30/6/13

 Chuyện bảo vệ nhân phẩm ở Đức


TS. Nguyễn Minh Tuấn

Từ những đau thương và những trải nghiệm từ lịch sử, người Đức đã nhận thức được sâu sắc lý do vì sao cần phải bảo vệ nhân phẩm.
Sau chiến tranh thế giới thứ hai, xây dựng lại đất nước từ trong hoang tàn, đổ nát, có lẽ nhân dân Đức là những người thấu hiểu hơn ai hết sự bạo tàn của chiến tranh, sự phi nhân tính của chủ nghĩa phát xít, cũng như hệ quả đau thương mà nó gây ra. Họ cũng là những người thấu hiểu việc bảo vệ phẩm giá của con người quan trọng và cần thiết như thế nào.
Qui định đầu tiên, trang trọng nhất của Luật cơ bản (Hiến pháp) của Đức là qui định về nhân phẩm: “Nhân phẩm là bất khả xâm phạm” (Điều 1 Khoản 1).[1] Đặc biệt, thông qua qui định của Điều 79 Khoản 3 Hiến pháp, vấn đề nhân phẩm là bất khả xâm phạm tại Điều 1 Hiến pháp này đã được vĩnh viễn hóa, trở thành một trong những giá trị cao nhất của Hiến pháp Đức. Theo đó, trong mọi trường hợp, qui định “nhân phẩm” tại Điều 1 là không thể sửa đổi.
Chỉ có một câu duy nhất: “Nhân phẩm là bất khả xâm phạm”, nhưng qui định này đã phản ánh đầy đủ tính nhân bản, tính dân tộc và tính thời đại của Hiến pháp Đức. Cũng chỉ bằng một câu duy nhất ấy, người ta có thể thấy được người Đức trân trọng nhất điều gì, đồng thời cũng cho thấy giá trị mà họ muốn hướng tới, muốn bảo vệ là gì.
Theo Giáo sư Luật Hiến pháp Günter Dürig, nhân phẩm qui định ở Điều 1 Khoản 1 Hiến pháp Đức không phải là một quyền cơ bản đơn thuần, mà là giá trị khách quan, cao nhất của Hiến pháp, là qui tắc ràng buộc toàn bộ mục đích, nhiệm vụ và hành vi của công quyền. Nhân phẩm bị xâm phạm, khi cơ quan nhà nước hoặc người có thẩm quyền hành xử với con người như một vật thể đơn thuần (bloßes Objekt).[2] Những hành vi của công quyền như bắt người làm nô lệ, tra tấn, phân biệt đối xử, làm nhục, từ chối cung cấp những điều kiện sống tối thiểu của một con người…đều là những hành vi xâm phạm nhân phẩm và vi hiến.
Ở Đức, không một lý do nào có thể biện minh cho việc chà đạp lên phẩm giá của con người, ở bất kỳ hình thức nào. Tất cả mọi người đều được bảo vệ nhân phẩm, không phân biệt người đó là ai, trẻ em hay người trưởng thành, người bị tâm thần hay tội phạm, thậm chí không phụ thuộc vào việc chủ thể đó có nhận thức được về nhân phẩm của mình và nhận thức chúng cần phải được bảo vệ hay không.[3]
Không chỉ việc tử hình bị coi là vi phạm nhân phẩm con người[4], mà ngay cả hình phạt tù chung thân (die lebenslange Freiheitsstrafe) không chú ý đến khả năng hoàn lương của con người cũng bị coi là vi phạm nhân phẩm ở Đức. Tòa án hiến pháp liên bang Đức vào năm 1977 đã ra phán quyết rằng áp dụng hình phạt tù chung thân mà không tạo khả năng giảm án là vi hiến, vì xâm phạm nhân phẩm của con người. Ngày nay ở Đức, một người tù thụ án tù chung thân có thể được giảm án, nếu cải tạo tốt, nhưng sớm nhất là không dưới 15 năm tù giam.[5]
Một ví dụ khác: Xuất phát từ nhu cầu thực tế phòng chống nạn khủng bố, đặc biệt là từ vụ việc ngày 11/9 ở Mỹ năm 2001, vào năm 2005, Nghị viện liên bang Đức đã thông qua Luật an toàn hàng không. Theo Điều 14 Khoản 3 của đạo luật này, trong những trường hợp nghiêm trọng, khẩn cấp, cơ quan an ninh quốc gia được phép bắn vào máy bay dân dụng mà kẻ khủng bố sử dụng làm công cụ khủng bố. Tòa án hiến pháp liên bang trong phán quyết ngày 15/2/2006 đã cho rằng: Qui định này cho phép công quyền coi việc giết người vô tội là công cụ để cứu người khác. Việc giết hại một số ít người vô tội để cứu một số lượng người lớn hơn không thể được hợp pháp hóa, đó chẳng khác gì việc coi con người là một “vật thể đơn thuần”. Qui định này là vi hiến, do xâm phạm đến nhân phẩm và quyền được sống của con người.[6]
Cũng liên quan đến vấn đề nhân phẩm của con người, vào năm 1979, ở Đức có một vụ án như sau: Sau khi tiến hành phẫu thuật chuyển giới, B đã đệ đơn đề nghị cơ quan hộ tịch thành phố X tiến hành công nhận việc thay đổi giới tính từ nam sang nữ cho mình, nhưng đã bị cơ quan này từ chối yêu cầu của B. Thời điểm đó ở Đức cũng chưa có Luật cho phép việc chuyển giới. Quan điểm của Tòa án tối cao liên bang là vì chưa có luật nên việc cơ quan hộ tịch từ chối là đúng, nhưng Tòa án Hiến pháp liên bang Đức lại phản bác và kết luận cho rằng: Nhân phẩm con người là giá trị cao nhất, mọi người đều được quyền yêu cầu công nhận giới tính thật của mình, đó thuộc về nhân phẩm con người. Việc cơ quan hộ tịch từ chối đơn đề nghị của B là hành vi vi hiến.[7] Sau đó khoảng một năm, vào ngày 10/9/1980, đạo luật về chuyển giới (Transsexuellengesetz) đã được Nghị viện thông qua, chính thức hợp pháp hóa về phương diện luật việc chuyển đổi giới tính.
Ngày nay, nhiều vấn đề xoay quanh nhân phẩm của con người vẫn gây rất nhiều tranh cãi ở Đức. Chẳng hạn, vấn đề: có nên cho phép việc nạo phá thai hay không. Đạo luật cho phép nạo phá thai đầu tiên của Đức năm 1975 đã bị tuyên vi hiến, do Tòa án tuyên bố rằng bào thai đã thành thai cũng thuộc đối tượng bảo vệ của nhân phẩm. Theo Bộ luật hình sự Đức hiện hành, việc nạo phá thai là bất hợp pháp[8], trừ khi có những bằng chứng cụ thể, được qui định tại Điều 219 Khoản 1 Bộ luật này.
Vấn đề bác sĩ có nên công bố cho người mẹ mang thai về những dị tật bẩm sinh của bào thai hay không cũng là vấn đề có những quan điểm trái ngược nhau. Quan điểm đồng tình thì cho rằng việc thông báo này liên quan trực tiếp đến lợi ích của xã hội, của cha mẹ và của chính đứa trẻ. Cha mẹ có quyền được biết về những dị tật của bào thai, để sớm đưa ra quyết định. Những trẻ em dị tật ra đời nhiều khi là khổ đau cho chính trẻ em và là gánh nặng cho xã hội.[9]
Quan điểm phản đối cho rằng: Không có gì cao hơn nhân phẩm của con người. Bào thai đã thành thai cũng là đối tượng cần phải được bảo vệ về nhân phẩm. Quyền được sống của một đứa trẻ bị dị tật cũng không kém giá trị hơn quyền được sống của một đứa trẻ không bị dị tật. Việc thông báo về dị tật của bào thai là vi phạm y đức và sẽ có tác động xấu đối với xã hội, làm gia tăng tỉ lệ nạo phá thai. Hay nói cách khác, không có bất kỳ ai có quyền tước đi quyền được sống của một đứa trẻ, cho dù đứa trẻ đó bị dị tật.[10]
Cũng liên quan đến vấn đề này, hiện nay việc có nên cho phép nghiên cứu tế bào gốc (Stammzellenforschung) hay không ở Đức cũng có nhiều ý kiến khác nhau. Việc nghiên cứu tế bào gốc, cấy ghép tế bào thai nhi vẫn bị cấm theo Điều 2, Điều 8 Luật bảo vệ tế bào gốc (ESchG - Gesetz zum Schutz von Embryonen). Từ góc độ luật hiến pháp, bào thai cũng là đối tượng cần phải được bảo vệ về nhân phẩm theo Điều 1 Khoản 1 Hiến pháp.
Tuy nhiên cũng có nhiều ý kiến phản đối qui định này. Theo kết quả nghiên cứu của khoa học hiện đại: Tế bào thần kinh là loại tế bào khi đã chết đi thì sẽ không có khả năng phục hồi và tái sinh. Tuy nhiên, nhiều nhà khoa học khẳng định rằng việc nghiên cứu, cấy ghép tế bào bào thai, tế bào gốc và liệu pháp gen để thay thế các tế bào thần kinh đã chết sẽ là một hướng đi nhiều hứa hẹn để giải quyết vấn đề này. Việc ngăn cấm nghiên cứu tế bào gốc, hay cấy ghép tế bào thai nhi là vi phạm quyền tự do trong nghiên cứu khoa học.[11]
Vấn đề nhân phẩm ngày nay ở Đức không những được tranh luận ở tất cả các góc độ từ triết học, sinh học, đạo đức học, y học, luật học…mà còn được hiểu và hiện thực hóa ở một phạm vi rất rộng. Theo phán quyết ngày 9/2/2010, Tòa án hiến pháp liên bang đã khẳng định rằng Luật trợ cấp xã hội (Hartz IV Gesetz) ra đời là bắt nguồn từ nguyên tắc bảo vệ nhân phẩm tại Điều 1 Khoản 1 Hiến pháp và nguyên tắc nhà nước xã hội (Sozialstaatprinzip).[12] Đạo luật này qui định rằng nhà nước có trách nhiệm đảm bảo một mức sống tối thiểu đối với tất cả mọi người, đồng thời qui định cụ thể những đối tượng nào, trường hợp nào thì được hưởng trợ cấp xã hội.
Theo Tòa án hiến pháp liên bang, nhân phẩm sẽ không có giá trị ràng buộc trách nhiệm của nhà nước, nếu như điều kiện sống tối thiểu của một con người cụ thể không được đảm bảo. Chế độ trợ cấp xã hội ở Đức hiện nay được đánh giá là rất tiến bộ, chế độ này ra đời xuất phát từ lý do căn bản là nhằm bảo vệ nhân phẩm con người, tạo sự bình đẳng về cơ hội và điều kiện phát triển tốt nhất cho con người.
Tóm lại, từ những đau thương và những trải nghiệm từ lịch sử, người Đức đã nhận thức được sâu sắc lý do vì sao cần phải bảo vệ nhân phẩm. Nhân phẩm vừa là điểm khởi đầu, nhưng cũng vừa là mục đích cuối cùng của Hiến pháp Đức. Tất cả các qui định khác trong Hiến pháp từ vấn đề các quyền cơ bản cụ thể, đến cơ chế phân công quyền lực, bảo vệ Hiến pháp… suy đến cùng cũng vì con người và bảo vệ phẩm giá của con người. Câu chuyện nhân phẩm là vấn đề cũ, nhưng vẫn sẽ luôn mới, vừa là câu chuyện của hôm qua, nhưng cũng là câu chuyện của hôm nay và ngày mai, vừa là vấn đề lịch sử, văn hóa, sinh học, nhưng cũng vừa là vấn đề mang tính thời đại của Hiến pháp.
Đã đăng trên Tuần Việt Nam, ngày 27/6/2013
________________________

Chú thích:

[1] Điều 1 Khoản 1 Câu 1 Hiến pháp Đức qui định: “Nhân phẩm là bất khả xâm phạm”. Tòa án Hiến pháp liên bang Đức coi nhân phẩm là giá trị cao nhất của Hiến pháp Đức, không có bất kỳ giá trị nào cao hơn nhân phẩm. Xem: BverfGE 32, 98 (108); 50, 166 (175); 54, 341 (357).
[2] Günter Dürig, in Theodor Maunz/Ders.: Grundgesetz, 1958, Art. 1 Abs. 1 Rn. 28, 34. Sau này định nghĩa về nhân phẩm của Dürig đã được Tòa án hiến pháp liên bang Đức thừa nhận trở thành định nghĩa có tính chuẩn mực ở Đức. Xem thêm: BVerfGE 27, 1 (6); 28, 386 (391); 45, 187 (228).
[3] BverfGE 39, 1 (41 f.).
[4] Theo Điều 102 Hiến pháp Đức, hình phạt tử hình đã bị bãi bỏ.
[5] Xem Điều 57 a, Bộ luật Hình sự Đức.
[6] BverfGE 357, 05 (05 f.).
[7] BverfGE 49, 286, (301 f).
[8] Xem các Điều từ Điều 218 Bộ luật hình sự Đức.
[9] Xem thêm: Manssen, Staatsrecht II – Grundrechte, 9. Aufl., 2012, Rn. 220.
[10] Đây cũng là quan điểm chính thức của Tòa án hiến pháp liên bang Đức. Xem: BVerfGE 88, 203 (296).
[11] Xem thêm: Manssen, Staatsrecht II – Grundrechte, 9. Aufl., 2012, Rn. 221 f.
[12] BverfGE 125, 175 ff.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét