9/10/14

Trách nhiệm với Sài Gòn

Đại diện Tổng lãnh sự quán Phần Lan tại TP HCM vừa gửi thư cho UBND TP HCM và Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đề nghị giữ nguyên trạng “sảnh chính, cùng sàn lót gạch mosaic và cầu thang chính gồm toàn bộ lan can, tay vịn và các đầu cầu thang có tượng con gà bằng đồng của Thương xá Tax" để sau này tích hợp vào phần thiết kế của tòa nhà mới.
Nếu giải pháp này không được chấp nhận thì đề nghị họ giải pháp thứ hai là tháo dỡ nguyên trạng và giữ lại các phần nói trên, sau đó đưa vào các công trình bảo tàng và tôn tạo khác một cách có hệ thống và chuyên nghiệp, thay vì đập bỏ, chia nhỏ mỗi nơi một mẩu.
Trong thư, đại diện Tổng lãnh sự quán Phần Lan cho biết, đã được ủy quyền của Tổng lãnh sự quán Pháp tại TP HCM và Lãnh sự đoàn TP HCM. Nếu được đồng ý, họ sẽ tự thu xếp nhân công và chi phí để thực hiện giải pháp thứ hai, trong vòng 15-20 ngày.
Bức thư nói trên có lẽ phát xuất từ sự lo âu khi trước đó, giám đốc dự án của Tổng công ty thương mại Sài Gòn, chủ đầu tư dự án thương xá Tax mới - vẫn còn nói rất mù mờ rằng sẽ giữ lại "một số" chi tiết kiến trúc gắn liền với lịch sử tòa nhà, nhưng "chưa rõ chi tiết nào". Trong khi đó, thậm chí chưa cần nghiên cứu lịch sử thăng trầm của tòa nhà từng lộng lẫy nhất Sài Gòn một thuở này thì du khách và người dân Sài Gòn vẫn có thể nhắm mắt chỉ ra những chi tiết nào quyến rũ nhất ở Tax. Đơn giản vì nó đập vào mắt.
Vào những ngày cuối cùng trước khi Tax đóng cửa, nhiều người dân Sài Gòn, ăn mặc giản dị, dắt cả gia đình ngồi cùng nhau trên những chiếc ghế băng nhỏ cũ kỹ bằng gỗ đặt sát lan can phần thông tầng, lặng ngắm Tax như không thể no mắt. Những người khác thi nhau chụp ảnh với con gà đồng hay từng góc một của chiếc cầu thang. Rất nhiều người khi biết Tax sẽ bị đập toàn bộ đã thảng thốt hỏi cách mua lại những chi tiết nói trên, mà theo họ, đã cất giữ một phần hồn Sài Gòn và cả một phần đời trong họ. Vâng, Tax đã có mặt ở Sài Gòn này ngót nghét 100 năm.
Sự hờ hững của người có trách nhiệm trực tiếp trong việc giữ gìn những công trình kiến trúc vừa đẹp đẽ, vừa là những cột mốc của lịch sử Sài Gòn, gắn chặt với tình cảm của người yêu Sài Gòn thật đối lập một cách đáng trách với lòng tha thiết của những người khách nước ngoài đang làm công việc ngoại giao kia. Là một người yêu Sài Gòn, tôi cảm thấy vô cùng xấu hổ.
Mà đây không phải lần đầu tiên. Tôi nhớ cách đây khoảng chín năm, Tòa án TP HCM, một công trình hết sức đẹp đẽ do kiến trúc sư người Pháp Bourard Foulhoux thiết kế và xây dựng từ 1881 đến năm 1885, cũng đã được phía chính phủ Pháp đặt vấn đề giúp đỡ bảo tồn. Vài người bạn của tôi là kiến trúc sư tham gia dự án bảo tồn kể, trong suốt mấy tháng lang thang từ tầng hầm lên tầng mái của kiến trúc đẹp tuyệt vời này, họ phát hiện có quá nhiều chi tiết đã bị đập bỏ hoặc sửa chữa vô cùng tùy tiện. Các bức tượng Nữ thần công lý đặt trước các phòng xử án cũng đã bị lấy mất hoặc không còn nguyên bản. Để trùng tu lại cần có bản thiết kế gốc, nhưng tại Việt Nam các tài liệu liên quan hầu hết bị thất lạc nhiều năm qua chiến tranh. Nhóm trùng tu phải liên lạc với phía Pháp và được giúp đỡ rất nhiệt tình, thậm chí ngay cả khi nó quá khó khăn và vượt quá khả năng của mình thì họ vẫn cố gắng tìm từng đầu mối nhỏ nhất để gửi sang Việt Nam.
Trước đó, khi sắp hết hạn 100 năm của nhiều kiến trúc cổ nổi tiếng tại Sài Gòn tương tự như trụ sở TAND TP này, phía Pháp đều gửi thư sang các chủ công trình hiện tại để thông báo và lưu ý họ không còn trách nhiệm với chúng. Rất minh bạch, nhưng điều đó không hề mâu thuẫn với việc họ tận tụy giúp chúng ta giữ gìn các công trình tuyệt đẹp này.
Rồi gần đây nhất là công trình cầu Long Biên ở Hà Nội. Chúng ta từng đề xuất giải pháp vĩ đại là tháo tung cây cầu ra rồi dựng lại ở cách đó một khoảng. May là phương án biến một "bảo tàng không gian sống thành bảo tàng vật thể chết" (lời kiến trúc sư Đào Ngọc Nghiêm - nguyên kiến trúc sư trưởng TP Hà Nội) đã không được thông qua do sự phản đối dữ dội từ các nhà chuyên môn và người dân Hà Nội. Nói thêm, phía Pháp cũng đã tài trợ một triệu euro để nghiên cứu trùng tu cây cầu này.
Thật buồn khi cứ phải so sánh giữa trách nhiệm của "người trong nhà" và "người ngoài" mãi như thế. Có lẽ nguyên nhân không phải là khó về tiền - nhiều doanh nghiệp sẵn sàng đứng ra trùng tu đổi lại quyền khai thác. Có lẽ cũng không phải do thiếu tình yêu với di sản - khái niệm này khó thống nhất lắm. Vậy thì vì tiếng nói từ ngành bảo tồn chưa đủ mạnh hay vì những lý do khó thể công khai khác?
Xin cảm ơn các vị khách đã thương yêu Sài Gòn, nhưng giá như không phải là trong trường hợp khó xử này thì lòng tôi không nặng trĩu đến thế.
Hoàng Xuân

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét