Tòa Án Trọng Tài Thường Trực : Những điều cần biết
Trụ sở Tòa án Trọng tài Thường trực ở La Haye, Hà Lan.wikipedia
Ngày mai 12/07/2016 Tòa Án Trọng Tài Thường Trực (PCA – Permanent Court of Arbitration), một định chế ít được biết đến sẽ ra phán quyết về vụ Philippines kiện Trung Quốc liên quan đến Biển Đông.
Năm 2013, Manila đã hướng về tòa án quốc tế đặt ở La Haye, yêu cầu các thẩm phán tuyên bố các yêu sách lãnh thổ của Bắc Kinh bao trùm lên hầu hết vùng biển chiến lược này, là bất hợp pháp. Theo Philippines, các yêu sách này vi phạm Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển (UNCLOS).
Bắc Kinh từ chối tham gia vụ kiện, tuyên bố sẽ không tuân thủ mọi phán quyết, dù đã phê chuẩn UNCLOS.
1 - Tòa Án Trọng Tài Thường Trực là gì ?
Có trụ sở tại La Haye (Hà Lan), Tòa Án Trọng Tài Thường Trực là cơ quan liên chính phủ thường trực đầu tiên nhận đứng ra giải quyết các tranh chấp quốc tế thông qua thủ tục trọng tài và « các phương tiện ôn hòa khác ».
Được khai sinh năm 1899 nhân Hội nghị Hòa bình La Haye lần thứ nhất, do Sa hoàng Nicolas đệ nhị của Nga triệu tập, mục tiêu của tòa án này là tìm kiếm « những phương cách hiệu quả nhất để bảo đảm cho mọi dân tộc lợi ích của một nền hòa bình thực sự và lâu dài ».
Các trọng tài dựa vào những hợp đồng, các thỏa thuận và hiệp ước khác nhau, như của Ủy ban Liên Hiệp Quốc về Luật Thương mại Quốc tế (UNCITRAL) hay Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển (UNCLOS), để giải quyết. Hiện có 116 hồ sơ đang được nghiên cứu.
2 - Tòa Án Trọng Tài Thường Trực có phải là một tòa án thực sự ?
Cái tên Tòa Án Trọng Tài Thường Trực có thể gây hiểu lầm, vì đây không phải là một tòa án theo đúng nghĩa truyền thống, với các thẩm phán tuyên các bản án. Tòa Án Trọng Tài Thường Trực là một định chế thường xuyên, thông qua các phiên trọng tài để giải quyết những bất đồng cụ thể.
Các phiên tòa thường họp kín, không mở rộng cho công chúng hay báo chí, trừ phi có sự đồng ý của đôi bên.
3 - Tòa Án Trọng Tài Thường Trực hoạt động như thế nào ?
Một vụ kiện được đưa ra trước Tòa Án Trọng Tài Thường Trực khi các nỗ lực ngoại giao giữa hai Nhà nước thất bại, hay khi bất đồng xảy ra giữa một Nhà nước và một tổ chức công hoặc tư, hay có thể giữa hai đối tác tư nhân.
Một phiên trọng tài sẽ được chỉ định để phụ trách hồ sơ này. Gồm một, ba hay năm thành viên do các bên tranh chấp chỉ định, phiên tòa này do một trọng tài làm chủ tọa, và trọng tài này cũng phải được các bên đồng ý.
4 - Tòa Án Trọng Tài Thường Trực đặt ở đâu ?
Trụ sở Tòa Án Trọng Tài Thường Trực nằm trong Cung điện Hòa bình ở khu vực ngoại giao của La Haye, chung với Tòa Án Công Lý Quốc Tế (ICJ – International Court of Justice), định chế tư pháp cao nhất của Liên Hiệp Quốc.
5 - Các phán quyết của Tòa Án Trọng Tài Thường Trực có mang tính ràng buộc ?
Đúng vậy. Tất cả các quyết định của tòa, được gọi là phán quyết, mang tính bắt buộc đối với tất cả các bên tham gia vụ kiện, và phải được thực thi ngay. Tuy nhiên nếu một trong các bên không hài lòng về phán quyết, thì có thể yêu cầu Tòa Án Trọng Tài Thường Trực giải thích.
Nhưng làm thế nào để buộc các bên tôn trọng phán quyết của tòa là một điều rất khó khăn. Việc thực thi phán quyết thường là « gót chân Achille » của các định chế tư pháp quốc tế.
Các Nhà nước làm ngơ hoặc coi thường các phán quyết của Tòa Án Trọng Tài Thường Trực có nguy cơ bị mất uy tín, cộng đồng quốc tế không còn tôn trọng.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét