20/12/14

Ví-Giặm xứ Nghệ được UNESCO vinh danh


Ví-Giặm xứ Nghệ được UNESCO vinh danh
Ví-Giặm : hai dân ca ở Nghệ An và Hà Tĩnh - DRprint

Trọng Thành/RFI
Tối 27/11/2014, trong cuộc họp tại Paris, Pháp, Ủy ban UNESCO đã chính thức công nhận dân ca Ví – Giặm xứ Nghệ là “di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại”, cùng với 34 di sản khác của thế giới. Trong bối cảnh các hoạt động kinh tế nông nghiệp truyền thống - môi trường làm nên sức sống của Ví-Giặm cổ truyền -, ngày càng mai một, nếu không muốn nói là gần như biến mất ở nhiều nơi, hai loại hình dân ca xứ Nghệ đã tìm thấy đất sống trong các sinh hoạt cộng đồng mới.

Ví-Giặm là di sản văn hóa phi vật thể thứ 9 của Việt Nam được vinh danh, tiếp theo Đờn ca tài tử, Tục thờ Hùng vương Phú Thọ, Hát Xoan Phú Thọ, Hội Gióng Hà Nội, Ca trù, Dân ca Quan họ Bắc Ninh, Nhã nhạc cung đình Huế và Cồng chiêng Tây Nguyên.
Ví-Giặm là hai lối hát dân dã không nhạc đệm được các cộng đồng dân cư ở hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh sáng tạo và truyền thụ trong các hoạt động sản xuất và sinh hoạt truyền thống. Tên gọi của các làn điệu Ví-Giặm cổ truyền gắn với các hoạt động như : ví phường vải, phường võng, phường nón, phường củi, ví trèo non, ví đò đưa, ví ghẹo, ví mục đồng, giặm ru, giặm kể, giặm xẩm... Hai lối hát nói trên tuy có một số đặc điểm khác nhau, nhưng do từ một số thập niên gần đây thường xuyên được hát đan xen với nhau, nên cũng thường được ghép chung với tên gọi dân ca Ví-Giặm hay Ví-Dặm.
Trong bối cảnh các hoạt động kinh tế nông nghiệp truyền thống ngày càng mai một, môi trường làm nên sức sống của Ví-Giặm cổ truyền, với các thể thức và quy cách, trước đây bị thu hẹp hết sức rõ rệt, nếu không muốn nói là gần như biến mất, hai loại hình dân ca xứ Nghệ đã tìm thấy đất sống trong các sinh hoạt cộng đồng mới, đặc biệt là các câu lạc bộ, các nhóm nghiệp dư, không nhiều thì ít thường được chính quyền khuyến khích.
Giống như đa số các loại hình dân ca cổ truyền, trừ ca trù trong một thời gian dài, Ví-Giặm được chế độ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam sau này khuyến khích phát triển, các làn điệu dân ca Ví-Giặm được giới nghệ sĩ khai thác để phát triển nhiều sáng tác âm nhạc mới mang hơi thở dân ca, chinh phục được trái tim của đông đảo công chúng, trước hết là người dân xứ Nghệ.
Lời ca Ví-Giặm nhìn chung thường dễ hiểu, các làn điệu thường đơn giản, được đông đảo người dân thuộc các lứa tuổi thưởng thức và ứng tác. Khác với Ví-Giặm cổ truyền, ngày càng có nhiều người hát dân ca với sự hỗ trợ của nhạc đệm truyền thống hay hiện đại. Ví-Giặm dưới hai hình thức, cổ truyền và cải biên, được thực hành tại 75 nhóm dân ca, với khoảng 1.500 thành viên, trong đó có hơn 800 nghệ nhân, theo một cuộc điều tra vào năm 2012. Tuy nhiên, số người ít nhiều có hát Ví-Giặm ắt hẳn nhiều hơn con số chính thức nói trên.
Nhân dịp Ví-Giặm xứ Nghệ được UNESCO vinh danh, nhận lời mời của Tạp chí Xã hội của RFI, Giáo sư Dân tộc nhạc học Trần Quang Hải (Paris), cùng Nhạc sĩ Thanh Lưu và Nghệ nhân Phan Thế Phiệt (Nghệ An) có đôi lời chia sẻ với quý vị thính giả về những cảm nghĩ riêng trước sự kiện này, cũng như một số hiểu biết căn bản về các di sản văn hóa của một vùng đất có một vị trí đặc biệt trong lịch sử Việt Nam và văn hóa Việt Nam.
Trước hết mới quý vị nghe chia sẻ của Giáo sư Trần Quang Hải, người từng tham gia hỗ trợ hồ sơ Ví-Giặm xứ Nghệ trình UNESCO.
Tôi có dịp đi về Việt Nam hai năm liên tiếp, tham gia vào chuẩn bị hồ sơ của hát ví dặm Nghệ Tĩnh. Tôi thấy rằng, có sự chuẩn bị rất chu đáo. Có sự đóng góp của tất cả những câu lạc bộ của hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh. Đồng thời Gs Nguyễn Chí Bền dầy công thu góp tất cả những tài liệu lại và làm đúng theo tôn chỉ của UNESCO. Thành ra họ thấy rằng sức sống của hát Ví-Giặm đã được hồi sinh và hy vọng rằng trong tương lai sẽ được tiếp nối và sẽ được quảng bá rộng rãi hơn.”
Giáo sư Trần Quang Hải (Paris)07/12/2014Nghe
Từ xã Hoa Thành, huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An, nghệ nhân Phan Tất Thành, một người gắn bó từ hàng chục năm nay với dân ca xứ Nghệ cho biết cảm tưởng của ông trước sự kiện này.
Nghệ nhân Phan Thế Phiệt (Nghệ An)03/12/2014Nghe
Ví là gì ? Giặm là gì ?
Nhạc sĩ Thanh Lưu, nguyên Trưởng đoàn Dân ca Nghệ An, người dầy công sưu tầm dân ca xứ Nghệ và được coi là một “người đặt nền móng cho kịch hát dân ca xứ Nghệ” nhận xét về tính phổ cập của Ví-Giặm (so sánh Ví-Giặm với Quan họ Bắc Ninh của ông có thể gây bàn thảo - ndr).
Ví-Giặm nó có tính phổ cập. Như Quan họ chẳng hạn chỉ có 49 làng Quan họ, và trong những làng ấy, chỉ có một số liền anh, liền chị hát. Và người ta cũng chủ yếu hát ở Hội Lim thôi. Còn Ví-Giặm là hát ở tất cả mọi không gian, mọi thời gian, và già trẻ, trai gái ai cũng có thể hát được. Cái nữa là ta thấy Ví-Giặm có tính biểu cảm đa dùng, tức là một điều Ví-Giặm chẳng hạn chuyển tải được rất nhiều sắc thái tình cảm. Đề cập tất cả mọi khía cạnh của cuộc sống”.
Nhạc sĩ Thanh Lưu giúp chúng ta phân biệt Ví và Giặm khác nhau như thế nào, và đặc trưng của các làn điệu Ví-Giặm, qua một số giải thích và minh họa. 
Nhạc sĩ Thanh Lưu (Vinh)07/12/2014Nghe
Nghệ nhân Phan Tất Thành cho biết thêm về giai đoạn những năm 1970-1980, trong thời gian hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh tạm thời sát nhập làm một, nhiều hoạt động truyền bá phát triển, khiến trong một thời gian rất ngắn hát Giặm vốn chỉ phổ biến ở Hà Tĩnh có cơ hội phổ biến mạnh sang Nghệ An.
Từ thời các nhà nho đến dân ca “câu lạc bộ”
Ví-Giặm là sản phẩm của một vùng đất nơi sinh ra nhiều danh nhân thời văn minh Nho giáo. Theo cố Giáo sư Ninh Viết Giao (xem bài "Về ba loại hình dân ca Hò, Ví, Giặm"), người đã dành cả cuộc đời để sưu tầm dân ca xứ Nghệ, trong đó đặc biệt phải kể đến hát ví phường vải, được coi là một đỉnh cao của dân ca Ví một thời. Theo ông, thi hào Nguyễn Du, nhà thơ Nguyễn Huy Tự, ông hoàng ca trù Nguyễn Công Trứ, chí sĩ Phan Bội Châu đã từng “tắm gội” trong nền dân ca quê nhà. “Phải nói hát ví, hát giặm có giá trị như thế nào mời hấp dẫn, mới lôi cuốn các danh sĩ, chí sĩ, nho sĩ tham gia” để rồi “thầm lặng giúp đỡ họ” “sáng tạo nên những tác phẩm bất hủ”. Dòng sông lịch sử không ngừng chuyển động. Ví-Giặm ngày nay có còn giữ được như xưa ? Nhạc sĩ Thanh Lưu kể lại trải nghiệm của ông về những việc đã làm để chuyển giao Ví-Giặm cho thế hệ trẻ :
Trong cuộc hát phường vải, có người ‘bẻ’, có người hỏi, có người đáp, và trong đó có thể có những nhà nho có tên tuổi. Những trí giả này đặt ra những câu đối, câu đáp mang tính rất thâm thúy, làm cho tính bác học trong Ví-Giặm cũng rất sâu sắc. Bây giờ thì khác, môi trường không như ngày xưa nữa. Bây giờ có ai đi quay xa, dệt vải, ai đi tuốt lúa, bây giờ máy móc cả rồi. Mà chúng tôi muốn làm thế nào để bảo tồn cái đó, thì một mặt mình phải đi sưu tập ở các làng quê, rồi các cụ nghệ nhân hát cho mình ghi lại, phục chế lại những cảnh đó thôi, chứ còn những cảnh tự nhiên như ngày xưa bây giờ là không có. Nhưng còn một hình thức khác, đó là các câu lạc bộ phường xã, câu lạc bộ hát dân ca, người ta sử dụng những bài bản cũ. Mặt khác nữa, để phản ánh được hiện thực mới, thì người ta lại lấy cái làn điệu cũ, biên soạn nội dung mới vào, để phản ánh cuộc sống đương đại. Cái hình thức câu lạc bộ không chỉ hát trong thôn xóm, mà cứ định kỳ như thế, có các cuộc liên hoan cấp cơ sở, từ phường xã cho đến cấp tỉnh. Như thế, các câu lạc bộ ở các phường xã cũng đua nhau tham gia các hội diễn, các cuộc liên hoan ấy…. Rồi ở trong trường học chúng tôi cũng phổ cập cho học sinh phổ thông, tập huấn cho tất cả các giáo viên phổ thông trong toàn tỉnh. Song đó rồi, các nhà giáo lại phổ biến cho học sinh của mình trong toàn tỉnh, rồi định kỳ tổ chức cuộc thi cho toàn trường…. Rồi chúng tôi dạy trên sóng phát thanh truyền hình. Rồi còn có việc in các tập nhạc dân ca, in các băng đĩa để trao truyền. Đấy là tôi không nói chuyện sâu khấu hóa. Sân khấu hóa là một chuyện khác”.
Ví là ngâm vịnh, ví von, nhưng đồng thời trong các sinh hoạt cổ truyền Ví cũng là lối hát dân ca hướng đến sự giao hòa : Ví là Với, bên nam hát cùng bên nữ. Hát Ví còn có nghĩa là hát Vói, một bên ở đường, ngoài ngõ “hát vói” vào sân, người ở ruộng này “hát vói” sang ruộng kia, người đi đường “hát vói” với người dưới ruộng… Vói là dùng lời hát để giao tiếp trong một không gian rộng. Giáo sư Trần Quang Hải quan sát thấy một hiện tượng mới trong thực hành hát Ví-Giặm hiện nay :
Tôi có dịp đi xem, thì thấy có những lớp giảng dạy, khuyến khích tất cả những em tập ra những màn hát đối đáp, những người trẻ hai mấy ba chục tuổi, đối lại với bên kia cũng mười mấy hai chục tuổi. Tập họ như thế, rồi họ tự nhiên thấy chuyện đó nó đặc biệt hơn, rồi nó linh động hơn là hát tân nhạc. Thì theo tôi nghĩ đó là một trong những khía cạnh có thể duy trì được truyền thống hát Ví-Giặm ở tại hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh.”
Ví-Giặm cũng thể hiện được những kịch tính ghê gớm
Về phần mình, Nghệ nhân Phan Thế Phiệt nhấn mạnh đến sự thu hẹp của không gian dân ca cổ truyền, đổi lại là ảnh hưởng gia tăng của dân ca sân khấu hóa :
Cái không gian Ví-Giặm giao lưu bây giờ có thu hẹp lại. Và bây giờ rầm rộ hơn cả là biểu diễn. Biểu diễn sân khấu làng nào thôn nào cũng có. Nó cũng là một cách đưa đời sống vào dân ca Ví-Giặm…. Theo tôi nghĩ đó cũng là thích hợp, chứ không thể giữ nguyên xi được như hồi trước được đâu.
Trước kia, hát là trao đổi nghề nghiệp tâm tình thế thôi. Nhưng bây giờ, dân ca Nghệ An được lên sân khấu, nó có sức truyền tải, nó (trở thành) có sức chứa đựng nhiều mâu thuẫn trong xã hội, ví dụ như những 'tệ nạn xã hội', như nghiện hút, tham ô, lợi dụng chức quyền, cuộc đấu tranh nẩy lửa giữa cái thiện, cái ác. Dân ca Nghệ Tĩnh vẫn có được những làn điệu, sử dụng được để thể hiện những cung bậc tình cảm như thế. Ví dụ thì có nhiều, như vở 'Cô gái sông Lam' (tác phẩm chèo do Nguyễn Trung Phong sáng tác, được chuyển thể sang Ví-Giặm). Nó là vở diễn sân khấu dài hơi, rất phức tạp, kịch tính ghê gớm, nhưng sang dân ca Nghệ Tĩnh vẫn có sức thể hiện được một cuộc đấu tranh giữa cường quyền áp bức, giữa đế quốc, phong kiến, và hoạt động cách mạng rất cam go. Thế mà vẫn truyền tải được”.
RFI : Thưa ông, đấy là chuyện của thời cách đây đã hơn nửa thế kỷ. Còn về những nội dung mà ông nói nhưng gần đây hơn thì có không ?
"Gần đây thì rất nhiều… Các tệ nạn ma túy, mãi dâm nó đều thể hiện được cả. Rồi cuộc đấu tranh trong bà con thôn xóm để đi lên xây dựng 'Nông thôn mới'. Cuộc đấu tranh ngay từ trong gia đình, trong cộng đồng. Xây dựng Nông thôn mới có việc hiến đất cũng rất là cam go…. là xương máu của bà con từ bao đời để lại, bây giờ lại hiến đất cho xã, để mở đường cho rộng, cho làng xóm khang trang. Đó cũng là cuộc đấu tranh rất là nan giải đối với người nông dân. Dân ca Nghệ Tĩnh vẫn cứ lên sân khấu, có rất nhiều vở lên sâu khấu. Gia đình có vở 'Gian nan một lời hứa', về chống ma túy có 'Khoảnh khắc của một đời', rồi lên án chất độc da cam, có vở  'Nhân chứng sống'…"
« Giận mà thương » : khi sáng tác hóa thành di sản
Một số những nhạc sĩ trong một thời gian nào đó đã đi vào nghiên cứu và thấy có những làn điệu. Thí dụ như có bài nổi tiếng bây giờ ai cũng hát. ‘Giận mà thương’’ trở thành làn điệu được hát nhiều. Ngoài ra những lời mới dựa trên cái làn điệu đó được phổ biến khắp nơi rồi. Tôi đã nghe được gần như mười mấy bài tương tự. Nghe lên, mình có thể biết được, định rõ được đó là giai điệu ấy...”
Vừa rồi là nhận xét của Giáo sư Trần Quang Hải về làn điệu « Giận mà thương », một trong những làn điệu phổ biến nhất của dân ca Ví-Giặm, không chỉ trong xứ Nghệ, mà trên toàn quốc. Trong thời gian gần đây, ngày càng phổ biến các thông tin về làn điệu vốn được coi là dân ca cổ truyền, thực ra do một nhà biên kịch, ông Nguyễn Trung Phong sáng tác – trên cơ sở cải biên các làn điệu Ví và Giặm cổ truyền -, trong vở kịch dân ca mang tên «Khi ban đội đi vắng » (năm 1967). « Giận mà thương » hay « Ví giận thương » sau này còn được nhiều nghệ sĩ lấy cảm hứng để sáng tác các ca khúc, như Đỗ Nhuận với bài « Trồng cây lại nhớ đến Người », sau khi lãnh đạo Việt Nam, ông Hồ Chí Minh qua đời, hay Đỗ Quý Doãn/ Trần Hoàn với bài « Giữa Mạc tư khoa nghe câu hò xứ Nghệ » (năm 1981).
Theo nhạc sĩ Thanh Lưu, « [C]ó thể nói dân ca Nghệ Tĩnh là loại hình dân ca có điệu thức đơn giản nhất », và việc tuân thủ một số nguyên tắc, trong đó có việc đưa các làn điệu mới vào kịch dân ca một cách từ từ, là một trong các bí quyết khiến Ví-Giặm có được một sức hấp dẫn qua thời gian (xem bài « Nhạc sỹ Thanh Lưu với các làn điệu cải biên», Trung tâm Bảo tồn phát triển dân ca xứ Nghệ). Tuy nhiên, liệu có phải tất cả những điệu thức cải biên theo hướng này có thể được coi là dân ca xứ Nghệ nữa hay không ? Đây là một câu hỏi hiện còn để ngỏ. Theo một số nhà quan sát, điệu « Tứ Hoa » do nghệ sĩ Đình Bảng sáng tác, chẳng hạn, rõ ràng mang đậm chất vọng cổ - cải lương hơn là dân ca xứ Nghệ.
Hai mặt của sự tôn vinh
Trong hơn nửa thế kỷ qua, dân ca Ví-Giặm Nghệ Tĩnh đã biến đổi rất nhiều. Có nhà nghiên cứu ghi nhận hai thay đổi rất lớn của hát Ví-Giặm, từ lối hát trao duyên trong các phường nghề chuyển sang lối hát chơi của các nghệ nhân, nghệ sĩ dân gian, rồi tiến đến sự hình thành của một sân khấu hay kịch dân ca Ví-Giặm (xin tham khảo bài nghiên cứu “Những bước chuyển đổi trong dân ca Ví-Dặm” của nhạc sĩ Đặng Hoành Loan). Trong bài viết trên, nhạc sĩ Đặng Hoành Loan cảnh báo việc đẩy tính kịch trong sân khấu Ví-Dặm lên khiến "điệu hát Ví-Dặm sân khấu không còn giữ tính hồn nhiên trong ca hát, phóng khoáng trong lối chơi của dân ca Ví-Dặm".
Tác động của sân khấu Ví-Giặm, cũng như các hình thức sinh hoạt Ví-Giặm mang tính Nhà nước - hoặc ít, hoặc nhiều - đến các sinh hoạt dân ca Ví-Giặm được lưu truyền trong cộng đồng như thế nào hiện là một thực tế còn ít được chú ý. Hiện tượng “Giận mà thương”, thường được xem như làn điệu cổ, nhưng thực ra là làn điệu cải biên (được đánh giá là rất thành công), mà gần đây được nói đến nhiều, chỉ là bề nổi của một hiện thực vô cùng phong phú.
Không ít người lo ngại, cũng như trong nhiều lĩnh vực văn hóa, tín ngưỡng khác tại Việt Nam, phong trào tôn vinh di sản dường như mang tính hai mặt. Một mặt, nó cho phép nâng niu trân trọng hơn đối với những gì có giá trị đích thực, nhưng mặt khác, nó cũng có thể dung dưỡng cho sự áp đặt một cách nhìn duy nhất đối với quá khứ, một xu hướng Nhà nước hóa văn nghệ, về lâu dài làm thui chột những sáng tạo đích thực.
Tạp chí Xã hội của RFI xin chân thành cảm ơn Giáo sư Trần Quang Hải, Nhạc sĩ Thanh Lưu và Nghệ nhân Phan Thế Phiệt

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét