18/9/15

Truyền thuyết về Sofia

Trải qua nhiều thế kỷ, thủ đô của Bulgaria đã mang rất nhiều tên gọi khác nhau: Serdika, Serdikia, Triaditca và Sredets. Có rất nhiều truyền thuyết gắn liền với lịch sử của thành phố và tên gọi của nó. Nhân ngày 17 tháng 9, ngày của thành phố Sofia , chúng tôi quyết định cùng các bạn nhớ lại một trong những truyền thuyết đó.

Truyền thuyết đưa chúng ta trở lại triều đại của Hoàng đế Justinian. Sofia là tên của một trong những người con gái của hoàng đế. Cô bị mắc bệnh nặng. Cha cô đã mời rất nhiều thầy lang nổi tiếng từ các vùng đất xa xôi, nhưng không ai chữa được bệnh cho cô. Họ tìm thấy một nhà hiền triết nói với hoàng đế rằng Sofia sẽ bình phục nếu đưa cô đến sống ở một nơi có phong cảnh đẹp, khí hậu tốt lành và nguồn nước chữa bệnh. Hoàng đế Justinian ngay lập tức cử những người tin cẩn đi tìm kiếm một nơi tuyệt vời như vậy. Một nhóm sứ giả đã tới đến chân núi Vitosha và ngồi xuống để nghỉ ngơi. Họ uống nguồn nước mát tinh khiết, hít thở không khí trong lành. Họ thấy thích đến nỗi quyết định ở lại thêm vài ngày nữa. Trong thời gian dừng lại nghỉ xả hơi sau chặng đường dài, họ cảm thấy cơ thể khoẻ mạnh hơn và tinh thần sảng khoái hơn.
Họ trở về cung điện và loan báo tin vui – đã phát hiện ra nơi mà con gái của hoàng đế có thể hồi phục. Ngay sau đó, Sofia được đưa đến ở nơi chân dãy núi xinh đẹp. Chẳng bao lâu sau cô đã khỏi bệnh, tươi tắn trở lại, tràn đầy sức sống và năng lượng .
Tin tức về việc cô khỏi bệnh lan nhanh và nhiều người trong số bạn bè của cô cũng đến định cư ở chân núi Vitosha. Những xóm làng nhỏ ở đó đã nhanh chóng phát triển, trở thành thành phố và mang tên của con gái vị Hoàng đế. Để tỏ lòng biết ơn về sự phục hồi của mình, Sofia đã xây dựng một đền thờ và đặt theo tên mình ” Sveta Sofia ” .
Một ngày nọ anh trai của Sofia đến thành phố. Anh ta thích vùng đất này và quyết định chiếm lấy bằng cách trước hết là giết em gái mình. Sofia chạy trốn đến đền thờ. Tuy nhiên anh trai đã bắt được cô ngay trước cửa ngôi đền, hắn vung kiếm lên chém, nhưng cô gái đã biến mất giữa những cánh cửa. Chúa Trời đã cứu cô vì tâm hồn lương thiện của cô.  Ngắm nhìn thành phố của mình từ trên trời cao, Sofia bật khóc. Từ những giọt nước mắt của cô chảy ra những dòng nước suối khoáng nóng.
Khi thành phố rơi vào ách cai trị của Thổ Nhĩ Kỳ , người Ottoman đã không dám biến nhà thờ ” St. Sofia” thành nhà thờ Hồi giáo vì nó quá đẹp. Nhưng những kẻ chinh phục không cho phép người Bulgaria vào đền thờ để cầu nguyện ở đó, để làm phép rửa tội cho con cái họ và cầu nguyện cho những người đã chết. Thay vào đó trước cửa đền thờ chúng dựng một nơi để những người Hồi giáo cầu nguyện, được bảo vệ nghiêm ngặt. Tuy nhiên, trong đền thờ nến vẫn thường xuyên cháy sáng. Những người Thổ ngạc nhiên tự hỏi ai là người đã thắp sáng những ngọn nến khi không có ai ra vào đền thờ.
Chúng quyết định phá hủy đền thờ. Tuy nhiên, ngay thời khắc chúng  tấn công vào tòa nhà, bầu trời tối sầm lại, sấm sét khổng lồ cắt xé bầu trời, mưa và mưa đá xối xả như thể nhấn chìm mặt đất. Những kẻ tấn công bỏ chạy trong sợ hãi. Khi về đến nhà chúng thấy những người thân bị bệnh nặng, còn cả gia đình tên đầu sỏ đã chết.
Những người Thổ đành lãng quên đền thờ, không bao giờ đến gần các cánh cửa đền thờ nữa. Những người Bulgaria lại bắt đầu tới đền thờ tiến hành những lời cầu nguyện cháy bỏng của mình. Và như vậy – cho đến ngày nay.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét