16/6/13

 Nên Thay Đổi Cách Sống Để Có Sức Khỏe

                                                                                    Nguyễn Thượng Chánh, DVM
Ngành y tế của các quốc gia kỹ nghệ nói chung đang đối đầu thường xuyên với tình trạng cần phải gia tăng ngân sách y tế một cách liên tục.
Để giải thích, các nhà khoa học cho biết rằng, có thể có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên, chẳng hạn như sự kiện tuổi thọ càng ngày càng cao hơn xưa, cho nên bệnh tật cũng phải nhiều hơn…

Gần đây, Tổ chức Y tế Thế giới WHO và US Surgeon General, có đưa ra nhận xét đáng cho chúng ta suy nghĩ…
Hai tổ chức này cho biết, là sự kiện con người càng ngày càng thọ, sống dai hơn xưa hay lão hóa tốt chỉ là một trong nhiều lý do mà thôi, nhưng thật ra nó không đóng một vai trò đáng kể trong vấn đề làm gia tăng y tế phí.
Chính cách sống của chúng ta mới thật sự là vấn đề cần phải được mọi người quan tâm đến.
Những số liệu mới nhất của Tổ chức y tế Thế giới cho thấy những bệnh thường hay gặp trong dân gian như bệnh tiểu đường type II, béo phì, bệnh cao máu (tăng huyết áp), bệnh về mạch vành và một vài loại bệnh cancer(Ung thư) thường được xem như là những bệnh có liên hệ mật thiết tới cách sống của chúng ta, thí dụ như ù lì thiếu vận động, dinh dưỡng không đúng, lạm dụng thuốc lá và lạm dụng rượu…
Chỉ riêng bốn nguyên nhân vừa kể cũng đủ làm gia tăng ngân sách y tế của Hoa kỳ lên hơn 60% một năm.
Cơ quan Centers for Disease Control and Prevention gần đây có đưa ra một phúc trình không mấy lạc quan cảnh giác mọi người về vấn đề béo phì và dư cân do việc ăn uống không cẩn thận, không đúng phép dinh dưỡng cộng thêm sự thiếu vận động có thể sẽ trở nên những nguyên nhân chính của tử vong tại Hoa kỳ.
Riêng trong khoảng muời năm từ 1990 đến 2000, chỉ riêng hai nguyên nhân vừa kể cũng đã làm tăng tổng số tử vong từ 14 lên 16,6%.
Đây là một sự gia tăng mạnh nhất trong số tất cả nguyên nhân gây tử vong tại Hoa Kỳ.
Nói rõ ra là không phải chỉ có vi khuẩn mới hại chúng ta, nhưng quan trọng hơn thế nữa là chính cách sống của chúng ta đã giết chúng ta.
Theo các nhà khảo cứu của Harvard Medical School cho biết, phản ứng thường tình của các bác sĩ trước một dịch bệnh mạn tính (bắt nguồn từ tình trạng béo phì chẳng hạn), là họ tìm cách đem áp dụng các kỹ thuật tân kỳ nhất về chẫn đoán và trị liệu nhằm mục đích ổn định những khía cạnh lâm sàng quá rõ rệt.
Đây có nghĩa là trị ngọn chớ không trị tận gốc của vấn đề.
Nghiên cứu đã cho biết có sự liên quan mật thiết giữa một nếp sống thiếu vận động với sự xuất hiện của những bệnh mạn tính tại các quốc gia kỹ nghệ
Thật vậy, một trong nhiều phương cách phòng ngừa cấp một (primary prevention) có thể bắt đầu bằng việc cho tăng thêm giờ thể dục tại các trường tiểu học và trung học.
Được vậy, nếp sống của giới trẻ sẽ được cải thiện tốt đẹp thêm hơn và sẽ giúp các em có một thói quen trở nên linh động hơn trong đời sống.
Đây cũng là khuyến cáo của Tổ chức Y Tế Thế Giới, về sự lợi ích của việc cần phải cho tăng thêm giờ thể dục tại các học đường.
Tại sao chúng ta cần phải vận động?

vận động (ảnh NTC)
1- Tốt cho tim mạch: Vận động, thể dục thể thao giúp cho tim được khỏe mạnh, giảm nguy cơ các bệnh về tim mạch, giúp điều hòa hoặc làm giảm áp huyết động mạch, nhờ vậy giảm nguy cơ bị tai biến mạch máu não.
2- Giảm mập và béo phì:Vận động thường xuyên sẽ làm tiêu mỡ, làm giảm cholesterol xấu LDL, giảm chất béo xấu triglyceride, tăng cholesterol tốt HDL.
Vận động, tập thể dục và chơi thể thao cộng với một sự dinh dưỡng thích nghi sẽ giúp vào việc làm giảm cân một cách hiệu quả.
3- Giảm nguy cơ xuất hiện bệnh tiểu đường loại II, hoặc làm giảm thiểu triệu chứng của nó: Vận động và tập thể dục thường xuyên sẽ làm tăng sự tiêu thụ đường glucose trong máu bằng cách gia tăng sự hấp thụ đường từ máu vào trong các tế bào.
4- Tốt cho phổi: Vận động thường xuyên sẽ giúp cho việc hô hấp được tốt hơn, phổi được khỏe và làm tăng dung lượng oxy đem vào cho các hoạt động biến dưỡng của cơ thể.
5- Giảm đau lưng: Vận động đúng cách giúp vào việc tăng thêm thể lực và sức chịu đựng của các bắp cơ vùng lưng, giãn gân giãn cốt, đồng thời giúp các khớp xương được dẻo dai và chuyển động được dễ dàng hơn.
6- Ngừa được chứng loãng xương (osteoporosis): Vận động và tập thể dục thường xuyên, nhất là các môn thể dục nặng như cử tạ chẳng hạn sẽ giúp vào việc tạo xương và làm tăng mật độ xương lên.
7- Có thể làm giảm nguy cơ xuất hiện của một số cancers( ung thư): Như cancer tiền liệt tuyến, cancer tử cung và cancer vú.
8- Giúp tinh thần bớt căng thẳng, giảm stress, bớt tình trạng trầm cảm và chán đời:
Việc vận động và tập thể dục thường xuyên, nhất là tập cho đổ mồ hôi sẽ khiến não tiết ra nhiều serotonin và dopamine. Hai chất nầy giúp chúng ta bớt phiền muộn và trở nên yêu đời và tự tin hơn. Sự gia tăng chất dopamine trong não còn có khả năng giúp phòng ngừa bệnh Parkinson nữa. Ở những người thường hay bị suy nhược tinh thần và hay chán đời, nồng độ serotonin và dopamine trong máu của họ ở một mức rất thấp.
9- Tạo ra cảm giác thật sảng khoái, dễ chịu:Sau một buổi tập thể dục khá lâu và mệt nhọc toát mồ hôi, não sẽ tiết ra chất beta endorphin, đây là một loại ma túy còn được gọi là morphin thiên nhiên giúp chúng ta bớt đau nhức, giảm mệt và cùng với chất serotonin tạo một cảm giác sảng khoái khỏe khoắn vô cùng tận. Sau khi tắm xong, bảo đảm là bạn sẽ cảm thấy đói bụng ăn cơm rất ngon và ngủ thẳng giấc.
Thế nào là vận động?

Vận động là không có ngồi lì một chỗ, mà phải đi đứng, nhúc nhích thường xuyên.
Nếu có dịp đi bộ thì nên đi bộ. Trong các thương xá, trong metro, thay vì đi thang máy chúng ta nên chọn cầu thang thường để đi lên hoặc đi xuống.
Tập thể dục cũng có nhiều phương pháp. Tùy theo tình trạng sức khỏe và tuổi tác của mỗi người mà mình áp dụng một môn thể dục thích nghi.
Tài chi, khí công, yoga, aerobic, múa, khiêu vũ, bơi lội, đạp xe máy, quần vợt, bóng bàn, vũ cầu, đánh golf, chơi banh, chạy bộ jogging, .v..v… tất cả đều tốt cho sức khỏe.
Đi bộ, nhất là đi nhanh, là môn dễ nhất và rất tốt cho tim mạch, đặc biệt là đối với các bạn khá lớn tuổi. Muốn đạt được kết quả tốt thì cần phải có sự chuyên cần và phải tập luyện thường xuyên và đều đặn.
Mỗi ngày tập một giờ là lý tưởng nhất, còn không thì hãy cố gắng tập 3 ngày trong một tuần lễ và mỗi ngày tối thiểu là 30 phút. Ngoài ra làm vườn, cắt cỏ, xúc tuyết (làm vừa sức mình), đổ rác, quét nhà, hút bụi, rửa xe cũng như xách giỏ, đẩy xe trong siêu thị, đều là vận động và rất thư giãn.
Tất cả đều rất tốt cho sức khỏe thể xác và cả cho sức khỏe tinh thần nữa!.
Đi bộ rất thích hợp cho những người cao tuổi
Đi bộ, nhứt là đi nhanh rất được khuyến khích.
Đi bộ lảm giảm mỡ, xóa đi mọi ưu phiền, mọi căng thẳng tinh thần stress, cũng như giúp cải thiện chức năng hệ tim mạch.
Cần nhất là phải có một đôi giày cho tốt và cho êm chân.
Tùy theo sức khỏe của mỗi người mà đi. Mỗi ngày nên đi một giờ, và đi đều đặn 7 ngày trong tuần là tốt nhứt.
Chạy bộ rất thích hợp cho những người còn sức khỏe
Nếu sức khỏe khá, không có vấn đề tim hay đau đầu gối thì chạy bộ cũng rất tốt.
Nên chạy đều đặn mỗi ngày.
Lúc chạy giữ đầu cho thẳng, chạy vừa sức mình, thong thả, không tréo tay trước ngực lúc chạy…
Vừa chạy vừa có thể nói chuyện với người khác mà không cảm thấy đứt hơi.
Đó là vận tốc mà bạn cần phải giữ.
Luyện tập để tăng cường bắp cơ
Bên cạnh việc đi bộ và chạy bộ, cũng còn một lối tập khác không kém phần quan trọng.
Đó là vấn dề luyện tập để tăng cường các bắp cơ (musculature) cũng rất cần thiết đối với các bạn lớn tuổi.
Trong tình trạng bình thường thì bắt đầu vào tuổi 25 thì các khối cơ bắt đầu tan dần (sarcopénie) theo tỉ lệ trung bình 1% mỗi năm, và đặt biệt nhất là đối với những nhóm cơ nào ít hoạt động nhất.
Vào tuổi 50, chúng ta mất đi 25% khối cơ và được thay thế bằng mỡ, bởi lý do nầy sự biến dưỡng cơ bản của chúng ta bị đình trệ đi và chúng ta dễ bị mập ra.
Thật ra mỗi ngày có thể nói rằng hầu như tất cả các nhóm cơ trên thân thể ta bị khiếm dụng bởi những tiện nghi vật chất của thế kỷ 21… Nào là cầu thang máy tự động, xe hơi, xe gắn máy, ngồi lì bên computer, v.v…Tất cả những phát minh này giúp chúng ta khỏe đi nhiều, nhưng ngược lại cũng làm cho chúng ta làm biếng vận động!
Nên biết rằng khối cơ rất thiết yếu để giúp chúng ta giữ đuợc sự tự chủ về hoạt động trong một thời gian lâu dài.
Cơ teo, cơ yếu dễ bị té ngã.
Khoa học đã chứng minh rằng có một tương quan theo tỉ lệ ngịch giữa tử số bất kỳ một nguyên nhân nào và sức chịu đựng của lực cơ.
Tuổi già không phải là một trở ngại trong việc luyện tập các bắp thịt cho nở nang ra.
Nếu các bạn đang sống tại Bắc Mỹ, thì nên ghi tên theo học một khoá rèn luyện thể hình ở một club thể dục nào dó. Chúng ta sẽ được chỉ dẫn tường tận trong các cách tập luyện.
Khiêu vũ dưỡng sanh
Nói đến nhảy đầm hay khiêu vũ thì có một số người sẽ bĩu môi, nói thế nầy thế nọ vì mặc cảm, vì thành kiến…
Ngày nay xã hội đã thay đổi nhiều. Tại Việt Nam nhảy đầm không còn là món độc quyền của giới trẻ nữa.
Lớp người lớn tuổi hơn cũng nhảy đầm như điên cho vui đời và để cho ra vẻ mình cũng có nếp sống văn minh mới như mọi người vậy.
Rồi người tuổi tác cao thuộc tầng lớp ông bà ngoại, ông bà nội, 6-7 bó trở lên cũng nhào vô xạp xình bước tới bước lui ẹo qua ẹo lại trước để rèn luyện sức khỏe sau để cho vui tuổi già…
Đó là khiêu vũ dưỡng sanh.
"chịu chơi"

Nhảy đầm đã trở thành một cái mode, một lối giao tiếp xã hội cũng như là một lối thể dục rất tốt cho thể xác và cho tinh thần của những người tuy có tuổi nhưng lòng vẫn còn xuân…
Nhảy đầm giúp làm giảm thiểu nguy cơ các bệnh thoái hóa trí não, sa sút trí tuệ (dementia) mà đặc biệt là bệnh lú lẫn Alzeilhmer.
Science Daily April 10, 2009 có đăng bài Dance Your Way To Successful Aging (Nhảy Đầm Tốt Cho Tuổi Già). Gs Jonathan Skinner, thuộc Queen’s Univ. Belfast, Ireland, đã thực hiện một cuộc khảo cứu về vấn đề nhẩy đầm ở người cao tuổi và đã đưa ra những kết quả hết sức là lạc quan.
- Rất có lợi về mặt giao tiếp xã hội, bớt cảm thấy trống vắng cô đơn, ngừa được trầm cảm.
- Lợi ích về mặt thể chất. Nhảy đầm bắt buộc phải vận động cho nên giúp làm giảm bớt đau nhức xương cốt.
- Lợi ích về mặt thần kinh trí não (mental). Đọc sách, viết lách, gõ bài, đánh cờ, chơi Monopoly, Puzzles, chơi ô chữ cross words, mots croisés, đánh bài, chơi nhạc, karaoké và nhảy đầm dều là những hoạt động có tính cách kích thích trí não vì vậy giúp ngừa được một số bệnh tật và làm chậm phát triển các bệnh thoái hóa thần kinh, gây sa sút trí tuệ và lú lẫn.
- Nhảy Tango thường xuyên rất tốt để giúp cải thiện sự linh hoạt và cân bằng (balance) động tác ở những bệnh nhân Parkinson
- Nhảy Waltz giúp người đau tim mau hồi phục sau cơn bị heart attack, theo lời bác sĩ Ý. Associated Press. Nov 12,2006
Đừng quên Thở và Thiền cho đúng cách
“… Cứ đi đứng nằm ngồi, trong từng cử động, trong từng niệm khởi, trong từng cảm thọ… hãy cứ quan sát xem ai đang cử động, ai đang khởi niệm, ai đang cảm thọ. Tự nhiên, tâm mình sẽ lặng lẽ dễ dàng. Như thế, pháp Thiền Thoại Đầu này cũng thực sự là Tứ Niệm Xứ, vì là bạn đang niệm toàn thân, niệm toàn tâm và niệm toàn thọ. Hoặc là bạn nên Niệm Phật, tập lắng nghe từng danh hiệu ngài.
Một điều cần nói về Thiền, rằng bạn không cần phảỉ ngồi theo pháp kiết già hay bán già. Nhiều người ưa cầu toàn, cứ nhất định là phải ráng ngồi thế hoa sen như Phật mới được.
Một điểm khác biệt của một số giáo phái ngoại đạo chú trọng về thiền định: nhiều giáo phái yêu cầu học nhân trong khi ngồi Thiền phải lấy các ngón tay bịt mắt, bịt tai. Bạn có thể thử làm điều vừa nói, gần như ngay lập tức, bạn sẽ thấy có hào quang chớp chớp, dần dà sẽ sinh ra ảo giác về nhìn; cũng như sẽ thấy âm thanh vi vu bên tai, rồi sẽ có ảo giác về tai. Nhiều người cho đó là khai mở tâm nhãn hay tâm nhĩ. Thực ra, như thế sẽ dẫn tới bệnh cả (Ngưng trích Góp Ý về Cách Tiếp Cận-Cư Sĩ Nguyên Giác).
“… Thiền có thể làm ta được thảnh thơi, giải stress, mang lại sức khỏe, an lạc, hạnh phúc ư? Tin được không? Có cơ sở khoa học nào không? Trí thức sẽ hỏi. Đâu dễ tin.
Và câu trả lời là có. It ra là về mặt sinh học.
Thở chẳng phải trước hết là chuyện sinh học ư? Ta cần lấy Oxy từ bầu khí quyên đưa vào phổi, rồi máu mang Oxy đó đến từng tế bào trong cơ thể để tạo ra nặng lương cho sự sinh tồn và hoạt động của ta. Một người chạy đua 100m phải nín thở để chạy, đến nơi anh ta thở hào hễn vì phải trả “nợ Oxy” đã vay mượn trong lúc nín thở. Cơ thể ta lúc nào cũng ở trong tình trạng căng cứng để đi đứng nằm ngồi. Các cơ bắp luôn luôn co duỗi để giữ cho ta có một tư thế theo ý muốn. Sự căng cứng cơ bắp (tonus musculaire) đó tiêu thụ khoảng 40% năng lượng. Nếu có cách nào làm giảm sự căng cứng cơ ta sẽ tích lũy năng lượng đáng kể, cơ thể nhờ đó mà đỡ vất vả, sảng khoái hơn.
Riêng não bộ tuy chỉ chiếm có 2% thể trọng mà tiêu tốn đến 30% năng lượng.
Nếu có cách nào đó làm cho não bộ được nghỉ ngơi, tích lũy thêm một khối năng lượng đáng kể nữa, các tế bào nhờ đó mà đỡ vất vả, sảng khoái hơn! Sự sảng khoái đó trong thiền gọi là “thiền duyệt”. Câu hỏi đặt ra là tại sao não bộ lại xài phí tiêu hoang năng lượng nhiều đến vậy? Thì ra não lúc nào cũng ở trong trạng thái “điên cái đầu”, lúc nào cũng nghĩ ngợi lung tung, tâm viên ý mã! Trí thức- hoạt động trí não nhiều- càng dễ bãi hoãi, kiệt sức, quên trước quên sau, đến bác sĩ, bác sĩ chẩn đoán “mệt mỏi kinh niên không rõ nguyên nhân”, nghĩa là bí… Lúc say mê làm việc trí thức thường quên thở để sau đó lại hào hễn, trả nợ Oxy.
Thiền vừa làm giãn cơ, vừa làm lắng dịu các hoạt động lăng xăng của não, nhờ đó mà giúp cơ thể thảnh thơi, an lạc. Hoạt động thể chất sau đó sẽ bền bĩ hơn, suy tưởng sau đó sẽ tập trung hơn, sáng suốt hơn…” (Ngưng trích-Thở và Thiền-Bs Đổ Hồng Ngọc)
Kết luận
Vận động, thể dục, thể thao cũng như đem tiền gởi vô ngân hàng. Mổi ngày gởi vô trương mục một ít, sau vài năm thì vốn lời tích lủy lên rất mau lẹ mà mình không hay, và đấy là vốn sức khỏe đó..
Vận động, thể dục và thể thao là việc tối cần thiết cho mọi lứa tuổi bất luận là già hay trẻ nam hay nữ./
                                                                                              
Tham khảo:
- Cư Sĩ Nguyên Giác-Góp ý về cách tiếp cận
http://thuvienhoasen.org/D_1-2_2-93_4-10928/gop-y-ve-cach-tiep-can-cu-si-nguyen-giac.html
- Bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc. Thở và Thiền
http://thuvienhoasen.org/D_1-2_2-98_4-17220/tho-va-thien-bs-do-hong-ngoc.html
- Frank W Booth et als: waging war on modern chronic diseases: primary prevention through exercise biology; J. Appl.
Physiol vol.88,issue 2,774-787,Feb 2000.
http://jap.physiology.org/cgi/content/abstract/88/2/774
- Activité physique
http://www.inserm.fr/thematiques/sante-publique/dossiers-d-information/activite-physique
- Conseils pratiques pour les aînés (65 ans et plus)
http://www.phac-aspc.gc.ca/hp-ps/hl-mvs/pa-ap/08paap-fra.php
- Video: dưỡng sinh thể dục bài tập gậy ngắn
http://www.youtube.com/watch?v=bnMC7wX9lmo
- Video: Fitness seniors
http://www.youtube.com/watch?v=Cdd6vP3P7VA

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét