được 1 năm, Khánh Ly bắt tay vào kinh doanh bằng cách mở một quán cafe dành cho giới bình dân, đặt tên là Hội Quán Cây Tre, toạ lạc tại số 2 Bis đường Đinh Tiên Hoàng, Dakao. Nơi đây giống như một điểm hẹn của những người yêu nhạc, của giới nghệ sĩ và là nơi phát hành những cuốn băng Trịnh Công Sơn – Khánh Ly nổi tiếng mang tên Hát Cho Quê Hương Việt Nam. Click để nghe Khánh Ly hát ca khúc Da Vàng trước 1975 Đầu năm 1970, Khánh Ly thuê lại phòng trà Queen Bee, hợp tác kinh doanh, bà làm việc như một bầu show chính hiệu, thuê ca sĩ, chọn bài, làm chương trình, thu hút khách. Theo báo chí thời đó, Khánh Ly là một bầu show có tính cách bất cần và khá bốc đồng, thường xuyên thay đổi chương trình. Tuy nhiên, bà cũng là một bà bầu rất nuông chiều khách và cũng thu được những khoản thu khá lớn từ công việc kinh doanh phòng trà này. Sau những lùm xùm về quản lý tại Queen Bee phải đưa ra toà, Khánh Ly chuyển sang cộng tác với phòng trà Tự Do. Biến cố năm 1975, Khánh Ly đưa gia đình sang California, Mỹ định cư. Đây là giai đoạn khó khăn với hầu hết các nghệ sĩ cả ở trong nước và hải ngoại. Các hoạt động âm nhạc hầu như bị đình trệ. Dù vậy, Khánh Ly vẫn là một tên tuổi được nhớ đến tại Châu Á nói chung và Nhật Bản nói riêng. Năm 1979, khi đang định cư tại Mỹ, Khánh Ly được hãng đĩa Columbia Nippon mời sang Nhật để thu âm các ca khúc của Trịnh Công Sơn. Bà tiếp tục được đài Bunka Honso Radio mời đến Liên Hoan Âm Nhạc Á Châu 3 năm sau đó cùng nhiều nghệ sĩ tên tuổi khác của Châu Á. Chuẩn bị thu âm năm 1979 với người Nhật Năm 1985, với sự hỗ trợ của chồng là nhà báo Nguyễn Hoàng Đoan, Khánh Ly mở hãng thu âm riêng mang tên mình là Khánh Ly Productions, bắt đầu gầy dựng lại sự nghiệp âm nhạc còn dang dở. Tại Mỹ, Khánh Ly nhanh chóng trở thành một trong những trụ cột của các của trung tâm Asia, Thuý Nga. Năm 1997, đài truyền hình NHK Nhật Bản đã làm một bộ phim tài liệu về cuộc đời và sự nghiệp âm nhạc của Khánh Ly. Bà là 1 trong 10 nhân vật nổi tiếng được chọn để làm chương trình. Sau 40 năm rời khỏi Việt Nam, năm 2014 Khánh Ly lần đầu trở về Việt Nam để biểu diễn trong một show âm nhạc của riêng bà tại Hà Nội. Những năm gần đây, Khánh Ly liên tục trở lại Việt Nam tham gia trong nhiều show diễn và luôn được khán giả nồng nhiệt chào đón. Lận Đận Trong Đời Sống Riêng Ông trời thường chẳng cho ai tất cả, tuy thành công vang dội trong nghệ thuật nhưng trong đời tư Khánh Ly lại gặp khá nhiều trắc trở: 3 đời chồng, 4 người con và kha khá những cuộc tình buồn đau. Mối tình non tơ đầu tiên của ca sĩ Khánh Ly là với một chàng lính phi công tên Hải. Họ quen nhau khi Khánh Ly mới chỉ chừng 14-15 tuổi. Sau khi Khánh Ly lấy chồng, hai người có lần tình cờ gặp lại nhau trong một vũ trường ở Pleiku. Cuộc hội ngộ định mệnh không ngờ bất ngờ đã trở thành cuộc gặp mặt cuối cùng trong đời. Hải đột ngột mất đi trong một vụ nổ máy bay ngay sau khi gặp bà, để lại cho Khánh Ly những oan tình không thể giãi bày. Mối tình thứ hai cũng chính là người chồng đầu tiên của Khánh Ly. Năm đó, Khánh Ly 16 tuổi. Ở cái tuổi bồng bột, nông nổi, luôn thích làm ngược ý mẹ cha, Khánh Ly sa đà vào những cuộc vui với bạn bè của anh trai và hậu quả là bà đã có bầu với một người bạn của anh mình. Tuy chồng bà là một công tử ăn chơi, nhưng lại được sinh ra trong một gia đình có đạo, biết chịu trách nhiệm với hậu quả gây ra nên một đám cưới chóng vánh đã được tổ chức trong nhà thờ. Khánh Ly theo chồng về Đà Lạt, sinh con và làm dâu. Tuy nhiên, việc cưới hỏi và có con không làm cho Khánh Ly trưởng thành nhanh hơn lên được, bà vẫn vô tư và hồn nhiên với cuộc hôn nhân và với cả hai đứa con được lần lượt sinh ra. Dù gia đình sống ở Đà Lạt, nhưng chồng Khánh Ly thường được điều động đi công tác xa, rất hiếm khi về nhà. Mọi chi phí cho cá nhân và con cái, Khánh Ly thường phải tự lo chi trả bởi lương của chồng bà cũng chỉ đủ để ông tiêu xài. Sau 5 năm hôn nhân lạnh lẽo, Khánh Ly chia tay chồng, mang theo hai con trở lại Sài Gòn. Khánh Ly và 2 người con Người chồng thứ hai của ca sĩ cũng là một quân nhân mang tên Mai Bá Trác. Họ gặp nhau năm 1967. Đó là một người đàn ông đẹp trai, duyên dáng, lịch thiệp và được nhiều phụ nữ mê đắm. Hai người có một cô con gái chung đặt tên Mai Mai Misa. Nhưng cuộc hôn nhân này cũng không kéo dài được bao lâu, năm 1973, hai người đường ai nấy đi mà nguyên nhân chính là ông quá đào hoa. Khánh Ly và con gái Misa Năm 1975, Khánh Ly đưa ba con đi Mỹ. Cuộc sống không chồng, không tiền, không nghề nghiệp cơ cực nơi xứ người đã khiến nữ ca sĩ lừng lẫy một thời nhiều lần rơi nước mắt. Bà phải làm nhiều công việc tay chân để kiếm tiền nuôi con, trong đó có cả công việc lao công, cọ rửa toilet khá cực nhọc. Cuộc hội ngộ với ký giả Nguyễn Hoàng Đoan trên đất Mỹ đã tạo ra một ngã rẽ mới cho cuộc đời Khánh Ly trên xứ người. So với vị thế của một ngôi sao lớn trên bầu trời nghệ thuật như Khánh Ly, Nguyễn Hoàng Đoan chỉ là một bóng dáng mờ nhạt sau lưng vợ. Tuy nhiên, đây mới chính là người đàn ông mà Khánh Ly cần – Một người đàn ông giản dị nhưng chân thành, là người đứng đằng sau tất cả những thành công trong sự nghiệp Khánh Ly tại hải ngoại. Khánh Ly kể, lần đầu gặp nhau trên đất Mỹ, ông hỏi bà có cần gì không. Bà bảo bà cần mấy cái chén và mấy đôi đũa để ăn cơm. Thế là, ông lập tức chạy đi mua 6 cái chén và 6 đôi đũa đem về cho bà. Sự nhiệt tình và ấm áp của ông Đoan đã khiến mối quan hệ của họ trở nên thân tình hơn. Sau vài tháng gặp gỡ, ông Đoan ướm lời: “Ở đây anh không có gia đình, em cũng không có gia đình. Em nghĩ sao khi chúng mình kết hợp thành một gia đình?”. Sau khi đắn đo suy nghĩ, bà gật đầu. Đó là năm 1976, hai người dọn về ở chung, nương tựa vào nhau, cùng nhau vượt qua những tháng ngày khó khăn đầu tiên nơi xứ người. Vài năm sau, Khánh Ly dần tìm được công việc đi hát trở lại. Khi bà bắt đầu có thu nhập khá hơn từ ca hát, cần phát triển sự nghiệp thì ông lui về làm hậu phương cho bà. Ông bảo: “Tôi làm báo nên tôi nghĩ mình cũng có dòng máu nghệ sĩ. Khi tôi lấy Khánh Ly, tôi đã dứt khoát bỏ nghề, tự chặt cái tay nghề nghiệp của mình để về làm việc cho vợ. Tôi biên tập âm nhạc, quay video… đó cũng là một khám phá thú vị và tôi say mê chuyện đó. Thậm chí, tôi cảm thấy hạnh phúc hơn cả khi làm báo. Tôi còn nhớ năm 1997, khi đài bên Nhật thực hiện phóng sự về cuộc đời Khánh Ly, họ phỏng vấn tôi thì tôi đã trả lời như thế này: Lấy Khánh Ly, tôi coi như mình là người đã chết rồi. Tôi chỉ đứng sau lưng Khánh Ly thôi và việc của tôi là cố gắng làm sao để giữ gìn, để hỗ trợ cho Khánh Ly đem tiếng hát của mình đi phục vụ đồng bào. Còn với tôi thì chẳng có gì cả”. Sự tận tuỵ của ông Nguyễn Hoàng Đoan dành cho bà, dành cho tiếng hát Khánh Ly và dành cho gia đình chung của hai người đã khiến cuộc hôn nhân của họ bền chặt đến cuối cùng cho đến khi ông Hoàng Đoan qua đời năm 2015. Dấu Ấn Trịnh Công Sơn Khánh Ly gặp Trịnh Công Sơn lần đầu tiên tại Đà Lạt năm 1964. Lúc này, Trịnh Công Sơn vẫn là một tên tuổi mờ nhạt, vừa mới bắt đầu sáng tác được khoảng 5 năm, có một số ca khúc nổi tiếng được Lệ Thu, Thanh Thúy, Bạch Yến hát. Còn Khánh Ly thì hầu như chưa có tên tuổi gì, chỉ là một nữ ca sĩ hát ở vũ trường tỉnh lẻ. Trịnh Công Sơn ngỏ ý mời Khánh Ly về Sài Gòn hát nhưng Khánh Ly từ chối vì bà vẫn còn đang tận hưởng cuộc tự do bay bổng ở Đà Lạt sau những tháng ngày bị cha mẹ kìm kẹp, còn cuộc sống vợ chồng thì có cũng như không bởi chồng cô đi làm xa rất ít khi về nhà. Chỉ đến năm 1967, khi hội ngộ tại Sài Gòn, cặp đôi huyền thoại Trịnh Công Sơn – Khánh Ly mới bắt đầu những ngày tháng tung hoành của mình trong địa hạt âm nhạc. Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn từng chia sẻ: “Gặp gỡ ca sĩ Khánh Ly là một may mắn tình cờ, không phải riêng cho tôi mà còn cho cả Khánh Ly. Lúc gặp Khánh Ly đang hát ở Đà Lạt, lúc đó Khánh Ly chưa nổi tiếng nhưng tôi nghe qua giọng hát thấy phù hợp với những bài hát của mình đang viết và lúc đó tôi chưa tìm ra ca sĩ nào ngoài Khánh Ly. Tôi đã mời Khánh Ly hát và rõ ràng giọng hát của Khánh Ly rất hợp với những bài hát của mình. Từ lúc đó Khánh Ly chỉ hát nhạc của tôi mà không hát nhạc người khác nữa. Đó cũng là lý do cho phép mình tập trung viết cho giọng hát đó và từ đó Khánh Ly không thể tách rời những bài hát của tôi cũng như những bài hát của tôi không thể thiếu Khánh Ly.” Trong cuộc đời Khánh Ly, có hai giai đoạn mà bà cảm thấy đáng nhớ nhất là những năm tháng sống vô tư lự hồn nhiên như cỏ dại tại Đà Lạt và những ngày đi hát không thù lao đầy tự do, phiêu lãng với Trịnh Công Sơn. Bà tâm sự: “Thực sự tôi rất mê hát. Không mê hát thì tôi không có đủ can đảm để đi hát với anh Sơn mười năm mà không có đồng xu, cắc bạc nào, phải chịu đói, chịu khổ, chịu nghèo, không cần biết đến ngày mai, không cần biết tới ai cả, mà chỉ cảm thấy mình thực là hạnh phúc, cảm thấy mình sống khi mình được hát những tình khúc của Trịnh Công Sơn“. Hơn 60 năm đã trôi qua kể từ ngày những bản Trịnh ca đầu tiên ra mắt công chúng, chưa từng có giọng ca nào “vừa vặn” với âm nhạc Trịnh hơn giọng hát Khánh Ly. Thứ âm nhạc ma mị, tuyệt đẹp, đầy sức mê hoặc như nhạc Trịnh có lẽ không cần gì hơn là một giọng hát giản dị, mộc mạc, khoan thai của Khánh Ly. Bất chấp những thị phi bủa vây xung quanh cuộc sống của “nữ hoàng chân đất”, trên sân khấu âm nhạc, người ta luôn thấy ở Khánh Ly một chút gì đó rất Trịnh, từ giọng hát khàn mộc mạc, gương mặt trầm buồn, lối trình diễn khoan thai. Dường như, sau nhiều năm hát Trịnh, những hồn cốt tinh tuý nhất của âm nhạc Trịnh đã thấm đẫm vào con người Khánh Ly một cách vô thức. Sau đây là 20 ca khúc được xem là nổi tiếng nhất của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn qua giọng hát Khánh Ly. Click để nghe video 20 ca khúc nhạc Trịnh Công Sơn hay nhất qua tiếng hát Khánh Ly 20 ca khúc này không hẳn là hay nhất, vì khái niệm hay – dở còn tùy vào cảm quan của từng người, nhưng có thể xem đây là những ca khúc phổ thông nhất, đặc trưng nhất của nhạc Trịnh, và nhắc đến những tên bài hát này, thì dù có thích nghe nhạc Trịnh hay không thì những người yêu nhạc đều biết đó là tác phẩm của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. 20 ca khúc này được chia thành 2 chủ đề lớn trong tác phẩm âm nhạc Trịnh Công Sơn, đó nhạc về Tình Yêu, và nhạc về Thân Phận. Những bài Tình Ca: Ướt Mi Từ năm 17 tuổi, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã viết một số ca khúc, nhưng bài hát Ướt Mi được ông viết năm 19 tuổi được xem là ca khúc đầu tay, bởi vì đó là bài hát đầu tiên được công chúng đón nhận, được yêu thích và trở thành bất tử với thời gian hơn 60 năm qua. Click để nghe Khánh Ly hát Ướt Mi Ướt Mi được nhạc sĩ Trịnh Công Sơn sáng tác khi ông còn đang trọ học ở Sài Gòn, trong bài hát có hình bóng cùa một cô ca sĩ mới 16 tuổi, đêm đêm đi hát phòng trà đã rơi những giọt lệ sầu bi khi hát bài Giọt Mưa Thu của Đặng Thế Phong, người sau đó trở thành nữ danh ca Thanh Thúy. Ngoài hiên mưa rơi rơi, Lòng ai như chơi vơi Người ơi nước mắt hoen mi rồi… Diễm Xưa Có thể xem Diễm Xưa là bài nhạc tình yêu nổi tiếng trong sự nghiệp của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, đến nổi từ đó về sau hình thành câu nói cửa miệng là “xưa rồi Diễm”. Bài hát được nhạc sĩ viết tặng cho người đẹp mang tên Ngô Vũ Bích Diễm. Ông đã kể về bài hát như sau: “Người con gái ấy đã đi qua một cây cầu bắc qua một dòng sông, qua những hàng long não, qua những mùa mưa nắng khắc nghiệt, để cuối cùng đến một nơi hò hẹn. Hò hẹn nhưng không hứa hẹn một điều gì. Bởi vì trong không gian liêu trai ấy hứa hẹn chỉ là một điều hoang đường. Giấc mơ liêu trai nào cũng sẽ không có thực và sẽ biến mất đi. Người con gái đi qua những hàng cây long não bây giờ đã ở một nơi xa, đã có một đời sống khác. Tất cả chỉ còn là kỷ niệm. Kỷ niệm nào cũng đáng nhớ nhưng cứ phải quên. Người con gái ấy là “Diễm của những ngày xưa”. Click để nghe Khánh Ly hát Diễm Xưa Mưa vẫn mưa bay trên tầng tháp cổ Dài tay em mấy thuở mắt xanh xao Nghe lá thu mưa reo mòn gót nhỏ Đường dài hun hút cho mắt thêm sâu Biển Nhớ Bài hát được nhạc sĩ sáng tác khi ông đang theo học trường sư phạm ở Qui Nhơn vào khoảng năm 1962. Một người bạn thân của Trịnh Công Sơn là họa sĩ Đinh Cường kể lại: “Chúng tôi đã ngồi uống cà phê với nhau dưới mái quán thấp ven biển lợp bằng lá kè. Biển Nhớ là cảm hứng từ muôn vàn đợt sóng lấp lánh trong những đêm khuya, Sơn đã kéo cao cổ áo, chợt rùng mình rồi có một ngày sẽ xa những dấu chân trên cát, có còn ‘trời cao níu bước Sơn Khê’”. Click để nghe Khánh Ly hát Biển Nhớ Sơn – Khê trong lời hát này được nhạc sĩ ghép từ tên mình với tên người đẹp Tôn Nữ Bích Khê, nhân vật chính trong bài hát: Ngày mai em đi Biển nhớ tên em gọi về… Mưa Hồng Nếu như 2 người đẹp Bích Diễm và Bích Khê chỉ có 1 lần duy nhất đi vào nhạc Trịnh, thì người đẹp Dao Ánh (em ruột Bích Diễm) được người nhạc sĩ tài hoa viết nhạc tặng nhiều nhất. Bài hát Mưa Hồng là một trong những ca khúc có xuất hiện bóng dáng của nàng Dao Ánh với hình ảnh thật đẹp: Em đi về cầu mưa ướt áo Đường phượng bay mù không lối vào… Click để nghe Khánh Ly hát Mưa Hồng “…Anh hát lại bản Mưa Hồng mà anh đã viết cho những ngày tháng Ánh giận anh ở Huế. Bản nhạc hát lại bỗng thấy buồn hơn. Có lẽ Ánh chưa nghe bản ấy vì từ dạo đó về sau anh chỉ gặp Ánh một hai lần gì đó rất ngắn và bặt tăm luôn. Có lẽ anh sẽ đổi lại đầu đề Tuổi Đá Buồn. Ánh nghĩ sao? Ánh có giận gì anh mà lâu thế anh không được tin. Hãy viết thư cho anh dù rất ngắn cũng được. Anh mong lắm” – Trịnh Công Sơn Đó là những lời thư da diết nhớ thương mà nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã viết gửi cho người tình bé nhỏ 15 tuổi Dao Ánh sau những tháng ngày xa cách. Bức thư được viết vào ngày 6/12/1964, là năm bản nhạc Mưa Hồng ra đời. Tuổi Đá Buồn Bài hát này cũng được viết trong thời gian nhạc sĩ Trịnh Công Sơn có mối quan hệ thân thiết với Dao Ánh. Tuy nhiên đó là tình yêu xa, bởi lúc đó nhạc sĩ đang dạy học ở B’lao, còn nàng thì vẫn đang đi học ở Huế. Click để nghe Khánh Ly hát Tuổi Đá Buồn Mùa mưa ở vùng núi rừng cao nguyên bao giờ cũng buồn, những giọt mưa rả rích ngoài hiên vắng dễ gợi cho người nỗi niềm thương nhớ, đặc biệt là với một người đa cảm như nhạc sĩ Trịnh Công Sơn: Trời còn làm mưa mưa rơi mưa rơi Từng phiến mây hồng em mang trên vai Tuổi buồn như lá gió mãi cuốn đi Quay tận cuối trời… Còn Tuổi Nào Cho Em “Ánh có buồn lắm không. Hãy ngước mắt lên cho anh nhìn. Mây sẽ kết trên vùng mắt đó. Anh đã nói như thế trong lời ca Còn Tuổi Nào Cho Em cho Ánh, có bằng lòng thế không?” (thư Blao, 31.12.1964) – Đó là những lời thư rất dịu dàng, nâng niu mà nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã viết gửi cho Dao Ánh, là mối tình có lẽ sâu nặng và dai dẳng nhất của chàng nhạc sĩ đa tình họ Trịnh. Click để nghe Khánh Ly hát Còn Tuổi Nào Cho Em Tuổi nào nhìn lá vàng úa chiều nay Tuổi nào ngồi hát mây bay ngang trời Tay măng trôi trên vùng tóc dài Bao nhiêu cơn mơ vừa tuổi này Tuổi nào ngơ ngác tìm tiếng gió heo may Ru Em Từng Ngón Xuân Nồng Có thể cảm nhận được qua những nhạc phẩm của Trịnh Công Sơn viết cho Dao Ánh, khi yêu nàng, trong lòng chàng nhạc sĩ họ Trịnh luôn tồn tại một thứ mâu thuẫn không thể hoá giải. Một mặt nhạc sĩ yêu vẻ non tơ, thuần khiết, xuân tình của nàng thiếu nữ mới lớn, mặt khác lại luôn cảm thấy chống chếnh vì khoảng cách tâm hồn quá lớn giữa chàng và nàng. Chàng nhạc sĩ 25 tuổi thì quá già dặn, nhiều suy tư, còn nàng thiếu nữ 15 tuổi thì lại quá ngây thơ, non nớt. Sự chông chênh đó trong mối tình của họ, tạo nên nguồn cảm xúc vô tận cho những sáng tác của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn giai đoạn này. Ru Em Từng Ngón Xuân Nồng cũng không ngoại lệ: Ru mãi ngàn năm giòng tóc em buồn Bàn tay em năm ngón ru trên ngàn năm Trên mùa lá xanh ngón tay em gầy Nên mãi ru thêm ngàn năm Click để nghe Khánh Ly hát Ru Em Từng Ngón Xuân Nồng Nắng Thủy Tinh Theo chia sẻ của họa sĩ Trịnh Cung – một người bạn thân thiết của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn thì bài hát này cũng được viết cho Dao Ánh: Màu nắng hay là màu mắt em Mùa thu mưa bay cho tay mềm Chiều nghiêng nghiêng bóng nắng qua thềm Rồi có hôm nào mây bay lên. Click để nghe Khánh Ly hát Nắng Thủy Tinh Tình Xa Năm 1967, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn chủ động nói lời chia tay Dao Ánh, vì nghĩ không thể mang lại hạnh phúc như người yêu mong muốn. Hai năm đó, vào ngày 3/4/1969, Trịnh Công Sơn gửi một lá thư cho Dao Ánh để hỏi thăm như là một người bạn cũ. Cuối thư, ông chép gửi cho Dao Ánh ca khúc mà sau đó đã rất nổi tiếng, tên là Tình Xa: “Từng người tình bỏ ta đi như những dòng sông nhỏ…” Click để nghe Khánh Ly hát Tình Xa Hạ Trắng Hạ Trắng được nhạc sĩ Trịnh Công Sơn viết năm 1961, khi ông đang theo học tại trường Sư phạm Quy Nhơn. Đây là một trong những sáng tác đầu tay của chàng nhạc sĩ họ Trịnh khi ông vẫn còn vô danh. Phải tới 5 năm sau đó, tên tuổi của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn mới được biết đến rộng rãi trong giới yêu nhạc và ca khúc Hạ Trắng cũng theo dòng chảy định mệnh đó, bắt đầu được biết tới và yêu thích rộng rãi. Click để nghe Khánh Ly hát Hạ Trắng Bài hát này được ông sáng tác với nguồn cảm hứng từ giấc mơ hoa trắng mùa hạ rất kỳ lạ trong một lần ông nằm bệnh và mơ thấy, kết hợp cùng câu chuyện keo sơn của một đôi vợ chồng già mà ông nghe kể: Áo xưa dù nhàu cũng xin bạc đầu gọi mãi tên nhau… Nhìn Những Mùa Thu Đi “Gió heo may đã về Chiều tím loang vỉa hè Và gió hôn tóc thề Rồi mùa thu bay đi” Click để nghe Khánh Ly hát Nhìn Những Mùa Thu Đi Bài hát được nhạc sĩ Trịnh Công Sơn sáng tác vào khoảng năm 1963, dựa theo những cảm xúc thật với một cô gái Huế tên là Phương Th., cũng chính là em của ca sĩ Hà Thanh. Nguyệt Ca Ngoài người tình Dao Ánh đã “theo” Trịnh Công Sơn suốt nhiều năm tháng dài, những nàng thơ đi qua đời Trịnh dù chỉ trong một đoạn đời rất ngắn, cũng để lại một dấu ấn khó phai trong âm nhạc. Ngoài Bích Diễm trong bài Diễm Xưa, Bích Khê trong bài Biển Nhớ, Ngọc Ngà trong bài Lời Buồn Thánh, Phương Thảo trong bài Nhìn Những Mùa Thu Đi, thì nhạc sĩ cũng từng say đắm nàng Minh Nguyệt để viết thành nhạc phẩm Nguyệt Ca. Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn sáng tác và cho ra mắt ca khúc Nguyệt Ca vào năm 1972, trong tập nhạc “Tự Tình Khúc” do NXB Nhân Bản ấn hành. Đến năm 1973, ca khúc được nữ ca sĩ Khánh Ly thu thanh vào đĩa nhựa Hát Cho Quê Hương Việt Nam 4. Từ đó đến nay, Nguyệt Ca ngày càng được phổ biến và yêu thích rộng khắp, trở thành một trong những bản nhạc huyền thoại của cố nhạc sĩ họ Trịnh. Từ khi trăng là nguyệt đèn thắp sáng trong tôi Từ khi trăng là nguyệt em mang tim bối rối Từ khi trăng là nguyệt tôi như từng cánh diều vui Từ khi em là nguyệt trong tôi có những mặt trời Click để nghe Khánh Ly hát Nguyệt Ca Như Cánh Vạc Bay Về hoàn cảnh sáng tác của ca khúc này, ca sĩ Khánh Ly kể lại rằng vào năm 1967, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đưa bài hát này cho cô và nói rằng ông đã sáng tác trong một lần ghé thăm Đà Lạt. Khi đang dạo chơi trong rừng, nhạc sĩ ngồi nghỉ chân cạnh một con suối nhỏ và vô tình thấy một cô gái chân trần đang bước qua suối, nắng vàng rực rỡ trên mái tóc và trên toàn thân cô, gió thổi tung bay tà áo và đùa trên làn tóc. Chàng nhạc sĩ đã giữ mãi hình ảnh cô gái trong lòng, để rồi sáng tác thành ca khúc Như Cánh Vạc Bay. Click để nghe Khánh Ly hát Như Cánh Vạc Bay Nắng có hồng bằng đôi môi em Mưa có buồn bằng đôi mắt em Tóc em từng sợi nhỏ Rớt xuống đời làm sóng lênh đênh Những bài hát về Thân Phận Cát Bụi Ca khúc này được nhạc sĩ Trịnh Công Sơn sáng tác vào khoảng năm 1965, với niềm cảm hứng sau khi xem bộ phim mang tên “Hiệp sĩ mù nghe gió kiếm” và đọc cuốn tiểu thuyết “Zorba le Grec” của nhà văn người Hy Lạp Nikos Kazantzakis. Nội dung bài hát là những suy tư, trăn trở về cuộc đời, về phận người. Click để nghe Khánh Ly hát Cát Bụi Hạt bụi nào hoá kiếp thân tôi, để một mai vươn hình hài lớn dậy? Ôi, cát bụi tuyệt vời, mặt trời soi một kiếp rong chơi… Ru Ta Ngậm Ngùi Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã sáng tác khá nhiều ca khúc “Ru”, như là Ru Tình, Ru Đời Đi Nhé, Ru Em, Ru Em Từng Ngón Xuân Nồng… và được yêu thích nhất có lẽ là Ru Ta Ngậm Ngùi. Click để nghe Khánh Ly hát Ru Ta Ngậm Ngùi Ngay từ tựa đề bài hát, chỉ bằng hai chữ “ngậm ngùi” người nghe đã phần nào hình dung ra tâm trạng của người nhạc sĩ khi sáng tác. Đó là sự xót xa, buồn thương lặng lẽ, ẩn mật cho thân phận mình, cho thân phận con người trong vòng quay của thời gian, của đời sống. Môi nào hãy còn thơm, cho ta phơi cuộc tình. Tóc nào hãy còn xanh, cho ta chút hồn nhiên Tim nào có bình yên, ta rêu rao đời mình Xin người hãy gọi tên. Phôi Pha Theo nhà văn Bửu Ý, một người bạn tâm giao cùng thời với nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, ca khúc Phôi Pha được nhạc sĩ sáng tác vào khoảng năm 1973 khi ông đã ngoài 30 tuổi. Dường như sự già dặn, từng trải trong tuổi đời, sự vững chãi trong tư duy âm nhạc đã khiến nhạc sĩ Trịnh Công Sơn mở ra một “cuộc chơi lớn” trong ngôn từ và tư duy ở Phôi Pha. Click để nghe Khánh Ly hát Phôi Pha Có người từng đánh giá Phôi Pha là bài ca – thơ hay nhất trong chuỗi những nhạc phẩm về tình yêu và thân phận của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Có lẽ vì chất thơ, chất nhạc bay bổng, hoà quyện một cách thần sầu, còn chất đời và chất hư thì đẩy đưa nhau, thăng hoa nhau, trộn lẫn vào nhau trong một thế cân bằng, hài hoà như được nhạc sĩ đặt trên hai đầu của một chiếc bập bênh. Ôm lòng đêm nhìn vầng trăng mới về Nhớ chân giang hồ Ôi phù du từng tuổi xuân đã già Một ngày kia đến bờ đời người như gió qua… Một Cõi Đi Về Đây là một nhạc phẩm mang đậm tính triết lý nhân sinh của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn với những lời ca huyền hoặc, như vẽ ra một hành trình bất tận của kiếp người: Bao nhiêu năm rồi còn mãi ra đi Đi đâu loanh quanh cho đời mỏi mệt Trên hai vai ta đôi vầng nhật nguyệt Rọi suốt trăm năm một cõi đi về… Click để nghe Khánh Ly hát Một Cõi Đi Về Dấu Chân Địa Đàng Năm 1964, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn lên B’lao (nay là Bảo Lộc) để dạy học, ở trọ trong một căn villa cũ thời Pháp. Khi màn đêm buông xuống, nằm trên căn gác ngó ra chốn núi rừng heo hút, tâm trạng nhạc sĩ gợi lên những suy tư về thời cuộc, về phận đời – phận người, và ông đã ghi lại không gian đó, tâm trạng đó vào trong bài hát mang tên Tiếng Hát Dạ Lan, nghĩa là lời hát đến từ một loài hoa toả hương vào ban đêm. Sau đó bài hát được đổi tên thành Dấu Chân Địa Đàng. Click để nghe Khánh Ly hát Dấu Chân Địa Đàng Trời buông gió và mây về ngang bên lưng đèo Mùa xanh lá loài sâu ngủ quên trong tóc chiều Cuộc đời đó nửa đêm tiếng ca lên như than phiền Bàng hoàng lạc gió mây miền Trùng trùng ngoài khơi nước lên sóng mềm Để Gió Cuốn Đi Trong số các bài hát nổi tiếng của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, có lẽ ai cũng biết đến Để Gió Cuốn Đi – một ca khúc thường được hát nhiều trong các dịp tổng kết chiến dịch từ thiện của các tổ chức, với lời hát như sau: Sống trong đời sống cần có một tấm lòng để làm gì em biết không? Để gió cuốn đi… Chỉ qua 3 câu hát ngắn này, chúng ta đã có được một bài học to lớn ở đời, sống với nhau với tấm lòng, sống tử tế với nhau ở đời. Đó là những câu hát thật bình dị, chân chất, không cao siêu hoa mỹ ngôn từ, nhưng dễ đi vào lòng người, và ở lại rất lâu… Click để nghe Khánh Ly hát Để Gió Cuốn Đi Đêm Thấy Ta Là Thác Đổ Trong các nhạc phẩm của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, ca khúc Đêm Thấy Ta Là Thác Đổ được xem như là một đoá tường vi tinh khôi, thanh khiết với lời ca đẹp đến ngỡ ngàng. Thực ra, cái tên này nếu để thêm một dấu phẩy thì sẽ dễ hiểu hơn, dễ tiếp cận hơn: Đêm, Thấy Ta Là Thác Đổ. Nghĩa là vào một đêm (hoặc đã nhiều đêm rồi), thấy ta như là dòng thác đổ. Đúng như tên gọi, toàn bộ ca khúc là những dòng thác cảm xúc đổ xuống, ầm ào, chấn động cả khoảng không rộng lớn, với những ca từ huyền hoặc, mê đắm. Những hình ảnh ẩn dụ vừa nhẹ nhàng vừa bí ẩn, tựa như những làn nước trong vắt như pha lê đổ xuống từ đỉnh núi, tung bọt trắng xoá, phủ lên không gian xung quanh nó một làn bụi mưa tươi mát, thuần khiết, tưới mát tâm hồn người nghe, mà dư âm để lại trong trẻo, quyến luyến như dòng nước quanh co, xanh biếc, hiền hoà dưới chân thác. Một đêm bước chân về gác nhỏ Chợt nhớ đóa hoa tường vi Bàn tay ngắt hoa từ phố nọ Giờ đây đã quên vườn xưa Click để nghe Khánh Ly hát Đêm Thấy Ta Là Thác Đổ BONUS: Đóa Hoa Vô Thường Trong tân nhạc Việt Nam từ lúc khởi thủy đến nay, nếu không tính các bài trường ca, thì có thể nói bài Đóa Hoa Vô Thường có thời lượng dài nhất, và nếu nghe lại bản thu âm của Khánh Ly sau đây, có thể thấy thời gian đến gần 10 phút, hiếm có bài hát nào dài hơn như vậy. Click để nghe Khánh Ly hát Đóa Hoa Vô Thường Nội dung của Đoá Hoa Vô Thường cũng tách khỏi hoàn toàn ba chủ đề chính trong nhạc Trịnh là Tình Yêu, Quê Hương và Thân Phận. Thoạt nghe qua những lời hát, nhiều người sẽ nhầm lẫn đây là một nhạc phẩm mang chủ đề về Tình Yêu bởi những ca từ bay bổng, lãng mạn, thấp thoáng hình ảnh của những đôi trai gái. Tuy nhiên, vượt thoát ra ngoài khuôn khổ của tình yêu, đó như hành trình đi tìm về cội nguồn tâm thức. Đó không phải là hành trình dặm trường gió bụi, mà là hành trình tìm kiếm, luận giải và ngộ ra từ trong chính tâm thức của nhạc sĩ. Tìm em tôi tìm mình hạc xương mai Tìm trên non ngàn một cành hoa khôi Nụ cười mong manh, một hồn yếu đuối Một bờ môi thơm, một hồn giấy mới Tìm em tôi tìm, nhủ lòng tôi ơi Tìm đêm chưa từng, tìm ngày tinh khôi Tìm chim trong đàn ngậm hạt sương bay Tìm lại trên sông những dấu hài nhacxua.vn biên soạn Published under copyright license Share



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét