13/1/15

     CHÍ PHÈO VÀ "NGỤY CHÍ PHÈO"

  • Mạnh Kim
    Định không nói về vấn đề này nữa nhưng ngày càng có nhiều ý kiến “uyên bác” ám chỉ việc ban biên tập Charlie Hebdo bị tấn công là đúng nên phải rườm lời.
    Phải nói ngay rằng Charlie Hebdo là một “Chí Phèo” trong làng báo thế giới. Nói theo tiếng lóng phổ biến là “báo bựa”. Họ bôi bác tất cả. Năm 2011, sau khi người Công giáo tại thành phố Avignon phá tấm hình “Piss Christ” (bức ảnh của nhiếp ảnh gia Mỹ Andres Serrano chụp cây thánh giá nhựa trong cái ly dung dịch vàng mà tác giả nói rằng đó là nước tiểu của mình), Charlie Hebdo dựng ngay trang bìa vẽ cuộn giấy vệ sinh ghi “Bible, Koran và Torah” cùng hàng chữ: “Mọi tôn giáo trong nhà cầu!” (Torah là Thánh Kinh Do Thái giáo).
    Charlie Hebdo chưa bao giờ được người Pháp hoan nghênh và được báo chí thế giới tôn trọng, cho đến sự kiện 7-1-2015. Tính đến năm 2012, theo The Atlantic 11-1-2015, tuần báo trào phúng này chỉ bán khoảng 60.000 bản – bằng 1/10 so với các tuần báo nổi tiếng khác của Pháp. Không chỉ tôn giáo, Charlie Hebdo cũng nhắm vào nhiều đối tượng khác. Trước khi bị khủng bố không lâu, họ đã vẽ bộ trưởng tư pháp Pháp (người da màu) là con khỉ. Tháng 9-2012, khi xảy ra loạt bạo động khắp thế giới Hồi giáo nhằm phản đối bộ phim bôi bác Nhà tiên tri mang tựa Innocence of Muslims (của Nakoula Basseley Nakoula; người Mỹ gốc Ai Cập), Charlie Hebdo lập tức hưởng ứng khi vẽ Mohammed như một diễn viên phim khiêu dâm, trần truồng, quỳ chổng mông, “hàng họ” lòng thòng, với chú thích “Mohammed: một ngôi sao vừa ra đời!”.
    Và cách đây một năm, trong số đề ngày 15-1-2014, Charlie Hebdo đã chẳng cả nể khi lôi Tổng thống François Hollande ra bìa với ảnh biếm cực kỳ “bựa” (ảnh). Cần nhấn mạnh, luật pháp Pháp không hề cấm cách làm báo kiểu Charlie Hebdo. Tóm lại Charlie Hebdo không tha một ai, không từ tôn giáo nào, không ngán bất kỳ điều gì có thể gây tranh cãi và phản đối. Charlie Hebdo là nhân vật “phản diện” của làng báo thế giới. Họ nằm ở đường ranh cuối cùng của mép giới hạn tự do thông tin.
    Đó cũng là lý do xuất hiện ý kiến gián tiếp ủng hộ việc Charlie Hebdo bị “thánh vật” bằng cuộc thảm sát. Nói vậy cũng chẳng khác một kiểu Chí Phèo. Ngụy biện. Giống như ghét tên trộm chó thì cứ phang cuốc vào đầu cho nó chết. Giống như “tao ghét mày nên tao bắn vỡ sọ mày đấy!”. Giống như “gia đình mày chửi tao nên tao vác dao sang đâm lòi ruột cả nhà mày xem ai làm gì tao!”. Trật tự xã hội và những thiết chế giúp định hình một xã hội văn minh có thể chấp nhận cách hành xử bạo lực và ác độc tùy tiện tương tự? Cần nhấn mạnh, trong các buổi thuyết giảng tại nhiều giáo đường Hồi giáo, từ Trung Đông, châu Á đến châu Âu, vô số giáo sĩ vẫn mạnh miệng công khai chỉ trích phương Tây, công khai sỉ nhục nguyên thủ phương Tây, công khai kêu gọi thánh chiến chống lại phương Tây. Các tờ báo và website Hồi giáo cũng vẽ biếm bôi bác đủ thứ liên quan phương Tây. Đã có tổ chức “huynh đệ” phương Tây nào trả thù bằng cách thực hiện cuộc cuồng sát man rợ tương tự vụ Charlie Hebdo?

    LEAVE A REPLY

    2 Comments

    1. Mạnh Kim gọi Charlie Hebdo là Chí Phèo, đó là quyền tự do của tác giả, nhưng từ đó người ta có thể đánh giá tư cách, trình độ và lương tâm của một con người.
      50 nguyên thủ quốc gia đến dự tang lễ cho những nhà báo sống bằng sức lao động chân chính và tài năng. 4 triệu đồng bào Pháp xuống đường trong đau đớn và phẫn nộ. Hàng triệu triệu những bó hoa và ngọn nến trên toàn thế giới, trên cả những xứ sở xa xôi tưởng niệm người vừa nằm xuống. 6 ngày sau khi thảm sát, những tờ báo hàng đầu trên thế giới vẫn tiếp tục đưa tin về sự kiện này ngay trên trang chính. Chưa có cái chết nào làm thế giới chấn động và cảm thương như thế. Ngay cả trận đánh bom đầu tiên vào toà nhà World Trade Centers, vụ khủng bố marathon ở Boston cũng không hề được cả thế giới để tang long trọng và kính cẩn nghiêng mình.
      Jean Cabut, Georges Wolinski là hai hoạ sĩ biếm hoạ hàng đầu của Pháp, là cộng tác viên của nhiều tờ báo khác. Tổng biên tập Stephane Charbonnier là người đi vào lịch sử báo chí và trái tim nhân loại với câu nói "Thà chết thẳng chứ không sống quỳ". Đó là một tờ báo dám đương đầu với mọi thế lực, không lệ thuộc vào quảng cáo và kinh phí của nhà nước. Họ sống và viết ngay thẳng theo đúng cái nhìn của họ, và họ có phía sau lưng có con số khiêm tốn: 30.000 độc giả. Họ sống thật chứ không sống theo số đông.
      Có lẽ ở VN người ta đã quen nói một chiều, nghe một chiều và cúi đầu chấp nhận nên họ khó hiểu được rằng, ở xứ tự do quan điểm của con người rất đa dạng đôi lúc còn là kỳ dị. Charlie Hebdo là những trí thức cánh tả và họ châm biếm và đả phá theo phong cách của những người cánh tả và vô thần. Vì những sự cọ sát quan điểm và tư tưởng dữ dội đấy, xã hội Châu Âu mới có được nền văn minh và dân chủ như ngày nay.
      Người ta chấp nhận những cái khác, cái lập dị để tự thay đổi và hoàn thiện hơn. Chúng ta ngồi đáy giếng và kêu tiếng kêu của con ễnh ương, khệnh khạng: "Định không nói về vấn đề này nữa nhưng... phải rườm lời."

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét