13/11/16

Tư cách đáng ngờ của Nguyễn Hiến Lê



Trần Thế Kỷ (VNTB)
 Nguyễn Hiến Lê là một học giả. Những bộ sách phong phú do ông biên soạn là một đóng góp đáng kể cho văn hóa nước nhà. Không ai phủ nhận công lao của ông. Nhiều người xem Nguyễn Hiến Lê là một học giả có tư cách. Thế thì tư cách đó có đáng ngờ hay không?

Chúng ta hãy đến với bộ Lịch sử Thế giới của Nguyễn Hiến Lê. Ông kể rằng:

“Một chuyện đáng ghi là vì bộ đó mà năm 1956 chúng tôi bị một độc giả mạt sát là đầu óc đầy “rác rưởi” chỉ vì chúng tôi có nhắc qua đến thuyết của Darwin về nguồn gốc loài người. Chằng cần nói ai cũng biết độc giả đó là tín đồ nào.

Nhà văn Nguyễn Hiến Lê (bên trái).
Sau một linh mục ở Trung yêu cầu Bộ Giáo dục cấm bán và tịch thu hết bộ sử đó vì trong cuốn II về thời Trung cổ, chúng tôi có nói đến sự bê bối của một vài Giáo hoàng. Bộ phái một viên bí thư có bằng cấp cử nhân lại tiếp xúc với tôi. Ông này nhã nhặn, khen tôi viết sử có nhiệt tâm cho nên đọc hấp dẫn như đọc bộ sử Pháp của Michelet ; rồi nhận rằng sách tôi được Bộ Thông tin cho phép in, lại nạp bản rồi thì không có lý do gì tịch thu, cấm bán được, chỉ có thể ra thông báo cho các trường học đừng dùng thôi, cho nên ông ta chỉ yêu cầu tôi bôi đen vài hàng trên 2 bản để ông ta đem về nộp Bộ. Bộ sẽ trả lời nhân vật Công giáo nào đó, còn bán thì cứ bán, không ngại gì cả. Tôi không muốn gây chuyện, chiều lòng ông ta.

Hồi đó bộ Lịch sử Thế giới của chúng tôi chỉ còn một số ít. Tôi hỏi các nhà phát hành, được biết có lệnh cấm các trường học ngoài Trung dùng nó, ở trong Nam thì không. Chỉ ít tháng sau bộ đó bán hết tôi không tái bản. Mãi đến sau khi chính quyền họ Ngô bị lật đổ, nhà Khai Trí mới xin phép tôi để in lại. Hơn một chục năm sau một giáo sư ở Huế vô thăm tôi, hỏi: “Tại sao hồi đó ông không làm đơn trình bày rằng ông đã dùng sách nào để viết về các Giáo hoàng thời Trung cổ đó rồi xin cho bộ sử của ông được dùng trong các trường. Tôi đáp: “Tôi xin làm gì? Không khi nào tôi làm công việc đó”. 

Sau ngày Giải phóng năm 1975, giáo sư đó lại thăm tôi lần nữa, bảo:”Tôi phục phương pháp biên soạn và tư cách của ông (NHL) từ hồi đó”. (Hồi Kí Nguyễn Hiến Lê trang 354-355, NXB Văn học, 1993).

Với những lời lẽ như trên, Nguyễn Hiến Lê đã gián tiếp cho mọi người nghĩ ông là người có tư cách trong việc viết sách cũng như ở ngoài đời. Chưa nói tới từ Giải phóng thiếu khách quan mà Nguyễn Hiến Lê dùng, căn cứ vào những gì ông vừa kể, nhiều người lại cho rằng ít ra thì ông cũng phải liệt kê sách của các tác giả mà ông tham khảo để viết ra chương về các Giáo Hoàng thời Trung cổ cũng như toàn bộ quyển Lịch sử Thế giới. Nhưng Nguyễn Hiến Lê lại không liệt kê gì cả thể như quyển sử này là do ông ta sáng tác. Lịch sử đâu phải là tiểu thuyết để mà sáng tác.

Cũng trong bộ Lịch sử Thế giới của Nguyễn Hiến Lê, người đọc không ít lần có thể nhận thấy tư cách thực của ông ta. Xin đơn cử phần viết về cuộc Nội chiến Tây Ban Nha. Trong cuộc tuyển cử tháng Hai năm 1936, Mặt trận Bình dân giành được đa số ghế trong Quốc hội. Đây là một liên minh gồm đảng Xã hội và các đảng Cộng Hòa, đảng Liên minh Cộng Hòa, đảng Cộng sản Tây Ban Nha... Mặt trận Quốc gia về thứ hai. Thủ lĩnh của đảng Xã hội, Largo Caballero, được báo Sự Thật của Liên Xô gọi là “Stalin của Tây Ban Nha”. Ông ta tuyên bố cách mạng là điều không tránh khỏi. Cái mà ông ta gọi là cách mạng chính là biến Tây Ban Nha thành một “Cộng Hòa Nhân Dân” kiểu Liên Xô. Nổi bật trong thời kỳ này là Calvo Sotelo, thủ lĩnh của nhóm đối lập trong Nghị viện. Ông cực lực chống lại sự khủng bố tôn giáo, sự xung công tài sản và những cải cách ruộng đất vội vã mà ông cho là sặc mùi Bolshevik. Việc ông bị ám sát vào tháng Bảy năm 1936 đã châm ngòi cho Nội chiến. Bao hằn thù dân tộc giờ chỉ có thể giải quyết bằng súng đạn, một mất một còn...

Khởi đầu từ năm 1936 và kết thúc vào năm 1939 với thắng lợi của phe Quốc Gia do tướng Franco đứng đầu, Nội chiến Tây Ban Nha là một cuộc chiến vô cùng đẫm máu. Sự thảm bại của phe Cộng Hòa đã khiến Tây Ban Nha không trở thành một nước Cộng Hòa Nhân Dân. Bối cảnh tiểu thuyết “Chuông Nguyện Hồn Ai” của E.Hemingway chính là cuộc chiến này.

Thế thì Nguyễn Hiến Lê đã viết gì về cuộc Nội chiến Tây Ban Nha? Xin thưa, chỉ là những dòng rất sơ sài, không xứng với tầm vóc cuộc chiến này. Điều nực cười là nhẽ ra phải gọi đúng tên hai phe là Cộng Hòa và Quốc Gia, thì Nguyễn Hiến Lê lại gọi là phe Phát xít và phe Cộng sản! Sử sách không phải là nơi muốn viết gì thì viết. Ông ta gọi phe Quốc Gia do tướng Franco đứng đầu là phát xít nhưng lại không có bất kỳ dẫn chứng nào để chứng tỏ điều đó. Không thể vì phe này được Đức, Ý ủng hộ mà Nguyễn Hiến Lê có quyền gọi nó là phát xít (phe Cộng Hòa thì được Liên Xô trợ lực). Cũng vậy, trong khi gọi tướng Franco là nhà độc tài thì Nguyễn Hiến Lê lại không hề đưa ra bất kỳ dẫn chứng nào để chứng minh Franco là nhà độc tài. Viết sử như thế là ấu trĩ, khiến nhiều độc giả có cảm tưởng đó là một đứa trẻ tập viết sử. Nhưng Nguyễn Hiến Lê không phải là đứa con nít. Viết như vậy, Nguyễn Hiến Lê đã tõ ra là kẻ có ác ý. 

Trong quyển “Chuông Nguyện Hồn Ai”, Ernest Hemingway dù xem phe Cộng Hòa là chính nghĩa vẫn có những dòng viết về một nhóm Cộng Hòa đã đánh tất cả các thành viên nam giới của phe Quốc Gia bằng những chiếc đập lúa rồi vất xác họ qua vách núi. Tất nhiên Nguyễn Hiến Lê cũng biết rằng chỉ những kẻ thù ghét Franco mới gọi Franco là độc tài, phát xít. Còn những ai yêu mến Franco thì xem ông ta là anh hùng dân tộc của Tây Ban Nha. Nhưng phàm đã viết sử thì phải khách quan, không được ngả về bên nào. Nguyễn Hiến Lê lại cố tình (không thể nói là vô tình) quên điều sơ đẳng này và trở thành một kẻ viết sử không đàng hoàng, không chân chính. Viết như thế có thể lừa được những kẻ ngu ngơ nhưng không lừa được những người tỉnh táo. Nếu có ai bỗng dưng gọi Nguyễn Hiến Lê là tên độc tài, phát xít thì thế nào ông ta cũng la toáng lên : “Bằng chứng đâu? Quân vu khống!”

Theo tôi, hai chữ vu khống là rất thích hợp để gọi chính Nguyễn Hiến Lê. Những ai còn xem Nguyễn Hiến Lê là học giả có tư cách thì có lẽ nên nghĩ lại. 

Tư cách Nguyễn Hiến Lê là rất đáng ngờ. 

Đời luôn có những chuyện tưởng vậy mà không phải vậy.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét