TRẠNG QUỲNH, ÔNG LÀ AI ?
Hoàng Tuấn Phổ
VNT: Ta thường nghe và đọc chuyện Trạng nhưng ít khi tìm hiểu Tác giả tác phẩm, thật thú vị khi đọc được bài này. Xin được cám ơn tác giả và mời bạn - người đã vô tình qua đây!
Vấn đề Trạng Quỳnh thực chất là mối quan hệ giữa Trạng Quỳnh với Cống Quỳnh (hương cống Nguyễn Quỳnh) từ lâu đã tổn tâm huyết nhiều người và tốn bao giấy mực. Ý kiến họ tuy dài, ngắn, nông sâu khác nhau, cuối cùng cũng đi đến gần nhau. Giáo sư Hà Văn Tấn, trong một chuyên luận khá công phu "Trạng Quỳnh qua gia phả họ Nguyễn Thanh Hóa", ông viết ở phần kết "Tin rằng Nguyễn Quỳnh là một người giỏi văn Nôm, thích hài hước,tôi không hề có ý đồng nhất hương cống Nguyễn Quỳnh với Trạng Quỳnh dân gian. Không ai ngây thơ làm như vậy. Tôi chỉ muốn nhấn mạnh rằng Cống Quỳnh hoàn toàn có đủ tưc cách để trở thành khởi hình lịch sử của Trạng Quỳnh dân gian. Đây là kiến giải đáng gọi là tiêu biểu, với cách lập luận khôn khéo, chặt chẽ, có sức thuyết phục.
Nhưng...
Phương pháp sáng tác văn học dân gian nói chung và truyện cười dân gian nói riêng, không cho phép đồng nhất Trạng Quỳnh với hương cống Nguyễn Quỳnh, song nỗi ám ảnh về Cống Quỳnh, một nhân vật lịch sử, không thể gạt bỏ. Vậy cái phần trăm có thật của Nguyễn Quỳnh trong truyện Trạng Quỳnh là bao nhiêu ? Hay nói cụ thể hơn, trong truyện Trạng Quỳnh, những gì thuộc về Trạng Quỳnh, những gì thuộc Nguyễn Quỳnh, những gì do dân gian sáng tác ? Kể ra, đòi hỏi một sự tách bạch như thế, thật là khó. Nhưng có khó đến nỗi không thể giải mã được chăng ?
Bằng vào gia phả chép về sự tích, hành trạng của Nguyễn Quỳnh để khẳng định cái cốt cách hoặc cốt lõi Cống Quỳnh trong nhân vật Trạng Quỳnh là một hướng đúng. Song, phương pháp tối ưu này đã cho ta một đáp số ngoài dự kiến. Nguyễn Quỳnh trong gia phả khác hẳn, nếu không nói là hoàn toàn đối lập với Trạng Quỳnh trong truyện kể dân gian. Tuy vậy, ta chưa vội kết luận: Nguyễn Quỳnh và Trạng Quỳnh là hai con người khác nhau, không có mối liên hệ gì với nhau. Gia phả và một vài tài liệu khác, dù sao cũng đã định hình tương đối rõ nét về con người và sự nghiệp Nguyễn Quỳnh, hẳn thế nào cũng để lại dấu vết, dẫu chỉ là cái bóng rất mờ xa, mà ta không thể không nhận thấy. Rất tiếc, trong toàn bộ thiên truyện kể rất dài, có tới hơn chín mươi phần trăm là hư cấu dân gian, là "phi lịch sử", khi ta đối chiếu cuộc đời thực của Nguyễn Quỳnh. Sau đây là một số ví dụ:
-Cống Quỳnh sinh năm 1677, mất 1748. Đoàn Thị Điểm, sinh 1705, mất 1748. Khi Quỳnh 28n tuổi, Điểm mới sinh. Và lúc ấy, Quỳnh đã làm giáo thụ huyện Thạch Thất. Thế mà có cả một "thiên tình sử" về cậu học trò Quỳnh tinh nghịch, dối trá với cô Điểm con gái cụ Bảng Đoàn.
-Quỳnh chỉ làm quan tới chức cao nhất là tri phủ. Quỳnh không có cơ sở để mon men tới công việc đi sứ hoặc đón tiếp sứ Tàu. Hơn nữa công việc bang giao mang tính quốc thể, đâu phải là chuyện vui, trò đùa, mà Quỳnh hết "Vũ qua Bắc Hải" lại "thi vẽ rồng", thậm chí cầm quạt gõ cả vào đầu viên sứ giả nhà Thanh, Trung Quốc.
-Quỳnh đả kích vua Lê chúa Trịnh, tính chất khá quyết liệt, đó là truyện cười dân gian, nên nội dung là những câu chuyện tưởng tượng, hoang đường. Trong thực tế, Quỳnh chỉ là quan chức thấp, sao dám và có thể đối với chúa Trịnh cứ như là chỗ bạn bè bằng vai phải lứa, muốn bông phèng thế nào cũng được.
-Người ta kể chuyện "Trạng chết chúa cũng băng hà" y như thật, hiển nhiên cũng là chuyện bịa. Vì những năm trước, trong và sau khi Quỳnh mất, chẳng có ông vua, ông chúa nào "băng hà".
-Người ta cũng kể nhiều về chuyện Quỳnh đi thi, phá bĩnh trong trường thi, đả kích từ quan chí vua. Nhưng theo gia phả họ Nguyễn: Quỳnh lúc nhỏ cố chí học hành, lớn lên lặn lội hết khoa này đến khoa khác, cuối cùng đỗ hạng nhì kỳ thi Sĩ vọng lấy làm sung sướng lắm. Nguyễn Quỳnh như vậy, cố nhiên đối lập với Trạng Quỳnh. Và chỉ có Trạng Quỳnh, nhân vật hư cấu theo đặc trưng sáng tác truyện cười dân gian mới có thể có những hành vi "coi trời bằng vung" như vậy. Bởi luật thi cử thời xưa rất nghiêm, thí sinh phạm quy có khi bị xử đến tội tử hình, huống hồ lại cả gan viết lách lăng nhăng, nói năng bậy bạ !
-Một số mẩu chuyện thời niên thiếu của Trạng Quỳnh như: "Chữ Thái", "Đầu to bằng cái bồ", "Dê đực chửa"...thể hiện trí thông minh, tính nghịch ngợm của nhân vật từ khi còn nhỏ tuổi, đãng lẽ gia phả họ Nguyễn Bột Thượng có thể chép, lại chẳng thấy để lại một mẩu cỏn con nào. Trong khi đó, ở Thái Bình, người ta coi truyện "Đố chữ Thái" của cậu bé Lê Quý Đôn, ở Nghệ Tĩnh người ta kể chuyện "Đầu người to bằng cái bồ" do ông Nguyễn Công Trứ bày trò, và chuyện "Dê đực chửa" thì dân gian không chỉ gán cho vài ba nhân vật. Tất nhiên không thể nói ai vay mượn của ai, khi chuyện đã trở thành một kiểu giai thoại chẳng của riêng ai, có thể gán ghép cho bất cứ ai, miễn là có sự tương đối phù hợp.
Chỗ vướng mắc của nhà nghiên cứu là truyện Trạng Quỳnh được sáng tác theo phương pháp dân gian, nhưng lại sử dụng một nhân vật ít nhiều nổi tiếng (Cống Quỳnh) kèm theo địa chỉ cụ thể (Bột Thượng) làm xương sống xuyên suốt. Cho nên người ta đã cố gắng chứng minh, tìm ra mối quan hệ dây mơ rễ má giữa con người có thật ngoài đời và nhân vật hư cấu trong truyện. Giáo sư Hà Văn Tấn có công khi phát hiện tài liệu "Nam thiên lịch đại tư lược sử" nói ông NGuyễn Quỳnh sinh thời "Sở trường về văn thơ nôm và giỏi hài hước", nhưng tiếc thay, tài liệu lại không đưa ra một sáng tác thơ văn nôm nào, một câu chuyện hài hước nào của ông.
Có một bài thơ nôm trong Truyện Trạng Quỳnh, người ta dễ tin do Nguyễn Quỳnh sáng tác, bài "Đề tượng Bà Banh" vì thời gian làm quan ở Thăng Long, ông có nhà trước chùa Bà Banh:
Khéo đứng ru mà đứng mãi đây
Khen ai đẽo đá tạc nên mày
Trên cổ đếm đeo dăm chuỗi hạt
Dưới chân đứng chéo một đôi giầy
Cởi váy phất cờ trêu ghẹo tiểu
Để đồ bốc gạo thử thanh thầy
Có thiêng sao chẳng ngồi tòa ngọc
Khéo đứng ru mà đứng mãi đây !
Thực đáng buồn...cười, khi chúng ta cũng đọc thấy một bài thơ tương tự, với nhan đề "Tượng Bà Banh" trong "Hồng Đức quốc âm thi tập":
Chốn long cung cảnh giới này
Uẩy ai đứng đầy lõa lồ thay
Miệng cười hơn hớn hoa in nhụy
Má đỏ hồng hồng tóc vén mây
Ấy rắp phất cờ trêu ghẹo tiểu
Hay toan bốc gạo thử thanh thầy ?
Chẳng lên bao điện ngồi thong thả.
Khéo đứng ru mà đứng mãi đây ?
Chắc Nguyễn Quỳnh dẫu bí đến đâu cũng không "mượn" thơ người xưa, cách mình đến hơn hai trăm năm để thay đi ba câu, sửa lại vài chữ, thế là thành thơ mình ! Chỉ có dân gian mới có cách làm như vậy và dám làm như vậy mà không sợ mắc tiếng "đạo văn" !
Lại có một đội câu đối chọi nhau chan chát:
Trời sinh ông Tú Cát
Đất nứt con bọ hung
Trong truyện kể rõ đó là ông Cát đỗ Tú tài. Nhưng học vị tú tài sang triều Nguyễn mới có. Chẳng lẽ Quỳnh chết rồi, một trăm năm sau còn sống lại để đối đáp với ông Cát tú tài ?
Từ những ví dụ khá điển hình trên, ta có thể đặt câu hỏi trong truyện Trạng Quỳnh có bao nhiêu câu thơ, câu văn, câu đối do dân gian vay mượn, thêm bớt, sửa chữa rồi dồn lại cho nhân vật Trạng Quỳnh của họ ? Dẫu chưa làm được một bảng thống kê chính xác thì cái tài văn nôm của ông Nguyễn Quỳnh không khỏi ít nhiều người xúc phạm, nếu ta cố tình vơ vào cho ông mối quan hệ gốc gác.
Truyện Trạng Quỳnh kếu cấu theo kiểu tập hợp, thống kê hóa nhiều mẩu chuyện. Do đó mỗi mẩu chuyện vẫn có vị trí độc lập, sức sống riêng của nó. Sự gán ghép này bao giờ cũng lộ ra khe hở khó liền mạch. Chính những khe hở này giúp ta bóc tách những mẩu chuyện kể về những nhân vật khác mà dân gian hay người sưu tập đã đem gán ghép vào cho một nhân vật của mình: Trạng Quỳnh. Sự định hình hóa văn bản, dù chỉ là bước đầu, bao giờ cũng quan trọng trong quá trình lưu hành. Nó được bồi đắp lên mãi, để câu chuyện này thêm phong phú, hấp dẫn, để nhân vật được điển hình hóa, sống mãi trong lòng người đọc.
Nếu trước 1945, Truyện Trạng Quỳnh được phổ biến tự nhiên, ồ ạt thì sau đó, người ta tiếp nhận nó theo tinh thần có phê phán. Không ít mẩu chuyện mà nhân vật hiện lên như một kẻ vô học, tục tĩu, tên bất nhân, mất dạy...dần dần phải lọc bỏ (Quỳnh ăn chuối, Quỳnh với bà ăn mày, Quỳnh đá bèo,v.v...) Tuy vậy, Truyện Trạng Quỳnh vốn có và mãi mãi còn đó những hạn chế do hệ tư tưởng giai cấp bình dân, do đặc điểm của nghệ thuật gây cười trong phương pháp sáng tác dân gian. Ta không làm rõ được mối quan hệ gần hay xa giữa Trạng Quỳnh với Nguyễn Quỳnh, không tìm thấy một chút vết tích đậm, nhạt của Nguyễn Quỳnh trong Trạng Quỳnh, thì hãy để cho Trạng Quỳnh vẫn là Trạng Quỳnh và Nguyễn Quỳnh mãi mãi là Nguyễn Quỳnh. Không vì chuyện mượn họ, mượn tên mà bắt quàng luôn làm họ.
HTP
-Rút từ "Trong mắt tôi"-Hoàng Tuấn Phổ-NXB Văn hóa dân tộc-2000
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét