Lợi và hại của
xét nghiệm tìm Ung thư Tuyến Tiền liệt
Khoảng 20 năm trở lại đây, việc xét nghiệm ung
thư tuyến tiền liệt ở đàn ông đã trở nên rất phổ biến ở các nước phát triển.
Theo khuyến cáo của Hiệp hội Ung thư Hoa Kỳ vào năm 1993, đàn ông ở độ tuổi từ
50 trở lên nên đi xét nghiệm ung thư tuyến tiền liệt (hay còn gọi là PSA) định
kỳ hàng năm. Tuy nhiên, gần đây đã có những ý kiến khác cho rằng xét nghiệm này
là không cần thiết. Tranh cãi xung quanh mặt lợi và hại của PSA hiện vẫn còn
đang tiếp diễn và chưa ngã ngũ.
Với rất nhiều người đàn ông có độ tuổi từ 50
trở lên, việc thử PSA để phát hiện ung thư tuyến tiền liệt kết hợp trong kiểm
tra sức khỏe định kỳ hàng năm từ lâu đã trở nên hết sức quen thuộc, cũng giống
như thử mỡ máu vậy. Các bác sĩ chỉ đơn giản đánh dấu vào mục thử máu của người
đến khám và tự nhiên trong kết quả thử máu định kỳ sẽ có phần kết quả PSA. Nếu
PSA có dấu hiệu cao hơn mức cho phép, bác sĩ sẽ yêu cầu bệnh nhân tiến hành
thêm các xét nghiệm khác, mà trước nhất là thử sinh tiết để xác định có ung thư
hay không. Việc xét nghiệm xem chừng hết sức đơn giản nhưng những gì kéo theo
sau đó lại đang gây nhiều tranh cãi giữa các bác sĩ và nhà nghiên cứu.
Ảnh- internet |
Năm 1993, Hiệp hội Ung thư Hoa Kỳ đã khuyến
cáo đàn ông từ 50 trở lên nên đi thử PSA định kỳ hàng năm. Với những người có
nguy cơ cao như người Mỹ gốc Phi hoặc có người thân cùng huyết thống bị ung thư
tuyến tiền liệt, độ tuổi bắt đầu xét nghiệm PSA là 40. Tuy nhiên, đến năm 1997,
cũng chính Hiệp hội Ung thư Hoa Kỳ lại nói rằng người bệnh nên nói chuyện với
bác sĩ của mình trước khi quyết định có nên thử PSA hay không. Hiệp hội Ung thư
Hoa Kỳ cho rằng việc thử PSA dẫn đến nhiều điều hại hơn lợi ở đại đa số người
dân. Bác sĩ Otis Brawley, Giám đốc Y tế thuộc Hiệp hội Ung thư Hoa Kỳ cho
biết:
Có những mặt hại liên quan đến xét nghiệm ung
thư tuyến tiền liệt, trước hết là xét nghiệm này sai đến 80%. Có nhiều người
sau xét nghiệm này làm sinh tiết thì bị nhiễm trùng, có một số nhỏ người thậm
chí tử vong sau sinh tiết.
BS. Otis Brawley
BS. Otis Brawley: có những mặt hại liên quan đến xét nghiệm ung
thư tuyến tiền liệt, trước hết là xét nghiệm này sai đến 80%. Có nhiều người
sau xét nghiệm này làm sinh thiết thì bị nhiễm trùng, có một số nhỏ người thậm
chí tử vong sau sinh tiết. Có những người bị phát hiện ung thư không nguy hiểm
nhưng vẫn thực hiện các điều trị không cần thiết. Có khoảng 1 trong 100 đến 200
người qua phẫu thuật do ung thư tuyến tiền liệt đã tử vong sau đó. Khi chúng ta
nói đến cái hại thì rất nhiều nhưng khi nói đến cái lợi của xét nghiệm này thì
đó vẫn còn là một câu hỏi. Nó có thể cứu mạng người. Phần lớn các thử nghiệm
lâm sàng cho biết xét nghiệm không hẳn đã cứu được mạng người nhưng có cũng có
thể.
Vào năm 2012, Nhóm tư vấn của chính phủ Mỹ về
ngăn ngừa bệnh tật (US preventive Service Task Force) thậm chí còn chấm điểm sự
cần thiết của PSA là D và khuyên mọi người không nên thử PSA.
Theo báo cáo của nhóm này đăng tải trên tờ
Annals of Internal Medicine vào tháng 5 năm ngoái, cứ 1,000 người được thử PSA,
thì có 5 người bị chết trong vòng một tháng sau khi được phẫu thuật tuyến tiền
liệt và có khoảng từ 10 đến 70 người sẽ có những biến chứng phức tạp liên quan
sau đó. Có ít nhất 20 đến 30% người đã qua chiếu xạ, phẫu thuật ung thư và liệu
pháp hocmon, sẽ chịu những tác dụng phụ dài hạn liên quan đến khả năng tiểu
tiện, đại tiện, tình dục, ngực bị phát triển, bị nóng vã mồ hôi bất chợt. Dựa
trên những nghiên cứu này, nhóm tư vấn đi đến kết luận nhiều người chịu hại do thử
PSA hơn là những người được lợi.
Những chuyên gia ủng hộ quan niệm mới về PSA
gọi đây là một đứa con được quảng cáo quá mức.
Ngay sau khi kết luận này được đưa ra, Hiệp
hội tiết niệu học Hoa Kỳ lên tiếng phản đối, cho rằng khuyến nghị mới của nhóm
tư vấn là không hợp lý và vô trách nhiệm. Hiệp hội tiết niệu học cho rằng tỷ lệ
tử vong do ung thư tuyến tiền liệt đã giảm đáng kể tại Mỹ là do việc thử nghiệm
PSA được phổ biến. Nhóm này con đưa ra dẫn chứng là tỷ lệ tử vong do ung thư
tuyến tiền liệt đã giảm 40%, tỷ lệ người bị di căn giảm 80%.
PSA và ung thư tuyến tiền liệt
PSA là xét nghiệm để đo một loại protein sản
xuất ra trong tuyến tiền liệt, một tuyến trong hệ sinh dục của người đàn ông.
Nếu mức PSA cao hơn mức bình thường là 4 nanogram/ml thì bác sĩ sẽ tiến hành
bước xét nghiệm tiếp theo là kiểm tra xem tuyến tiền liệt có bị sưng to hay
không bằng cách đưa tay vào đường hậu môn. Tiếp theo đó sẽ là kiểm tra sinh
tiết, khi bác sĩ dùng kim lấy mẫu tế bào từ tuyến tiền liệt nằm bên trong bụng
bệnh nhân. Đây chính là khâu gây ra những đau đớn, khó chịu cho người bệnh vì
có thể dẫn đến chảy máu, nhiễm trùng, và 1% các trường hợp phải nhập viện.
Ung thư tuyến tiền liệt thường phát triển
chậm, tuy nhiên cũng có những trường hợp di căn và dẫn đến tử vong nhanh. Nói
về các triệu chứng của ung thư tuyến tiền liệt và sự cần thiết của xét nghiệm
PSA, bác sĩ Brawley cho biết:
BS. Otis Brawley: người gặp khó khăn khi tiểu tiện, thấy máu khi
xuất tinh hoặc tiểu tiện thì cần phải được kiểm tra xem có bị ung thư tuyến
tiền liệt hay không. 20 năm về trước Cơ quan Thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA)
chấp nhận PSA là xét nghiệm cần thiết đối với những người có những triệu chứng
này chứ không phải là xét nghiệm chung cho tất cả.
Tỷ lệ phát hiện ung thư tuyến tiền liệt cũng
khác nhau đối với các chủng tộc. Ở châu Á, tỷ lệ này thấp hơn ở châu Âu và Mỹ.
Trong khi đó, tại Mỹ, người gốc Phi có tỷ lệ ung thư tuyến tiền liệt sớm cao
hơn so với người da trắng.
20 năm về trước Cơ quan Thực phẩm và dược phẩm
Mỹ (FDA)chấp nhận PSA là xét nghiệm cần thiết đối với những người có những
triệu chứng này chứ không phải là xét nghiệm chung cho tất cả
bác sĩ Brawley
Với những người có người thân cùng huyết thống
bị ung thư tuyến tiền liệt, hiện các bác sĩ cũng không có câu trả lời dứt khoát
về khả năng họ có bị ung thư thuyến tiền liệt hay không. Bác sĩ Brawley nói:
BS. Otis Brawley: rất tiếc là chúng tôi không biết là xét nghiệm
PSA có tốt cho những người có người thân cùng huyết thống bị ung thư tuyến tiề
liệt trước đó. Chúng tôi không biết nó tốt hay không và tốt đến mức độ nào đối
với những người có nguy cơ ung thư tuyến tiền liệt cao.
Điểm đáng chú ý là ung thư tuyến tiền liệt
thường phát triển rất chậm và không nguy hiểm như các loại ung thư khác. Vì thế
có nhiều người lớn tuổi và chết vì các nguyên nhân khác thay vì nguyên nhân ung
thư tuyến tiền liệt mặc dù họ bị ung thư này.
Mặt khác, có những người có PSA cao hơn mức
bình thường nhưng sau khi đi xét nghiệm sinh tiết thì lại không phát hiện thấy
ung thư. 65 đến 75% những người có PSA cao sau khi làm sinh tiết không có ung
thư.
Trong khi đó, PSA cũng không giúp ích gì cho
người bị loại ung thư phát triển nhanh và đã di căn sang các phần khác của cơ
thể trước khi được phát hiện.
Cũng bởi những nguyên nhân này mà nhiều bác sĩ
hiện nay áp dụng cách theo dõi PSA định kỳ ở những người phát hiện có tế bào
ung thư tuyến tiền liệt thay vì áp dụng ngay các biện pháp tích cực như mổ bỏ
tuyến tiền liệt, chiếu xạ hoặc sử dụng liệu pháp hormone.
Người bệnh nên tự quyết định
Trong khi những tranh cãi về sự cần thiết về
xét nghiệm PSA vẫn chưa đến hồi kết thúc, các bác sĩ ngày càng ngả nhiều về một
hướng giải quyết khác là để người bệnh tự quyết định việc thử PSA sau khi nói
chuyện với bác sĩ của mình. Hiệp hội Ung thư Hoa Kỳ khuyến khích đàn ông từ 50
tuổi trở lên nên nói chuyên với bác sĩ gia đình về xét nghiệm này. Những người
có nguy cơ cao hơn nên bắt đầu thảo luận về xét nghiệm với bác sĩ ở độ tuổi từ
45.
Nói về sự cần thiết trong trao đổi thông tin
về PSA và chia sẻ quyết định, bác sĩ Paul Han, thuộc Trung tâm Y tế Maine,
Portland, cho biết:
BS. Paul Han: Bệnh nhân và thậm chí bác sĩ cũng có sự không
chắc chắn về việc có nên thử PSA hay không. Chúng ta đang ở trong một tình
huống là trong hơn 1 năm qua, ngày càng nhiều bác sĩ nói rằng chúng ta cần có
chia sẻ quyết định, bác sĩ và bệnh nhân cần nói chuyện với nhau về những cái
được và mất trong việc thử PSA. Ngày càng có nhiều bác sĩ, những người làm
nghiên cứu và làm luật cho rằng cần phải có sự chia sẻ giữa bệnh nhân và bác sĩ
nhiều hơn nữa liên quan đến việc thử PSA.
Trong hơn 1 năm qua, ngày càng nhiều bác sĩ
nói rằng chúng ta cần có chia sẻ quyết định, bác sĩ và bệnh nhân cần nói chuyện
với nhau về những cái được và mất trong việc thử PSA.
BS. Paul Han
Bác sĩ Han và các đồng nghiệp của mình đã thực
hiện một nghiên cứu gần đây trên 3,400 đàn ông từ độ tuổi 50 đến đầu 70 dựa
trên số liệu thống kê quốc gia năm 2010 về việc thử PSA. Kết quả cho thấy 64%
đàn ông được hỏi cho biết họ chưa bao giờ thảo luận với bác sĩ của mình về các
mặt lợi và hại của PSA. Theo nghiên cứu này thì có đến 44% người được hỏi cho
biết chưa bao giờ được thử PSA trong vòng 5 năm qua. Nguyên nhân được bác sĩ
Han giải thích như sau:
BS. Paul Han: Thường thì bệnh nhân không được thông báo là
họ được thử PSA. Các nghiên cứu khác đã chỉ ra rằng những người đã qua thử PSA
không hề biết mình được thử. Bác sĩ chỉ yêu cầu thử PSA đồng thời với một loạt
các xét nghiệm đơn thuần khác như thử cholesterol . Họ chỉ đánh dấu vào mục thử
PSA và không nói với bệnh nhân. Một lý do khác là mặc dù có những thông tin
trên truyền thông về PSA nhưng mọi người lại không biết việc thử này là một lựa
chọn làm hay không làm. Nghiên cứu của chúng tôi chỉ cho thấy bác sĩ cũng không
nêu vấn đề lên. Một trong những kết quả mới từ nghiên cứu của chúng tôi là
không chỉ có việc không được thông tin và bàn thảo để đưa ra quyết định về việc
làm thử nghiệm PSA giữa bệnh nhân và bác sĩ mà một vấn đề lớn hơn là có những
người không được thảo luận về thử nghiệm PSA và cũng không hề biết đến thử
nghiệm này và thậm chí không được thử vì họ không biết được sự cần thiết của
nó.
Theo bác sĩ Paul Han vấn đề hiện tại trong xét
nghiệm PSA chính là thông tin về xét nghiệm và bệnh ung thư tiền liệt mà người
bệnh có được. Trong khi xét nghiệm PSA không cần thiết với nhiều người, thì ở
một số người khác, PSA có thể là cần thiết. Điều quan trọng là người bệnh cần
phải có thông tin đầy đủ và tự đưa ra quyết định cho mình trước khi các nhà
khoa học có một câu trả lời khác cho mọi người về xét nghiệm ung thư tuyến tiền
liệt.
Việt Hà – theo FRA
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét