30/6/13

 Người Việt ở Mỹ nghèo hơn và học thấp hơn


                                                                                                  Ngô Nhân Dụng
 (Đọc để hiểu hơn cộng đồng Người Việt tại Mỹ)
Chắc nhiều người Việt ngạc nhiên khi nghe một cuộc nghiên cứu tìm trong các số thống kê thấy rằng người Mỹ gốc Việt thua kém các sắc dân gốc Châu Á khác, về hai mặt, lợi tức và trình độ học vấn. Dù ngạc nhiên hay không, chúng ta cũng nên chú ý đến kết luận này, và thử tìm hiểu nguyên do. Nhất là khi, mới đầu tuần này, chúng ta đặt cho nhau câu hỏi: Có hãnh diện làm người Việt Nam hay không?
Ðã nhiều người nghiên cứu về di dân Châu Á ở nước Mỹ. Mới nhất, là hai giáo sư phân khoa Xã hội học thuộc Ðại Học Brown (Brown University). John R. Logan và Weiwei Zhang đã đặt tựa cho công trình khảo cứu của họ là “Tách biệt nhưng Bình đẳng” (Separate but Equal). Hai tác giả được lợi hơn những nhà nghiên cứu đi trước; vì họ có thể sử dụng và so sánh các dữ liệu mới, thu thập được sau ba cuộc kiểm kê dân số ở Mỹ, 1990, 2000 và 2010.
Trong các tài liệu mới, người ta không gom tất cả các di dân từ Châu Á vào một nhóm, mà phân tách ra các nguồn gốc quốc gia khác nhau. Nhờ thế, người nghiên cứu không những có thể phân biệt và so sánh người di dân gốc Á với các thành phần khác trong xã hội Mỹ mà còn phân biệt kỹ hơn, thí dụ sẽ thấy người Việt Nam khác với người Trung Hoa hoặc Hàn Quốc.
Chính vì vậy, đọc trong bài khảo cứu của Logan và Zhang, chúng ta sẽ biết nhiều điểm riêng biệt trong lối sống người Việt ở Mỹ, mà khi nhà quan sát coi tất cả các di dân từ Châu Á giống nhau thì không thấy được. Khi biết người Việt có những điểm tương đồng hoặc khác biệt với các di dân Châu Á khác, chúng ta sẽ hiểu rõ hơn về cộng đồng người Việt ở nước Mỹ. Nhân đó, chúng ta sẽ tìm hiểu xem nguyên do nào đã gây ra những khác biệt giữa người Việt và các cộng đồng di dân Châu Á khác.
Hai tác giả chọn sáu sắc dân Châu Á đông nhất ở Mỹ, là Trung Hoa, Ấn Ðộ, Phi Luật Tân, Hàn Quốc, Việt Nam, và Nhật Bản. Di dân Châu Á tại Mỹ là nhóm “thiểu số” gia tăng nhanh nhất ở Mỹ, tăng 250% giữa hai cuộc kiểm tra 1990 và 2010; tổng cộng hiện nay lên tới 18 triệu người; vào năm 1990 số người nói tiếng Tây Ban Nha (Hispanics) cũng chỉ chừng đó. Trong số người gốc Á Châu, tăng nhanh nhất là người Ấn Ðộ, lên gấp bốn lần trong 20 năm đó. Nhưng tổng số người Ấn Ðộ hiện chỉ có 3.2 triệu người, còn thua người gốc Trung Hoa (4 triệu) và Phi Luật Tân (3.4 triệu).
Có nhiều điểm tương đồng giữa người gốc Việt và các sắc dân Châu Á khác. Di dân Á Châu tương đối khá giả hơn các dân Mỹ khác không da trắng; thí dụ chỉ có 6% sống dưới “mức nghèo khó” trong khi tỷ lệ lên tới 15% khi tính chung tất cả những người gốc di dân. Người Á Châu nói chung tương đối có lợi tức ngang bằng hoặc cao hơn người Mỹ da trắng. Nhưng dù là người Việt hay người Trung Hoa, họ cũng giống người Mỹ gốc Phi Châu hoặc gốc nói tiếng Tây Ban Nha, là thường sống gom lại gần nhau hơn là hòa nhập vào xã hội người Mỹ da trắng. Các khu Little Sài Gòn cũng như các phố Tàu, là trung tâm thu hút những người cùng tổ tiên. Khi nói đến tình trạng quy tụ, tập trung sống với nhau, của người Mỹ da đen (gốc Phi Châu) hoặc nói tiếng Tây Ban Nha, thì lý do chính thường vì họ đều sống trong những khu nghèo. Nhưng người gốc Châu Á quy tụ lại không phải vì lợi tức thấp, mà vì lý do văn hóa.
Phần lớn họ sinh ra ở quê cũ, nên vẫn giữ các phong tục cũ. Chỉ trong đám người gốc Nhật là số người sinh ra tại Nhật Bản có tỷ lệ thấp nhất, chỉ chiếm khoảng 35% vào năm 1990 và tăng lên thành 40% vào năm 2010. Tỷ số thấp của người gốc Nhật trong hiện tượng này có lý do dễ hiểu. Họ là lớp di dân Á Châu đến nước Mỹ sớm nhất, đặc biệt đến nước Mỹ làm công nhân từ thế kỷ 19. Ngoài ra, có một thời gian chính phủ Mỹ kỳ thị, không chấp nhận di dân gốc Nhật. Còn người gốc Việt và gốc Hàn Quốc thì có tới 80% sinh ở chính quán; chỉ có 20% sinh ra ở Mỹ.
Nếp sống của họ khác người Mỹ cho nên tự nhiên họ cũng muốn sống gần gũi hơn với những người cùng chia sẻ các tập quán, thức ăn, và nhất là tiếng nói. Nhiều người không sinh ở Mỹ gặp khó khăn suốt đời khi muốn nói đúng tiếng Anh. Dù sao, yếu tố chính thu hút người di dân gốc Á quy tụ lại chính là văn hóa chứ không phải kinh tế. Các cuộc nghiên cứu trước đây tại New York và Los Angeles đã thấy những di dân khá giả gốc Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Ðộ, và Phi Luật Tân đều thích sống trong các khu đông người cùng gốc.
Người Mỹ gốc di dân Ấn Ðộ có trình độ học vấn cao nhất, trong bình có 15.5 năm học, tức là tốt nghiệp đại học.
Vì thế, lợi tức những người này cũng cao hơn người Mỹ trắng trung bình, chừng 35,000 đô la một năm. Ðứng hàng thứ nhì là người Phi Luật Tân.
Tất cả các di dân gốc Á Châu có số năm học chính thức trung bình cao hơn người Mỹ gốc da trắng, trừ người gốc Việt. Người gốc Việt Nam có lợi tức thấp hơn cả và số năm học chính thức ngắn hơn so với các sắc dân Châu Á khác, cũng như người gốc Hàn Quốc. Lợi tức bình quân những di dân Nhật Bản và Trung Hoa nằm vào khoảng giữa hai nhóm trên.
Nhiều chỉ số xã hội kinh tế khác cho thấy người Việt Nam lép vế. Ðó là sắc dân có tỷ lệ thất nghiệp cao hơn cả, tỷ lệ số người sống dưới mức nghèo cao hơn, và tỷ số người nhận trợ cấp xã hội cũng cao hơn các sắc dân Châu Á khác. Tuy lợi tức thấp nhất trong nhóm này nhưng người Việt trung bình cũng xấp xỉ bằng người Mỹ gốc da trắng mà không gốc nói tiếng Tây Ban Nha. Hai tác giả bài nghiên cứu giải thích tình trạng kinh tế xã hội thấp của người Việt Nam là vì đại đa số họ là những người tị nạn chính trị chứ không phải di dân bình thường.
Người Việt Nam có lẽ hiểu rõ tình trạng này hơn. Hàng triệu người Việt sang nước Mỹ và các nước Tây phương với hai bàn tay trắng. Không riêng gì những thuyền nhân từ 1975 cho đến 1990, ngay cả các người sang Mỹ đoàn tụ hoặc định cư với lý do nhân đạo (HO) cũng tới Mỹ để bắt đầu cuộc đời mới. Những di dân tị nạn này tới nước Mỹ khi đã lớn tuổi, từ 50 tuổi trở lên, và nhiều người không nói một tiếng Anh; nếu may mắn lắm thì họ cũng chỉ kiếm được những việc làm lương thấp.
Ðiều khiến nhiều người Việt kinh ngạc là tại sao số năm học của di dân gốc Việt lại thấp hơn các sắc dân Châu Á khác? Bởi vì muốn so sánh trình độ học vấn cho đúng nhất thì phải so sánh giữa các người gốc Châu Á thuộc thế hệ thứ hai trở đi. Số người Việt và người Hàn Quốc sinh ở nước tổ cao hơn cho thấy đa số là các di dân đời thứ nhất.
Nói chung, người gốc Châu Á có lợi tức và số năm học cao hơn người Mỹ da trắng trung bình. Hai sắc dân có trình độ học vấn cao nhất là Ấn Ðộ và Phi Luật Tân. Chúng ta biết rằng đại đa số người gốc Ấn Ðộ sang Mỹ sau khi đã tốt nghiệp đại học bên xứ họ, vì nước Ấn Ðộ sản xuất nhiều kỹ sư hơn khả năng tiếp nhận của công nghiệp nước họ; những người Ấn Ðộ học thấp hơn bậc đại học có thể là vợ con, cha mẹ của các di dân này. Ða số người Phi Luật Tân được di cư sang Mỹ vì họ làm những nghề mà dân Mỹ đang thiếu. Họ là các y tá, chuyên môn săn sóc người già và người bệnh. Những nghề đó đều đòi hỏi bằng cấp bậc đại học. Vì số người đó chiếm đa số cho nên họ cũng nâng số lợi tức trung bình của tất cả các di dân gốc Phi Luật Tân. Mặt khác, số người gốc Phi Luật Tân ở Mỹ tụ tập ở quần đảo Hawaii rất đông; và họ đã tới nơi này từ nhiều đời. Do đó, nếu tài sản và lợi tức bình quân của họ cao hơn các sắc dân khác cũng dễ hiểu. Các sắc dân như Trung Hoa, Hàn Quốc và Nhật Bản thì đa số cũng đến vùng đất mới này sớm hơn cộng đồng người gốc Việt và họ ra đi với họ được chuẩn bị về cả nghề nghiệp và vốn liếng trước khi ra đi; khác với những người liều chết ra biển đi tìm tự do.

Cuối cùng, bài nghiên cứu của John R. Logan và Weiwei Zhang kết luận rằng người di dân gốc Châu Á ở Mỹ có thể coi là ngang hàng, hoặc có trình độ cao những người Mỹ tới khai phá đất này sớm nhất, là những người gốc da trắng. Người gốc Việt Nam có thể coi là ngang hàng, vì lợi tức bình quân chỉ kém người Mỹ da trắng khoảng 300 đô la một năm, và số người tốt nghiệp đại học cũng chỉ thấp hơn 2% mà thôi. Với tất cả những thiệt thòi của những người " tha phương cầu thực", tình trạng đó cũng đáng coi là một điều đáng hãnh diện.

 Chuyện bảo vệ nhân phẩm ở Đức


TS. Nguyễn Minh Tuấn

Từ những đau thương và những trải nghiệm từ lịch sử, người Đức đã nhận thức được sâu sắc lý do vì sao cần phải bảo vệ nhân phẩm.
Sau chiến tranh thế giới thứ hai, xây dựng lại đất nước từ trong hoang tàn, đổ nát, có lẽ nhân dân Đức là những người thấu hiểu hơn ai hết sự bạo tàn của chiến tranh, sự phi nhân tính của chủ nghĩa phát xít, cũng như hệ quả đau thương mà nó gây ra. Họ cũng là những người thấu hiểu việc bảo vệ phẩm giá của con người quan trọng và cần thiết như thế nào.
Qui định đầu tiên, trang trọng nhất của Luật cơ bản (Hiến pháp) của Đức là qui định về nhân phẩm: “Nhân phẩm là bất khả xâm phạm” (Điều 1 Khoản 1).[1] Đặc biệt, thông qua qui định của Điều 79 Khoản 3 Hiến pháp, vấn đề nhân phẩm là bất khả xâm phạm tại Điều 1 Hiến pháp này đã được vĩnh viễn hóa, trở thành một trong những giá trị cao nhất của Hiến pháp Đức. Theo đó, trong mọi trường hợp, qui định “nhân phẩm” tại Điều 1 là không thể sửa đổi.
Chỉ có một câu duy nhất: “Nhân phẩm là bất khả xâm phạm”, nhưng qui định này đã phản ánh đầy đủ tính nhân bản, tính dân tộc và tính thời đại của Hiến pháp Đức. Cũng chỉ bằng một câu duy nhất ấy, người ta có thể thấy được người Đức trân trọng nhất điều gì, đồng thời cũng cho thấy giá trị mà họ muốn hướng tới, muốn bảo vệ là gì.
Theo Giáo sư Luật Hiến pháp Günter Dürig, nhân phẩm qui định ở Điều 1 Khoản 1 Hiến pháp Đức không phải là một quyền cơ bản đơn thuần, mà là giá trị khách quan, cao nhất của Hiến pháp, là qui tắc ràng buộc toàn bộ mục đích, nhiệm vụ và hành vi của công quyền. Nhân phẩm bị xâm phạm, khi cơ quan nhà nước hoặc người có thẩm quyền hành xử với con người như một vật thể đơn thuần (bloßes Objekt).[2] Những hành vi của công quyền như bắt người làm nô lệ, tra tấn, phân biệt đối xử, làm nhục, từ chối cung cấp những điều kiện sống tối thiểu của một con người…đều là những hành vi xâm phạm nhân phẩm và vi hiến.
Ở Đức, không một lý do nào có thể biện minh cho việc chà đạp lên phẩm giá của con người, ở bất kỳ hình thức nào. Tất cả mọi người đều được bảo vệ nhân phẩm, không phân biệt người đó là ai, trẻ em hay người trưởng thành, người bị tâm thần hay tội phạm, thậm chí không phụ thuộc vào việc chủ thể đó có nhận thức được về nhân phẩm của mình và nhận thức chúng cần phải được bảo vệ hay không.[3]
Không chỉ việc tử hình bị coi là vi phạm nhân phẩm con người[4], mà ngay cả hình phạt tù chung thân (die lebenslange Freiheitsstrafe) không chú ý đến khả năng hoàn lương của con người cũng bị coi là vi phạm nhân phẩm ở Đức. Tòa án hiến pháp liên bang Đức vào năm 1977 đã ra phán quyết rằng áp dụng hình phạt tù chung thân mà không tạo khả năng giảm án là vi hiến, vì xâm phạm nhân phẩm của con người. Ngày nay ở Đức, một người tù thụ án tù chung thân có thể được giảm án, nếu cải tạo tốt, nhưng sớm nhất là không dưới 15 năm tù giam.[5]
Một ví dụ khác: Xuất phát từ nhu cầu thực tế phòng chống nạn khủng bố, đặc biệt là từ vụ việc ngày 11/9 ở Mỹ năm 2001, vào năm 2005, Nghị viện liên bang Đức đã thông qua Luật an toàn hàng không. Theo Điều 14 Khoản 3 của đạo luật này, trong những trường hợp nghiêm trọng, khẩn cấp, cơ quan an ninh quốc gia được phép bắn vào máy bay dân dụng mà kẻ khủng bố sử dụng làm công cụ khủng bố. Tòa án hiến pháp liên bang trong phán quyết ngày 15/2/2006 đã cho rằng: Qui định này cho phép công quyền coi việc giết người vô tội là công cụ để cứu người khác. Việc giết hại một số ít người vô tội để cứu một số lượng người lớn hơn không thể được hợp pháp hóa, đó chẳng khác gì việc coi con người là một “vật thể đơn thuần”. Qui định này là vi hiến, do xâm phạm đến nhân phẩm và quyền được sống của con người.[6]
Cũng liên quan đến vấn đề nhân phẩm của con người, vào năm 1979, ở Đức có một vụ án như sau: Sau khi tiến hành phẫu thuật chuyển giới, B đã đệ đơn đề nghị cơ quan hộ tịch thành phố X tiến hành công nhận việc thay đổi giới tính từ nam sang nữ cho mình, nhưng đã bị cơ quan này từ chối yêu cầu của B. Thời điểm đó ở Đức cũng chưa có Luật cho phép việc chuyển giới. Quan điểm của Tòa án tối cao liên bang là vì chưa có luật nên việc cơ quan hộ tịch từ chối là đúng, nhưng Tòa án Hiến pháp liên bang Đức lại phản bác và kết luận cho rằng: Nhân phẩm con người là giá trị cao nhất, mọi người đều được quyền yêu cầu công nhận giới tính thật của mình, đó thuộc về nhân phẩm con người. Việc cơ quan hộ tịch từ chối đơn đề nghị của B là hành vi vi hiến.[7] Sau đó khoảng một năm, vào ngày 10/9/1980, đạo luật về chuyển giới (Transsexuellengesetz) đã được Nghị viện thông qua, chính thức hợp pháp hóa về phương diện luật việc chuyển đổi giới tính.
Ngày nay, nhiều vấn đề xoay quanh nhân phẩm của con người vẫn gây rất nhiều tranh cãi ở Đức. Chẳng hạn, vấn đề: có nên cho phép việc nạo phá thai hay không. Đạo luật cho phép nạo phá thai đầu tiên của Đức năm 1975 đã bị tuyên vi hiến, do Tòa án tuyên bố rằng bào thai đã thành thai cũng thuộc đối tượng bảo vệ của nhân phẩm. Theo Bộ luật hình sự Đức hiện hành, việc nạo phá thai là bất hợp pháp[8], trừ khi có những bằng chứng cụ thể, được qui định tại Điều 219 Khoản 1 Bộ luật này.
Vấn đề bác sĩ có nên công bố cho người mẹ mang thai về những dị tật bẩm sinh của bào thai hay không cũng là vấn đề có những quan điểm trái ngược nhau. Quan điểm đồng tình thì cho rằng việc thông báo này liên quan trực tiếp đến lợi ích của xã hội, của cha mẹ và của chính đứa trẻ. Cha mẹ có quyền được biết về những dị tật của bào thai, để sớm đưa ra quyết định. Những trẻ em dị tật ra đời nhiều khi là khổ đau cho chính trẻ em và là gánh nặng cho xã hội.[9]
Quan điểm phản đối cho rằng: Không có gì cao hơn nhân phẩm của con người. Bào thai đã thành thai cũng là đối tượng cần phải được bảo vệ về nhân phẩm. Quyền được sống của một đứa trẻ bị dị tật cũng không kém giá trị hơn quyền được sống của một đứa trẻ không bị dị tật. Việc thông báo về dị tật của bào thai là vi phạm y đức và sẽ có tác động xấu đối với xã hội, làm gia tăng tỉ lệ nạo phá thai. Hay nói cách khác, không có bất kỳ ai có quyền tước đi quyền được sống của một đứa trẻ, cho dù đứa trẻ đó bị dị tật.[10]
Cũng liên quan đến vấn đề này, hiện nay việc có nên cho phép nghiên cứu tế bào gốc (Stammzellenforschung) hay không ở Đức cũng có nhiều ý kiến khác nhau. Việc nghiên cứu tế bào gốc, cấy ghép tế bào thai nhi vẫn bị cấm theo Điều 2, Điều 8 Luật bảo vệ tế bào gốc (ESchG - Gesetz zum Schutz von Embryonen). Từ góc độ luật hiến pháp, bào thai cũng là đối tượng cần phải được bảo vệ về nhân phẩm theo Điều 1 Khoản 1 Hiến pháp.
Tuy nhiên cũng có nhiều ý kiến phản đối qui định này. Theo kết quả nghiên cứu của khoa học hiện đại: Tế bào thần kinh là loại tế bào khi đã chết đi thì sẽ không có khả năng phục hồi và tái sinh. Tuy nhiên, nhiều nhà khoa học khẳng định rằng việc nghiên cứu, cấy ghép tế bào bào thai, tế bào gốc và liệu pháp gen để thay thế các tế bào thần kinh đã chết sẽ là một hướng đi nhiều hứa hẹn để giải quyết vấn đề này. Việc ngăn cấm nghiên cứu tế bào gốc, hay cấy ghép tế bào thai nhi là vi phạm quyền tự do trong nghiên cứu khoa học.[11]
Vấn đề nhân phẩm ngày nay ở Đức không những được tranh luận ở tất cả các góc độ từ triết học, sinh học, đạo đức học, y học, luật học…mà còn được hiểu và hiện thực hóa ở một phạm vi rất rộng. Theo phán quyết ngày 9/2/2010, Tòa án hiến pháp liên bang đã khẳng định rằng Luật trợ cấp xã hội (Hartz IV Gesetz) ra đời là bắt nguồn từ nguyên tắc bảo vệ nhân phẩm tại Điều 1 Khoản 1 Hiến pháp và nguyên tắc nhà nước xã hội (Sozialstaatprinzip).[12] Đạo luật này qui định rằng nhà nước có trách nhiệm đảm bảo một mức sống tối thiểu đối với tất cả mọi người, đồng thời qui định cụ thể những đối tượng nào, trường hợp nào thì được hưởng trợ cấp xã hội.
Theo Tòa án hiến pháp liên bang, nhân phẩm sẽ không có giá trị ràng buộc trách nhiệm của nhà nước, nếu như điều kiện sống tối thiểu của một con người cụ thể không được đảm bảo. Chế độ trợ cấp xã hội ở Đức hiện nay được đánh giá là rất tiến bộ, chế độ này ra đời xuất phát từ lý do căn bản là nhằm bảo vệ nhân phẩm con người, tạo sự bình đẳng về cơ hội và điều kiện phát triển tốt nhất cho con người.
Tóm lại, từ những đau thương và những trải nghiệm từ lịch sử, người Đức đã nhận thức được sâu sắc lý do vì sao cần phải bảo vệ nhân phẩm. Nhân phẩm vừa là điểm khởi đầu, nhưng cũng vừa là mục đích cuối cùng của Hiến pháp Đức. Tất cả các qui định khác trong Hiến pháp từ vấn đề các quyền cơ bản cụ thể, đến cơ chế phân công quyền lực, bảo vệ Hiến pháp… suy đến cùng cũng vì con người và bảo vệ phẩm giá của con người. Câu chuyện nhân phẩm là vấn đề cũ, nhưng vẫn sẽ luôn mới, vừa là câu chuyện của hôm qua, nhưng cũng là câu chuyện của hôm nay và ngày mai, vừa là vấn đề lịch sử, văn hóa, sinh học, nhưng cũng vừa là vấn đề mang tính thời đại của Hiến pháp.
Đã đăng trên Tuần Việt Nam, ngày 27/6/2013
________________________

Chú thích:

[1] Điều 1 Khoản 1 Câu 1 Hiến pháp Đức qui định: “Nhân phẩm là bất khả xâm phạm”. Tòa án Hiến pháp liên bang Đức coi nhân phẩm là giá trị cao nhất của Hiến pháp Đức, không có bất kỳ giá trị nào cao hơn nhân phẩm. Xem: BverfGE 32, 98 (108); 50, 166 (175); 54, 341 (357).
[2] Günter Dürig, in Theodor Maunz/Ders.: Grundgesetz, 1958, Art. 1 Abs. 1 Rn. 28, 34. Sau này định nghĩa về nhân phẩm của Dürig đã được Tòa án hiến pháp liên bang Đức thừa nhận trở thành định nghĩa có tính chuẩn mực ở Đức. Xem thêm: BVerfGE 27, 1 (6); 28, 386 (391); 45, 187 (228).
[3] BverfGE 39, 1 (41 f.).
[4] Theo Điều 102 Hiến pháp Đức, hình phạt tử hình đã bị bãi bỏ.
[5] Xem Điều 57 a, Bộ luật Hình sự Đức.
[6] BverfGE 357, 05 (05 f.).
[7] BverfGE 49, 286, (301 f).
[8] Xem các Điều từ Điều 218 Bộ luật hình sự Đức.
[9] Xem thêm: Manssen, Staatsrecht II – Grundrechte, 9. Aufl., 2012, Rn. 220.
[10] Đây cũng là quan điểm chính thức của Tòa án hiến pháp liên bang Đức. Xem: BVerfGE 88, 203 (296).
[11] Xem thêm: Manssen, Staatsrecht II – Grundrechte, 9. Aufl., 2012, Rn. 221 f.
[12] BverfGE 125, 175 ff.


21/6/13

Nhân ngày Báo chí Việt Nam, H&N, kính mời quí vị đọc bài này.

Bạn nghiện Internet tới mức nào?                               

                                 
Giáp Văn Dương

Chứng nghiện Internet (1), một dạng cụ thể của chứng nghiện công nghệ mà một phiên bản dễ thấy nhất là cơn say lướt Facebook, là một trong những vấn đề thời sự ngày càng được nhiều nhà nghiên cứu lên tiếng cảnh báo.
Tuy nhiên, nghiện Internet có tương tự các chứng nghiện đã được biết đến như nghiện rượu, nghiện thuốc lá, nghiện ma túy?
Hội chứng nghiện Internet được đề xuất lần đầu tiên năm 1995 bởi Ivan Goldber khi ông mô tả chứng nghiện đánh bạc theo các tiêu chuẩn của Sổ tay thống kê và chẩn đoán các bệnh tâm thần (2), phiên bản 4 (DSM-4).
Có chăng chứng nghiện Internet?
Cùng với sự phát triển của công nghệ băng thông rộng và sự phổ cập của Internet, truyền thông đại chúng đề cập đến chứng nghiện Internet ngày càng nhiều. Tuy nhiên, đó có phải là một chứng nghiện hay không thì đến nay vẫn chưa thống nhất.
Năm 2006, Hiệp hội Y khoa Mỹ (American Medical Association) đã từ chối việc khuyến nghị Hiệp hội Tâm thần Mỹ (American Psychiatric Association) đưa chứng nghiện Internet vào Sổ tay thống kê và chẩn đoán các bệnh tâm thần, phiên bản 5 (DSM-5). Cuốn sổ tay này vừa được công bố ngày 22-5-2013. Trong đó, tuy bị từ chối là một bệnh nghiện chính thức, nhưng Hiệp hội Tâm thần Mỹ vẫn đưa chứng nghiện Internet vào phần phụ lục với hàm ý đây là vấn đề đáng quan tâm, cần nghiên cứu tiếp. Tuy nhiên, chứng nghiện Internet vẫn là một chủ đề được giới chuyên gia lưu ý bàn thảo (3).
(ảnh internet)
Với một số nước châu Á như Hàn Quốc và Trung Quốc thì chứng nghiện Internet được coi là một hiện tượng thực tế đáng lo ngại, không cần phải bàn cãi, nhất là khi ngày càng có nhiều thanh thiếu niên vì mải mê chơi trò chơi trực tuyến (4) đến mức chết tại chỗ trong quán Internet. Với Hàn Quốc, chứng nghiện Internet thậm chí còn bị xếp thành một trong những vấn đề nghiêm trọng nhất về sức khỏe cộng đồng (5).
Theo thống kê, ngay từ năm 2006, Hàn Quốc đã có 210.000 trẻ em tuổi từ 6-19 bị mắc chứng nghiện Internet và cần điều trị. Trong số đó, 20-24% số trẻ này cần phải được điều trị trong bệnh viện. Ngoài ra, do chơi điện tử nhiều, lên đến 23 giờ/tuần, nên 1,2 triệu học sinh Hàn Quốc cũng có nguy cơ bị nghiện Internet và cần được tư vấn ở cấp độ cơ bản. Đến tháng 6-2007, Hàn Quốc đã huấn luyện 1.043 chuyên gia tư vấn để làm việc trong 190 trung tâm và bệnh viện điều trị chứng nghiện Internet.
Tại Trung Quốc, tình hình cũng đáng lo ngại ở mức tương tự. Theo báo cáo, năm 2007 có khoảng 10 triệu thanh thiếu niên Trung Quốc mắc chứng nghiện Internet, ứng với khoảng 13,7% thanh thiếu niên sử dụng Internet.
Các nghiên cứu khác cho thấy với đại chúng, tỉ lệ người có dấu hiệu nghiện Internet vào khoảng 6-15%. Với học sinh sinh viên, tỉ lệ này lên đến 13-18,4% (6). Như vậy, có thể ước lượng sơ bộ tỉ lệ người nghiện Internet trung bình là khoảng 10% số người sử dụng.
Số người sử dụng Internet ở Việt Nam tính đến tháng 11-2012 lên đến hơn 31 triệu người (7). Tuy chưa có nghiên cứu thống kê nhưng nếu tỉ lệ người có triệu chứng nghiện Internet tính ở mức thấp nhất là 6% thì tỉ lệ người có triệu chứng nghiện Internet lên đến 1,8 triệu người. Một con số đáng lo ngại. Tuy nhiên, ở Việt Nam có thể có tình trạng nhiều người dùng chung một máy tính nên tỉ lệ người nghiện Internet sẽ ít hơn. Để làm rõ tình trạng này cần thiết phải có một điều tra xã hội học nghiêm túc trước khi đưa ra những kết luận chắc chắn.
Các hình thức nghiện phổ biến
Chứng nghiện Internet biểu hiện ở rất nhiều hình thức khác nhau. Một trong số các hình thức đó có thể được liệt kê dưới đây:
·  Nghiện trò chơi điện tử trực tuyến (game online).
·  Nghiện các nội dung khiêu dâm, đồi trụy trên mạng.
·  Nghiện đánh bạc, mua sắm trên mạng.
·  Nghiện nhắn tin và tán gẫu trên mạng.
·  Nghiện lang thang vô định trên mạng.
·  Nghiện tìm kiếm và đọc những nội dung không cần thiết.
Mô hình bệnh lý
Để giải thích nguyên nhân gây ra chứng nghiện Internet, cần thiết phải đưa ra một mô hình bệnh lý. Về đại thể, mô hình này có thể chia thành ba loại chính như sau (8):
1. Mô hình nhận thức - hành vi
Theo mô hình này, việc lạm dụng Internet là do nhận thức lệch lạc dẫn đến hành vi cũng lệch lạc theo, như chơi game online (trò chơi trực tuyến) quá mức, đánh bạc, truy cập các nội dung đồi trụy quá nhiều… tạo ra chứng nghiện Internet. Vì thế, điều trị chứng nghiện Internet trong trường hợp này sử dụng lý thuyết nhận thức - hành vi, theo đó nhấn mạnh việc sử dụng Internet có kiểm soát, và cho rằng chính suy nghĩ, nhận thức sẽ tạo ra cảm xúc, vì thế cần phải xác lập nhận thức đúng trước hết.
Việc điều trị chứng nghiện Internet theo cách này có những đặc điểm rất gần với một số quan niệm của nhà Phật như chánh kiến, chánh niệm, chánh tư duy. Vì thế, có thể vận dụng những quan điểm gần gũi này của văn hóa Phật giáo truyền thống để giúp người nghiện Internet điều chỉnh hành vi của mình.
2. Lý thuyết bù trừ
Theo lý thuyết này, người dùng Internet cảm thấy được bù đắp những khiếm khuyết ở ngoài đời thực, đặc biệt là với giới trẻ. Chẳng hạn, áp lực học hành nặng nề và đặc biệt là hệ thống thi cử, đánh giá tài năng chỉ dựa trên điểm số đã làm giới trẻ mệt mỏi và tìm kiếm sự khẳng định mình trên thế giới ảo. Ngoài đời, một trẻ có thể nhút nhát, ít bạn, hay bị trêu chọc, điểm số kém, nhưng trên thế giới ảo, cậu ta có thể là một game thủ có tiếng và được vị nể.
Ngay cả người lớn cũng có xu hướng dùng thế giới ảo để tìm kiếm cảm giác bù đắp những thất bại hoặc trốn tránh các khó khăn thực ngoài đời. Việc kết bạn, giao lưu, khẳng định mình trên mạng cũng dễ dàng hơn so với ngoài đời thực. Vì thế, bên cạnh việc tìm kiếm sự thừa nhận mình trên mạng thì việc trốn tránh cuộc đời thực bằng cách sống trong thế giới ảo cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến chứng nghiện Internet.
Theo mô hình này, cách thức điều trị tốt nhất là khuyến khích các hoạt động thực ngoài đời, giao lưu thực, bình tĩnh giải quyết các khó khăn thực, đặc biệt phải cải tiến hệ thống đánh giá năng lực, thay vì chỉ sử dụng một tiêu chuẩn giản đơn như điểm thi hay tiền bạc. Cần hình thành một cách thức đánh giá năng lực cởi mở và toàn diện hơn cho xã hội.
3. Mô hình tâm lý thần kinh
Theo mô hình này thì chứng nghiện Internet liên quan trực tiếp đến các vấn đề về tâm lý và thần kinh. Cụ thể, động cơ nguyên thủy của con người là tìm kiếm hạnh phúc, khoái cảm và lảng tránh khổ đau. Động cơ nguyên thủy này có thể cùng với các động cơ phối kết khác, như mong muốn khẳng định mình, là một trong các thôi thúc người ta bước vào sử dụng Internet.
Khi sử dụng Internet thì hệ thần kinh được kích thích và người dùng có trải nghiệm khoái cảm. Nhưng khi nghiện, khoái cảm này sẽ trơ dần, dẫn đến thôi thúc tái sử dụng ở mức độ cao hơn. Dần dà, điều này gây ra cảm giác “vật vã” khi không được sử dụng Internet, với những biểu hiện cụ thể như: bồn chồn, mất ngủ, cảm xúc bất ổn định, dễ bực bội, cáu kỉnh... Những điều này sẽ tích tụ và chuyển thành các phản ứng tiêu cực của người nghiện Internet như nhận thức sai lệch, dữ tợn, thù nghịch, đổ lỗi...
Và để giải tỏa các phản ứng tiêu cực này cũng như hệ lụy của nó mang lại, người ta lại tăng cường sử dụng Internet để trốn tránh, để tìm lại cảm giác thỏa mãn, để xác lập giá trị của mình trong thế giới ảo. Vòng xoáy cứ như vậy tiếp tục làm người nghiện ngày càng khó bứt ra khỏi thế giới mạng.
Bạn có nghiện Internet không?
Sau khi đã đọc hết những nội dung trên thì đây là câu hỏi mà bạn phải đối diện một cách trung thực: bạn có nghiện Internet không?
Nếu có đầy đủ các biểu hiện sau thì bạn có thể bị coi là đã nghiện Internet:
·  Lạm dụng: thường gắn kèm với việc mất cảm thức về thời gian, thậm chí quên cả nhu cầu cơ bản như ăn, uống, vệ sinh…
·   Biểu hiện “vật vã”, như giận dữ, căng thẳng, thậm chí trầm cảm khi không được sử dụng Internet.
·   Mức độ sử dụng tăng, biểu hiện qua tăng thời gian dùng Internet, nhu cầu về máy tính mạnh hơn, cần phần mềm nhiều tính năng hơn.
·  Hậu quả tiêu cực như tranh cãi, nói dối, thành tích học tập/làm việc kém, tách rời xã hội, mệt mỏi thường xuyên…
Thay lời kết
Đến nay tuy chưa có một thống nhất chính xác giữa các nhà nghiên cứu về chứng nghiện Internet, nhưng những hậu quả của việc lạm dụng Internet đến sức khỏe sinh học và tâm thần, năng suất lao động, chất lượng công việc, cuộc sống gia đình, quan hệ xã hội… là có thực. Nhiều quốc gia đã hiển nhiên thừa nhận hội chứng nghiện Internet là một trong những nguy cơ tàn phá sức khỏe cộng đồng, đặc biệt là với giới trẻ.
Vì thế hãy sử dụng Internet một cách thông minh để nâng cao năng suất làm việc và chất lượng cuộc sống, thay vì bị nó nuốt chửng và tàn phá cuộc đời bạn.

(1): Internet addiction disorder
(2): Diagnostic and Statistical Manual of Mental Disorders
(3): Issues for DSM-V: Internet Addiction. Am. J. Psychiatry 165:3, March 2008
(4): Game online
(5): Ahn DH: Korean policy on treatment and rehabilitation for adolescents’ Internet addiction, in 2007 International Symposium on the Counseling and Treatment of Youth Internet Addiction. Seoul, Korea, National Youth Commission, 2007, p 49.
(6): Kimberly S. Young, Cristiano Nabuco de Abreu, Internet Addiction: A Handbook and Guide to Evaluation and Treatment, JohnWiley & Sons, Inc. 2010.
(7): http://www.thongkeInternet.vn
(8): Kimberly S. Young, Cristiano Nabuco de Abreu, A Handbook and Guide to Evaluation and Treatment, JohnWiley & Sons, Inc. 2011.


16/6/13

 Nên Thay Đổi Cách Sống Để Có Sức Khỏe

                                                                                    Nguyễn Thượng Chánh, DVM
Ngành y tế của các quốc gia kỹ nghệ nói chung đang đối đầu thường xuyên với tình trạng cần phải gia tăng ngân sách y tế một cách liên tục.
Để giải thích, các nhà khoa học cho biết rằng, có thể có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên, chẳng hạn như sự kiện tuổi thọ càng ngày càng cao hơn xưa, cho nên bệnh tật cũng phải nhiều hơn…

Gần đây, Tổ chức Y tế Thế giới WHO và US Surgeon General, có đưa ra nhận xét đáng cho chúng ta suy nghĩ…
Hai tổ chức này cho biết, là sự kiện con người càng ngày càng thọ, sống dai hơn xưa hay lão hóa tốt chỉ là một trong nhiều lý do mà thôi, nhưng thật ra nó không đóng một vai trò đáng kể trong vấn đề làm gia tăng y tế phí.
Chính cách sống của chúng ta mới thật sự là vấn đề cần phải được mọi người quan tâm đến.
Những số liệu mới nhất của Tổ chức y tế Thế giới cho thấy những bệnh thường hay gặp trong dân gian như bệnh tiểu đường type II, béo phì, bệnh cao máu (tăng huyết áp), bệnh về mạch vành và một vài loại bệnh cancer(Ung thư) thường được xem như là những bệnh có liên hệ mật thiết tới cách sống của chúng ta, thí dụ như ù lì thiếu vận động, dinh dưỡng không đúng, lạm dụng thuốc lá và lạm dụng rượu…
Chỉ riêng bốn nguyên nhân vừa kể cũng đủ làm gia tăng ngân sách y tế của Hoa kỳ lên hơn 60% một năm.
Cơ quan Centers for Disease Control and Prevention gần đây có đưa ra một phúc trình không mấy lạc quan cảnh giác mọi người về vấn đề béo phì và dư cân do việc ăn uống không cẩn thận, không đúng phép dinh dưỡng cộng thêm sự thiếu vận động có thể sẽ trở nên những nguyên nhân chính của tử vong tại Hoa kỳ.
Riêng trong khoảng muời năm từ 1990 đến 2000, chỉ riêng hai nguyên nhân vừa kể cũng đã làm tăng tổng số tử vong từ 14 lên 16,6%.
Đây là một sự gia tăng mạnh nhất trong số tất cả nguyên nhân gây tử vong tại Hoa Kỳ.
Nói rõ ra là không phải chỉ có vi khuẩn mới hại chúng ta, nhưng quan trọng hơn thế nữa là chính cách sống của chúng ta đã giết chúng ta.
Theo các nhà khảo cứu của Harvard Medical School cho biết, phản ứng thường tình của các bác sĩ trước một dịch bệnh mạn tính (bắt nguồn từ tình trạng béo phì chẳng hạn), là họ tìm cách đem áp dụng các kỹ thuật tân kỳ nhất về chẫn đoán và trị liệu nhằm mục đích ổn định những khía cạnh lâm sàng quá rõ rệt.
Đây có nghĩa là trị ngọn chớ không trị tận gốc của vấn đề.
Nghiên cứu đã cho biết có sự liên quan mật thiết giữa một nếp sống thiếu vận động với sự xuất hiện của những bệnh mạn tính tại các quốc gia kỹ nghệ
Thật vậy, một trong nhiều phương cách phòng ngừa cấp một (primary prevention) có thể bắt đầu bằng việc cho tăng thêm giờ thể dục tại các trường tiểu học và trung học.
Được vậy, nếp sống của giới trẻ sẽ được cải thiện tốt đẹp thêm hơn và sẽ giúp các em có một thói quen trở nên linh động hơn trong đời sống.
Đây cũng là khuyến cáo của Tổ chức Y Tế Thế Giới, về sự lợi ích của việc cần phải cho tăng thêm giờ thể dục tại các học đường.
Tại sao chúng ta cần phải vận động?

vận động (ảnh NTC)
1- Tốt cho tim mạch: Vận động, thể dục thể thao giúp cho tim được khỏe mạnh, giảm nguy cơ các bệnh về tim mạch, giúp điều hòa hoặc làm giảm áp huyết động mạch, nhờ vậy giảm nguy cơ bị tai biến mạch máu não.
2- Giảm mập và béo phì:Vận động thường xuyên sẽ làm tiêu mỡ, làm giảm cholesterol xấu LDL, giảm chất béo xấu triglyceride, tăng cholesterol tốt HDL.
Vận động, tập thể dục và chơi thể thao cộng với một sự dinh dưỡng thích nghi sẽ giúp vào việc làm giảm cân một cách hiệu quả.
3- Giảm nguy cơ xuất hiện bệnh tiểu đường loại II, hoặc làm giảm thiểu triệu chứng của nó: Vận động và tập thể dục thường xuyên sẽ làm tăng sự tiêu thụ đường glucose trong máu bằng cách gia tăng sự hấp thụ đường từ máu vào trong các tế bào.
4- Tốt cho phổi: Vận động thường xuyên sẽ giúp cho việc hô hấp được tốt hơn, phổi được khỏe và làm tăng dung lượng oxy đem vào cho các hoạt động biến dưỡng của cơ thể.
5- Giảm đau lưng: Vận động đúng cách giúp vào việc tăng thêm thể lực và sức chịu đựng của các bắp cơ vùng lưng, giãn gân giãn cốt, đồng thời giúp các khớp xương được dẻo dai và chuyển động được dễ dàng hơn.
6- Ngừa được chứng loãng xương (osteoporosis): Vận động và tập thể dục thường xuyên, nhất là các môn thể dục nặng như cử tạ chẳng hạn sẽ giúp vào việc tạo xương và làm tăng mật độ xương lên.
7- Có thể làm giảm nguy cơ xuất hiện của một số cancers( ung thư): Như cancer tiền liệt tuyến, cancer tử cung và cancer vú.
8- Giúp tinh thần bớt căng thẳng, giảm stress, bớt tình trạng trầm cảm và chán đời:
Việc vận động và tập thể dục thường xuyên, nhất là tập cho đổ mồ hôi sẽ khiến não tiết ra nhiều serotonin và dopamine. Hai chất nầy giúp chúng ta bớt phiền muộn và trở nên yêu đời và tự tin hơn. Sự gia tăng chất dopamine trong não còn có khả năng giúp phòng ngừa bệnh Parkinson nữa. Ở những người thường hay bị suy nhược tinh thần và hay chán đời, nồng độ serotonin và dopamine trong máu của họ ở một mức rất thấp.
9- Tạo ra cảm giác thật sảng khoái, dễ chịu:Sau một buổi tập thể dục khá lâu và mệt nhọc toát mồ hôi, não sẽ tiết ra chất beta endorphin, đây là một loại ma túy còn được gọi là morphin thiên nhiên giúp chúng ta bớt đau nhức, giảm mệt và cùng với chất serotonin tạo một cảm giác sảng khoái khỏe khoắn vô cùng tận. Sau khi tắm xong, bảo đảm là bạn sẽ cảm thấy đói bụng ăn cơm rất ngon và ngủ thẳng giấc.
Thế nào là vận động?

Vận động là không có ngồi lì một chỗ, mà phải đi đứng, nhúc nhích thường xuyên.
Nếu có dịp đi bộ thì nên đi bộ. Trong các thương xá, trong metro, thay vì đi thang máy chúng ta nên chọn cầu thang thường để đi lên hoặc đi xuống.
Tập thể dục cũng có nhiều phương pháp. Tùy theo tình trạng sức khỏe và tuổi tác của mỗi người mà mình áp dụng một môn thể dục thích nghi.
Tài chi, khí công, yoga, aerobic, múa, khiêu vũ, bơi lội, đạp xe máy, quần vợt, bóng bàn, vũ cầu, đánh golf, chơi banh, chạy bộ jogging, .v..v… tất cả đều tốt cho sức khỏe.
Đi bộ, nhất là đi nhanh, là môn dễ nhất và rất tốt cho tim mạch, đặc biệt là đối với các bạn khá lớn tuổi. Muốn đạt được kết quả tốt thì cần phải có sự chuyên cần và phải tập luyện thường xuyên và đều đặn.
Mỗi ngày tập một giờ là lý tưởng nhất, còn không thì hãy cố gắng tập 3 ngày trong một tuần lễ và mỗi ngày tối thiểu là 30 phút. Ngoài ra làm vườn, cắt cỏ, xúc tuyết (làm vừa sức mình), đổ rác, quét nhà, hút bụi, rửa xe cũng như xách giỏ, đẩy xe trong siêu thị, đều là vận động và rất thư giãn.
Tất cả đều rất tốt cho sức khỏe thể xác và cả cho sức khỏe tinh thần nữa!.
Đi bộ rất thích hợp cho những người cao tuổi
Đi bộ, nhứt là đi nhanh rất được khuyến khích.
Đi bộ lảm giảm mỡ, xóa đi mọi ưu phiền, mọi căng thẳng tinh thần stress, cũng như giúp cải thiện chức năng hệ tim mạch.
Cần nhất là phải có một đôi giày cho tốt và cho êm chân.
Tùy theo sức khỏe của mỗi người mà đi. Mỗi ngày nên đi một giờ, và đi đều đặn 7 ngày trong tuần là tốt nhứt.
Chạy bộ rất thích hợp cho những người còn sức khỏe
Nếu sức khỏe khá, không có vấn đề tim hay đau đầu gối thì chạy bộ cũng rất tốt.
Nên chạy đều đặn mỗi ngày.
Lúc chạy giữ đầu cho thẳng, chạy vừa sức mình, thong thả, không tréo tay trước ngực lúc chạy…
Vừa chạy vừa có thể nói chuyện với người khác mà không cảm thấy đứt hơi.
Đó là vận tốc mà bạn cần phải giữ.
Luyện tập để tăng cường bắp cơ
Bên cạnh việc đi bộ và chạy bộ, cũng còn một lối tập khác không kém phần quan trọng.
Đó là vấn dề luyện tập để tăng cường các bắp cơ (musculature) cũng rất cần thiết đối với các bạn lớn tuổi.
Trong tình trạng bình thường thì bắt đầu vào tuổi 25 thì các khối cơ bắt đầu tan dần (sarcopénie) theo tỉ lệ trung bình 1% mỗi năm, và đặt biệt nhất là đối với những nhóm cơ nào ít hoạt động nhất.
Vào tuổi 50, chúng ta mất đi 25% khối cơ và được thay thế bằng mỡ, bởi lý do nầy sự biến dưỡng cơ bản của chúng ta bị đình trệ đi và chúng ta dễ bị mập ra.
Thật ra mỗi ngày có thể nói rằng hầu như tất cả các nhóm cơ trên thân thể ta bị khiếm dụng bởi những tiện nghi vật chất của thế kỷ 21… Nào là cầu thang máy tự động, xe hơi, xe gắn máy, ngồi lì bên computer, v.v…Tất cả những phát minh này giúp chúng ta khỏe đi nhiều, nhưng ngược lại cũng làm cho chúng ta làm biếng vận động!
Nên biết rằng khối cơ rất thiết yếu để giúp chúng ta giữ đuợc sự tự chủ về hoạt động trong một thời gian lâu dài.
Cơ teo, cơ yếu dễ bị té ngã.
Khoa học đã chứng minh rằng có một tương quan theo tỉ lệ ngịch giữa tử số bất kỳ một nguyên nhân nào và sức chịu đựng của lực cơ.
Tuổi già không phải là một trở ngại trong việc luyện tập các bắp thịt cho nở nang ra.
Nếu các bạn đang sống tại Bắc Mỹ, thì nên ghi tên theo học một khoá rèn luyện thể hình ở một club thể dục nào dó. Chúng ta sẽ được chỉ dẫn tường tận trong các cách tập luyện.
Khiêu vũ dưỡng sanh
Nói đến nhảy đầm hay khiêu vũ thì có một số người sẽ bĩu môi, nói thế nầy thế nọ vì mặc cảm, vì thành kiến…
Ngày nay xã hội đã thay đổi nhiều. Tại Việt Nam nhảy đầm không còn là món độc quyền của giới trẻ nữa.
Lớp người lớn tuổi hơn cũng nhảy đầm như điên cho vui đời và để cho ra vẻ mình cũng có nếp sống văn minh mới như mọi người vậy.
Rồi người tuổi tác cao thuộc tầng lớp ông bà ngoại, ông bà nội, 6-7 bó trở lên cũng nhào vô xạp xình bước tới bước lui ẹo qua ẹo lại trước để rèn luyện sức khỏe sau để cho vui tuổi già…
Đó là khiêu vũ dưỡng sanh.
"chịu chơi"

Nhảy đầm đã trở thành một cái mode, một lối giao tiếp xã hội cũng như là một lối thể dục rất tốt cho thể xác và cho tinh thần của những người tuy có tuổi nhưng lòng vẫn còn xuân…
Nhảy đầm giúp làm giảm thiểu nguy cơ các bệnh thoái hóa trí não, sa sút trí tuệ (dementia) mà đặc biệt là bệnh lú lẫn Alzeilhmer.
Science Daily April 10, 2009 có đăng bài Dance Your Way To Successful Aging (Nhảy Đầm Tốt Cho Tuổi Già). Gs Jonathan Skinner, thuộc Queen’s Univ. Belfast, Ireland, đã thực hiện một cuộc khảo cứu về vấn đề nhẩy đầm ở người cao tuổi và đã đưa ra những kết quả hết sức là lạc quan.
- Rất có lợi về mặt giao tiếp xã hội, bớt cảm thấy trống vắng cô đơn, ngừa được trầm cảm.
- Lợi ích về mặt thể chất. Nhảy đầm bắt buộc phải vận động cho nên giúp làm giảm bớt đau nhức xương cốt.
- Lợi ích về mặt thần kinh trí não (mental). Đọc sách, viết lách, gõ bài, đánh cờ, chơi Monopoly, Puzzles, chơi ô chữ cross words, mots croisés, đánh bài, chơi nhạc, karaoké và nhảy đầm dều là những hoạt động có tính cách kích thích trí não vì vậy giúp ngừa được một số bệnh tật và làm chậm phát triển các bệnh thoái hóa thần kinh, gây sa sút trí tuệ và lú lẫn.
- Nhảy Tango thường xuyên rất tốt để giúp cải thiện sự linh hoạt và cân bằng (balance) động tác ở những bệnh nhân Parkinson
- Nhảy Waltz giúp người đau tim mau hồi phục sau cơn bị heart attack, theo lời bác sĩ Ý. Associated Press. Nov 12,2006
Đừng quên Thở và Thiền cho đúng cách
“… Cứ đi đứng nằm ngồi, trong từng cử động, trong từng niệm khởi, trong từng cảm thọ… hãy cứ quan sát xem ai đang cử động, ai đang khởi niệm, ai đang cảm thọ. Tự nhiên, tâm mình sẽ lặng lẽ dễ dàng. Như thế, pháp Thiền Thoại Đầu này cũng thực sự là Tứ Niệm Xứ, vì là bạn đang niệm toàn thân, niệm toàn tâm và niệm toàn thọ. Hoặc là bạn nên Niệm Phật, tập lắng nghe từng danh hiệu ngài.
Một điều cần nói về Thiền, rằng bạn không cần phảỉ ngồi theo pháp kiết già hay bán già. Nhiều người ưa cầu toàn, cứ nhất định là phải ráng ngồi thế hoa sen như Phật mới được.
Một điểm khác biệt của một số giáo phái ngoại đạo chú trọng về thiền định: nhiều giáo phái yêu cầu học nhân trong khi ngồi Thiền phải lấy các ngón tay bịt mắt, bịt tai. Bạn có thể thử làm điều vừa nói, gần như ngay lập tức, bạn sẽ thấy có hào quang chớp chớp, dần dà sẽ sinh ra ảo giác về nhìn; cũng như sẽ thấy âm thanh vi vu bên tai, rồi sẽ có ảo giác về tai. Nhiều người cho đó là khai mở tâm nhãn hay tâm nhĩ. Thực ra, như thế sẽ dẫn tới bệnh cả (Ngưng trích Góp Ý về Cách Tiếp Cận-Cư Sĩ Nguyên Giác).
“… Thiền có thể làm ta được thảnh thơi, giải stress, mang lại sức khỏe, an lạc, hạnh phúc ư? Tin được không? Có cơ sở khoa học nào không? Trí thức sẽ hỏi. Đâu dễ tin.
Và câu trả lời là có. It ra là về mặt sinh học.
Thở chẳng phải trước hết là chuyện sinh học ư? Ta cần lấy Oxy từ bầu khí quyên đưa vào phổi, rồi máu mang Oxy đó đến từng tế bào trong cơ thể để tạo ra nặng lương cho sự sinh tồn và hoạt động của ta. Một người chạy đua 100m phải nín thở để chạy, đến nơi anh ta thở hào hễn vì phải trả “nợ Oxy” đã vay mượn trong lúc nín thở. Cơ thể ta lúc nào cũng ở trong tình trạng căng cứng để đi đứng nằm ngồi. Các cơ bắp luôn luôn co duỗi để giữ cho ta có một tư thế theo ý muốn. Sự căng cứng cơ bắp (tonus musculaire) đó tiêu thụ khoảng 40% năng lượng. Nếu có cách nào làm giảm sự căng cứng cơ ta sẽ tích lũy năng lượng đáng kể, cơ thể nhờ đó mà đỡ vất vả, sảng khoái hơn.
Riêng não bộ tuy chỉ chiếm có 2% thể trọng mà tiêu tốn đến 30% năng lượng.
Nếu có cách nào đó làm cho não bộ được nghỉ ngơi, tích lũy thêm một khối năng lượng đáng kể nữa, các tế bào nhờ đó mà đỡ vất vả, sảng khoái hơn! Sự sảng khoái đó trong thiền gọi là “thiền duyệt”. Câu hỏi đặt ra là tại sao não bộ lại xài phí tiêu hoang năng lượng nhiều đến vậy? Thì ra não lúc nào cũng ở trong trạng thái “điên cái đầu”, lúc nào cũng nghĩ ngợi lung tung, tâm viên ý mã! Trí thức- hoạt động trí não nhiều- càng dễ bãi hoãi, kiệt sức, quên trước quên sau, đến bác sĩ, bác sĩ chẩn đoán “mệt mỏi kinh niên không rõ nguyên nhân”, nghĩa là bí… Lúc say mê làm việc trí thức thường quên thở để sau đó lại hào hễn, trả nợ Oxy.
Thiền vừa làm giãn cơ, vừa làm lắng dịu các hoạt động lăng xăng của não, nhờ đó mà giúp cơ thể thảnh thơi, an lạc. Hoạt động thể chất sau đó sẽ bền bĩ hơn, suy tưởng sau đó sẽ tập trung hơn, sáng suốt hơn…” (Ngưng trích-Thở và Thiền-Bs Đổ Hồng Ngọc)
Kết luận
Vận động, thể dục, thể thao cũng như đem tiền gởi vô ngân hàng. Mổi ngày gởi vô trương mục một ít, sau vài năm thì vốn lời tích lủy lên rất mau lẹ mà mình không hay, và đấy là vốn sức khỏe đó..
Vận động, thể dục và thể thao là việc tối cần thiết cho mọi lứa tuổi bất luận là già hay trẻ nam hay nữ./
                                                                                              
Tham khảo:
- Cư Sĩ Nguyên Giác-Góp ý về cách tiếp cận
http://thuvienhoasen.org/D_1-2_2-93_4-10928/gop-y-ve-cach-tiep-can-cu-si-nguyen-giac.html
- Bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc. Thở và Thiền
http://thuvienhoasen.org/D_1-2_2-98_4-17220/tho-va-thien-bs-do-hong-ngoc.html
- Frank W Booth et als: waging war on modern chronic diseases: primary prevention through exercise biology; J. Appl.
Physiol vol.88,issue 2,774-787,Feb 2000.
http://jap.physiology.org/cgi/content/abstract/88/2/774
- Activité physique
http://www.inserm.fr/thematiques/sante-publique/dossiers-d-information/activite-physique
- Conseils pratiques pour les aînés (65 ans et plus)
http://www.phac-aspc.gc.ca/hp-ps/hl-mvs/pa-ap/08paap-fra.php
- Video: dưỡng sinh thể dục bài tập gậy ngắn
http://www.youtube.com/watch?v=bnMC7wX9lmo
- Video: Fitness seniors
http://www.youtube.com/watch?v=Cdd6vP3P7VA

14/6/13

Lời trăn trối của một người cha

Đây là một lá thư riêng của Ông Tôn Vận Tuyền, Viện trưởng viên Quốc Gia Hành Chánh, một chánh khách nổi tiếng Trung Hoa Dân Quốc (Đài Loan) gởi cho các con của ông lúc ông còn sống. Bây giờ mới thấy lưu hành trên mạng Internet, được nhiều phụ huynh đọc với nhiều cảm xúc sâu đậm. 
 Huy&Nghi, post lên đây để quý vị và các con cháu mình cùng đọc và…

______________________________________________

Tôn Vận Tuyền để lại những lời căn dặn như sau:

Các Con thân mến,

Viết những điều căn dặn nầy, cha dựa trên 3 nguyên tắc như sau:

     1. Đời sống là vô thường, không ai biết trước mình sống được bao lâu, có những việc cần  nếu được nói ra sớm để hiểu thì hay hơn.

     2. Cha là cha của các con, nếu cha không nói ra thì chắc không ai nói với các con những việc này đâu!

     3. Những điều căn dặn để ghi nhớ này là kết quả bao kinh nghiệm xương máu, thất bại đắng cay trong cuộc đời của bản thân mà cha ghi nhận được, nó sẽ giúp các con không phạm những nhầm lẫn có thể tránh được trên con đường trưởng thành của các con.

    
Dưới đây là những điều nên ghi nhớ trong cuộc đời :

     1. Nếu có người đối xử không tốt với con, đừng thèm để tâm cho mất thời giờ. Trong cuộc đời nầy, không ai có bổn phận phải đối xử tốt  với con cả, ngoại trừ cha và mẹ của các con. Nếu có người đối xử tốt với con, ngoài việc các con phải biết ơn, trân quý, các con cũng nên thận trọng một chút, vì người đời thường làm việc gì cũng có mục đích của nó, chớ có vội vàng cho là bạn tốt của mình ngay.

     2. Không có người nào mà không thể thay thế được cả, không có vật gì mà nhất thiết phải sở hữu, bám chặt lấy nó. Nếu hiểu rõ được nguyên lý này, thì sau này trong cuộc đời, lỡ người bạn đời không còn muốn cùng đi trọn cuộc đời, hay vì lý do gì con bị mất đi những gì trân quý nhất trong đời con, thì cũng nên hiểu, đó cũng không phải là chuyện trời sập.

     3. Đời người ngắn ngủi, nếu hôm nay ta để lãng phí thời gian, mai đây hiểu được thì thấy rằng quãng đời đó đã vĩnh viễn mất rồi!  Cho nên, nếu ta càng biết trân quý sinh mạng của mình càng sớm, thì ta được tận hưởng cuộc đời mình càng nhiều hơn. Trông mong được sống trường thọ, chi bằng mình cứ tận hưởng cuộc đời mình ngay từ bây giờ.

     4. Trên đời này chẳng hề có chuyện yêu thương bất diệt. Ái tình chẳng qua chỉ là một cảm xúc nhất thời, cảm giác này, tuyệt đối sẽ theo thời gian, hoàn cảnh mà biến thiên, thay đổi. Nếu người yêu bất diệt rời bỏ con rồi, hãy chịu khó nhẫn nại một chút, để thời gian dần dần trôi qua, để tâm tư mình từ từ lắng đọng, cái đau khổ cũng sẽ từ từ nhạt nhòa đi. Không nên cứ ôm ấp cái ảo ảnh yêu thương mãi, cũng không nên quá bi lụy vì thất tình.

     5. Tuy có nhiều người trên thế giới này thành công, nổi tiếng mà chẳng có học hành gì nhiều, chẳng có bằng cấp cao, nhưng điều đó không có nghĩa là không cần học hành cũng sẽ thành công. Kiến thức đạt được do việc học hành, giáo dục là vũ khí trong tay của mình. Ta có thể lập nên sự nghiệp với bàn tay trắng, nhưng không thể trong tay không có gì. Nên nhớ kỹ điều này!

     6. Cha không yêu cầu các con phải phụng dưỡng cha trong quãng đời còn lại của cha sau nầy. Ngược lại, cha cũng không thể bảo bọc quãng đời sau này của các con. Lúc các con đã trưởng thành, độc lập, đó cũng là lúc cha đã làm tròn bổn phận của cha. Sau này các con có đi xe bus công cộng hay đi xe hơi nhà, các con ăn soup vi cá hay ăn mì gói, đều là trách nhiệm của các con.

     7. Các con có thể yêu cầu mình phải giữ chữ TÍN, nhưng không thể bắt người khác phải giữ chữ TÍN với mình. Các con có thể yêu cầu mình phải đối xử TỐT với người khác, nhưng không thể kỳ vọng người khác phải đối xử tốt với mình. Mình đối xử với người ta như thế nào, không có nghĩa là nguời ta sẽ đối xử lại với mình như thế ấy. Nếu không hiểu rõ được điều nầy, sẽ tự chuốc lấy buồn phiền cho mình.

     8. Trong mười mấy, hai mươi năm nay, cha tuần nào cũng mua vé số, nhưng vẫn  nghèo trắng tay, điều này chứng tỏ muốn giàu có, phải siêng năng làm ăn mới  khá được. Trên thế gian này không có cái gì miễn phí cả.

     9. Sum họp gia đình, thân thích đều là duyên phận, bất luận trong kiếp nầy chúng ta sống chung với nhau được bao lâu, như thế nào, nên trân quý khoảng thời gian chúng ta được chung sống với nhau.  Kiếp sau, dù ta có thương hay không thương, cũng không có dịp gặp lại nhau đâu.