5/9/18

Chuyện kể về thuốc trụ sinh
 
Bác Sĩ Hồ Ngọc Minh
 
Mùa phát giải thưởng Nobel đang xảy ra, ta hãy ôn lại một giải thưởng Nobel có tính cách lịch sử liên quan đến thuốc trụ sinh penicillin.
 
Bắt đầu vào khoảng cuối thế kỷ thứ 19, rất nhiều nhà khoa học và y sĩ đã quan sát và miêu tả tính chất diệt vi khuẩn của một số nấm và mốc, trong đó có cả loại nấm tên là Penicillium.
 
Quan sát và miêu tả, nhưng hầu hết không đưa ra một lời giải thích nào thỏa đáng.
 
Mãi cho tới năm 1928, khoa học gia người Tô Cách Lan, tên là Alexander Fleming, tình cờ nhận thấy trên đĩa cấy vi trùng Staphylococcus, một loại nấm màu xanh lá cây mọc lấn vào và ngăn chặn sự sinh sản của những con vi trùng Staphylococcus ấy.
 
Tò mò, ông ta tiếp tục cấy riêng những nấm ấy, sau này có tên là Penicillium chrysogenum và lọc ra chất thuốc gọi là “penicillin”.
 
Thoạt đầu ông ta chỉ muốn dùng “chất thuốc” lọc được để làm thuốc tẩy rửa, khử trùng bên ngoài mà thôi.
Sau đó, một số bác sĩ đã thí nghiệm sử dụng thuốc penicillin vào việc chữa trị nhiều loại bệnh nhiễm trùng khác nhau.
Do phát hiện thuốc trụ sinh penicillin, ông Alexander Fleming được giải thưởng Nobel vào năm 1945.
 
Sự khám phá ra thuốc trụ sinh penicillin được xem là một loại thuốc huyền diệu.
Trước khi penicillin ra đời, một vài vết xướt hay vết trầy nhỏ cũng đủ bành trướng thành những u nhọt nhiễm trùng nặng, đưa đến việc cưa cắt tay chân.
Thời đó, cứ 10 người bị sưng phổi có đến 4 người tử vong, và có khoảng 10 người trong 1,000 sản phụ sẽ mất mạng vì sanh nở.
Con số thống kê nầy lấy được từ những bệnh viện “cao cấp”, trên thực tế, số tử vong còn cao hơn gấp bội.
Chưa kể đến số lượng người bị điếc vì nhiễm trùng lỗ tai, bị mù vì bệnh giang mai hoa liễu, hoặc hàng trăm hàng ngàn binh lính tử vong vì thương tích ngoài mặt trận.
 
Sự thành công của penicillin đã khiến nhiều công ty dược phòng ráo riết đi tìm thêm những thuốc trụ sinh mới.
Nhiều dược phòng đã yêu cầu các nhà truyền giáo ở khắp năm châu, hay những chiến sĩ đi hành quân xa gửi về những mẫu đất, những loại rêu, meo, mốc và nấm đủ loại để tìm tòi ra thuốc trụ sinh mới.
 
Công ty Lederle đã xin những mẫu đất thu nhặt được trong khuôn viên trường Đại Học University of Missouri.
Một trong những mẫu đất lấy được từ trong đống cỏ dại của khoa Nông Nghiệp, có chứa một loại vi khuẩn tiết ra một chất màu vàng kim loại.
Chất thuốc nầy có khả năng tiêu diệt nhiều thứ vi trùng mà chính penicillin cũng chịu thua.
Thuốc được đặt tên là Aureomycin (Aurum theo tiếng latin có nghĩa là kim loại vàng).
Công thức hóa học của Aureomycin là chlortetracycline, chính là tiền thân của các loại thuốc tetracyclin hay doxycyclin ngày nay.
 
Cũng trong thời gian nầy, sau Thế Chiến Thứ 2, để cung ứng cho nhu cầu thực phẩm, những trại chăn nuôi gà theo kiểu công nghiệp bắt đầu phát triển mạnh mẽ. Người ta tìm mọi cách để thúc cho gà nuôi chóng lớn, tăng cân và đẻ nhiều trứng, nhưng không có kết quả hữu hiệu.
Lại tình cờ, khi chữa bệnh cho gà, công ty Merck khám phá ra rằng thuốc trụ sinh streptomycin khi trộn với thức ăn cho gà, cho dù không cần tăng nguồn thức ăn, sẽ làm cho gà tăng cân mau chóng. Lý do, một sản phẩm phụ của thuốc streptomycin chính là vitamin B12.
 
Vì thuốc Aureomycin có cấu trúc tương tự như streptomycin, năm 1948, một khoa học gia tên Thomas Jukes, làm việc cho hãng Lederle, để cạnh tranh, tiến hành một cuộc thử nghiệm thuốc Aureomycin, cho trộn vào thức ăn của gà. Kết quả cho thấy những con gà được “cho ăn” thuốc trụ sinh tăng cân nhiều hơn. Những cuộc thí nghiệm tương tự trên các loại gia cầm khác cũng cho thấy kết quả tương tự.
 
Mặc dù thuốc Aureomycin được đăng ký là thuốc trụ sinh cho người, nhưng lại ghi là “thuốc bổ” cho gà và gia súc.
Kể từ đó thuốc Aureomycin (chlortetracycline) được tiếp tục sử dụng rộng rãi trong công nghiệp nuôi súc vật để lấy thịt.
Một phần làm cho thú vật chóng lớn, phần khác để phòng ngừa bệnh tật khi mà súc vật được nuôi chen chúc trong những chuồng trại chật hẹp.
 
Không riêng gì thú vật, khoảng giữa thập niên 1950’s người ta bắt đầu tiến hành những cuộc thí nghiệm “bán chính thức” trong con người, ở những nước nghèo như Guatemala và Kenya. Bằng cách cho trẻ em còm cõi “ ăn” thêm thuốc trụ sinh, người ta thấy hiện tượng tương tự, các trẻ con nầy tăng cân mau chóng.
 
Thế là, người ta bắt đầu trộn, ngâm thuốc trụ sinh vào thịt cá được bày bán ở các siêu thị.
Thuốc trụ sinh được bán không cần toa, trộn luôn vào kẹo chewing gum, kem đánh răng, nước súc miệng, thậm chí son môi thời ấy cũng có thuốc trụ sinh!
 
Ngày nay thuốc Aureomycin và nhiều loại trụ sinh khác vẫn được tiếp tục sử dụng trong “kỹ nghệ chăn nuôi”, kể cả hải sản tôm cá nuôi trong lồng.
Bạn có thể Google tìm mua thuốc Aureomycin trên mạng internet với giả rẻ mạt, $15 dollar một pound.
Đó là giá bán lẻ, còn giá bán sỉ cho trại chăn nuôi còn rẻ hơn bội phần.
 
Vấn đề là thuốc trụ sinh đi theo nguồn thức ăn thâm nhập vào cơ thể con người.
 
Nghiên cứu cho thấy, thuốc trụ sinh vẫn còn tác dụng làm tăng cân, gây béo phì.
Sử dụng thuốc trụ sinh lâu dài sẽ giết hại những con vi khuẩn tốt trong đường ruột.
Có hàng nghìn tỉ vi khuẩn tốt sống ký túc trong ruột già của chúng ta.
Những con vi khuẩn nầy giúp chống bệnh tật vì chúng cạnh tranh với những con vi trùng khác, giúp giảm nguy cơ bị bệnh tiểu đường và béo phì bằng cách giảm sự thẩm thấu của đường vào mạch máu, và nhiều hiệu ứng tốt khác.
Một khi lượng vi khuẩn tốt bị diệt chủng, những con vi trùng độc sẽ bùng phát.
Thí dụ như vi trùng C. difficile làm tiêu chảy kinh niên, mà cách chữa trị có khi phải cấy ghép phân của người mạnh khoẻ.
 
Có một điều khác mà người ta đã coi thường đó là sự lờn thuốc trụ sinh.
Ngay từ thập niên 1940’s, chính ông Fleming, “cha đẻ” của thuốc trụ sinh cũng đã lên tiếng về khả năng bị lờn thuốc do sự lạm dụng.
 
Thuốc penicillin có tác dụng ngăn chận không cho vi trùng xây dựng được màng tế bào của chúng được vững chắc.
Khi màng tế bào yếu, những vi trùng dễ bị vỡ và chết.
Hiệu ứng này về lâu về dài, vi trùng tìm cách biến hoá để chống lại thuốc.
 
Trong nhiều năm qua, vi trùng đã lờn thuốc, rất nhiều loại thuốc đời con, đời cháu và đời chắt, bà con nội ngoại của thuốc penicillin đã lần lượt ra đời.
 
Sớm nhất vào năm 1961 như:  Ampicillin, Amoxicillin, rồi Methicillin, Nafcillin, Oxacillin, Cloxacillin, Dicloxacillin, Flucloxacillin, đến Carbenicillin, Ticarcillin, Temocillin, và Mezlocillin. Cuối cùng là Piperacillin, Clavulanic acid, Sulbactam, Tazobactam… Ôi thôi đủ thứ!
 
Gần đây các cơ quan   y tế đã không ngừng lên tiếng cảnh cáo về nguy cơ bị lờn thuốc.
Sẽ có một ngày, không có thuốc kháng sinh nào trên trái đất nầy có thể diệt được vi khuẩn!
Thế là hết thuốc chữa!
 
Một phần có thể vì không có biên giới giữa thuốc dùng cho súc vật và loài người, phần khác chính con người cũng lạm dụng thuốc bừa bãi. Ngày nay gần 70% vi trùng có thể ảnh hưởng đến cả người lẫn súc vật.
 
Hiện tại các bác sĩ cho người lẫn thú y đuợc khuyến cáo nên hạn chế sử dụng thuốc trụ sinh.
Riêng về nghành chăn nuôi, các nghiên cứu được thúc đẩy để bớt sử dụng thuốc trụ sinh với mục tiêu thúc đẩy tăng cân.
 
Trở lại với cuối thập niên năm 1950’s ở tại một làng quê hẻo lánh miền Trung Việt Nam, có một em bé khoảng 5 tháng bị sốt hôn mê suốt hơn 10 ngày và thường bị làm kinh phong liên tục cho dù đã được “thầy lang” chữa trị bằng tàn nhang và nước lạnh có pha tro đốt từ bùa ngải. Không thể để mất con, mẹ của em bé bèn lặn lội đón tàu lửa, mang em vào Bệnh Viện Trung Ương Huế để được chữa trị.
 
Một bác sĩ người Pháp đã chẩn bệnh cho bé là bị sưng màng óc (meningitis), và cho uống thuốc trụ sinh bột có màu vàng kim loại.
Sau năm ngày thuốc, em bé tỉnh hẳn và được cho xuất viện. Những viên thuốc đã cứu sống đứa bé ấy có tên là Aureomycin, loại thuốc mà ngày nay được bán rất rẻ tiền để thúc cho gia súc mau lớn tăng cân.
 
Còn đứa bé ấy, hôm nay, chính là người đang viết bài nầy, kể “chuyện cổ tích” về thuốc trụ sinh ! 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét