10/11/14

Đỗ Lai Thúy - Phan Khôi và bước chuyển từ chính trị sang văn hóa

Đỗ Lai Thúy
Chia sẻ bài viết này
Trong thế kỷ XX, nếu lấy chính trị và văn hóa như là hai chiều kích đối lập nhau trong một khung lịch sử, thì con đường của người trí thức Việt Nam diễn ra theo các chuyển động rất phức tạp. Tuy vậy, có thể khái quát thành những xu hướng cơ bản sau: 1) từ chính trị sang văn hóa; 2) từ văn hóa sang chính trị; 3) từ văn hóa đến văn hóa; 4) vừa chính trị vừa văn hóa. Trong các xu hướng này, con đường từ chính trị sang văn hóa, tuy không được số đông hành cước, nhưng lại là con đường phát lộ nhiều vấn đề của xã hội Việt Nam hiện đại, và có ý nghĩa đặc biệt trong sự hình thành tầng lớp trí thức độc lập. Bởi vậy, suốt thế kỷ trước, người ta thường thấy một hiện tượng rất đáng lưu ý: một nhân vật đang mải mê hoạt động, sau một sự cố nào đó, liền từ giã sự nghiệp chính trị chuyển sang hoạt động văn hóa. Phan Khôi là một trường hợp đầu tiên và tiêu biểu.

Học giả Phan Khôi
Phan Khôi (1887 - 1959) sinh ra trong một gia đình khoa bảng và chống Pháp. Thân sinh ông là Phan Trân, đỗ phó bảng năm 1891 dưới triều vua Thành Thái, làm quan đến tri phủ Diên Khánh, rồi vì bất hòa với viên công sứ Pháp ở Nha Trang, nên bỏ về hưu, khi chưa đầy 40 tuổi. Thân mẫu là Hoàng Thị Diệm, con gái Hoàng Diệu. Bà mất sớm, chỉ để lại hai con là Phan Khôi và cô Ba, vợ học giả Lê Dư, mẹ Hằng Phương nữ sĩ. Làng Bảo An quê ông thuộc Gò Nổi, một dải đất giữa hai nhánh, một của sông Thu Bồn và một của sông Vu Gia. Dân làng chủ yếu sống bằng nghề trồng dâu nuôi tằm, ươm tơ dệt vải, nổi tiếng với các mặt hàng lụa, tuýt-xi. Nghề buôn bán, do vậy, cũng rất phát đạt. Vải, lụa, đường cát từ Gò Nổi vươn xa đến tận Huế, Nam Định, Hải Phòng, Hà Nội. Bảo An, cũng như toàn tỉnh Quảng Nam, là quê hương của nhiều người hiển đạt. Nhưng, đây là một vùng đất mở với sự phát triển của thương mại và/qua các cừa sông, cảng biển, con đường duy nhất bấy giờ nối liền với thế giới Đông Á đang chuyển mình. Các thầy đồ Quảng, do vậy, sớm tiếp xúc với Tân thư, trở thành các nhà nho duy tân chống Pháp, như Trần Quý Cáp, Phan Thành Tài, Phan Chu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng...
Phan Khôi, con của đất ấy, con của người ấy, tự nhiên phải đi theo truyền thống ấy. Ông học chữ Hán với Trần Quý Cáp, rồi trường Huấn, trường Đốc. Kỳ sát hạch nào cũng đỗ đầu. Ông nổi tiếng là một sĩ tử thông minh đất Gò Nổi. Nhưng, năm 1906, khi vác lều chõng ra Huế thi Hương, Phan Khôi chỉ đỗ tú tài. Ông uất ức cho rằng quan trường chấm thi hồ đồ, thậm chí còn làm thơ đả kích. Xem lại bản nháp các bài thi, Phan Chu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng đều đánh giá cao, và đoán rằng khoa sau ông sẽ đỗ cử nhân, tiến sĩ. Nhưng Phan Khôi đã quyết tâm từ bỏ con đường khoa cử. Đây là lần thứ nhất, trên hành trình tìm đường của mình, Phan Khôi từ bỏ một truyền thống lâu đời của gia đình, quê hương, xứ sở.
Quyết bỏ thi chữ Hán, Phan Khôi quay sang học tiếng Pháp với Phan Thành Tài, một người bà con trong họ tộc. Đồng thời, ông tranh thủ dạy quốc ngữ và chữ Hán cho trường Diên Phong, do Hội buôn Diên Phong mở để làm trụ sở hợp pháp cho phong trào Duy tân Quảng Nam. Cuối 1906, Phan Khôi làm một việc "động trời" bấy giờ là cắt bỏ búi tóc, biểu tượng thiêng liêng của các nhà cựu học, và làm bài "Vè cúp tóc" để vận động người khác. Ban đầu thì trong nhà phản ứng, ngoài đường chế giễu, nhưng chẳng bao lâu đã thành một phong trào: "Bỏ cái ngu này/ Bỏ cái dại này/ Cho khôn cho mạnh/ Học theo người Tây". Năm 1907, Phan Khôi được phong trào Duy tân Quảng Nam gửi ra Đông Kinh nghĩa thục ở Hà Nội, vừa để tìm cách phát triển các hoạt động duy tân ở quê hương, vừa tranh thủ học thêm tiếng Pháp do Nguyễn Bá Học dạy. Ông còn sửa bài, viết bài cho Đăng cổ tùng báo, một tờ chữ Hán của trường. Công việc đang thuận lợi thì nhà cầm quyền Pháp đóng cửa Đông Kinh nghĩa thục và cấm Đăng cổ tùng báo. Phan Khôi chưa kịp quay về Quảng Nam thì bị bắt giải về quê. Lúc này, vụ "xin xâu" (chống sưu thuế) ở Quảng Nam bị đàn áp dã man. Trần Quý Cáp bị xử tử. Huỳnh Thúc Kháng, Nguyễn Thành, Phan Thúc Duyện bị đi đày Côn Đảo. Phan Khôi cũng bị kết án 3 năm tù. Công cuộc vận động Duy tân bán công khai theo đường lối Phan Chu Trinh thế là bị dập tắt.
Ra tù, một mặt Phan Khôi lấy vợ, đẻ con để hoàn thành nghĩa vụ gia đình, mặt khác vẫn tham gia các vận động bí mật của Việt Nam Quang phục hội của Phan Bội Châu. Nhưng đến 1914, ông chấm dứt hẳn hoạt động này để đến năm 1916 ra Hà Nội lần hai, tìm con đường làm báo. Đầu tiên ông làm thư ký cho Công ty Vận tải Đường thủy của Bạch Thái Bưởi. Rồi nhận thấy đây không phải là đường đi của mình, Phan Khôi kiên quyết từ chối sự níu kéo của nhà tư sản dân tộc này, rời Hải Phòng lên Hà Nội. Ở đây, ông gặp Nguyễn Bá Trác, người cùng quê và/ là bạn học cũ. Ông này đang chuẩn bị vào Huế nhậm chức, nên giới thiệu Phan Khôi vào thế chân mình ở báo Nam Phong. Thấy đây là cơ hội để mình có điều kiện phát triển một hướng đi, Phan Khôi nhận lời. Ngoài việc viết bài, biên tập cho phần Hán văn do Nguyễn Bá Trác để lại, Phan Khôi còn phụ trách chuyên mục "Nam âm thi thoại" chuyên giới thiệu, bình luận thơ. Thế là từ đây, Phan Khôi đi hẳn vào con đường làm báo chuyên nghiệp. Như vậy, đây là lần thứ hai, Phan Khôi từ bỏ một truyền thống nữa của gia đình, quê hương, xứ sở, để đi theo một truyền thống khác, mà có thể lúc này mới chỉ là một phản/ phi truyền thống. Đó là sự từ bỏ con đường hoạt động chính trị, cả phong trào Duy tân bán công khai của Phan Chu Trinh, lẫn sự vận động bí mật cho đường hướng đấu tranh vũ trang của Phan Bội Châu, để chuyển sang hoạt động văn hóa một cách công khai, hợp pháp. Với con đường cứu nước phi truyền thống này, Phan Khôi hẳn còn bị gia đình, bạn bè phản ứng dữ dội hơn lần trước, thậm chí còn bị các đồng chí cũ nghi là phản bội, nhất là tờ báo khởi nghiệp của ông lại là Nam phong tạp chí của Phạm Quỳnh. Nhưng, chính đây lại là bước quyết định của/ với Phan Khôi trong việc biến ông từ một nhà nho cổ điển, một nhà nho duy tân thành một nhà nho Tây học, một nhà văn hiện đại, đồng thời tạo ra một dấu mốc trên hành trình xây dựng văn hóa dân tộc, cũng như hình thành tầng lớp trí thức độc lập.
Con đường cứu nước phi truyền thống này có tiền đề từ Nguyễn Trường Tộ (1830 - 1871). Khi thực dân Pháp rập rình xâm chiếm Việt Nam, trước sức mạnh quân sự vượt trội của nó, triều đình Huế chia làm 2 phe: chủ chiến và chủ hòa. Tư tưởng chủ chiến dựa trên truyền thống ngàn đời "giặc đến nhà đàn bà cũng đánh", "quốc gia hữu sự, thất phu hữu trách", "sát thân thành nhân". Tư tưởng chủ hòa mang tâm lý thất bại chủ nghĩa, sợ trách nhiệm, sợ mất quyền lợi, thực chất là đầu hàng. Chủ chiến và chủ hòa, tuy đối đầu với nhau quyết liệt như vậy, nhưng, xét cho cùng, chỉ là hai mặt đối lập của cùng một kiểu tư duy nhị nguyên, biện biệt: hoặc là đánh, hoặc là hòa, theo nguyên lý loại trừ. Nguyễn Trường Tộ, với cái nhìn nhất nguyên, đưa ra một tư duy khác. Một kiểu chủ hòa khác. Đó là hòa để chiến, trong hòa có chiến, trong chiến có hòa. Ông cho rằng muốn thắng được người Pháp ở trận cuối, thì trước mắt phải hòa với nó, thậm chí phải dựa vào nó, liên kết với nó, để tranh thủ thời gian xây dựng kinh tế, kỹ thuật, đào tạo nhân lực, phát triển thương mại, trang bị lại cho quân đội, xây dựng quan hệ ngoại giao đa phương với các tổ chức và các nước phương Tây khác. Nhưng, tư tưởng này quá mới, nên đình thần hoài nghi, phân vân, hoảng sợ: những kiến nghị của ông bị bỏ qua. Rồi khi chiến sự đến thì các cơ hội để thực thi chiến lược hòa để chiến không còn nữa, chỉ còn hoặc chiến hoặc hòa. Trong hoàn cảnh này, phe chủ chiến ban đầu thắng/ đa số tuyệt đối để rồi sau đó thua/ thiểu số tuyệt đối.
Sáu tỉnh Nam bộ, rồi toàn bộ đất nước bị mất, các phong trào Cần vương lần lượt bị thất bại, con đường cứu nước bằng bạo lực bị chìm xuống. Trong hoàn cảnh đó, Trương Vĩnh Ký (1837 - 1898) chủ trương con đường cứu nước bằng văn hóa. Tạo ra cuộc đối thoại Đông Tây, Trương Vĩnh Ký muốn làm cho, một mặt, người Nam hiểu được người Pháp, văn hóa Pháp, mặt khác, người Pháp hiểu được nền văn hóa cổ truyền thâm sâu của Việt Nam. Đồng thời tranh thủ xây dựng một văn hóa Việt Nam hiện đại bằng sự kết hợp Đông Tây, Nam Pháp theo nguyên tắc "Đông học vi thể, Tây học vi dụng". Ở Nguyễn Trường Tộ, trong hoàn cảnh một xã hội không có xã hội, mà chỉ có nhà nước, thì đối tượng "cải cách" chính của ông là vua (dĩ nhiên phải qua một đám quan lại chóp bu), phương thức duy nhất của ông là điều trần. Còn ở Trương Vĩnh Ký thì ông đã có một công cụ mới là báo chí, để bước đầu xây dựng một xã hội dân sự. Đối tượng "cải cách" của ông, bởi vậy, là dân chúng, bao gồm các nhà nho duy tân, các điền chủ, nhà buôn, viên chức trong bộ máy chính quyền mới ở Nam bộ. Lấy báo chí làm phương tiện, Trương Vĩnh Ký xây dựng và phổ biến chữ quốc ngữ. Từ đó xây dựng văn xuôi báo chí, rồi văn xuôi nghệ thuật, cũng như nền học thuật của đất nước.
Từ đây, ở Việt Nam, tồn tại hai con đường cứu nước: 1) con đường bạo lực chính trị và 2) con đường phát triển văn hóa, một con đường chưa từng có trong lịch sử Việt Nam. Trong hai con đường này, thì bạo lực chính trị bao giờ cũng là một nét đậm, một nhịp mạnh. Cả hai tồn tại song song với nhau, vừa hỗ trợ nhau vừa đấu tranh với nhau, đôi khi thành những cặp đối lập nổi tiếng trong lịch sử như Phan Bội Châu - Phan Chu Trinh, dẫu rằng văn hóa của cụ Phan thứ hai, xét cho cùng, cũng nhắm đến mục đích chính trị. Bởi thế, đáng chú ý là, thỉnh thoảng lại có những người chuyển từ hoạt động chính trị sang hoạt động văn hóa, sau một "sự cố" nào đó khiến họ có một nhận thức mới. Phan Khôi không phải là một hiện tượng duy nhất, mà là một trường hợp đầu tiên tiêu biểu nhất. Sau này còn có những trường hợp khác nữa. Như Đào Duy Anh (1904 - 1988), bí thư Tân Việt cách mạng đảng, sau khi bị Pháp bắt giam vào cuối năm 1929, cũng từ bỏ hoạt động chính trị chuyển sang làm sử học, làm văn hóa. Hoặc gần đây hơn, Nguyễn Kiến Giang (1930 - 2013), sau vụ "nghị quyết 9" cũng trở thành một dịch giả, một nhà nghiên cứu văn hóa có nhiều đóng góp. Có điều đáng nói là bước chuyển của Đào Duy Anh, Nguyễn Kiến Giang đều do một "cú hích của Thượng đế", tức ít nhiều bị động, còn của Phan Khôi thì hoàn toàn chủ động.
Phan Khôi chủ động thực hiện bước chuyển này vì ông nhận thức được tầm quan trọng của dân trí cũng như vai trò của báo chí trong việc khai dân trí, chấn dân khí, hậu dân sinh. Bởi thế, làm báo, Phan Khôi chủ trương công khaiđộc lập và kiên quyết không dính líu đến chính trị. Hẳn cũng vì thế mà ông sớm rời khỏi tờ Nam phong của Phạm Quỳnh, dù tạp chí này bấy giờ làm rất tốt nhiệm vụ xây dựng một nền quốc ngữ, quốc văn, quốc học. Ông vào Sài Gòn để viết cho tờ Lục tỉnh tân văn, rồi lại trở ra Hà Nội viết cho Thực nghiệp dân báo và tạp chí Hữu Thanh. Rồi lại vào Sài Gòn cộng tác với Thần chungĐông Pháp thời báo đồng thời gửi bài cho Đông Tây tuần báoVăn học tạp chí ở Hà Nội. Lúc này Phan Khôi đã trở thành một nhà báo nổi tiếng trong giới trí thức Sài Gòn. Bởi thế, ông được bà Nguyễn Đức Nhuận (Cao Thị Khanh) mời ra làm chủ bút tờ Phụ nữ tân văn do bà đứng tên sáng lập. Trang bìa tờ báo có in hình ba cô gái Bắc, Trung, Nam, biểu tượng cho nước Việt Nam thống nhất, dưới bức hình là hai câu thơ: "Phấn son tô điểm sơn hà/ Làm cho tỏ mặt đàn bà nước Nam". Nhưng Phụ nữ tân văn là tiếng nói không chỉ của/ về phụ nữ, mà còn của các tầng lớp xã hội khác. Năm 1934, tờ Phụ nữ tân văn bị cấm, Phan Khôi trở ra Hà Nội viết Phụ nữ thời đàm, rồi lại vào Huế làm chủ bút báo Tràng An. Rồi tờ báo này cũng bị đóng cửa nốt. Năm 1936, Phan Khôi xin được giấy phép ra tờ Sông Hương. Suốt đời làm báo thuê, đây là lần đầu tiên ông có một tờ báo củamình. Nghĩa là ông có thể hoàn toàn chủ động từ việc đề ra cương lĩnh đến sắp xếp các mục trên trang báo, các bài viết. Ông huy động toàn bộ vốn liếng, vợ con vào làm việc cho tờ báo. Sông Hương nhanh chóng chinh phục được đông đảo bạn đọc thuộc các thành phần xã hội. Nhưng nó chỉ tồn tại được đến 1939 thì phải tự đóng cửa vì không đủ tài chính.
Phan Khôi làm báo trước hết để tiếp tục theo đuổi một cách công khai chủ trương khai dân trí thuở Duy tân. Dĩ nhiên, dân ở đây, trước hết là người có học, như tiêu ngữ trên tờ báo của ông "Ai có học phải đọc Sông Hương". Bằng ngòi bút của mình, Phan Khôi đã đấu tranh bền bỉ cho các quyền của người dân, nhất là quyền tự do, dân chủ. Quan trọng là các quyền này với Phan Khôi phải minh bạch, chính đáng. Có lẽ vì thế mà có dạo trên Sông Hương, Phan Khôi phản đối một số tờ báo khác làm đơn xin được tự do ngôn luận. Ông cho rằng đã xin thì không còn tự do nữa. Tự do ngôn luận phải là một quyền, nghĩa là được thừa nhận công khai, bằng luật pháp. Phan Khôi đề cao luật pháp, như một thành tựu của văn hóa phương Tây. Đề cao văn hóa phương Tây, Phan Khôi chống lại các thành kiến cổ hủ của văn hóa Đông Á trong đó có Nho giáo, đặc biệt là Tống nho. Ông phê phán kịch liệt quan niệm trinh tiết, lật ngược lại cái nhìn về Võ hậu, kêu gọi giải phóng phụ nữ ra khỏi đại gia đình phong kiến. Để xây dựng một văn hóa mới, hiện đại, Phan Khôi còn viết nhiều về lịch sử, văn học, Việt ngữ... Ở lĩnh vực nào hầu như ông cũng là người đi tiên phong, như mở đầu cho Thơ Mới bằng bài "Tình già", đặt viên gạch đầu tiên cho nghiên cứu Việt ngữ, đi trước Tự lực Văn đoàn về giải phóng phụ nữ... Có lẽ, vì tồn tại chủ yếu với tư cách là một nhà báo, nên Phan Khôi chỉ là người đặt gạch chứ chưa phải là người xây nhà. Nhưng, cũng với tư cách một nhà báo, Phan Khôi đã để lại một sự nghiệp viết đồ sộ, không chỉ ở nội dung viết, mà còn ở cách viết. Không giống các nhà báo khác, ông không chạy theo việc mô tả sự kiện, mà chỉ chú ý đến những vấn đề xã hội hoặc văn hóađằng sau sự kiện đó. Các bài báo của ông, bởi thế, đều có tính chất khám phá, tranh luận, phê phán ở chiều sâu học thuật. Mỗi bài báo của ông là một Essai thực sự. Một thể loại mở, giàu tính lý thuyết và tinh thần phê phán.
Như vậy, Sông Hương là đỉnh cao sự nghiệp văn học của Phan Khôi, đỉnh cao của sự độc đáo Phan Khôi cả ở tư duy, ngôn ngữ, lẫn cách thế: trình độ Hán ngữ, Pháp ngữ, Việt ngữ rất cao, sự sùng bái tư duy logic, lối ứng xử minh bạch và bộc trực. Một sự cuội kết lạ lùng, có một không hai, Đông Tây kim cổ. Có được như vậy, theo tôi, Phan Khôi đã phát huy đến tột cùng loại hình/ người văn hóa ở/ của ông: nhà nho Tây học. Xã hội Việt Nam cho đến bấy giờ, do sự phát triển gối tiếp chứ không phải nối tiếp, đồng tồn nhiều loại hình/ người văn hóa như nhà nho , nhà nho duy tân, nhà nhoTây học, trí thức Tây học nho hóa, trí thức Tây học. Nhà nho cũ thì đã hết thời. Nhà nho duy tân cũng chỉ tồn tại một vài tượng đài như Phan Bội Châu, Ngô Đức Kế, Huỳnh Thúc Kháng. Trí thức Tây học nho hóa, mà tiêu biểu là Phạm Quỳnh thì từ 1932 đã bỏ Nam phong vào Huế làm thượng thư bộ Học. Trí thức Tây học thì còn đang trên đà phát triển. Chỉ còn nhà nho Tây học là đã đạt đến độ viên mãn. Nhất là Phan Khôi.
Nhà nho Tây học là một từ tổ gồm một danh từ nhà nho và một hình dung từ Tây học, trong đó nhà nho là chủ, còn Tây học là khách, mà khách là để nhận biết chủ. Thông thường hai yếu tố trái ngược nhau này sẽ tạo ra sự khắc chế, kìm hãm lẫn nhau, nhưng ở Phan Khôi, ngược lại, nhà nho và Tây học lại gắn kết với nhau và thúc đẩy nhau phát triển đến đỉnh điểm. Nhà nho đề cao tính, đề caophận vị, nên chỉ phát triển nhân cách,mặt xã hội của con người. Người có nhân cách là người làm tròn bổn phận xã hội của mình, người có đóng góp cho xã hội. Nhân cách, đặc biệt là nhân cách Nho giáo bịt kín mọi lối phát triển cá nhân, chỉ cho phép nhà nho tự thể hiện mình ở hai ngả là đạo đức và học vấn. Nhờ đó, nhiều người chẳng những đạt đến một trình độ đạo đức, hoặc học thức rất cao, mà còn thể hiện một cá tính hết sức đặc biệt. Về đạo đức và học vấn, Phan Khôi đã phấn đấu quyết liệt để từ nhà nho cổ điển (đi thi Hương) thành nhà nho duy tân (theo Phan Chu Trinh, Phan Bội Châu), rồi thành một nhà nho Tây học đầy cá tính. Người trí thức Tây học thì ưu tiên phát triển cá nhân, coi cá nhân là một giá trị tự thân. Con người cá nhân không chống lại xã hội, mà chỉ chống lại đám đông, cộng đồng, tập thể. Nó đấu tranh để có một xã hội dân chủ, pháp quyền để cá nhân tự do phát triển hết năng lực của mình. Bước vào thời hiện đại, cái tôi của người trí thức Tây học thì nghiêng về chủ nghĩa lãng mạn, còn cái tôi duy lý của nhà nho Phan Khôi thì nghiêng về chủ nghĩa duy lý. Tuy chưa trở thành một cá nhân hiện đại, nhưng ý thức cá nhân rất cao ở nhà Tây học gặp gỡ với nhân cách cũng rất cao của một nhà nho đã làm cho Phan Khôi trở thành một con ngườimạnh mẽ, xuất chúng, điển hình của một thời.
Tuy nhiên, khi thời của loại hình nhà nho Tây học đã qua, thì ở Phan Khôi nhà nho và Tây học, hay xét từ phương diện tâm lý - văn hóa là nhân cách và cá nhân, không còn hòa hợp với nhau như trước đây để tạo thành thể nhất quán nữa, mà rã ra thành hai yếu tố, nhiều khi khuynh loát lẫn nhau, tranh chấp nhau. Phan Khôi như bị mất đi cái sức mạnh nguyên ủy của mình, ông trở nên phân vân, hoài nghi và hay nói đến tuổi tác, nghỉ ngơi, dưỡng già. Đây chính là tâm trạng của Phan Khôi sau-Sông-Hương lúc ông phải về sống ở Bảo An quê nhà. Tuy thế, ở ông, vẫn còn một nhất quán khác là giữ vững một thái độ độc lập kiên quyết không tham gia vào các hoạt động chính trị. Khi Nguyễn Bá Trác, bạn học cũ, vận động ông ủng hộ chính phủ Trần Trọng Kim, khi Phan Bá Lân, cháu gọi ông bằng chú, thuyết phục ông tham gia Quốc dân đảng, kể cả khi Phan Thao, người con trai trưởng của ông, đề nghị ông vào Việt Minh, Phan Khôi đều kiên quyết từ chối. Nhưng rồi cuộc kháng chiến chống Pháp bùng nổ. Trong hoàn cảnh không thể làm kẻ ngoài cuộc được nữa, Phan Khôi thấy theo Việt Minh là hơn cả, vì ít ra Việt Minh, theo ông nghĩ, cũng là một mặt trận chứ không phải là một đảng phái. Ông bèn theo bạn bè văn nghệ "đi về phía Việt Bắc".
Những năm đầu kháng chiến, mặc dù gian khổ, nhưng vẫn hào hứng, vui vẻ trong bầu khí dân chủ. Bản thân Phan Khôi làm việc ở Đoàn Văn hóa Kháng chiến, rồi Hội Văn nghệ Việt Nam, tuy tuổi đã cao nhưng vẫn hăng hái tham gia chiến dịch. Nhưng từ 1949 trở đi, nhất là sau "chỉnh huấn chỉnh phong", tinh thần dân chủ ấy không còn. Người ta bắt đầu phân biệt người của "Đoàn thể" với người ngoài "Đoàn thể", Đảng viên với quần chúng, cấp trên với cấp dưới. Những người đã từng quen biết nhau, thậm chí bạn bè nhau, mấy chục năm qua, bỗng trở nên xa lạ. Có một khoảng cách nào đó giữa người với người. Phan Khôi, hơn ai hết, cảm thấy điều ấy một cách rõ rệt. Là người suốt đời muốn độc lập với chính trị, cuối cùng Phan Khôi vẫn bị chính trị vây khốn. Ông biết mình chỉ là một con ốc nhỏ trong một cỗ máy lớn. Trong hai yếu tố làm nên con người ông, thì cá nhân bị thủ tiêu, hay đúng hơn bị đẩy lui vào bên trong và bị giam giữ ở nơi yên lặng, không có tiếng nói. Nhưng nhân cách thì vẫn còn, vì con người nhà nho ở ông không mất đi đâu cả, trong khi ở một số trí thức Tây học khác thì mất cả hai: cá nhân lẫn nhân cách. Hẳn để bảo vệ nhân cách, nên dù trong bất cứ trường hợp nào ông đều làm tròn bổn phận và nghĩa vụ của mình, nhất là "nghĩa vụ" im lặng, không nói. Phan Khôi lao vào nghiên cứu Việt ngữ và dịch Lỗ Tấn. Một công việc dường như chẳng ăn nhập gì với thời cuộc, nhưng lại giúp ông giữ vững được tiết tháo và, quan trọng hơn lý do tồn tại. Vì thế, khi lấy cớ lý do sức khỏe, người ta muốn "ưu tiên" ông không phải làm gì cả, thì ông nhất định không chịu. Hơn nữa với ông, ăn lương mà không làm việc là bất lương. Một kỳ quặc nữa là khi không được/ bị gọi đi học chỉnh huấn, cũng vì lý do bệnh tật, Phan Khôi vẫn tình nguyện đi, một mặt để trải nghiệm thêm, mặt khác hoàn thành nghĩa vụ của người đi kháng chiến. Nhưng, càng ngày ông càng cảm thấy cô đơn và buồn: "Tuổi già thêm bệnh hoạn,/ Kháng chiến thấy thừa ta./ Mối sầu như tóc bạc,/ Cứ cắt lại dài ra." (Hớt tóc trong bệnh viện quân y). Tuy nhiên, Phan Khôi, như ông vẫn tự nhận, là một thứ Hồng gai vừa có hoa vừa có gai, chứ không phải loại hoặc chỉ có hoa, nhạt loét, hoặc chỉ có gai... Bởi thế, khi hòa bình trở lại, Phan Khôi cùng một số văn nghệ sĩ và các giáo sư đại học tham gia vào phong trào Nhân văn Giai phẩm.
Nếu nhìn Nhân văn Giai phẩm như một trào lưu văn nghệ do các văn nghệ sĩ, các nhà nghiên cứu từ kháng chiến trở về đấu tranh để có một không gian tự do hơn cho sáng tạo, thì việc Phan Khôi tham gia vào phong trào này là một điều tự nhiên, tất yếu. Một con người có nhân cách của một sĩ phu cókhí tiết/ tiết tháo, một cá nhân tự do và chính trực lại có đầu óc logic, biết xét đoán, chống công thức, thích đặt lại vấn đề, thích cái mới, hơn nữa chính mình chứng kiến những điều khuất tất của vụ giải thưởng văn học 1954 - 1955, như Phan Khôi thì không thể làm khác được. Ông tìm ra cái gốc của vấn đề văn nghệ là ở lãnh đạo, bởi thế ông đã viết bài "Phê bình lãnh đạo văn nghệ", cũng bởi thế ông không trách những người lập ra Giai phẩm, bởi theo logic có nhân ấy thì mới có quả ấy. Thậm chí ông còn tham gia viết bài cho họ. Từ việc tham gia viết bài đến việc nhận làm chủ nhiệm tờ Nhân văn, tôi nghĩ, là một việc làm có ý thức, tuy Phan Khôi còn ít nhiều băn khoăn về cách làm báo không theo quy củ của Lê Đạt, Trần Dần cũng như những cách tân thơ của họ, hoặc xu hướng thiên về các vấn đề chính trị của Nguyễn Hữu Đang. Bởi thế, tôi không đồng với ý kiến Lê Đạt cho rằng hành động nhận lãnh chủ nhiệm Nhân văn của Phan Khôi chỉ như một nghĩa cử, một đứng ra gánh vác việc chung của người quân tử, hoặc đa số ý kiến của những người trong gia đình, hoặc những người yêu mến Phan Khôi (hẳn vì muốn minh "oan" giúp ông), cho rằng ông đã ngây thơ về chính trị, thậm chí ông bị lừa. Phan Khôi là một người trách nhiệm, trước với bản thân sau với xã hội. Đừng hạ thấp ông dù vì một lý do "chính đáng" nào.
Con-người-trách-nhiệm-Phan-Khôi này được bộc rất rõ trong bài thơ "Nắng chiều":
Nắng chiều đẹp có đẹp.
Tiếc tài gần chạng vạng,
Mặc dù gần chạng vạng,
Nắng được thì cứ nắng.
Và Phan Khôi đã nắng lên được bằng thứ nắng quái chiều hôm. Một lần nữa, nhất quán với bản thân mình, Phan Khôi lại chuyển từ chính trị sang văn hóa, nhưng lần này không phải vì ông làm chính trị, mà nhằm thoát khỏi chính trị, để trở thành một nhà văn hóa thực sự. Sống trong một đất nước chính trị, cuộc sống của Phan Khôi, vì thế, không thể không tránh khỏi hệ lụy, kể cả cái chết và những cái sau-chết. Tuy vậy, cái bước chuyển từ chính trị sang văn hóa mà ông thực hiện luôn sống lại ở những thế hệ kế tiếp để trở thành một con đường, thậm chí đường lớn./.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét