AFR Dân Nguyễn - “Thương xá Tax có tự bao giờ”?
AFR Dân Nguyễn
Ảnh bên:Không ít người ngậm ngùi, nuối tiếc khi ngày đóng cửa Thương xá Tax sắp đến gần. (Theo Báo mới. com)
Đó là tên một bài viết của tác giả Nguyễn Hiển trên Petro Times. Dĩ nhiên bài báo nêu lịch sử ra đời và tồn tại của một công trình kiến trúc mang tên Thương xá Tax- cái tên bây giờ; còn tên lúc nó mới ra đời khác cơ.
Bài báo cũng cho biết, cùng với những công trình kiến trúc đặc trưng của Sài Gòn, làm nên “danh hiệu” Hòn Ngọc Viễn Đông một thuở, thì không thể không kể đến Thương Xá Tax, (hay Les Grand Magazine Chamner (GMC)- cái tên “cúng cơm” của công trình.
Bài báo cũng trưng lên một số ảnh của công trình, từ hình ảnh ban đầu, rồi qua một số lần người ta sửa chữa, cơi nới. Phải nói rằng, diện mạo ban đầu của công trình này là ấn tượng nhất. Với tháp vòm trên đỉnh và những đồng hồ gắn trên tháp, cùng với đường nét kiến trúc Pháp, công trình hòa quyện với đường nét kiến trúc của Nhà thờ Đức Bà, Nhà hát lớn, Dinh toàn quyền… làm nên trung tâm thành phố cách hài hòa, làm nên trái tim của Hòn Ngọc Viễn Đông!
Mấy tháng rày người ta nói nhiều, đưa tin nhiều về sự kiện một trung tâm Sài Gòn đang và sẽ bị đập phá, dỡ bỏ. Để nhường chỗ cho những công trình hiện đại hơn sẽ mọc lên trong tương lai. Để nhường chỗ cho những tòa cao ốc, những tòa tháp…Họ đang muốn đuổi kịp Bankok, hay vượt Singapore trong tạo ra và kiểm đếm những tòa nhà chọc trời. Và thế là, cùng với việc cưa cắt, nhổ tận gốc những hàng cây cổ thụ, mà có lẽ cũng là một trong niềm tự hào của thành phố, là việc đập phá, đào xới những công trình có tuổi đời hàng trăm năm, mà còn bền vững như mới vừa được xây cất ngày hôm qua…Phá bỏ những công trình “huyền thoại” này để tạo ra những công trình kiến trúc mà thực chất là những khối bê tông, khiến người ta cảm giác những gã cao bồi đang tràn đến trong khi các tiểu thư đài các bị đuổi đi. Thực sự thì “Dự án” này được khởi động thế nào, xuất phát từ ý tưởng của cá nhân hay nhóm người nào? Nó có sức mạnh tới cỡ nào mà không gì có thể ngăn cản, khiến những trái tim yêu Sài Gòn đến si mê, cũng chỉ còn biết trút những lời thở than và đôi dòng lệ, mà không thể kêu gào hay kêu cứu!?... Dù người ta có tạo ra giữa Sài Gòn những tòa tháp “chọc trời”, cũng không thể sánh với tòa tháp đôi giữa New York; nhưng tòa tháp đôi ấy, dù đã biến mất, đã bị phá hủy bởi khủng bố, người ta cũng không thấy nuối tiếc cho bằng nếu giả sử thay vào đó là sự phá hủy của tháp Effel, hay cung điện Lui 14, hay Taj Mahal… Cùng với Thương xá Tax sẽ bị đập phá trong nay mai, là việc bứng đi những tượng đài đẹp, những điểm nhấn làm nên niềm tự hào của dân Sài thành chính hiệu. Những công trình kiến trúc đẹp mê ly này, nếu so với việc nó buộc phải bức tử, thì dù bị đuổi lên vùng kinh tế mới vẫn là một cơ hội hay cơ may. Nhưng tiếc thay!... Cùng với những hàng cây cổ thụ bị đào gốc trốc rễ, đồng nghĩa với việc những con đường rợp bóng mát cho những đôi tình nhân thả bộ, cả Đường hoa Nguyễn Huệ cũng bị hô biến…
… Nghe như nhạc Trịnh bị phiêu du mất hút, mà chỉ còn lại những bài nhạc dở rock dở… cười lên ngôi…thống trị thành phố này.
Cùng với niềm nuối tiếc (và người ta chỉ được quyền nuối tiếc, không cách nào khác hơn là nuối tiếc), là những câu hỏi được khẽ khàng đặt ra: Chẳng lẽ cứ nhất thiết phải mọc lên giữa trái tim của Hòn Ngọc Viễn Đông những khối bê tông, mà so với những công trình kiến trúc mỹ miều sắp bị người ta phá đi, khác nào như những khối ung thư đang đùn lên và phình ra… Nghe nói người ta đập đi Thương xá Tax, để thay vào đó một Metro cao tầng, cũng thực hiện chức năng như Tax: buôn và bán… Chẳng lẽ “quỹ đất” thành phố hết rồi sao? Và một câu hỏi nữa, cũng chưa chắc là câu hỏi cuối: Những công trình kiến trúc đang và sẽ bị phá đi, liệu có là một lãng phí quá mức không. Nếu ai trả lời là không, thì lại phải trả lời thêm câu hỏi phụ: Các ngôi trường dột nát mà hàng trăm ngàn các em nhỏ vùng cao đang lui tới mỗi ngày với những bộ bàn ghế xộc xệch cũ nát nói lên điều gì?
Dẫu Họ cố tình làm cho Sài Gòn “sánh vai” kịp với Bankok, với Singapore, cũng chẳng thể vì đó mà bảo VN đã văn minh thịnh vượng…
Dân còn nghèo lắm. Dân nghèo mà Nước giàu thì chỉ có là tiền đi vay. Hãy nhìn những bức ảnh ấn tượng- những bà mẹ VN khổ đau đến cùng cực, ngồi ngủ gật bên lề đường, rũ xuống, cùng héo với những mớ rau… không ai người mua!...
“Dự kiến đến cuối năm nay các gian hàng ở Thương xá Tax phải bàn giao mặt bằng để khởi công xây dựng tòa tháp cao 40 tầng của tổng công ty thương mại Sài Gòn…”.
Bài báo của Nguyễn Hiển có cái kết nhẹ nhàng như vậy.
Phải. Sài Gòn rồi đây sẽ hiện đại; nhưng văn minh hay không, nhất là có đẹp hay không, lại là chuyện khác.
“Sài Gòn đẹp lắm Sài Gòn ơi Sài Gòn ơi!...”. Mong sao đó không chỉ còn là một câu hát, chỉ còn là hoài niệm!...
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét