Mấy vấn đề của giáo dục từ Hàn Quốc nhìn về Việt Nam
Nguyễn Phượng
A. Vài nét về giáo dục Hàn Quốc
Xét về cấu trúc và đặc điểm xã hội, Hàn Quốc là một trong số vài nước ở châu Á có hoàn cảnh tương đối giống Việt Nam. Chẳng hạn:
1. Sự tồn đọng những trì trệ về tư tưởng của hàng ngàn năm phong kiến.
2. Nền giáo dục vốn nặng căn với truyền thống, chịu ảnh hưởng sâu sắc tính chất Nho giáo và thuộc địa.
Tuy nhiên, trong nửa thế kỉ nay, Hàn Quốc đã có những bước nhảy vọt thật lớn nhờ cách giải quyết các tồn đọng nói trên một cách khôn ngoan và đúng đắn. Chẳng hạn, hầu hết những người làm công việc giáo dục và liên quan giáo dục ở Hàn Quốc đều cho rằng nhiệm vụ chính yếu của họ là giúp trẻ em khám phá những năng lực riêng biệt của chúng, giúp chúng ý thức rõ tất cả các tiềm năng của chính mình và quan trọng nhất, thắp sáng trong trẻ em niềm đam mê học hỏi suốt đời. Họ coi giáo dục con người toàn diện là quan trọng nhất. Cụ thể là:
1. Về đức dục, quan trọng nhất là rèn luyện tính trung thực, trong sáng, hồn nhiên;
2. Về trí dục, chủ yếu là bồi dưỡng khả năng suy tư độc lập và tinh thần phản biện;
3. Về mĩ dục, coi trọng hình thành ý thức sáng tạo và khả năng thấu hiểu cái đẹp;
4. Về ý thức xã hội, nhấn mạnh giáo dục ý thức cộng đồng và sự tôn trọng các giá trị xã hội.
Để làm được những điều đó, trước hết về thái độ, họ xem phát triển giáo dục là ưu tiên hàng đầu và nỗ lực triệt để thực hiện thật tốt ưu tiên đó. Cụ thể là:
1. Giáo chức được xã hội coi trọng và hưởng lương cao so với các quốc gia khác. Do đó, các chương trình đào tạo giáo chức đã thu hút được hầu hết thành phần học sinh ưu tú (thuộc 5% tốp đầu của lượng thí sinh tốt nghiệp trung học);
2. Mặc dầu Chính phủ Hàn Quốc có khuynh hướng kiểm soát chặt chẽ hệ thống giáo dục, năm 1999, Tổng thống Kim Dae-jung đã ra lệnh hợp thức hóa nghiệp đoàn giáo chức. Từ đó, đoàn viên của nghiệp đoàn bắt đầu tham dự các quyết định làm chính sách và điều hành hệ thống giáo dục quốc gia. Nói khác đi, kể từ đó hệ thống giáo dục của họ đã được dân chủ hóa.
3. Trước 1985, chế độ dạy thêm ngoài giờ khá phổ biến. Thực tế là việc dạy thêm giúp nhiều giáo chức có chuyên môn cao tăng thêm thu nhập và giúp học sinh các gia đình giàu có cơ hội để đạt điểm số cao và nhiều khả năng được thu nhận vào các trường đại học tốt. Tình trạng này gây nên một bất công lớn cho xã hội. Một chính sách cải tổ được đề xuất vào khoảng giữa thập niên 80, ngăn cản và trừng phạt việc dạy thêm, đồng thời tăng lương cho toàn thể giáo chức. Đến cuối thập niên 80, hiện tượng dạy thêm gần như biến mất.
4. Hàn Quốc chủ trương chính sách tiếp thu giáo dục nước ngoài một cách cởi mở và táo bạo. Con số du học sinh tăng 20 lần từ năm 1971 đến năm 1999, từ 7.632 người lên 154.219 người. Cũng vào năm 1999, 130 trong tổng số 156 trường đại học hệ 4 năm đã kết nghĩa với 2.130 trường đại học nước ngoài thuộc 110 quốc gia khác nhau. Trong số này, 640 là các trường đại học ở Hoa Kỳ.
5. Sinh viên đại học không chịu sự kiểm soát về chính trị của Bộ giáo dục. Ngay từ thời Tổng thống Rhee Syngman, mà nhiều người vẫn coi như một nhà độc tài của Hàn Quốc, sinh viên vẫn thường xuyên biểu lộ phản ứng chính trị của họ. Chính nhờ sự độc lập về chính trị này cùng với những trang bị cao về chuyên môn mà sinh viên Hàn Quốc có những suy nghĩ độc lập, lòng tự tin và niềm kiêu hãnh riêng của tầng lớp họ. Cho đến nay, hệ thống đại học Hàn Quốc gần như tự trị hoàn toàn, giống như đại học của các nước Tây phương.
B. Khủng hoảng giáo dục của Việt Nam hiện nay
Tôi cho rằng khủng hoảng căn bản của giáo dục Việt Nam nằm ở mô thức giáo dục và những chính sách liên quan mục tiêu hàng đầu là phát triển con người toàn diện. Trong đó, từ rất lâu, nó đã sao nhãng các giá trị chính như tư duy độc lập, sự sáng tạo và ý thức tôn trọng sự khác biệt.
Có một nghịch lí là để thanh toán khủng hoảng, Việt Nam đã đề xướng cải cách giáo dục khá nhiều lần, tuy nhiên, có vẻ như càng tránh các sai lầm, nó lại rơi vào các sai lầm trầm trọng hơn. Cụ thể:
Sai lầm thứ nhất là tính đồng phục trong giảng dạy. Ở Việt Nam, từ giảng dạy đại học đến giáo dục phổ thông dường như chỉ có một bộ giáo trình đại học và hai bộ sách giáo khoa phổ thông. Trên nguyên tắc, sách giáo khoa được coi là một thứ pháp lệnh, thầy cô giáo phải giảng dạy theo đúng chương trình của Bộ Giáo dục, trong khi đó, chúng ta đều biết rằng mỗi thầy cô giáo có khả năng tiếp cận và phương pháp truyền đạt riêng và chỉ dạy giỏi với cách tiếp cận đó và phương pháp truyền đạt đó mà thôi. Kết quả là hàng triệu học sinh được tiếp thu bài vở như nhau dẫn đến có nếp tư duy và phát ngôn giống hệt nhau.
Sai lầm thứ hai là giáo dục mang nặng tính chất ghetto, quá tách biệt với những gì xảy ra bên ngoài nhà trường. Nó gần như bị điếc và mù trước các nhu cầu thiết yếu của xã hội.
Sai lầm thứ ba là chương trình giảng dạy quá nặng, hướng về nhồi sọ, cung cấp thông tin hơn là giáo dục năng lực người một cách thật sự. Thực tế là các thầy cô giáo không thể có đủ thời giờ giảng dạy tất cả với thời lượng cho phép ở trường. Không kể, với thực tế về trình độ hiểu biết nói chung của giáo viên hiện nay, thật khó để tin rằng họ có đủ khả năng truyền đạt tốt một nội dung vừa nặng nề vừa cồng kềnh như vậy. Càng rất khó để tin rằng những đầu óc non nớt của các em ở lứa tuổi tiểu học lại có thể tiếp thu và tiêu hóa tất cả kiến thức được cung cấp một cách dễ dàng. Hậu quả là hầu như tất cả học sinh đều phải đi học thêm.
Chuyện học thêm sau khi đã học ở trường cũng chính với những thầy cô giáo của mình là một thực tế và cũng là một sự vô lí ở bậc học phổ thông hiện nay. Đương nhiên, về lợi ích nó giúp cho các em có được những điểm số cao hơn và giúp thầy cô giáo có thêm tí thu nhập để bù vào đồng lương vốn rất còm cõi. Nhưng nhìn kĩ, nó tệ hại hơn tình trạng "dạy kèm ngoài giờ học chính thức" ở Hàn Quốc trước đây. Ở Việt Nam, dạy thêm và học thêm đang trở thành một thói quen nguy hiểm. Nhiều học giả quan tâm đến giáo dục cho rằng tình trạng nói trên chẳng khác gì việc tạo ra một loại tham nhũng trong trường học. Và nó đưa đến hai hậu quả vô cùng tai hại và rất phản giáo dục.
Thứ nhất là học sinh dễ trở nên mệt mỏi, sẽ không còn bao nhiêu sức lực về đầu óc khi bắt đầu lên đại học, và nếu cố gắng qua khỏi được đại học thì dễ có khuynh hướng nghỉ ngơi về đầu óc và hưởng thụ hơn là để bắt đầu một hành trình vào đời thật sự của một người trẻ về cả thể xác lẫn tinh thần. Thứ hai là nó khiến trẻ con chấp nhận sự tham nhũng ở trường học một cách tự nhiên để rồi sau này vào đời sẽ coi chuyện tham nhũng là bình thường thôi, không là một vấn đề phải ngăn chặn hay tránh né.
Thứ nhất là học sinh dễ trở nên mệt mỏi, sẽ không còn bao nhiêu sức lực về đầu óc khi bắt đầu lên đại học, và nếu cố gắng qua khỏi được đại học thì dễ có khuynh hướng nghỉ ngơi về đầu óc và hưởng thụ hơn là để bắt đầu một hành trình vào đời thật sự của một người trẻ về cả thể xác lẫn tinh thần. Thứ hai là nó khiến trẻ con chấp nhận sự tham nhũng ở trường học một cách tự nhiên để rồi sau này vào đời sẽ coi chuyện tham nhũng là bình thường thôi, không là một vấn đề phải ngăn chặn hay tránh né.
Không cần biện luận cũng có thể thấy một chương trình giáo dục như vậy đương nhiên đã cướp đi sự hồn nhiên, trong sáng và từ đó làm giảm sự phát triển trí thông minh của tuổi trẻ Việt Nam.
C. Vài đề nghị
1. Ngành giáo dục Việt Nam cần ngay lập tức giảm bớt mô thức giảng dạy áp đặt và tăng cường mô thức gợi ý. Cần xem các mục tiêu "trung thực", "sáng tạo", "tôn trọng sự khác biệt"… là những mục tiêu hàng đầu của giáo dục chứ không phải việc nhồi nhét kiến thức.
2. Cần giảm thiểu tối đa sự mệt mỏi cho học sinh, nhất là học sinh cấp tiểu học. Đặc biệt, nên giảm hẳn lượng kiến thức hàn lâm trong chương trình học. Cần lo lắng cho một hành trình lâu dài hơn của con người. Không nên để thế hệ trẻ gục ngã sớm về đầu óc.
3. Đặt nặng vào việc đào tạo giáo chức và dành những đãi ngộ đặc biệt cho họ. Không cần phải học tập các ngành quân đội và công an, cũng không nhất thiết phải chạy theo số lượng tuyển sinh cũng như các trường đại học, ngành sư phạm phải được tuyển chọn từ thành phần ưu tú nhất của đất nước. Chỉ có lòng tự hào, sự đãi ngộ và vị trí xã hội mới lôi kéo được các sinh viên ưu tú nhất vào các trường sư phạm, gần giống như cái cách mà nước Pháp đã dành cho sinh viên trường Normal Supérieur Université của họ, hay chính sách mà Hàn Quốc từng thực thi. Điều này đòi hỏi một chính sách ưu đãi mạnh tay từ thể chế và một thái độ tôn trọng tuyệt đối từ xã hội.
4. Đối với các trường đại học, ngoài việc áp dụng chương trình giảng dạy theo mô hình của các quốc gia tiên tiến, quyền tự trị đại học cần được ban hành. Thiếu sự tự trị, đại học Việt Nam khó có thể hoàn tất vai trò đào tạo trí thức của nó. Từ điểm chuyển hướng đó, họ mới có thể đóng góp cho đất nước bằng tất cả sức mạnh tinh thần, lòng hăng say và niềm kiêu hãnh của họ.
5. Nhà nước Việt Nam nên xem phát triển giáo dục toàn diện là ưu tiên hàng đầu của quốc gia, xem nguồn nhân lực được đào tạo qua giáo dục là tài nguyên quý giá nhất của đất nước. Chỉ khi nhà nước quyết tâm xem phát triển giáo dục toàn diện là ưu tiên số một, nghiêm túc và biết chịu đựng, kể cả việc nhận lãnh những trái đắng trong việc học hỏi kinh nghiệm của những quốc gia đã nhờ giáo dục mà đạt những thành tựu vượt bậc và bền vững thì giáo dục nước nhà mới có cơ may thoát ra khỏi khủng hoảng.
Lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo cùng các nhà hoạch định chính sách giáo dục cần suy tư nhiều hơn nữa về giáo dục và nên tính tới những mục tiêu lớn như đào tạo con người trung thực, có sáng tạo, có tư duy độc lập, biết tôn trọng sự khác biệt… hơn là chỉ nhằm vào sự chuyển giao tri thức. Điều cần làm lúc này là phải biết can đảm quên đi những gì thực sự không còn giá trị nữa.
N.P (tham khảo và tổng hợp từ internet)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét