22/9/18


Tam kỳ có đĩa Mít hông.
“Ai về nhắn với nậu nguồn/Mít non gởi xuống, cá chuồn gởi lên!” Trong những trái mít non ấy, đôi khi có lẫn vài trái mít già, bỏ đi thì tiếc, nấu với thứ gì cũng… chẳng ngon! Ai đó, đem đi hấp trong nồi cơm, không ngờ…ngon, lạ! Có lẻ, đó là “lịch sử” ra đời của múi Mít hông!

Nhìn đĩa Mít hông nóng hổi, đố ai cầm lòng cho đặng! Vừa thổi nhè nhẹ vừa ăn, trong một không gian thơm lừng hương Mít, đủ cho giác quan dâng trào cảm xúc: Khi múi mít vừa nằm trong miệng, vị thơm ngọt vừa phải cho ta cảm giác “bùi ngùi” quen quen lạ lạ khó tả; cắn thêm cái nữa, cục nhưng vỡ ra, lúc này nhón tay lấy ít cơm dừa thái mỏng cho vào miệng, nhai vài cái…chu choa sao mà béo mà thơm mà ngon đến thế, kiểu ni ai mà dám nuốt! Phải nói “hồn cốt” của Mít hông nằm ở phần nhưng (nhân), người ta lấy hạt mít đem luộc chín, bóc vỏ, cho vào cối giả (không xay), thêm muối, tiêu, đậu phụng rang, nước cốt dừa, dầu phụng…theo một tỉ lệ nhất định nào đó, rồi cho vào lòng múi mít và đem đi hông/ hấp. Cũng phải nói thêm, cục nhưng muốn ngon, chỉ và chỉ dùng hạt Tiêu Tiên Phước và dầu Phụng quê, loại dầu nguyên chất, được ép ra từ những hạt đậu được chọn lựa kỹ. Mít đem hông phải là loại mít ngon (ở vùng đất Tam Xuân, Tam Ngọc, mít Tiên Phước ko ngon lắm!), vừa chín tới, múi mít còn cứng, chưa ngọt. Không biết trong quá trình hông nấu, điều gì đã xảy ra mà kết quả cho ta một mùi vị Mít hông đặc trưng chỉ riêng Tam kỳ mới có.
Dân bản địa thì khỏi phải bàn (nhiều khi Bụt nhà không thiêng), nhưng ai đã từng“lưu lạc” ở Tam kỳ, nhất là nữ sinh các trường Cao Đẳng, Đại học, đều ít nhất một lần thưởng thức mít hông, để rồi dư vị đi theo đến cuối cuộc đời! Tôi, có vài người quen định cư ở nước ngoài, cứ mỗi lần về quê là đòi đi ăn bằng được mít hông! Mít hông cũng nhân chứng cho bao cuộc tình nên thơ, lãng mạn! Và tôi cũng lỗi hẹn ai đó một đĩa mít hông cho đến bây giờ còn đau đáu!
Tam Kỳ có đĩa Mít hông, có trà Mai Hạc, có bánh đậu xanh Thái Bình Ai ơi khi đến chớ đừng, cơm gà bà Luận. rượu chui Năm Rìu! Cái thành phố nửa quê nửa chợ, ai đi xa cũng nhớ thật nhiều!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét