"Chìa khóa" của lòng dân là Dân chủ
VOV.VN -Có nhiều định nghĩa mang tính hàn lâm về “dân chủ”, nhưng Bác Hồ nói rằng “dân chủ là để làm sao cho dân được mở miệng ra”.
Theo GS.Trần Đình Huỳnh, nguyên Viện trưởng Viện Xây dựng Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã để lại những chỉ dẫn như là dự báo chính trị về nguy cơ đối với một Đảng cầm quyền, mà ngày nay chúng ta cần nghiêm túc suy ngẫm. Trong điều kiện cầm quyền, Đảng có nguy cơ không còn là người đầy tớ thật trung thành phục vụ nhân dân, mà biến thành “quan nhân dân”, thậm chí còn biến thành cực đối lập với nhân dân.
Chữ “trọng” và “dụng” chưa đi liền với nhau
GS. Trần Đình Huỳnh phân tích: Nguy cơ của Đảng cầm quyền có thể nói ở rất nhiều khía cạnh, nhưng nguy cơ quan trọng nhất là quyết định sai lầm một quyết sách chính trị. Trong quyết sách chính trị, nói như Bác Hồ đó là “trí khôn của Đảng”. Có “trí khôn” thì mới hoạch định chính sách đúng được. “Trí khôn”, như Bác nói, liên quan đến công tác tổ chức. Dù Đảng có đông bao nhiêu, dù toàn những người tài giỏi, ưu tú, tuy vậy trong dân chúng có rất nhiều người tài, họ rất khôn ngoan. Việc nước thì không phải việc riêng của Đảng, mà là việc của toàn dân, cho nên phải khơi dậy “trí khôn” của cả dân tộc.
GS.Trần Đình Huỳnh, nguyên Viện trưởng Viện Xây dựng Đảng
GS.Trần Đình Huỳnh cho rằng: “Mỗi thời có một trí khôn để giải quyết nhiệm vụ của thời đó. Tôi cho rằng thế hệ cách mạng cũ đã có đủ trí khôn và họ đã giải quyết được nhiệm cụ của thời đại họ. Trí khôn của thời đại ngày nay chính là phụ thuộc vào thế hệ hiện tại. Tôi lưu ý hai điều Bác nói: Một là chính sách nhân tài. Đảng ta có nhiều nghị quyết về nhân tài, nhưng tôi cho rằng nhân tài ở đất nước ta không được khơi dậy, chưa được trọng dụng. Chữ “trọng” và chữ “dụng” đã bị tách ra làm hai. Một số không nhỏ được “dụng” nhưng không được “trọng”; còn một số đáng “trọng” thì có khi lại không dùng được. Tôi nghĩ rằng tổ chức phải lưu ý chính sách nhân tài. Thứ hai, Bác chú ý đến nhân tài ở cả trong và ngoài nước, ngoài đảng và thế hệ trẻ. Bác nói: “Chính vì thiếu chính sách nhân tài nên Đảng cầm quyền mới rơi vào tình trạng thiếu tri thức, thiếu lý luận, không am hiểu bản chất và xu thế phát triển của tình hình trong nước, ngoài nước, không nắm được quy luật hành động, như đi ban đêm không có đèn, không có gậy dễ vấp té”.
Nguy cơ “giặc nội xâm”
Nguy cơ thứ hai, theo GS.Trần Đình Huỳnh, đó chính là “giặc nội xâm lũng đoạn”. GS.Trần Đình Huỳnh khẳng định, giặc nội xâm chính là chủ nghĩa cá nhân, gây tác hại rất to lớn, như Bác nói “chủ nghĩa cá nhân đẻ ra nhiều cái xấu, thiên hình vạn trạng”, “làm mất lòng tin cậy của dân, sẽ hại đến uy tín của Chính phủ”.
GS.Trần Đình Huỳnh chỉ rõ: Chủ nghĩa cá nhân biểu hiện ở những đặc điểm, đó là tính công thần và kiêu ngạo; địa phương cục bộ; bè phái, lợi ích nhóm; quan liêu và lối sống kim tiền; óc hẹp hòi; tính vô kỷ luật, kỷ luật không nghiêm, làm trái phép nước, coi thường pháp luật; tham nhũng. GS.Trần Đình Huỳnh phân tích: Giặc nội xâm chính là kẻ thù bên trong của chúng ta. Nó như những “tế bào ác tính” xâm nhập vào cơ thể Đảng; phá hoại tư tưởng và tổ chức của Đảng, phá hoại cả tình đồng chí thiêng liêng. Danh dự, uy tín của Đảng bị chủ nghĩa cá nhân làm cho xói mòn, nó là nguy cơ trực tiếp làm cho Đảng mất dần quần chúng. Khi Đảng mất tín nhiệm đối với nhân dân, cán bộ, đảng viên có chức quyền không còn là đầy tớ trung thành của nhân dân thì Đảng không còn là một đảng cách mạng chân chính.
Do đó, Nhà nước do Đảng lãnh đạo cũng không còn là Nhà nước của nhân dân, do dân và vì dân nữa. Nguy cơ làm thoái hóa biến chất Đảng khi đã trở thành đảng cầm quyền và bí quyết để chống lại nguy cơ đó là ở chính ngay trong mỗi một đảng viên. Chính vì thế, Chủ tịch Hồ Chí Minh kêu gọi Đảng phải kiên quyết “quét sạch chủ nghĩa cá nhân, nâng cao đạo đức cách mạng”.
Chìa khóa của “lòng dân” là dân chủ
GS.Trần Đình Huỳnh chỉ ra một nguy cơ mà Bác dự báo đó là xa dân và mất dần quần chúng. Theo Giáo sư, bất cứ thời nào, giai cấp cầm quyền cũng tuyên bố là vì dân, nhưng vấn đề là có làm hay không, có nói đi đôi với làm không? Bác Hồ nói khi ta chưa giành được chính quyền, với tư cách đảng viên Đảng cộng sản Pháp, nếu chúng ta cứ nói mãi mà không làm, hoặc làm không có kết quả gì thì quần chúng sẽ coi chúng ta là những người đúng đắn hay là những kẻ lừa phỉnh?
“Tôi e ngại rằng chúng ta (Đảng – PV) đứng trước cảnh một bộ phận không nhỏ nhân dân coi chúng ta là nói mà không làm. Chúng ta rất tự hào rằng dân nói là “Đảng ta”, “Đảng của chúng ta”, “Đảng tôi”… Nhưng bây giờ đã ai kiểm định trong nhân dân có bao nhiêu phần trăm tin rằng đây là Đảng của tôi, của chúng tôi, của chúng ta?” – ông nói.
GS.Trần Đình Huỳnh chỉ rõ: Chìa khóa giải quyết vấn đề này là dân chủ, trước hết là dân chủ trong Đảng. Có nhiều định nghĩa mang tính hàn lâm về “dân chủ”, nhưng Bác Hồ nói rằng “dân chủ là để làm sao cho dân được mở miệng ra”. Tôi nghĩ câu này có thể vận dụng ngay trong Đảng, làm sao để đảng viên dám mở miệng ra. Chúng ta vẫn thường nói đến từ “né tránh” – tức là không dám mở miệng ra, thế thì làm sao nhân dân dám mở miệng ra. Cho nên theo Bác, dân chủ là chìa khóa vạn năng là như thế!.
Nguyên Viện trưởng Viện Xây dựng Đảng nhấn mạnh: Đảng ta đã và đang cầm quyền, vẫn đang có một bộ phận nhân dân, dân tộc tin cậy. Nhưng kẻ thù bên trong đang tiến công Đảng, làm tha hóa con người đảng viên, đục ruỗng cơ thể Đảng. Kẻ thù đó là chủ nghĩa cá nhân, nó đang đẻ ra hàng trăm thứ bệnh nguy hiểm, quan liêu, mệnh lệnh, bè phái, chủ nghĩa, tham ô, hủ hóa, lãng phí, xa hoa… Những căn bệnh ấy đã làm cho biết bao sự nghiệp từng được coi là biểu tượng của kỳ tích anh hùng bỗng tan thành tro bụi.
Nhiều thập kỷ đã và sẽ trôi qua, nhưng lời nhắc nhở của Chủ tịch Hồ Chí Minh như một lời tiên tri, vừa là một hồi chuông cảnh tỉnh. Đây chính là bức thông điệp gửi tất cả những người cộng sản, rằng một dân tộc, một đảng và mỗi con người ngày hôm qua là vĩ đại, có sức hấp dẫn lớn, không nhất định hôm nay và ngày mai vẫn được mọi người yêu mến, ca ngợi nếu lòng dạ không trong sáng nữa, nếu sa vào chủ nghĩa cá nhân./.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét