27/7/14

Ông Vũ Khoan đã “rửa tai”

Bùi Hoàng Tám/ Dân trí 
NQL: Đương chức đương quyền chẳng thấy ai chịu khó rửa tai cả. Đa số đều bịt tai để nín thở qua sông, số còn lại bịt tai hay rửa tai cũng vậy, máu lú đã ngấm toàn thân, họ hết khả năng tiếp nhận những gì trái tai. Bùi Hoàng Tám chúc mừng ông Vũ Khoan đã rửa tai. Sao không hỏi ổng tại sao bây giờ mới rửa tai? Tất cả những khuyết tật vĩ mô có từ thế hệ ông Vũ Khoan dồn đến thời nay cũng vì thời đó các ông đã không dám rửa tai, có phải thế không?

  Ông Vũ Khoan, nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ khi trả lời phỏng vấn báo Tuổi trẻ, bài “Làm dân mới được nghe thật lòng” ngày 9/7 đã có những dòng tâm sự rất hay: “Khi về “làm dân”, có thể tiếp xúc với nhiều tầng lớp xã hội khác nhau nên nghe được tiếng nói thật lòng”.

Câu nói này là chiêm nghiệm của một cuộc đời quan chức cộng với 7 năm về hưu mà không tham gia bất cứ một công việc gì để được… làm dân, để được nghe những lời nói thật từ nhân dân.

Nói lên điều này, cũng là day dứt, trăn trở của một người rất nặng lòng với đất nước.

Đọc câu nói trên của ông Vũ Khoan, không thể không nhắc đến một câu nói khá nổi tiếng của GS Hoàng Tụy, một nhà khoa học tài năng và trung thực, một nhân cách đầy tự hào của trí thức Việt Nam về bệnh dối trá trên Dân trí năm 2011: “Sự dối trá đang là mối nhục lớn”.

Lời nói của một nhà khoa học tầm cỡ thế giới, một người nổi tiếng bởi sự thẳng thắn không thể không làm mỗi chúng ta suy nghĩ. Sự dối trá thời nào và ở đâu cũng có nhưng vấn đề là nó xuất hiện với cường độ như thế nào và sự “lan tỏa” đến đâu.

Có thể nói, sự dối trá hiện nay trong xã hội không phải là hiếm mà nó là nhiều, thậm chí rất nhiều. Nó xuất hiện bất cứ lúc nào và ở bất cứ đâu dưới đủ mọi hình thức. Từ những việc đơn giản như buôn gian, bán lậu đến dối trá, lọc lừa, tham ô, tham nhũng và cao hơn là “tham nhũng chính sách” của lợi ích nhóm.

Muốn chống được sự dối trá, tất nhiên phương thuốc hữu hiệu trước hết là phải được nghe lời nói thật.

Thế nhưng, để được nghe những lời nói thật không phải dễ bởi muốn được nghe lời nói thật thì bản thân người nghe phải cầu thị và thật tâm muốn nghe. Nghe theo kiểu lấy lệ, đối phó thì sẽ nhận câu trả lời đối phó, lấy lệ. Đó là lẽ đời. 

Tiếp đến, như người xưa đã đúc kết, sự thật thường hay trái tai “Trung ngôn nghịch nhĩ” hay “Thuốc đắng dã tật, sự thật mất lòng”.  Người muốn nghe sự thật ngoài nhu cầu mong muốn tự thân, có tâm thì còn phải có bản lĩnh tiếp nhận những lời “nghịch nhĩ”. Bởi “Lời nói thật đã hơn một lần chết chém”. Những người thiếu bản lĩnh cũng không bao giờ được nghe những lời nói thật.

Song, tất cả những điều trên vẫn chưa đủ nếu như chưa có được sự tin cậy để sẻ chia. Người muốn nghe những lời trung thực trước hết phải là người trung thực, đáng tin cậy. Lời nói thật quý như vàng bạc, chẳng ai dại lại trao vào tay kẻ lừa đảo và dối trá.

Những người dối trên, lừa dưới, nói một đằng làm một nẻo càng không bao giờ được nghe những lời nói thật.

Có lần mình hỏi một bạn trẻ vì sao có thể nói dối trắng trợn như vậy thì nhận được câu trả lời rằng bởi ông ta thích nghe những điều đó và ông ta xứng đáng nhận những điều dối trá đó.

Mình chợt nhớ câu nói của Nhà báo Hữu Thọ trả lời trên báo Nhà báo & Công luận của Hội Nhà báo Việt Nam nhân dịp đầu năm mới Kỉ Sửu: “Sự thật nó không tự đến mà anh phải tìm đến nó. Rồi anh phải đủ niềm tin ở người ta thì người ta mới nói sự thật với anh. Anh cũng phải có đủ bản lĩnh để sàng lọc, tìm ra những thông tin chính xác. Muốn nghe được lời nói thật là phải công phu lắm, phải thành tâm lắm. Hãy rửa tai để nghe lời nói thật vì không có lời nói thật nào mà không có vị chua chát”.

Để được nghe những lời nói thật của dân hôm nay, nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan không chỉ về “làm dân” mà ông còn nhận được sự tin cậy của dân.

Xin chúc mừng ông Vũ Khoan vì ông đã “rửa tai” để tiếp cận sự thật.

 Theo Dân trí

.................

Thư giãn cuối tuầnMột clip hài hước về Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un

23/7/14

Vũ khí chiến lược dầu hỏa

Nguyễn Đình Phùng




Trong vòng ba năm nay, những tính toán về thế chiến lược địa dư toàn cầu đã bị một vũ khí chiến lược mới của Hoa Kỳ làm thay đổi hẳn cục diện. Đó là vũ khí dầu hỏa, một thứ vũ khí trước giờ làm Hoa Kỳ khốn đốn và bị lệ thuộc vào những quốc gia không mấy gì thân thiện với Hoa Kỳ nắm giữ như những xứ vùng Trung Đông, Venezuela và Nga. Nhưng thế cờ hiện nay đã bị lật ngược và Hoa Kỳ đã nắm thượng phong để có thể dùng dầu hỏa như một vũ khí chiến lược cho những tính toán mới cho chính trị địa dư toàn cầu.

Điều này xảy ra được hoàn toàn nhờ vào một kỹ thuật mới về đào dầu. Đây là phương cách tân tiến nhất dùng vệ tinh satellite để điều khiển mũi khoan dầu, đào sâu xuống nhiều dặm dưới lòng đất rồi tùy theo vị trí có thể quay ngang và đào bên cạnh gọi là horizontal drilling, tiến tới mục tiêu chính xác có thể chỉ nhỏ như một chiếc bánh xe! Trước kia việc đào dầu thường chỉ dùng những dữ kiện do địa chấn đem lại để tìm mỏ dầu và đào thử hàng chục lần mới được một lần trúng. Những lần đào hụt gọi là dry holes, tốn tiền nhiều và mất nhiều thời giờ để đào trúng mỏ dầu. Với những dữ kiện về địa chất do satellite technology và cách đào ngang horizontal drilling, việc đào hụt gặp dry holes không xảy ra nữa!


Nhưng việc sản xuất dầu hiện nay tại Hoa Kỳ thay đổi nhiều hơn cả là do việc lấy dầu từ đá gọi là shale oil. Dưới đáy của những mỏ dầu đã bơm ra gần cạn từ đầu thế kỷ 20 đến giờ, là những mỏ đá shale oil chứa dầu nằm lẫn trong đá. Dầu hỏa nằm trong đá này trước giờ không lấy ra được vì không chảy và không bơm lên được, gọi là dầu chặt, tight oils. Dung lượng của những mỏ dầu nằm trong shale oil còn nhiều hơn những mỏ dầu bơm lên dễ dàng trước kia, nhưng nay đã bơm cạn.

Kỹ thuật mới hiện tại là dùng cách đào như diễn tả trong đoạn trước và đào ngang horizontal drilling để tiến sâu vào những mỏ đá shale oil. Sau đó hàng ngàn gallons nước được bơm thẳng vào những vết nứt của mỏ đá shale oil này với áp suất cực mạnh. Dầu và khí đốt nằm trong đá được hút ra sau khi được nước bơm vào giải tỏa và được bơm thẳng lên trên mặt đất. Kỹ thuật này gọi là hydraulic fracturing, thường gọi tắt là fracking và hiện đang được áp dụng tại ba vùng có mỏ dầu shale oil lớn nhất Hoa Kỳ. Đó là vùng Bakken tại tiểu bang North Dakota, vùng Permian Basin gần Midland, Texas và vùng Eagle Ford tại phía Nam Texas.


Nhờ vào số lượng dầu bơm từ ba vùng này với kỹ thuật mới, mức sản xuất dầu của Hoa Kỳ đã tăng vọt từ 5 năm trở lại, nhưng tăng nhiều nhất là ba năm nay. Trong thập niên 60’s mức sản xuất dầu của Hoa Kỳ lên đến mức cao nhất và sau đó đi xuống dần. Năm 1970 là mức tột đỉnh với sản xuất dầu nội địa là 9.6 triệu thùng dầu một ngày. Sau đó các mỏ dầu nhất là tại vùng Texas cạn dần, cho đến năm 2008 chỉ còn sản xuất được 5 triệu thùng dầu một ngày. Nhưng từ năm 2011 đến 2014, mức sản xuất dầu hỏa nhờ vào kỹ thuật fracking đã làm tăng lên được 46%, chưa bao giờ tăng nhanh lên được như vậy kể từ giai đoạn 1921-1924, đúng 90 năm trước, lúc mới bắt đầu việc đào dầu tại Hoa Kỳ tạo ra các nhà tỷ phú như Rockefeller thời đó!

Năm 2013 mức sản xuất dầu của Hoa Kỳ là 7.5 triệu thùng dầu một ngày, với ước tính cho năm 2014 sẽ là 8.3 triệu thùng dầu sản xuất mỗi ngày. Với đà sản xuất này, theo cơ quan năng lượng quốc tế International Energy Agency, đến năm 2020, Hoa Kỳ sẽ qua mặt Saudi Arabia để sản xuất lên đến mức 11.6 triệu thùng dầu một ngày!

Như vậy điều rõ ràng nhất là Hoa Kỳ sẽ không cần đến Saudi Arabia như trước nữa! Xứ này từ trước đến nay nắm giữ quyền lực về dầu hỏa vì được coi là swing producer, tức có khả năng để ấn định giá cả cho dầu hỏa. Với mức bơm dầu nhiều nhất thế giới, Saudi Arabia chỉ việc bơm nhiều hơn hay ít hơn để xác định giá cả cho dầu hỏa và Hoa Kỳ lệ thuộc vào xứ này trên phương diện chiến lược. Như việc phải bảo vệ cho Saudi Arabia với các căn cứ quân sự tại đây cũng như đặt Đệ Ngũ hạm đội tại vùng Bahrain và tuần tiễu trên vùng Vịnh để giữ cho đường thủy chở dầu được lưu thông.

Trong chiến lược ngăn chặn Iran không cho quốc gia này chế tạo bom nguyên tử, ngoài việc bảo vệ Do Thái, Hoa Kỳ còn bị áp lực của Saudi Arabia. Lý do là hai xứ IranSaudi Arabia là hai kẻ thù không đội trời chung. Iran được coi như cầm đầu các xứ theo Shiite, trong khi Saudi Arabia là quán quân cho phe Sunni của Hồi Giáo. Thế chiến lược địa dư hiện nay tại vùng Trung Đông có thể coi như một cuộc tranh chấp đẫm máu giữa hai giáo phái Sunni và Shiite của Hồi Giáo. Hiện nay cuộc nội chiến tại Syria đã biến thể để thành chiến tranh giữa Shiite với phe của Assad và Iran ủng hộ, với phe Sunni của đa số dân Syria được Saudi Arabia và các vương quốc vùng Vịnh yểm trợ. Đây chính là lý do Saudi Arabia đã bất mãn đến cùng cực khi Tổng Thống Obama chùn chân không chịu cho tấn công Assad năm ngoái sau vụ thảm sát dân lành bằng vũ khí hóa học. Quốc Vương Abdullah của Saudi Arabia đã coi đây là một sự phản thùng của Obama, không chịu tiến tới trong việc yểm trợ phe Sunni để lật đổ Assad như Saudi Arabia đã mong muốn.

Tuy nhiên việc Obama trở mặt vào phút chót đối với Saudi Arabia đã cho thấy một điều rõ ràng. Là ảnh hưởng của Saudi Arabia đối với Hoa Kỳ đã không còn được như trước. Obama đã tính toán là vùng Trung Đông không còn giữ vai trò quan trọng như khi Hoa Kỳ bị lệ thuộc vào Saudi Arabia về dầu hỏa và cần phải giữ cho Saudi Arabia hài lòng bằng mọi giá, kể cả việc gây ra thêm một cuộc chiến tranh khác như tại Syria. Với mức dầu hỏa sản xuất tại Hoa Kỳ chỉ trong thời gian ngắn sắp đến sẽ làm Hoa Kỳ độc lập về dầu hỏa, Saudi Arabia đã mất đi thế đòn bẩy để áp lực Hoa Kỳ bằng dầu. Nên việc Obama trở mặt với vua Abdullah của Saudi Arabia trong vụ Syria vừa qua có thể coi như bước đầu trong thề chiến lược thay đổi của Hoa Kỳ tại vùng Trung Đông, khi Hoa Kỳ đã nắm được thế thượng phong với vũ khí chiến lược dầu hỏa.

Cũng thế, lý do để Iran phải chịu vào bàn thương thuyết với Hoa Kỳ về việc tinh luyện nhiên liệu uranium cho bom nguyên tử, cũng do Hoa Kỳ đã trên chân về vũ khí dầu hỏa. Iran trước giờ đe dọa sẽ cho phong tỏa eo biển Hormuz để chặn đường biển chở dầu hỏa từ các xứ vùng Vịnh, kể cả Saudi Arabia. Nhưng với Hoa Kỳ gia tăng mức sản xuất dầu do fracking, thế đòn bẫy này của Iran không còn nữa. Hoa Kỳ trong những năm của thời George Bush hay Clinton đã không thể dùng những biện pháp chế tài kinh tế khắt khe với Iran chỉ vì sợ Iran làm thật để phong tỏa eo biển Hormuz và làm rối loạn kinh tế toàn cầu khi giá dầu lên vài trăm Mỹ Kim một thùng.

Nhưng khi áp lực đòn bẫy này của Iran không còn nữa, Obama đã có thể cho áp dụng các biện pháp chế tài kinh tế khắt khe nhất mà không sợ Iran phản ứng lại. Điều làm cho Iran phải qui hàng và chịu vào bàn thương thuyết chính là đòn cô lập Iran về ngân hàng và tín dụng. Các ngân hàng trên toàn cầu không thể giao dịch với Iran nên xứ này bị loại ra khỏi hệ thống ngân hàng và tín dụng, không thể bán dầu lấy dollar được, chỉ có thể trao đổi hàng hóa với Trung Hoa, Ấn Độ….. nên đã bị thiệt hại nặng và sụp đổ kinh tế.

Như thế một khi Hoa Kỳ chiếm thế thượng phong trong vũ khí chiến lược dầu hỏa, các bài tính chiến lược của vùng Trung Đông đã phải thay đổi hết và đem lại những giải quyết cho vấn đề Iran nhức đầu cho Hoa Kỳ hàng bao nhiêu năm nay.

Trong cuộc khủng hoảng mới nhất hiện nay tại Ukraine, vũ khí chiến lược dầu hỏa và khí đốt cũng đã trở thành thế lực mạnh nhất cho các tính toán của Putin và Obama trong việc đối chọi giữa Nga và thế giới Tây Phương hiện nay. Hoa Kỳ và Âu Châu gần như đã chấp nhận cho Putin chiếm Crimea, nhưng muốn ngăn chặn những tham vọng kế tiếp của Putin là chiếm luôn miền phía Đông và Nam Ukraine, phân chia xứ này ra làm hai, nửa theo Nga, nửa theo Tây Âu. Putin có thế đòn bẫy là cung cấp khí đốt cho Âu Châu bằng các ống dẫn khí đốt này chạy ngang qua lãnh thổ Ukraine. Nếu Hoa Kỳ và Tây Âu làm dữ, nhất định trừng phạt Nga nặng nề hơn bằng các biện pháp kinh tế và loại Nga ra khỏi hệ thống ngân hàng và tín dụng, Putin có thể phản ứng lại bằng cách cho khóa các ống dẫn khí đốt này và 60% nhà cửa của Tây Âu sẽ lạnh cóng vì thiếu hơi đốt!

Ngoài ra Nga cũng là xứ sản xuất dầu và cung cấp cho Âu Châu nên ngoài khí đốt, dầu hỏa sẽ bị khan hiếm với giá tăng vọt cho dân chúng Âu Châu. Hoa Kỳ có thể cho xuất cảng hơi đốt sang Âu Châu bằng cách cho đông lạnh liquefied natural gas và dùng tầu tanker chở băng ngang qua Đại Tây Dương cung cấp cho khí đốt cho Âu Châu. Nhưng những cơ sở để làm đông lạnh hơi đốt tại Hoa Kỳ và các cơ cấu hạ tầng chưa có sẵn tại Hoa Kỳ và sẽ mất hai ba năm để có thể thay thế toàn bộ lượng khí đốt Âu Châu nhập cảng từ Nga.

Cũng thế tuy Hoa Kỳ trong tương lai có thể dư thừa dầu hỏa để xuất cảng sang Âu Châu. Nhưng hiện nay Hoa Kỳ vẫn còn lệnh cấm xuất cảng dầu do Quốc Hội Hoa Kỳ ban hành luật này từ đầu thập niên 70’s khi dân chúng Hoa Kỳ phải xếp hàng để mua xăng! Muốn xuất cảng dầu, Hoa Kỳ phải bỏ luật cấm này. Nhưng hiện vẫn còn bị kỹ nghệ lọc dầu chống đối và chưa ra luật được! Lý do là các nhà máy lọc dầu hưởng lợi do việc mua dầu sản xuất tại Hoa Kỳ giá rẻ, cho lọc dầu và bán với giá của thị trường toàn cầu cao hơn nhiều. Nếu bỏ luật cấm xuất cảng dầu, các nhà máy lọc dầu sẽ phải mua dầu sản xuất nội địa với giá cao hơn nên không còn lời nữa! Vì sự chống đối của các kỹ nghệ lọc dầu, đạo luật cấm xuất cảng dầu vẫn chưa bỏ được!

Tuy nhiên nếu tình hình tại Ukraine trở thành tồi tệ hơn và Putin cho chiếm thêm đất xứ này, dĩ nhiên Quốc Hội Hoa Kỳ sẽ phải bỏ luật cấm xuất cảng làm lợi cho thiểu số lọc dầu để bảo vệ cho chiến lược toàn cầu của Hoa Kỳ chống lại Nga!
Tuy vậy chỉ cần đe dọa là Hoa Kỳ sẽ thực hiện việc cung cấp khí đốt đông lạnh cho Âu Châu và sẽ cho xuất cảng dầu hỏa sang, dù phải mất hai ba năm nữa, cũng đủ để cho Putin phải chùn chân và tính toán lại nếu không muốn thấy kinh tế Nga đi vào chỗ sụp đổ như Iran hiện nay.

Đây là thế đòn bẫy quan trọng vì Nga hiện nay có thể được coi như một thứ Saudi Arabia thứ hai, gần như hoàn toàn chỉ sống bằng việc xuất cảng dầu hỏa và khí đốt. Kinh tế của Nga được coi là lệ thuộc hoàn toàn vào nguồn lợi thiên nhiên. Putin có mua chuộc được giới quân sự và được nhiều nhóm dân chúng ủng hộ, thực ra cũng nhờ vào các nguồn lợi do xuất cảng năng lượng này. Nên khi Hoa Kỳ có lợi thế hơn về vũ khí chiến lược dầu hỏa, thế đòn bẫy này của Nga đã giảm đi nhiều hiệu quả. 

Và trong sự tính toán của Putin hiện nay, liệu việc chiếm thêm đất của Ukraine sẽ phải trả giá quá đắt do việc Hoa Kỳ và Âu Châu loại Nga ra khỏi hệ thống ngân hàng và tín dụng, cũng như trong hai ba năm đến sẽ ngưng mua dầu hỏa và khí đốt từ Nga. Lúc đó chắc chắn kinh tế Nga sẽ xuống dốc không phanh và sụp đổ dễ dàng. Putin dĩ nhiên sẽ tính toán lợi hại với các giả sử và bài tính khác nhau để chọn con đường đi tới trong vài tháng sắp đến. Việc Putin gọi điện thoại thẳng nói chuyện với Obama trong hai tiếng đồng hồ và cho ngoại trưởng Lavrov gặp ngoại trưởng John Kerry tuần qua là dấu hiệu Putin có thể cũng đã chùn chân và lạnh cẳng trước những đe dọa của Hoa Kỳ về năng lượng và phải tính lại hết các bài tính chiến lược mới!

Như vậy chỉ với một tiến bộ kỹ thuật mới về đào dầu, Hoa Kỳ đã làm thay đổi hẳn cục diện cho các thế chiến lược và chính trị địa dư của toàn cầu. Chỉ trong vòng ba năm, Hoa Kỳ đã chiếm thế thượng phong đối với vũ khí chiến lược dầu hỏa và nhờ đó thay đổi hẳn các tính toán cho vùng Trung Đông cũng như cho Âu Châu hiện tại. Kẻ thù tương lai và nguy hiểm nhất cho Hoa Kỳ hiện nay là Trung Hoa cũng sẽ bị ảnh hưởng không nhỏ vì ưu thế mới này của Hoa Kỳ đối với vấn đề năng lượng.

Điều đầu tiên là những kỹ nghệ sản xuất về solar panels, chế các tấm bảng đổi ánh sáng mặt trời ra điện của Trung Hoa hiện nay đã bắt đầu bị phá sản. Trong mấy năm trước, Trung Hoa đã chiếm đến 80% thị trường về kỹ nghệ này. Nhưng với giá dầu đi xuống, mức sản xuất dầu nội địa Hoa Kỳ đi lên, các kỹ nghệ về năng lượng mặt trời đều bị phá sản hết! Và Trung Hoa đầu tư nặng về các ngành này sẽ bị ảnh hưởng nặng! Đây chỉ là một điểm nhỏ trong những chiều hướng thay đổi lớn trên toàn cầu do các tiến bộ về kỹ thuật đem lại.

Sự phát triển nhanh chóng về kinh tế của Trung Hoa trong vài thập niên qua, thực sự chỉ do Hoa Kỳ, Tây Âu và Nhật sai lầm đầu tư quá trớn vào Trung Hoa và thiếu suy nghĩ cho các hậu quả tương lai. Nhưng Trung Hoa không thể so sánh với Hoa Kỳ về phương diện tiến bộ kỹ thuật, chỉ biết học lén, ăn cắp và lường gạt các nhà đầu tư ngoại quốc. Nên hiện nay kinh tế Trung Hoa đã chậm lại và nhiều phần sẽ đi vào suy thoái nặng trong tương lai.

Tóm lại Hoa Kỳ vẫn là quốc gia hàng đầu của thế giới với những phát minh và tiến bộ kỹ thuật mới mẻ. Chỉ với một phương cách đào dầu tân tiến, Hoa Kỳ đã làm thay đổi hẳn những thế tính toán chiến lược địa dư trên toàn cầu. Tất cả nhờ vào vũ khí dầu hỏa nay đã trở thành ưu thế chiến lược cho Hoa Kỳ để chống lại với các kẻ thù cũ như Iran, Nga. Cũng như đối với kẻ thù mới trong tương lai chính là Trung Hoa vậy!
Nguyễn Đình Phùng



18/7/14

Kallie Szczepanski - Sự khác nhau giữa Chủ nghĩa Xã hội và Chủ nghĩa Cộng sản

·                                 i
Mặc dù hai trường phái thường sử dụng những ngôn từ tương đồng có thể dùng thay thế cho nhau và có sự liên quan giữa các khái niệm, chủ nghĩa cộng sản và chủ nghĩa xã hội lại khác nhau trong những vấn đề cơ bản và quan trọng. Tuy vậy, cả hai đều nổi lên trong thời kì cách mạng công nghiệp như một sự phản kháng trước việc các chủ tư bản đạt được sự giàu có bằng cách khai thác sức lao động của giới công nhân.
Vào thời gian đó, những người công nhận làm việc nặng nhọc trong những điều liện thiếu an toàn và tồi tệ một cách kinh khủng. Họ phải làm việc 12 đến 14 tiếng một ngày, 6 ngày trên 7, không có bữa ăn trưa. Giới công nhân đó bao gồm cả những đứa trẻ mới 6 tuổi với bàn tay nhỏ và những ngón tay linh hoạt có thể luồn vào trong những cỗ máy để sửa chữa hay chùi rửa. Môi trường nghèo nàn ánh sáng, không có hệ thống thông gió, hệ thống máy móc thiết kế kém thường xuyên làm bị thương hoặc làm chết những người lao động.
Lý thuyết cơ bản về Chủ nghĩa Cộng sản
Để phản ứng lại những điều kiện kinh khủng đó của Chủ nghĩa Tư bản, lý thuyết gia người Đức Karl Max (1818-1883) và Friedrich Engels (1820-1895) đã sáng tạo ra một hệ thống kinh tế chính trị mới: Chủ nghĩa Cộng sản. Trong cuốn sách « Điều kiện làm việc của giai cấp công nhân tại Anh » , « Bản tuyên ngôn của Chủ nghĩa Cộng sản » và « Tư bản luận », Marx và Engels chỉ trích sự lạm dụng sức lao động trong hệ thống Tư bản và đưa ra một giả thuyết không tưởng.
Dưới chế độ Cộng sản, không có một tư liệu sản xuất nào (nhà mày, đất, etc) được tư hữu. Thay vào đó, chính phủ sẽ quản lý và tất cả mọi người làm việc chung với nhau. Của cải làm ra sẽ được chia đều dựa trên nhu cầu hơn là dựa trên sức lực đóng góp vào lao động. Về mặt lý thuyết, kết quả là một xã hội không giai cấp, tất cả mọi thứ đều là của chung.
Để xây dựng được thiên đường của những người công nhân cộng sản đó, hệ thống tư bản phải bị phá hủy bằng cách mạng bạo lực. Marx và Engels đã tin rằng tầng lớp công nhân này (tầng lớp vô sản) sẽ nổi lên trên toàn thế giới và lật đổ giai cấp bậc trung (giới tư sản). Một khi Chủ nghĩa Cộng sản được thiết lập, ngay cả chính phủ cũng sẽ không cần thiết, tất cả làm việc cùng nhau cho một lợi ích chung của tập thể.
Chủ nghĩa Xã hội
Lý thuyết của Chủ nghĩa Xã hội giống với Chủ nghĩa Cộng sản trên vài mặt, nhưng ít thiên tả và linh hoạt hơn. Ví dụ : mặc dù việc để chính phủ quản lý tư liệu sản xuất là một phương pháp khả thi nhưng Chủ nghĩa Xã hội cho phép những hợp tác xã của công nhân cùng quản lý nhà máy hay đồng ruộng.
Không phá tan Chủ nghĩa Tư bản và lật đổ giới tư sản, các cuộc cải cách từng bước một được cho phép qua luật pháp và sự tiến bộ chính trị, như bầu những người có thiên hướng xã hội vào hệ thống chính quyền. Cũng như vậy, không giống như Chủ thuyết Cộng sản nơi mà của cải làm ra được chia đều trên lợi nhuận, Chủ nghĩa xã hội chia của cải dựa trên công sức của mỗi cá nhân đóng góp cho xã hội.
Và như vậy, chủ nghĩa xã hội có thể hoạt động trong cấu trúc chính trị hiện thời mà không có cần trải qua một cuộc lật đổ. Hơn thế nữa, nó còn cho phép tổ chức kinh doanh tự do hơn cho các nhóm lao động.
Chủ nghĩa Xã hội và Chủ nghĩa Cộng xản trong thực tế
Cả hai chủ thuyết đều được tạo dựng lên để cải thiện đời sống của những người bình thường và sự chia sẻ của cải công bằng hơn. Trên lý thuyết, cả hai đều có khả năng tạo dựng điều đó cho những người công nhân. Tuy nhiên, trên thực tế, chúng lại có những kết quả khác biệt.
Bởi vì Chủ nghĩa Cộng sản không đem lại sự năng động, động lực để làm việc. Sau cùng, các nhà quản lý trung ương sẽ lấy lại mọi sản phẩm và chia đều chúng một cách tùy tiện, bất kể bạn bỏ ra bao nhiêu công sức vào công việc. Điều đó dẫn đến sự nghèo nàn và sự bần cùng hóa. Tầng lớp công nhân nhanh chóng nhận ra rằng họ không được hưởng lợi từ việc làm việc chăm chỉ hơn, và họ từ bỏ. Trái ngược lại, chủ nghĩa xã hội tưởng thưởng sự chăm chỉ. Cuối cùng, phần lợi nhuận giữa những người lao động được phân phát dựa trên công sức, sự đóng góp của người đó cho xã hội.
Những nước đã thực hiện chủ nghĩa cộng sản trong thế kỷ 20 gồm có Liên Xô, Trung Quốc, Việt Nam, Campuchia, Cuba và Bắc Hàn. Trong mọi trường hợp, độc tài cộng sản lên cầm quyền để sắp xếp lại trât tự của hệ thống chính trị và kinh tế. Ngày hôm nay, Nga và Campuchia không còn là cộng sản nữa, Trung quốc và Việt Nam thực hiện nền kinh tế tư bản nhưng vẫn giữ trật tự chính trị cộng sản, còn Cuba và Bắc Hàn vẫn tiếp tục thực hiện chủ nghĩa đó.
Những nước kết hợp đường lối chủ nghĩa xã hội với chủ nghĩa tư bản và hệ thống dân chủ bao gồm Thụy Điển, Na Uy, Pháp, Canada, Ấn Độ và Vương quốc Anh. Các nước này đều đạt được sự hài hòa giữa mục tiêu lợi nhuận của chủ nghĩa tư bản và lợi ích của chủ nghĩa xã hội, mà không triệt tiêu động lực lao động và gây bất ổn cho người dân. Người lao động có thêm nhiều lợi ích như kỳ nghỉ lễ, bảo hiểm xã hội, trợ cấp nuôi dạy trẻ, mà không cần sự quản lý tập trung công nghiệp.
Nói tóm lại, sự khác biệt giữa Chủ nghĩa Cộng sản và Chủ nghĩa Xã hội có thể tổng kết như thế này: Bạn muốn sống ở Thụy Điển hay ở Bắc Hàn?
Lichteinstyle chuyển ngữ, CTV Phía Trước

Kallie Szczepanski, Asian History

13/7/14

 Viết tào lao trong lúc chờ con

Mấy ngày ni đưa con đi thi đại học, tôi có dịp lang thang nơi thành Huế. Bộ mặt Huế hôm nay khác xưa (hồi tôi còn học) nhiều lắm, nhà cao hơn, đường rộng hơn, người đông hơn…nhưng cái u hoài, trầm mặc…của Huế, có lẽ ngàn năm vẫn thế!. Nơi đây, non không cao- “Núi Ngự Bình không cây chim đậu; còn nước thì- “Sông Hương ế khach…” chị em buồn!, không biết bây chừ có đi vào dĩ vãng?

8/7/14

Ôi, tiến sĩ Việt!

Xuân Đoàn
Cố lên các "tiến sĩ" tương lai
Hiện Việt Nam có hơn 24.000 tiến sĩ, nhưng hằng năm số lượng các bài báo được đăng trên các tạp chí khoa học danh tiếng trên thế giới thì chỉ đếm trên đầu ngón tay, thấp nhất so với các nước trong khu vực, thậm chí còn ít hơn số lượng các bài báo khoa học của một trường đại học của Nhật Bản hoặc Hàn Quốc.

Số giáo sư, tiến sĩ của xứ ta nhiều nhất Đông Nam Á nhưng không có trường đại học nào của chúng ta được đứng trong bảng xếp hạng 500 trường đại học hàng đầu thế giới.

Như mọi người đều biết, là đầu vào của cao học, tiến sĩ, ngoài chuyên ngành học ra thì ngoại ngữ là điều kiện bắt buộc. Nếu như vậy thì trình độ ngoại ngữ của các ứng sinh phải đạt ở một trình độ đủ để nghe giảng. Nhưng mới đây, kỳ thi tốt nghiệp THPT, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) đã quyết định loại môn ngoại ngữ ra khỏi môn thi bắt buộc mà là môn thi tự chọn.

Theo lý giải của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT khi trả lời chất vấn tại kỳ họp Quốc hội thứ 7 khóa XIII là do chất lượng dạy và học ngoại ngữ ở cấp THPT không đạt yêu cầu, chất lượng thấp, đội ngũ giáo viên không đủ chuẩn, học sinh chủ yếu được dạy về ngữ pháp cho nên tốt nghiệp THPT vẫn không nói được, có nói cũng không ai hiểu. Tóm lại là việc dạy và học ngoại ngữ ở THPT là thất bại.

Việc dạy và học ngoại ngữ trong các trường đại học cũng không mấy khả quan, chỉ trừ những trường chuyên ngữ, hoặc ngoại giao, còn hầu hết trình độ ngoại ngữ của cử nhân Việt Nam rất kém.

 Trình độ ngoại ngữ như vậy, thế nhưng ai mà đi thi cao học hầu hết là đỗ, nếu không may có trượt môn ngoại ngữ thì có cơ sở còn linh động cho nợ đầu vào, vậy thử hỏi rằng, những mảnh bằng thạc sĩ, tiến sĩ liệu có mấy giá trị về khoa học, tri thức? Có những vấn đề về khoa học, học thuật mà nước ngoài người ta đã giải quyết từ lâu, nhưng do “mù” ngoại ngữ nên vẫn tưởng đề tài của mình nghiên cứu là mới.
 
Cũng không đâu như ta, khi quy hoạch, bổ nhiệm, đề bạt cán bộ, từ cấp phòng trở lên thì ngoài rất nhiều tiêu chí như phẩm chất, năng lực, trình độ chuyên môn, bắt buộc phải có chứng chỉ ngoại ngữ. Thế là dù một chữ nước ngoài bẻ đôi không biết nhưng cũng phải cố xoay cho bằng được chứng chỉ ngoại ngữ dởm giá vài ba triệu của những trung tâm ngoại ngữ cấp tốc mọc nhan nhản ngoài phố, trên mạng, cần bao nhiêu, trình độ gì cũng có, miễn là nộp mấy ảnh chân dung, kèm theo vài dòng thông tin cá nhân.

Rất nhiều công chức Nhà nước từ lúc trẻ đến khi về hưu, mỗi năm một lần khai bổ sung lý lịch thì có một mục không thay đổi đó là: Trình độ ngoại ngữ thường ghi là: Anh văn bằng B. Tại sao lại không phải là trình độ A, trình độ C. Vì B là mức trung bình, nếu bằng A thì mọi người nghĩ mình dốt, còn bằng C thì lại sợ mọi người nghĩ mình khai man cho nên bằng B là an toàn nhất và chỉ cần khai như vậy là xong chứ có bao giờ tổ chức kiểm tra là cái chứng chỉ ngoại ngữ ấy thật hay là giả, trình độ đến đâu. 

Hiện nay ở ta, bất cứ ai cũng có thể ghi danh để dự thi tiếng Anh IELTS, đương nhiên phải kèm theo một số phí ghi danh để lấy chứng chỉ ngoại ngữ tiếng Anh do Hội đồng Anh tổ chức mỗi năm 2 kỳ với nội dung thi viết, kiểm tra kỹ năng đọc hiểu và nghe hiểu do giáo viên bản ngữ trực tiếp kiểm tra. Nếu đạt ở trình độ nào thì được cấp chứng chỉ tương đương. Chứng chỉ đó có giá trị toàn cầu, bởi những thông tin rất cụ thể, tỉ mỉ, có ảnh được in trực tiếp vào chứng chỉ, không phải ảnh dán như của ta, mỗi chứng chỉ có một mã số, mã vạch riêng, thông tin được kết nối và lưu giữ tại một trung tâm ở nước ngoài, thành thử không bao giờ có thể làm giả hoặc mua được chứng chỉ ngoại ngữ kiểu này. Mỗi chứng chỉ ngoại ngữ chỉ có giá trị trong 2 năm, quá 2 năm thì không thể mang chứng chỉ đó để đi xin việc, nếu công ty đó yêu cầu ngoại ngữ và buộc phải thi lại, nếu trình độ tiến bộ thì được cấp chứng chỉ cao hơn, nếu không đạt thì sẽ được cấp chứng chỉ có số chấm thấp hơn, chứ không có chuyện như ở Việt Nam, cứ cả đời bằng B là yên tâm, khỏi phải học nữa.

Chính vì trình độ ngoại ngữ như vậy, cho nên dẫn đến hậu quả là chất lượng của các luận án thạc sĩ, tiến sĩ rất có vấn đề vì người học đâu có biết ngoại ngữ mà đọc tài liệu tham khảo nước ngoài để cập nhật những thông tin có thể nói là thay đổi hằng ngày hằng giờ như hiện nay.

Cũng không đâu như ở ta lại có cả dịch vụ viết thuê luận án thạc sĩ, tiến sĩ. Chỉ cần cung cấp nội dung đề tài và một số tiền không nhỏ sẽ có người viết thuê ngay. Cũng từ đó sinh ra tệ đạo luận văn, luận án thạc sĩ, tiến sĩ, ít thì cũng mươi, mười lăm trang, nhiều thì vài chục trang, chép y xì của những luận án khác cùng chuyên ngành. Bản thân người làm luận án chưa chắc đã cố ý đạo luận văn của người khác, nhưng vì đi thuê người viết thì họ chép của ai, họ đưa cái gì vào thì đâu có kiểm soát được và tình trạng đạo luận văn, luận án không chỉ còn là cá biệt nữa. Đáng buồn hơn, việc đạo này còn xảy ra đối với cả những vị giữ chức vụ phụ trách trường đại học có truyền thống và danh tiếng nhất nhì cả nước, mà báo chí đã từng lên tiếng.

Đạo luận án, mua luận án trong nước còn chưa đã, có quan chức ở địa phương còn chơi sang, bỏ tiền của Nhà nước để mua bằng tiến sĩ rởm của trung tâm đào tạo đại học có tên là Đại học Nam Thái Bình Dương thì thật là hết lời bình.

Cũng không đâu như ở Việt Nam mà tỷ lệ tiến sĩ trong hàng ngũ lãnh đạo lại cao đến vậy. Nếu tính từ hàm thứ trưởng trở lên, số người có trình độ tiến sĩ ở Việt Nam cao gấp 5 lần Nhật Bản.

Theo con số của Bộ GD&ĐT, đến năm 2013 có 633 tiến sĩ là giảng viên các trường cao đẳng, 8.519 tiến sĩ là giảng viên các trường đại học. Vậy 15.000 tiến sĩ còn lại ở đâu? Chắc chắn số còn lại là các vị lãnh đạo, công chức, làm việc tại cơ quan, doanh nghiệp Nhà nước.

Một sự thật dẫu chua xót, song cần phải nhìn thẳng đó là tình trạng “tiến sĩ hóa” hoặc “phổ cập tiến sĩ” đối với lãnh đạo và đi kèm là chất lượng của những tấm bằng tiến sĩ kiểu ấy đang rất có vấn đề. Đó là nội dung các luận án không có phát kiến, phát minh gì mới, hoặc đưa ra được những biện giải, đề xuất mang tính đột phá mà chủ yếu là tập hợp tư liệu, rồi so sánh và đưa ra một vài kiến nghị chung chung, nhất là những luận án thuộc lĩnh vực khoa học xã hội, quản lý Nhà nước... phần lớn chỉ là nâng cấp luận văn tốt nghiệp đại học mà thôi, do vậy không áp dụng được vào cuộc sống, hoặc những vấn đề đã rất cũ, giáo điều không cần thiết cho cuộc sống hiện tại, cho nên bảo vệ xong cho dù luận án được hội đồng bảo vệ chấm điểm xuất sắc cũng chỉ đút vào ngăn kéo, hoặc trưng trên giá sách cho oai vậy thôi.

Bộ GD&ĐT đã thấy được chuyện này như trả lời của Bộ trưởng Phạm Vũ Luận trong phiên chất vấn tại Quốc hội vừa rồi và sắp tới sẽ có nhiều giải pháp để nâng cao chất lượng đào tạo tiến sĩ, từ việc thi đầu vào ra sao, rồi điều kiện của các cơ sở được phép đào tạo tiến sĩ, phải có bao nhiêu tiến sĩ cơ hữu của trường mới được đào tạo tiến sĩ, rồi trình độ, năng lực của các thầy hướng dẫn, thầy phản biện, hội đồng bảo vệ...

Giải pháp đã có, nhưng nếu không làm quyết liệt, đến nơi đến chốn mà vẫn buông lỏng như thời gian qua thì sẽ lại thêm rất nhiều “tiến sĩ giấy” gia nhập tầng lớp trí thức tinh hoa của đất nước...

1/7/14

Bệnh nể sợ người nước ngoài

                                                            Võ Tá Hân
Chuyện xảy ra cách đây cũng khoảng hơn hai thập niên khi đất nước vừa bước vào thời kỳ đổi mới. Một lần được mời đến thăm một khách sạn lớn tại TP HCM, tôi hết sức ngạc nhiên khi được biết khối bán hàng vỏn vẹn chỉ có một người.
Vị chủ tịch Hội đồng quản trị phân trần rằng, công ty đã mời một chuyên gia nước ngoài về làm tổng giám đốc với một mức lương hậu hĩnh, lại cấp thêm cho ông ta một biệt thự và một chiếc xe hơi mới. Sau hơn một năm trời công ty vẫn còn ì ạch và vị tổng giám đốc này đổ lỗi cho Hội đồng quản trị đã không đồng ý cho ông ta thuê thêm một người nước ngoài nữa để phụ trách mảng tiếp thị và bán hàng vì ngại quá tốn kém. Hai bên ì xèo và cứ thế mà bộ phận bán hàng rơi rụng dần từ mười người xuống còn một.
“Theo ý ông thì chúng tôi phải làm gì bây giờ?”, vị chủ tịch hỏi tôi với nét mặt đau khổ. Từng góp ý kiến cho nhiều doanh nghiệp với những bài phân tích chi tiết nhưng có lẽ chưa bao giờ “toa thuốc” của tôi lại ngắn như lần này vì vỏn vẹn chỉ có ba chữ: “Đuổi ổng đi!”, tôi đáp. Vị chủ tịch trố mắt nhìn tôi: “Ủa, nhưng ổng là người nước ngoài mà?” Ừ thì “ổng” là “người nước ngoài” nhưng mình là chủ thì tại sao lại sợ?
Làm việc và tiếp xúc với bạn bè trong nước dạo ấy, tôi có cảm tưởng dường như có một cái “vòng tròn vô hình” mà mình tự vạch ra rồi cứ đứng ì trong đó và không dám bước ra. Giới hạn vô hình ấy dường như là cái tính cứ nể sợ những gì thuộc về “nước ngoài”: Hễ người nước ngoài là phải giỏi hơn người mình, kỹ sư nước ngoài là phải giỏi hơn kỹ sư Bách Khoa, hàng ngoại luôn tốt hơn hàng nội…
Việc “nể sợ” người nước ngoài có thể thấy được dưới nhiều hình thức. Chẳng cần nói đâu xa, mỗi lần thấy ông tây trắng nào nói được tiếng Việt là mình lấy làm ngạc nhiên và nếu ổng hát được tiếng Việt thì mọi người đều phục lăn. Thế nhưng có biết bao nhiêu người Việt mình nói được ngoại ngữ rất lưu loát, hoặc hát được những bài nhạc ngoại líu lo như chim hót mà có mấy ông tây bà đầm nào thán phục mình đâu? Khi mang nhân viên nước ngoài cùng về nước công tác vào lúc ấy, nhiều bạn của tôi cũng thường phàn nàn là đi đến đâu thì người mình cũng xun xoe săn đón mấy người da trắng mà quên hẳn rằng chính cái ông da vàng mũi tẹt này mới là sếp của mấy ông tây kia. Ta có thể suy diễn ra rằng thái độ cả nể đối tác nước ngoài ấy cứ thế mà tiếp tục trên bàn họp khi hai bên thương thuyết làm ăn để rồi đưa đến những dự án thiệt thòi về phía chủ nhà. 
Một điều nữa mà ít ai lưu ý là khi một tập đoàn lớn chọn người để đưa đi làm việc ở nước ngoài thì các “chiến tướng” thường được bổ nhiệm đến những thị trường lớn và quan trọng nhất như Mỹ, Âu châu. Thành phần kha khá thì sẽ được chọn đi những thị trường trung bình, và cuối cùng thì chỉ còn mấy xứ đang phát triển là dành cho những nhân viên cấp ba mà có lắm kẻ không đủ tài cán, phong cách và kinh nghiệm quản lý. Phải chăng vì thế mà đã có những vụ sếp nước ngoài hành hạ, đối xử tàn bạo với công nhân ta chăng?
Có một câu nói rất hay là “Nếu bạn nằm xuống như một tấm thảm thì người ta sẽ đạp lên bạn mà đi!”. Cứ tỏ ra “lép vế” thì cam đoan rằng thế nào người ta cũng sẽ lấn lướt mình. Không có lý do gì khiến chúng ta phải quá nhún nhường khi tiếp xúc với người nước ngoài mà nên xem họ không khác những người bạn trong nước và hãy đối xử với họ một cách lịch sự và thân thiện nhưng không quỵ lụy ai cả.
Từ ngày đất nước vươn mình ra cộng đồng thế giới và với kinh nghiệm thâu thập được khi sánh vai với các doanh nhân nước ngoài, có thể nói rằng doanh nhân chúng ta ngày nay đã tỏ ra tự tin, có bản lĩnh hơn nhiều và cái giới hạn vô hình ấy cũng đã nhạt mờ. Những ngày xa xưa ấy dường như đã qua rồi ở các tỉnh, thành phố lớn. Thế nhưng tại những vùng xa xôi, nơi mà các cấp lãnh đạo có thẩm quyền quyết định chưa có nhiều kinh nghiệm như các vị đồng nghiệp ở các tỉnh, thành phố lớn thì phải chăng căn bệnh ấy vẫn còn tồn tại? Có lẽ đó là một phần lý do tại sao vẫn thấy những quyết định hợp tác đầu tư với nước ngoài với điều kiện bất lợi cho phía chủ nhà còn xuất hiện ở những vùng xa xôi chăng?