19/8/14

Nỗi lo “trụ đồng Mã Viện” len lỏi vào tâm thức người Việt Nam

Đăng Bởi  - 
Nỗi lo “trụ đồng Mã Viện” len lỏi vào tâm thức người Việt Nam
Thanh lọc, loại bỏ những dị vật văn hóa khỏi các di tích lịch sử, đền, chùa là việc làm cần thiết vì hiện nay, tình trạng xâm lăng văn hóa diễn ra ở mức độ báo động. Tuy nhiên, để đạt kết quả, cần phải có quan niệm và phương pháp thích hợp.
Những dị vật văn hóa phương Tây thường dễ thấy nhưng việc loại bỏ chúng không dễ. Bởi lẽ, những người có thể “rinh” những thứ ngoại lai đó vào nhà là những kẻ có máu mặt, có thế lực, thuộc hàng trọc phú, trưởng giả học làm sang. Cơ quan chức năng khó “làm việc” nếu không thông hiểu luật pháp và lý lẽ vững chắc. Vì vậy, nhiều khi những dị vật văn hóa loại này rất khó xử lý, chúng ngang nhiên thách đố công luận và làm gương xấu cho những kẻ học đòi khác.
Phổ biến hơn là những di vật văn hóa phương Đông, những thứ gần gũi với văn hóa Việt. Nhiều nghìn năm trước, từ Nam Dương Tử tới miền Trung Việt Nam là giang sơn của tộc Bách Việt, cùng huyết thống, tiếng nói và văn hóa. Gài nút áo bên trái, xăm mình, ăn trầu, thờ cúng tổ tiên, hướng nhà, độ cong của mái nhà… là những phong tục tập quán chung. 
 Cận cảnh hòn đá lạ ở Đền Hùng - Ảnh: TL
Nhưng hơn 2000 năm nay, cương vực đã chia thành quốc gia riêng biệt. Tại mỗi quốc gia, do điều kiện của mình, những nét văn hóa gốc Việt ban sơ đã phát triển trở thành đặc trưng riêng mà qua đó phân biệt ra Hoa, Việt. Khi một yếu tố văn hóa đặc trưng của quốc gia này du nhập và lấn át văn hóa quốc gia khác thì có nghĩa là sự xâm lăng văn hóa. Không chỉ biểu hiện cụ thể bằng đèn lồng, sư tử đá mà nó rất tinh vi, kiên trì, từng ngày một, dẫn tới sự đồng hóa, hòa tan về văn hóa.

Sư tử đá Trung Quốc "án ngữ" trước nhiều cửa đền, chùa Việt Nam (ảnh: Ngữ Thiên)
Xin đưa ra một dẫn chứng. Hồi mới giải phóng, đình thần Nguyễn Trung Trực ở Rạch Giá là kiến trúc văn hóa thuần Việt với mái ngói mộc, thềm gạch rêu phong. Bao trùm khu đình là màu nâu trầm mặc. Nhưng rồi từng chút một, sắc đỏ lấn dần, từ cột đình sơn đỏ tới các câu liễn rực rỡ. Tiếp đó, các cửa sổ biến thành màu đỏ. Thời gian qua đi, trong một lần qua đình, tôi giật mình vì mái đình đỏ chót: ngôi đình Việt biến dạng thành ngôi chùa Triều Châu!
Quá đau vì sự xâm lăng văn hóa, vì văn hóa Việt bị đầy lùi ngay chính trên quê hương, tôi hỏi vị cán bộ lão thành, được Mặt trận Tổ Quốc cử ra chăm sóc ngôi đình. Ông nói: “Bà con người Hoa rất kính ngưỡng Cụ Nguyễn. Họ góp nhiều công sức và tiền bạc tu tạo đình, nhiều việc họ làm, chúng tôi không cản được!”
Vậy là một lần nữa, “nén bạc đâm toạc tờ giấy” (!) Không khó để làm rõ sự ngụy biện trong câu trả lời trên. Đúng là bá tánh đóng góp, nhưng kinh phí lớn nhất để tu tạo đình vẫn là của Nhà nước giành cho di tích. Và cao hơn cả là chủ quyền quốc gia! Cái chính là sự thiếu hiểu biết, dẫn đến thiếu cảnh giác, thiếu trách nhiệm của cơ quan quản lý văn hóa!
Cùng với những phố Tàu mọc lên nhan nhản từ Quảng Ninh tới Cà Mau thì việc xuất hiện những sắc thái văn hóa phương Bắc ngày một nhiều đè nặng lên tâm khảm, dễ dẫn tới thối chí, buông xuôi cùng lời than: nước mất tới nơi rồi!
Một lần trong đoàn nhà văn thành phố Hồ Chí Minh đi thực tế Tiền Giang, tới thăm ngôi chùa cổ. Thấy một vật thể lạ đậm màu hương phấn Hồng Kông hiện diện tương phản với vẻ thâm u của ngôi chùa, tôi hỏi vị chủ trì: “Vì sao lại vật này có ở trong chùa?” Ông đáp: “Do bá tánh cúng dường, nhà chùa nể quá phải nhận.”

Cứ thế, từng ngày, từng ngày, một cách vô thức, những nét riêng của văn hóa dân tộc biến mất dần! Điều đáng lo là, việc “diễn biến hòa bình” nguy hại này không chỉ xảy ra nơi hang cùng xóm vắng mà ngay cả ở những nơi tưởng chừng uy nghiêm trang trọng nhất, như vụ hòn đá lạ ở Đền Hùng rồi giáp sắt, roi sắt tại đền Thánh Gióng…Trước những chuyện như vậy, những người vô tâm cho là đình ta (đền ta) khang trang, đẹp mắt… Nhưng với người hiểu biết là một nỗi đau, nỗi thất vọng đắng cay. Cùng với những phố Tàu mọc lên nhan nhản từ Quảng Ninh tới Cà Mau thì việc xuất hiện những sắc thái văn hóa phương Bắc ngày một nhiều đè nặng lên tâm khảm, dễ dẫn tới thối chí, buông xuôi cùng lời than: nước mất tới nơi rồi!
Đây là chuyện thuộc về văn hóa, tâm linh, rất tinh vi mà không luật nào có thể chế tài đầy đủ. Sự áp đặt hành chính có khi đưa tới thô bạo quá đà như từng diễn ra trong quá khứ. Giải pháp hợp lý là, trước hết tại những di tích đã xếp hạng, cần giữ nghiêm pháp luật, lập lại trật tự, bảo đảm tính nguyên bản của di tích. Để đi bước xa hơn, cần tham vấn các chuyên gia, sau khi có sự thống nhất thì truyên truyền rộng rãi trong công chúng. Rất cần báo chí vào cuộc. Người ta có thể nhờn với cơ quan chức năng nhưng khó mà trơ lỳ trước tiếng nói phải của công luận.
Một công việc lâu dài là nâng cao dân trí để nuôi những kháng thể văn hóa ngay trong mỗi người dân.
Hà Văn Thùy

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét