11/9/14

Bùi Anh Trinh – Khởi thủy cuộc đối đầu giữa Mỹ và Trung Quốc.

Bùi Anh Trinh
Chia sẻ bài viết này
Bản tin của RFI ngày 23-8-2014:
Một chiến đấu cơ Trung Quốc mới đây đã áp sát một máy bay do thám Mỹ trên vùng không phận quốc tế, phía Đông đảo Hải Nam. Khi tiết lộ thông tin này vào hôm qua 22/08/2014, Bộ Quốc phòng Mỹ đã tố cáo một hành vi « rất nguy hiểm », đồng thời cho biết đã chính thức phản đối chính quyền Bắc Kinh về sự cố này…
… Dẫu sao thì những gì xẩy ra hôm 19/08 vừa qua, đã gợi lại một sự cố tương tự vào tháng 04/2001, cũng ở trong vùng này, khi một chiến đấu cơ Trung Quốc va chạm với một máy bay do thám EP-3 của Mỹ…”
Sự cố năm 2001 ra sao? Và ảnh hưởng của sự cố này đối với CSVN như thế nào? Hãy trở ngược lại cách đây 13 năm:
(Trích tập tài liệu “Chính Trị Việt Nam Hiện Đại” của Bùi Anh Trinh):
Sự phân cực giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc
Năm 2001, ngày 01-04, theo tin của RFA, một phi cơ do thám của Hoa Kỳ đã bay vào không phận Trung Quốc tại khu vực Biển Nam Hải, 2 phi cơ chiến đấu của Trung Quốc bay lên để buộc phi cơ Hoa Kỳ phải đáp xuống Hải Nam. Trong khi bay sát vào nhau, một chiến đấu cơ của Trung Quốc đã dùng cánh hớt vào đuôi phi cơ thám thính của Hoa Kỳ nhưng kết quả là chiếc chiến đấu cơ Trung Quốc bị rơi xuống biển, còn chiếc phi cơ thám thính bị hư phần đuôi nên phải đáp xuống đảo Hải Nam.
Trung Quốc phản đối Hoa Kỳ xâm phạm chủ quyền Trung Quốc. Tình hình căng thẳng cho đến ngày 11-4 thì Tổng thống Hoa Kỳ lên tiếng xin lỗi. Trung Quốc buộc Hoa Kỳ phải tháo rời từng bộ phận của chiếc phi cơ do thám rồi chở về chứ không cho sửa chữa để bay về. Báo Straits Times xuất bản tại Singapor đăng bài viết “Trung Quốc đã dạy cho Hoa Kỳ một bài học về chủ quyền”.
Phân tích: Sau biến cố này thì giới truyền thông quốc tế có thể công khai bàn bạc về một mặt trận đối đầu trong tương lai giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc. Trước đó giới nghiên cứu chính trị quốc tế thừa biết điều này nhưng không công khai bàn bạc.
Cũng trong thời điểm này, ĐCSVN đứng trước quyết định quan trọng: Nên theo Mỹ hay nên theo Tàu. Giống y như năm 1948, thế giới phân cực, Chính phủ kháng chiến Việt Minh đứng trước lựa chọn theo Mỹ hay theo Nga.
Trước đây, vào năm 1992, CSVN đưa tàu ra cản phá tàu thăm dò khai thác dầu khí của TQ và HK đang hợp tác thăm dò trong vùng Vịnh Bắc Việt. Trước nữa, vào năm 1989 Hoa Kỳ và TQ đang còn bắt tay liên minh chống CSVN tại Campuchia. Trong thời điểm này CSVN coi HK và TQ đều là kẻ thù, nhưng hai kẻ thù này đang cọng tác mật thiết với nhau.
Năm 2001, ngày 23-03, bản tin của đài RFA: “Ban Chấp Hành Trung Ương đảng cộng sản Việt Nam quyết định kỷ luật hai đảng viên cao cấp trong quân đội là Bộ trưởng quốc phòng Phạm Văn Trà và Tổng tham mưu trưởng quân đội Lê Văn Dũng vì sai sót và thiếu khả năng lãnh đạo”.
Phân tích: Theo RFA thì nguyên do của vụ kỹ luật là do tướng Trà thiếu bản lĩnh trong việc đối phó với vụ người Thượng nổi dậy tại Tây Nguyên vào tháng trước. Nhưng giới nghiên cứu chính trị không tin như vậy. Việc kỷ luật tướng Trà sau 12 ngày nhóm họp Đại hội trung ương ĐCSVN có thể chỉ là nhằm hạ bớt uy thế của cố vấn Lê Đức Anh trong Đại hội 9 toàn quốc được nhóm họp vào tháng sau.
Tướng Trà là người của cố vấn Lê Đức Anh. Năm 1970, khi Đại tá Lê Đức Anh về nhận chức Tư lệnh Quân khu 9 thì Phạm Văn Trà là Tham mưu trưởng của Trung đoàn 1 thuộc Quân khu 9. Từ đó Lê Đức Anh dìu dắt Trà lên dần. Đến khi Lê Đức Anh làm chủ tịch nước thì Trà lên tới Trung tướng Tổng tham mưu trưởng Quân đội và là vị tướng đầu tiên sang Trung Quốc bàn bạc kế hoạch hợp tác quân sự sau khi hai bên nối lại bang giao.
Sau khi Lê Đức Anh về vườn thì Trà là Đại tướng bộ trưởng Bộ Quốc phòng, trực tiếp điều khiển Tổng cục tình báo T2 do Lê Đức Anh và Lê Khả Phiêu lập ra nhằm cạnh tranh với cơ quan mật vụ của Bộ nội vụ, chuyên theo dõi các âm mưu đảo chánh có thể xảy ra trong nội bộ ĐCSVN và theo dõi các dịch vụ làm ăn với nước ngoài của phe thân Mỹ (Võ Văn Kiệt).
Giải đoán: Bởi vì là đệ tử thân tín của Lê Đức Anh và là người hằng năm sang Trung Quốc để trao đổi kế hoạch an ninh khu vực cho nên tướng Trà được xem là người thân Trung Quốc. Lần này Tướng Trà bị hạ uy tín có thể là do Tổng bí thư Lê Khả Phiêu mưu tính tái tranh cử chức Tổng bí thư một lần nữa nhưng ông ta thừa biết cố vấn Lê Đức Anh sẽ không chấp nhận.
Tướng Anh tuy đã về hưu nhưng vẫn ngấm ngầm chỉ huy quân đội qua người đại diện thân tín nhất của ông ta là Tướng Trà. Do đó Tướng Lê Khả Phiêu cần phải triệt uy thế của Tướng Trà để ông Trà không còn đủ tư cách tham dự đại hội Đảng Toàn quốc vào tháng tới, hay ít ra cũng phải ra khỏi Bộ chính trị. Có như vậy Lê Khả Phiêu mới hưởng hết được số phiếu bầu của cánh quân đội.
Tuy nhiên Phiêu không ngờ là sau lưng tướng Trà còn có cố vấn Võ Văn Kiệt. Ông Trà cũng là đệ tử của ông Kiệt từ thời ông Kiệt làm Bí thư quân ủy Quân khu 9 và ông Trà là Trung đoàn trưởng Trung Đoàn 1 thuộc Quân khu 9. Nếu ông Kiệt chỉ thị cho đàn em bỏ phiếu cho Tướng Trà thì ông Phiêu tất phải thua.
Kiểm chứng: Quả nhiên trong Đại hội toàn quốc cả ba ông Mười, Anh, Kiệt xúm nhau hạ bệ Lê Khả Phiêu. Riêng Tướng Lê Đức Anh tố cáo Lê Khả Phiêu bán đất cho Trung Quốc qua hiệp ước phân định ranh giới trên đất và trên biển. Sau đó tướng Trà vẫn được bầu vào Bộ chính trị và tướng Lê Văn Dũng được bầu vào Ban bí thư. Kể từ đó tướng Trà thực sự thống lĩnh quyền hành trong quân đội, được tất cả các phe phái cùng tin cậy.
Cần ghi nhận cũng trong năm này con trai của Lê Đức Anh là Lê Mạnh Hà đang được quỹ học bổng Fulbright cho du học tại trường Havard, Hoa Kỳ. Ông Hà theo học về môn quản lý hành chánh của hệ thống kinh tế tư bản. Việc này được ông Lê Đức Anh khuyến khích. Thời đó có dư luận cho rằng ông Lê Đức Anh bài Mỹ là không đúng.
Tuy không bài Mỹ nhưng ông LĐA chủ trương không làm mất lòng TQ. Vì vậy ông được giới quan sát quốc tế gán cho là cầm đầu nhóm bảo thủ, đối nghịch với chủ trương thân Tây phương của ông Võ Văn Kiệt. Chủ trương của ông LĐA dựa trên tình hình TQ và Mỹ vẫn còn liên minh; ông không thấy được sau khi Liên Xô sụp đổ thì TQ trở thành kẻ đối đầu duy nhất còn lại của HK.
Do đó chủ trương đi hàng hai của LĐA chỉ có tính cách giai đoạn, ông ta không thể đi một chân bên này một chân bên kia trong khi HK và TQ ngày càng tách xa nhau. Dĩ nhiên cả HK lẫn TQ không dại gì chấp nhận chuyện CSVN đi chàng hảng. Tới một ngày nào đó CSVN bắt buộc phải chọn một bên. Lúc đó nếu ai còn tin rằng CSVN đi hàng hai thì chỉ là nằm mơ.
Năm 2001, ngày 23-4, kết thúc Đại hội Toàn quốc lần thứ 9, ông Nông Đức Mạnh được bầu làm Tổng bí thư sau 2 lần chính ông mạnh mẻ từ chối. *(Lần sổ phiếu thứ nhất ông NĐM dẫn đầu với 7% tổng phiếu bầu, ông từ chối nhiệm vụ được bầu, trong khi người thứ hai là Nguyễn Văn An được 5% và Nguyễn Khoa Điềm được 3,5 %. Lần thứ hai bầu chọn không có NĐM thì Nguyễn Văn An dẫn đầu với 3% tổng số phiếu. Đại hội yêu cầu ông Nông Đức Mạnh ra trở lại. Kết quả bầu lần chót ông NĐM được 12% phiếu bầu).
Sở dĩ mọi người năn nỉ ông Mạnh nắm chức Tổng bí thư do vì ông là người đứng ngoài mọi chuyện tranh giành quyền lực. Nếu ông chịu đứng ra làm Tổng bí thư thì mọi phe phái có thể yên tâm. (Đây chính là lý do vì sao người ta tung tin ông là con tư sinh của ông HCM; cốt dựa vào lòng ngưỡng mộ của dân chúng để duy trì uy tín của Đảng đang bắt đầu “tuột dốc không phanh”).
Vì vậy ông Mạnh chỉ là người đứng ra điều giải mọi tranh chấp của các phe phái chứ không phải là người thống lĩnh các phe phái. Đặc biệt trong kỳ đại hội này có 3 gương mặt mới xuất hiện tại Bộ chính trị là Nguyễn Minh Triết, Bí thư TP/HCM; Lê Hồng Anh, Bí thư tỉnh Hà Tiên và Trương Vĩnh Trọng, Bí thư tỉnh Đồng Tháp. Các ông này chủ trương theo đường lối của cố vấn Võ Văn Kiệt, nghĩa là thân Tây phương.
Phân tích: Đặc điểm của Đại hội toàn quốc lần 9 là những nhân vật nổi tiếng trong chính quyền đã chiếm hầu hết các vị trí quan trọng trong Bộ chính trị và Ban bí thư, những người này có thực tài trong lãnh vực hành chánh và kinh tế, được ông Võ Văn Kiệt chọn lựa, cất nhắc; rồi lại được ông Phan Văn Khải giao cho những chức vụ có nhiều quyền lực cũng như quyền lợi, lâu ngày họ trở thành được nhiều người biết đến.
Còn những nhân vật chuyên hô hào “chuyên chính vô sản” trở thành các nhà lý luận suông và đang lùi dần vào những vị trí không còn thực lực. Nhóm này đang bị đàn em bỏ rơi vì bám theo các ông thì không có đường tiến thân và cũng chẳng kiếm chác được gì. Tiêu biểu của nhóm này là các ông Nguyễn Văn An, Nguyễn Khoa Điềm, Đào Duy Bách, Nguyễn Phú Trọng.
Tuy nhiên nhóm “chuyên chính vô sản” vẫn còn được đa số đảng viên cấp dưới ủng hộ bởi vì nhóm này luôn luôn cảnh báo là hễ theo Mỹ thì có ngày Mỹ cho lật đổ chế độ, bắt các cán bộ Cọng sản phải trả lại tài sản cho nhân dân, lúc đó thì các cán bộ Cọng sản và gia đình hết đường di tản. Trong khi đó nếu theo Trung Quốc mà lỡ chế độ có sụp thì cũng còn có đường ôm của chạy sang Trung Quốc sinh sống. Luận điệu này được những đảng viên đang cố bám Đảng để hưởng đặc quyền đặc lợi tán đồng.
Giới quan sát quốc tế đặt tên cho nhóm thân Tây phương của ông Kiệt là “phe cấp tiến” và nhóm kềm chân ông Kiệt là “phe bảo thủ”. Có khi còn gọi là phe thân Mỹ và phe thân Trung Quốc.
Đặc biệt trong nhóm cấp tiến có nhân vật Phó thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng là người có quan hệ với Tây phương nhiều nhất, ông ta đã có 3 tháng theo học một khóa căn bản kinh tế tư bản tại một viện đại học của Hoa Kỳ cho nên được Trung ương Đảng ủy nhiệm phụ trách công việc giao dịch với Tây Phương.
Ngược lại; phe bảo thủ, đứng đầu là Tổng bí thư Đảng; được ủy nhiệm giao dịch với Trung Quốc và các nước không thân thiện với Hoa Kỳ. Do đó có vẻ như ông Mạnh là người thân Trung Quốc.
Ngay từ năm 1999, quan điểm cấp tiến của ông Nguyễn Tấn Dũng đã được ông Bùi Tín đánh giá cao trong quyển sách Mây Mù Thế Kỷ: “Tôi hy vọng những người lãnh đạo mới gồm Thủ tướng Phan Văn Khải và 5 Phó thủ tướng, trong đó Phó thủ tướng thứ nhất Nguyễn Tấn Dũng còn trẻ, có thể có tư duy mới mẻ và quả đoán đưa đất nước bước những bước mới, mở rộng thắng lợi”(Trang 261).
Không phải là do ông Bùi Tín có tài tiên tri, mà sự thực là những nhà phù thủy chính trị HK đã chấm ông Dũng rồi nhờ ông Bùi Tín quảng cáo ra công chúng. Quả nhiên sau này ông Dũng đã bước những bước đúng như ông Bùi Tín đã tiên đoán. Nhưng khi viết lên điều này ông Bùi Tín cũng không ngờ rằng từ năm 1998 ông Nguyễn Tấn Dũng đã từng ngồi họp bàn chuyện “Quốc sự”với các nhân vật ẩn danh của Cộng đồng Việt Nam lưu vong dưới sự chủ tọa của một điệp viên gạo cội của Hoa Kỳ là ông Đỗ Ngọc Yến.
Sau khi bức hình của buổi họp mật bị tiết lộ, có nhiều nguồn tin gây nhiễu cho rằng ông Yến là nhân viên tình báo của ông Dũng; nhưng thực ra vị trí chủ tọa trong bức hình đã xác định ngược lại: Ông Yến là cấp trên của ông Dũng (!).
Khởi thủy cuộc đối đầu giữa Mỹ và TQ cũng là khởi thủy cuộc đối đầu trong nội bộ ĐCSVN. Bắt đầu chia thành phe lãnh đạo chính quyền và phe lãnh đạo Đảng. Dĩ nhiên phe chính quyền có tiền, có bổng lộc nên có nhiều người theo hơn; còn phe lãnh đạo Đảng chỉ có lý luận cách mạng suông.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét