4/2/19

Ca Trù: Một Thời Vang Bóng



 Văn hóa là tài sản, là lẽ sống của con người, mang tính liên tục từ thế hệ trước tiếp nối thế hệ sau.  Văn hóa chỉ có thể phát triển trong môi trường tự do, nơi mà người dân có đầy đủ quyền sống, một xã hội mà mỗi cá nhân phải được tôn trọng và bảo vệ.

Do đó, để phục hồi niềm tự hào cũng như văn hóa của dân tộc trong đó có Ca Trù, một lựa chọn duy nhất là phải hướng xã hội tới Tự do và Dân chủ thực sự.

Trần Nhật Kim

Ca Trù là một hình thức âm nhạc trình diễn, đã xuất hiện hàng nhiều thế kỷ tại Việt Nam.  Như nhiều bộ môn nghệ thuật văn hóa trình diễn khác của âm nhạc, Ca Trù cũng chịu chung số phận thăng trầm của lịch sử dân tộc, mặc dù đây là một loại văn hóa bác học, một nghệ thuật độc đáo, phối hợp giữa ca từ và giọng hát cùng với các nhạc cụ riêng biệt.

Nghệ thuật hát Ca Trù coi như chấm dứt tại miền Bắc, khi chính phủ “Việt Nam Dân chủ Cộng hòa” ra đời ngày 2-9-1945.  Thăng Long vốn được coi như cái nôi của văn hóa Ca Trù, nhưng các nhà hát đã bị ngưng hoạt động sau lời hiệu triệu “Toàn dân kháng chiến”.  Khu Khâm Thiên bị đóng cửa, không còn cảnh tấp nập “dập dìu tài tử giai nhân” như trước kia.  

Kể từ ngày chia đôi đất nước, 20-7-1954, nghệ thuật hát Ca Trù, vốn là một loại văn hóa tao nhã, trang trọng trước đây, đã bị cho là thiếu lành mạnh, tàn dư của chế độ cũ, bị loại ra khỏi sinh hoạt văn hóa của xã hội.

oOo

Trở lại với Ca Trù, một loại văn hóa trình diễn rất được ưa chuộng và thịnh hành tại Bắc và Bắc Trung phần Việt Nam, vốn là thú tiêu dao của những bậc túc nho, thức giả, văn nhân tài tử, một thú chơi sang trọng ghi đậm nét văn hóa dân tộc.

Trong Ca Trù, Ả Đào (Ca nương) giữ vai trò quan trọng, như người ta thường nói, không có ca nương sẽ không có Ca Trù. Thoạt đầu, ca nương trước khi được cho là thành nghề phải đi hát tại một đình thờ rồi mới ra mắt quần chúng, gọi là Hát Cửa Đình.  Sau đó có thể hát cho người trong làng thì gọi là "Hát Chơi". Nếu nhà các quan mời hát thì gọi là "Hát Cửa Quyền".

Ca Trù còn được hiểu là “hát Cô đầu, hát Ả đào”, xuất hiện từ thế kỷ 11 dưới thời vua Lý Thái Tổ (1010), nhưng phải đợi đến thế kỷ 15 mới trở thành một nghệ thuật trình diễn nơi cung đình.  Ca Trù còn gọi là “Hát Nói”, đã thoát khỏi tư tưởng gò bó của Khổng học, mang tính phóng khoáng do ảnh hưởng bởi tư tưởng Lão Trang của giới nho gia, là nơi gửi gấm những nhận định về xã hội và tình cảm của con người, đã mở ra đường hướng mới về tư tưởng trong văn học vào cuối thế kỷ 18.

Dù xuất hiện rất sớm nhưng Ca Trù chỉ phát triển mạnh vào đầu thế kỷ 19 với tác phẩm hát nói của các văn nhân như Nguyễn Công Trứ, Cao Bá Quát, Nguyễn Khuyến, Dương Khuê… đã xâm nhập vào đời sống xã hội và ảnh hưởng sâu đậm tới tầng lớp thanh niên. Hát nói là sự phối hợp giữa thơ và nhạc nên kén chọn khách thưởng ngoạn, một loại nghệ thuật trình diễn mang tính chất thính phòng.

Ca Trù dùng nhiều thể văn chương như:  Phú, Truyện, Ngâm… nhưng thịnh hành nhất là thể Hát Nói. Hát Nói mang tính cách phóng khoáng, niêm luật không câu lệ, không hạn định về số câu, số chữ.  Mặc dù không khắt khe và chấp nhận ngoại lệ, nhưng Hát Nói cũng có những quy luật chặt chẽ, rõ ràng.

Hát Nói là các bài gồm những câu có từ 4 chữ đến 7 chữ hay 9 chữ, nhưng có khi số chữ trong một câu lên tới 12 hay 13 chữ, trường hợp này gọi là “gối hạc”.  Thông thường một bài Hát Nói có 11 câu, gọi là “đủ khổ”, nhưng có khi dài quá 11 câu thì gọi là “dôi khổ”.  Dù đủ khổ hay dôi khổ, nhiều chữ hay ít chữ, nhưng khi hát lên phải hợp với phách theo quy tắc nhất định.

Một bài Hát Nói gồm hai phần chính:  Mưỡu và Nói.  Mưỡu để tóm tắt tư tưởng của bài Hát Nói. Mưỡu thường thấy là những câu thơ lục bát, nếu có 2 câu gọi là “mưỡu đơn”, có 4 câu là “mưỡu kép”.  Mưỡu không đi riêng mà thường để mở đầu cho bài Hát Nói gọi là “Mưỡu Tiền” và để kết thúc bài hát gọi là “Mưỡu Hậu”.

Ngoài những câu Mưỡu, một bài Hát Nói thường gồm có 11 câu, chia làm 3 khổ với bố cục:  hai khổ trên mỗi khổ có 4 câu, khổ dưới có 3 câu.  Mỗi khổ được định nghĩa rõ rệt:

  • Khổ đầu: gồm 4 câu.  Hai câu 1, 2 là Tổng mạo (lá đầu), và hai câu 3, 4 là Thừa đề (xuyên thưa).
  • Khổ giữa: gồm 4 câu.  Hai câu 5, 6 dùng thơ thất ngôn, ngũ ngôn hay chữ Nôm, là hai câu chính ở giữa bài để nói lên ý nghĩa của bài Hát Nói, thường là hai câu đối nhau.  Hai câu 7, 8 là Xuyên mau.
  • Khổ xiết: gồm 3 câu 9, 10, 11.  Câu 9 là câu dồn, câu 10 là câu xếp, câu 11 là câu keo.
  • Câu thứ 11 (câu keo) tổng kết ý nghĩa toàn bài, là câu thơ có 6 chữ.
  • Các câu từ 1 đến 10 đều đi đôi với nhau, riêng câu 11 đứng riêng, vì theo bố cục của bài Hát Nói, phách đến đó mới hết nhịp, nếu không thì câu ca đã chấm dứt mà nhịp phách vẫn còn.

Cách gieo vần trong bài hát nói cũng theo quy luật “Bằng, Trắc”.  Bài Hát Nói dùng cả hai vần, một câu đang vần "bằng" đổi qua vần "trắc" hay ngược lại, đều có hai vần "yêu vận" và "cước vận", trừ câu thứ 6 là câu thơ nên chỉ có "cước vận".  Trong mỗi khổ, "cước vận" của câu đầu và câu cuối phải là vần trắc, "cước vận" của hai câu giữa phải là vần bằng. "Yêu vận" của câu thứ 2 phải dùng "vần trắc", câu thứ 4 phải dùng "vần bằng".

oOo

Để thực hiện buổi trình diễn một bài Hát Nói cần có hai diễn viên, Ca Nương và Kép Đàn (nhạc sĩ).  Ca nương vừa ca vừa gõ phách còn kép đàn sử dụng đàn đáy.  Ngoài ra còn có một người đánh trống chầu, thường là một vị khách (quan viên), tham gia vào buổi hát để chấm câu hay phê phán câu ca, nhịp phách, tiếng đàn và cũng giúp cho người thưởng ngoạn biết chỗ nào hay, chỗ nào dở bằng tiếng trống “tom, chát”.

Về nguồn gốc của “Ả Đào” có nhiều truyền thuyết:

  •  Vào đời vua Lý Thái Tổ (1010-1028), một ca nương tên Đào Thị hát hay đàn giỏi được nhà vua ban thưởng, nên tất cả những ca nương hát hay đều gọi là Ả Đào.
  • Một truyền thuyết khác được giới Ả Đào (Cô Đầu) xưng tụng là Tổ sáng lập và lấy ngày 11 tháng Chạp là ngày giỗ “Tổ Cô Đầu”.  Hàng năm vào ngày này các đào kép khắp nơi về họp mặt tại đền thờ các tỉnh Hưng Yên, Hà Nội, Nam Định.
  • Về “Đàn Đáy”, theo tài liệu, xuất hiện vào thời nhà Lê, thế kỷ 15 với truyền thuyết, Đinh Lễ tự là Nguyễn Sinh, ở làng Cổ Đạm - Nghi Xuân, Hà Tĩnh, vốn là con nhà gia thế song tính tình phóng khoáng, thích đàn hát, được tiên cho khúc gỗ Ngô Đồng và mẫu vẽ cây đàn để làm đàn đáy, với lời dặn, tiếng đàn sẽ giúp dân làng vui sống và trị lành các bệnh tật.

Từ đó Đinh Lễ thường mang đàn ngao du khắp nơi.  Tiếng đàn của Đinh Lễ làm người nghe đang buồn hóa vui, đang bệnh thấy khỏe lại.  Tiếng đàn đã chữa khỏi bệnh câm từ hồi còn nhỏ của Bạch Hoa tiểu thư con quan Châu ở Thường Xuân,Thanh Hóa.  Hai người trở lên vợ chồng và về Cổ Đạm (Nghi Xuân, Hà Tĩnh) lập nghiệp.  Chồng dạy đàn vợ dạy hát, đệ tử trong làng đến học rất đông.  Bạch Hoa đã dùng tiếng hát giúp dân làng giải tỏa nỗi buồn.  Sau khi Đinh Lễ theo tiên ông về trời, hóa thành con chim xanh, Bạch Hoa bị bệnh chết, hóa thành cây đào đỏ.  Vì vậy, vua Lê phong cho Đinh Lễ là “Thanh Xà Đại vương” và Bạch Hoa là “Mãn Đà Hoa Công chúa”.  Dân làng Cổ Đạm lập đền thờ, lấy ngày 11 tháng chạp là ngày giỗ Tổ Cô Đầu.  Tại các tỉnh Hưng Yên, Hà Đông, Nam Định, Hà Nội đều lập đền thờ hai vị này.

Hát “Ca Trù” cũng được giải thích là hát lấy “Thẻ” (theo chữ Hán, Trù là thẻ), một thanh tre nhỏ trên có ghi số tiền, dùng để thay tiền thưởng.  Sau khi hát sẽ đổi thẻ ra tiền vì các quan viên không thưởng trực tiếp bằng tiền mặt.  Ca Trù được tổ chức thành Phường và Giáo phường, các tổ chức này được cai quản chặt chẽ bởi Trùm phường và Quản giáp.

Đến cuối đời Nhà Lê, Hòe Nhai là giáo phường rất nổi tiếng với nhiều nhà hát ả đào.  Đời Lê Cảnh Hưng (1740-1786), Tiến sĩ Ninh Tốn (1743-1795) đã ca ngợi phường Hòe Nhai qua bài thơ Hòe Nhai: (1)





Hòe Nhai

Bờ liễu, đường hoa, ai cũng đẹp,
Phong lưu bậc nhất, phố Hòe Nhai.
Yêu kiều trăm vẻ phô xuân sắc,
Uyển chuyển thanh âm não dạ người.
Hoa rụng trước đèn ghen má phấn,
Oanh ca phách điểm rộn hiên ngoài.
Mua cười ai bỏ nghìn vàng nhỉ!
Chờ rượu vương tôn chở tới đây.

(Bản dịch:  Ngô Văn Phú) 


oOo

Thật ra, muốn trở thành Ả Đào phải trải qua nhiều giai đoạn tuyển chọn và học tập khó khăn.  Theo truyền thống, mỗi ca nương đã thành nghề có nhiều năm kinh nghiệm, thường truyền dạy nghệ thuật Ca Trù cho con cháu trong gia đình mà không dạy người ngoài.  Người ngoài muốn học nghề phải là người có năng khiếu ca hát, có nhiệt tâm và nhất là có đức hạnh, đến xin làm con nuôi mới được truyền nghề.  Thời gian học kéo dài ít nhất là 3, 4 năm về giọng ca và gõ phách, mới được thầy nhận xét là đã nắm vững nghệ thuật ca ngâm và gõ phách.

Trước khi biểu diễn cho quần chúng thưởng thức, ca nương phải hát cho một số người trong làng và người cầm chầu, một người am hiểu về Ca Trù.  Sau khi được cử tọa, nhất là người cầm chầu, nhìn nhận ca nương có giọng hát hay và nắm vững những nguyên tắc về gõ phách, nhất là phải có đức hạnh tốt, người thầy mới cho ca nương “mặc áo nhà nghề”.  Trước hết, ca nương phải biểu diễn tại Đình làng, gọi là Hát Cửa Đình, để tạ ơn Thần Thánh, Tổ nghiệp rồi mới được biểu diễn trước khán giả.  Khi đó, gia đình của ca nương phải có bữa tiệc đãi khách.  Bữa tiệc này gọi là “Lễ mở xiêm áo”.

Như vậy, Ca nương phải là những nghệ sĩ có tài đức vẹn toàn, chấp nhận đem cả sức lực, trau giồi tài đức, gìn giữ nghệ thuật Ca Trù của ông cha truyền lại, vượt qua những thử thách của thời gian và hoàn cảnh đổi thay của xã hội.  Ngoài ra, các giáo phường đều có kỷ luật nghiêm khắc, phường nào cũng có quản giáp, cán sự phường để gìn giữ danh giá cho nhau.  Cũng theo truyền thống, Kép đàn phải biết rõ ca nương để lời ca và tiếng đàn có thể kết hợp nhuần nhuyễn.  Ngày xưa, để tránh tình ý giữa ca nương và kép đàn, thường anh đàn em ca, cha đàn con ca hoặc chồng đàn vợ ca, nhưng tục lệ này hiện nay không còn được giữ gìn chặt chẽ.

Hát Nói cũng có quy luật, khi hát, ca nương không há miệng, nhìn cứ như mím môi, không đẩy mạnh hơi mà phải “ém hơi” trong cổ, phải biết “ậm ự” mà lời ca nghe vẫn rõ ràng.  Hát phải rõ chữ, giọng ngân lúc dài khi ngắn, luyến láy theo âm hưởng lời ca.  Khi chuyển âm ngân lên cao hay xuống thấp, thường dùng “i hay ư” để thay cho âm chính.

Ca nương vừa hát vừa gõ phách.  Âm thanh của phách thể hiện như giọng ca thứ hai của ca nương và để giữ cho giọng ca đúng nhịp.  Cỗ Phách là nhạc cụ dùng riêng cho ca nương, với tên gọi:

Phách gồm 3 phần:

Phách
  • Bàn phách: làm bằng tre hay gỗ, dài khoảng 30cm, rộng khoảng 5cm, cao 2,5 – 3cm.  Nếu làm bằng tre, hai đầu mấu tre dùng làm chân cho bàn phách.
  • Cặp phách: là một cặp dùi tròn làm bằng gỗ quý, một đầu to và một đầu nhỏ, dài từ 20 – 25 cm, một trong hai chiếc dùi được chẻ làm đôi (cầm chập vào nhau khi gõ).  Chiếc dùi tròn gọi là Dương (có âm thanh cao, nặng và đục), còn dùi chẻ hai gọi là Âm (có âm thanh thấp, nhẹ).  Tay trái cầm dùi tròn (Dương), tay phải cầm cặp dùi chẻ hai (Âm).

Phách nhìn thật đơn giản nhưng kỹ thuật sử dụng rất phong phú, gồm các cách chính dưới đây:

  • Ngón rục:  Phách tròn (tay trái) gõ nhẹ, nảy nhanh trên bàn phách hai tiếng, tiếp theo sau là phách hai lá (tay phải) gõ xuống bàn phách một tiếng.  Ba âm thanh gần nhau gọi là ngón rục.
  • Ngón chát:  Phách tròn (tay trái) và phách 2 lá (tay Phải) cùng gõ xuống bàn phách (phách 2 lá gõ hơi nhanh hơn một chút).  Gõ xong không nhấc lên ngay nên âm thanh chát và thô.

Khi ca nương gõ phách, hai dùi Âm và Dương có hai tiếng khác nhau, một tiếng tròn một tiếng dẹp, một tiếng cao một tiếng thấp, một tiếng trong một tiếng đục, một tiếng nặng một tiếng nhẹ.  Khi gõ cùng một lúc, hai âm thanh pha trộn chen lẫn nhau, làm cho tiết tấu có nhịp mà nghe như không có nhịp, thực mà hư.  Có chỗ tiếng phách bao trùm tiếng hát, lúc điểm chấm câu, gõ cùng lúc với tiếng đàn.  Tiếng phách có lúc ròn rã, dồn dập như tiếng pháo, có lúc róc rách, êm đềm như tiếng nước reo.  Phách không những gõ nhịp mà còn  luyến láy như tiếng hát để diễn tả cảm súc của nội dung bài hát.  Tiếng phách hòa quyện với lời ca một cách uyển chuyển hài hòa, làm người nghe thêm hứng thú, lắng hồn trong lời ca, điệu hát.

Ca Trù được truyền lại trong môi trường gia đình do các nghệ sĩ đã thành danh, nên ca nương được giáo dục từ khi còn nhỏ trong khuôn khổ cũng như chịu kỷ luật theo truyền thống của gia đình.  Ca Trù là một loại âm nhạc trình diễn đặc biệt, không có ký âm pháp ghi sẵn theo nốt nhạc trên khuông giấy như âm nhạc hiện thời, nên ca nương phải học thuộc lòng. Vì vậy, nghệ thuật trình diễn trong Ca Trù hay dở, cao thấp tùy theo khả năng thiên bẩm của mỗi ca nương.

Khi trình diễn, ca nương ngồi yên như bất động, lưng thẳng, xếp bằng tròn trên chiếu hoa cạp điều với vẻ mặt bình thản, đoan trang, phục sức trang trọng kín đáo, làm tăng sự kính trọng của người thưởng lãm.  Ca nương đối thoại với quan khách bằng giọng hát và tiếng phách, đã gợi cảm hứng cho các văn nhân sáng tác tại chỗ hàng ngàn bài ca trù bằng chữ nôm, lưu lại cho hậu thế một kho tàng đồ sộ về văn chương bác học của nước nhà. Trong các tác phẩm để đời của các tác giả Nguyễn Công Trứ, Cao Bá Quát, Nguyễn Khuyến, Dương Khuê, Chu Mạnh Trinh, Phan Bội Châu… đã gửi gấm tâm huyết qua những sự kiện lịch sử trải dài nhiều thế kỷ.

Song song với giọng ca và tiếng phách của Đào nương, “Đàn Đáy” là một nhạc cụ không thể thiếu trong các buổi trình diễn Ca Trù và chỉ sử dụng trong Ca Trù.

Đàn Đáy với tên gọi chính là “Vô Để Cầm” tức “đàn không đáy”, một loại đàn không đáy, đã gọi tắt là đàn đáy. Đàn đáy cũng được gọi là Đới cầm (đàn được buộc dây đeo trên vai /đới = dây).  Thùng đàn có hình dáng chữ nhật hay hình thang không có hậu, mặt đàn bằng gỗ cây Ngô Đồng.  Đàn đáy thường được dùng để đệm cho giọng nữ cao hoặc phối hợp với các dụng cụ gõ có âm thanh khô, ít vang.  Điệu thức của cây đàn đáy rất đặc biệt, tiết tấu cũng khác hẳn một số nhạc cụ khác.  

Đàn Đáy

Thi sĩ Nguyễn Hải Phương vịnh cây đàn đáy với những vần thơ: (2)

Tên em như có mà không
Ba dây dẫn sóng trăm sông về nguồn
Ca trù đổ hột phách giòn
Tuổi phai xanh, chạm tiếng đàn lại xanh.

Thang âm của đàn đáy rất đặc biệt, hệ thống gắn phím 7 cung chia đều nhau, giúp cho nghệ sĩ không phải lên dây đàn khi tiếng hát lên cao hay xuống thấp, mà chỉ cần đổi vị trí ngón tay bấm.  Đôi khi kép đàn phải nhấn sâu giữa hai phím để dây đàn căng, khiến âm thanh tiếng đàn cao vút hòa quyện với tiếng phách. Điểm này chứng tỏ tài nghệ khác biệt của kép đàn. Đàn đáy có 3 dây lớn nhỏ khác nhau bằng tơ se rất đặc biệt, phím đàn thật cao. Tiếng đàn và giọng hát luôn quyện với nhau. Tuy khác âm nhưng khi đánh, tiếng đàn và nhịp phách vẫn đồng điệu.

Ca Trù là loại nhạc thính phòng, đã trở thành một nghệ thuật riêng biệt của dân tộc Việt Nam, với những quy luật chặt chẽ, rõ ràng trong thơ và nhạc.  Mỗi loại thơ đều có nét nhạc và tiết tấu đặc biệt tạo ra nhiều thể trong Ca Trù.  Khi nghe một bài Ca Trù, người nghe như thưởng thức được nét văn chương bóng bẩy của câu thơ qua giọng ca, tiết tấu rộn ràng của tiếng phách, hòa lẫn thang âm dồi dào, âm hưởng luyến láy, bay bướm của tiếng đàn.

oOo

Ngoài ca nương và kép đàn còn có một người đánh trống chầu ngồi về phía bên phải của ca nương. Người đánh trống chầu gọi là “cầm chầu”, một quan viên tới thưởng thức buổi hát ca trù, vì không thuộc nhóm ca trù nên thường ngồi một ghế riêng. Nếu ngồi chung chiếu, thường ngồi xa ca nương về phía bên phải. Người cầm chầu phải am hiểu nghệ thuật Ca Trù, vừa có trình độ văn hóa, thấu hiểu văn chương cũng như quy luật đánh trống chầu. Người cầm chầu đảm nhận việc ngắt mạch câu văn, khổ phách, khen tặng giọng ca hay, tiếng phách giòn hay nét đặc biệt luyến láy của tiếng đàn. Trên thực tế, ngoài việc nhận định kỹ thuật trình diễn, người cầm chầu là người sẽ thưởng tiền cho ca nương và kép đàn.

Cách đánh trống chầu cũng được quy định chặt chẽ. Trống chầu là một trống nhỏ có hai mặt.  Dùi trống gọi là “roi chầu”, dài hơn dùi trống thường. Dùng roi chầu đánh vào mặt trống phát ra âm “tom” và gõ vào “tang” trống (tang=cạnh trống) phát ra tiếng “chát”.  Trống chầu để chếch về phía bên trái người cầm chầu, cách đầu gối trái chừng 20cm. Trước khi đánh trống, người cầm chầu đè một phần bàn tay trái lên trên mặt trống để biết độ căng của mặt trống. Không dùng roi đánh thử trên mặt trống.  Khi đánh trống, người cầm chầu tay phải cầm roi, ngửa bàn tay cầm roi giơ lên rồi nhẹ nhàng úp bàn tay đập roi xuống mặt trống. Tiếng trống đánh phải thật khoan thai, không hấp tấp vội vàng. Vì vậy, nghệ thuật thưởng thức hát cô đầu còn được gọi là thú “Tom, Chát”.

Trống
Cách khen thưởng câu hát và tiếng đàn cũng được ghi rõ.  Khi ca nương hát có chữ hay trong câu hát, người cầm chầu sẽ gõ “cắc” vào tang trống để thưởng chữ. Gặp chữ hay mà đánh “cắc” vào chữ ấy thì gọi là “đánh kịp”, đánh sau chữ hay gọi là “đánh chậm”, sắp đến chữ hay đã đoán trước mà gõ “cắc” gọi là “đánh gấp”.  Khi người cầm chầu đánh ngay vào tiếng hát, lấp tiếng hát khiến khán giả không nghe rõ câu hát, trường hợp này gọi là “trống lấp khẩu”. Trong bài hát có chữ hay nhưng câu hát đang liên tục, không có chỗ cách nhau mà điểm trống, chỉ gõ “cắc” hai, ba tiếng vào chữ ấy thì gọi là “cắc lèo”.


oOo

Trong khung cảnh hát Ca Trù, các văn nhân thường quyến luyến trước tài sắc vẹn toàn, thông hiểu văn chương thi phú của ca nương, cũng như ca nương cảm phục về tài thi phú và khẩu khí của văn nhân qua lời thơ, đã không tránh khỏi tình cảm nẩy sinh giữa tài tử và giai nhân.  Mặc dù là chuyện riêng tư hoặc ngẫu hứng, cũng ghi đậm nét son trong văn học của dân tộc.

Trong kho tàng Ca Trù, có nhiều bài thơ lưu lại chuyện tình cảm giữa văn nhân và ca nương, đã để lại những chuyện tình văn chương bất hủ còn lưu lại đến ngày nay.

Cụ Nguyễn Công Trứ (1778-1858) khi chưa thành đạt, lại ham thích hát ả đào mà không có tiền. Cụ muốn gần một ca nương nổi danh tài sắc nhưng tính rất kiêu kỳ, nên không được toại nguyện.  Cụ là người đánh đàn hay nên đến xin làm kép đàn.  Khi cô đi hát thì cụ quẩy gánh và một thằng nhỏ xách đàn đi theo.  Một hôm đi tới chỗ vắng cụ giật mình nói quên dây đàn ở nhà.  Cô bèn sai đứa nhỏ về lấy giây đàn.  Khi còn hai người, cụ muốn sao được vậy.  Khi cụ làm Tổng Đốc, nhân ngày sinh nhật bèn cho gọi ả đào tới hát giúp vui.  Khi vào hát, một cô trong nhóm ca nương ứng khẩu:

Giang sơn một gánh giữa đồng
Thuyền quyên ứ hự, anh hùng nhớ chăng?

Cụ chợt nghĩ ra chuyện cũ, hỏi ra mới biết nàng chưa lấy ai, bèn lấy làm thứ thiếp.  Nhưng xét cho cùng, mặc dù là chuyện dan díu tình ái, nhưng tài tử phải tài tử như thế, giai nhân phải giai nhân như thế, nhờ đó mới có những câu thơ tuyệt diệu, một chuyện tình đẹp lưu lại đến sau này. (3)

Trong kho tàng văn học, cụ Nguyễn Công Trứ để lại hàng trăm bài hát nói và thi phú đã làm giầu cho văn học Việt Nam, trong đó nổi bật những lời khuyên về quan niệm nhân sinh, như chữ Nhàn:

Tri túc tiện túc, đãi túc, hà thời túc /  Tri nhàn tiện nhàn, đãi nhàn, hà thời nhàn.
Biết đủ là đủ, biết nhàn là nhàn.  Không thể mong đợi, vì biết thế nào là nhàn là đủ.

Với “Chí làm trai” cụ nhắn nhủ:

Nhân sinh tự cổ thùy vô tử / Lưu thủ đan tâm chiếu hãn thanh.
Hàm ý, người ở đời ai mà không chết, phải lưu lại tấm lòng son trong sử sách.

Kế đến, như chuyện nhà nho Nguyễn Danh Kế và ca nương Nhữ Thị Nghiêm tại nhà hát phố Hàng Thao, tỉnh Nam Định, đã trở thành một chuyện tình đẹp. Họ thành vợ chồng và sinh ra Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu, một thi sĩ tài hoa nổi danh trong văn học Việt Nam. Em gái của Tản Đà cũng là một ca nương tài sắc vẹn toàn.

Sang một khía cạnh khác của Ca Trù, chuyện của Cụ Dương Khuê đã ghi lại tâm sự của mình về một giai đoạn lịch sử cam go dưới thời Vua Tự Đức.  Cụ sinh năm Kỷ Hợi (1839) tại Vân Đình, Hà Đông, đỗ Tiến sĩ năm Mậu Thìn (1868) và được bổ nhiệm Tri phủ Bình Giang, Hải Dương.  Trong 15 năm đầu của cuộc đời làm quan, cụ hết lòng phò nước, trải qua những thăng trầm, nên cụ gửi gấm tâm sự của mình qua bài hát nói “Hồng Hồng Tuyết Tuyết”: (4)

Hồng Hồng Tuyết Tuyết

Mưỡu:

  Ngày xưa Tuyết muốn lấy ông
Ông chê Tuyết bé, Tuyết không biết gì
Bây giờ Tuyết đã đến thì
Ông muốn lấy Tuyết, Tuyết chê ông già

Nói:

Hồng Hồng Tuyết Tuyết
Mới ngày nào còn chưa biết chi chi
Mười lăm năm thấm thoát có ra gì
Ngoảnh mặt lại đã tới kỳ tơ liễu.
Ngã lãng du thời quân thượng thiếu
Quân kim hứa giá ngã thành ông.
Cười cười nói nói sượng sùng
Mà bạch phát với hồng nhan chừng ái ngại
Riêng một thú thanh sơn đi lại
Khéo ngây ngây dại dại với tình
Đàn ai một tiếng đương tranh.

Bài “Hồng Hồng Tuyết Tuyết” là bài hát nói hoàn chỉnh với 4 câu mưỡu và 11 câu hát nói, nhằm dàn trải tâm sự của cụ Dương Khuê về hiện tình đất nước dưới câu chuyện “Đào Hồng Tuyết”.    Trước hành động xâm lấn của Pháp, Cụ dâng sớ lên vua Tự Đức có ý nói phải quyết liệt với người Pháp, nhưng cụ bị chê là “bất thức thời vụ / không hiểu thời cuộc”.  Nhà vua cho cụ còn trẻ chưa trải việc đời. (Khi vua Tự đức lên ngôi năm 19 tuổi – năm 1847, cụ Dương Khuê mới lên 8).  Vua Tự Đức băng hà ngày 16-6-1883 và Hòa ước ký kết giữa Triều Nguyễn và Pháp năm 1883, chấp nhận Nam Bộ thuộc quyền bảo hộ của Pháp và cho Pháp đặt công sứ tại các tỉnh thuộc Bắc kỳ.  Qua bài hát nói, cụ đã bầy tỏ nhận định về hiện trạng đất nước lúc bấy giờ…

oOo

Nội dung các bài Hát nói tiềm ẩn một nền văn chương bác học, cụ Tam nguyên Yên đổ Nguyễn Khuyến đã ghi lại nhận định của cụ về xã hội trong bài hát nói “Ông Phỗng đá”, ngoài văn thể hoàn chỉnh còn mang ý nghĩa rất thâm trầm.  Như cấu trúc của một bài hát nói, mở đầu bằng 4 câu mưỡu và bài hát nói: (5)

Ông Phỗng Đá

Mưỡu:

Người đâu tên họ là gì?
Khéo thay chích chích chi chi nực cười.
Dang tay ngửa mặc lên trời,
Hay còn lo tính sự đời chi đây?

Nói:

Thấy phỗng đá lạ lùng muốn hỏi. (1)
Cớ sao len lỏi đến chi đây? (2)
Hay tưởng trông cây cỏ nước non này, (3)
Chí cũng rắp dan tay vào hội lạc (4)
Thanh sơn tự tiếu đầu tương hạc, (5)
Thượng hải thùy tri ngã diệc âu. (6)
Thôi cũng đừng chấp chuyện đâu đâu, (7)
Túi vũ trụ mặc đàn sau gánh vác. (8)
Duyên hội ngộ là duyên tuổi tác, (9)
Chén chú, chén anh, chén tôi, chén bác, (10)
Cuộc tỉnh say, say tỉnh một vài câu. (11)
Nên chăng đá cũng gật đầu! (12)

Đây là bài hát nói “dôi khổ” với 12 câu nhưng vẫn theo cấu trúc: câu 1-2 là tổng mạo, câu 3-4 là thừa đề.   Hai câu thất ngôn 5-6 diễn tả đại ý của bài, câu 7-8 làm rõ nghĩa cho 2 câu thất ngôn trên.  Riêng hai câu 9-10 có chung một ý nên tính làm một.  Câu thơ cuối cùng 6 chữ đã tóm tắt ý của toàn bài hát nói.

Hai câu thơ thất ngôn 5-6 có nghĩa:

“ta tự cười đầu đã bạc như đầu chim hạc nơi chốn núi xanh, có ai hay đâu ta như con chim hải âu ung dung nơi bãi biển”,                                              

với hàm ý:

“Ta nay sắp về già cũng muốn mũ ni che tai như ông phỗng đá để giữ lấy sự tự do và nhàn hạ.  Người đời ngu xuẩn, họ làm phỗng đá mà không tự biết là phỗng đá, vì bản chất họ là phỗng đá.  Nay ta đã già, việc đời đã chán, công danh để lại cho con em.  Ta muốn làm phỗng đá nhưng tự biết ta là phỗng đá.”

Về nghệ thuật hát Ca Trù cũng như tư cách của đào nương, trong bài thuyết trình tại Hội Khai Trí Tiến Đức-Hà Nội, đăng trên Tạp chí Nam Phong, số 69 vào tháng 3-1923, Cụ Phạm Quỳnh bàn về “Văn chương trong lối hát Ả đào” đã nhận định:

Lối hát nói theo thời cổ, đào và kép đều hát cả: Đào hát thì gọi là hát nói, hát gái hay nữ xướng; Kép hát thì gọi là hát trai hay nam xướng.  Kép hát trước rồi đào hát lại với cùng âm điệu và bài hát.  Ngày nay chỉ có đào hát.  Hát nói trở lên thông dụng và có văn chương hơn cả.  Tuy là văn chương du hí nhưng rất đặc sắc và có tinh thần mà các danh sĩ ngày xưa cũng như đời này đều tham gia.

Đối với giới Ả đào (cô đầu), người ta thường có nhận thức khắt khe, cho đây là “phường bán phấn buôn hương”, còn đàn ông tới nhà hát để tìm “thú vui trần tục”.  Nhưng vào thời xã hội cổ xưa, người đàn bà không ra ngoài giao tiếp, nên các bậc văn nhân tài tử có tư tưởng phóng khoáng thường tìm đến nơi ca nhi kỹ viện, để giải tỏa tâm tư, với hình thức “chơi cho có nghĩa lý, có văn chương, có tinh thần, có khí khái…

Theo cụ Phạm Quỳnh, “ca nương bị mang nhiều tai tiếng không đẹp, nhưng đó có phải do lỗi của họ, lỗi của lối hát ả đào.  Hay chính là lỗi của các quan viên ngày nay không có cái phẩm cách, cái chí thú như các cụ ngày xưa, mà để cho một lối chơi thanh tao phong nhã biến thành một cuộc dâm bôn, một trò cợt nhả…”(6)  

oOo

Vào thời Pháp thuộc, chữ Ả Đào đã phát âm thành Cô Đầu (Ả= Cô/ Đào=Đầu).  Danh từ “Hát Cô Đầu” trở lên thông dụng, thay thế cho “Hát ả đào”.  Theo tài liệu, Hà Nội là nơi cà trù phát triển mạnh nhất.  Có thể nói, Thăng Long là cái nôi của Ca Trù, nên Ca Trù mang nét riêng biệt của vùng đất ngàn năm văn vật. Hà Nội có nhiều nhà hát như khu Khâm Thiên, Vạn Thái, Ngã Tư Sở.  Nhưng nhà hát cô đầu không xuất hiện đầu tiên ở Khâm Thiên như mọi người thường nghĩ, mà Phố Hàng Giấy mới là nơi đầu tiên có những nhà “hát cô đầu”, mở màn cho loại nghệ thuật trình diễn này.  Phố Hàng Giấy thời Pháp gọi là “Rue du Papier”, sau năm 1945 đổi tên là phố Hàng Giấy.

Trước năm 1915, phố Hàng Giấy còn vắng vẻ, vẫn nhà lá hay nhà gạch lợp tôn, có vài cửa hàng xén… Vào phiên chợ Đồng Xuân, người dân làng Bưởi, làng Cót mang giấy ra bán ở hai bên lề đường, nên gọi là phố Hàng Giấy.  Đến năm 1925 phố Hàng Giấy mới có một số tiệm buôn lớn, nhà xây có gác.  Một số nhà hát cô đầu xuất hiện, nên có câu:

Trải qua Hàng Giấy dần dần
Cung đàn nhịp phách nên xuân bốn mùa.                                                                                    

Khu cô đầu phố Hàng Giấy ngày một phát triển, ngựa xe nhộn nhịp,  tiếng đàn nhịp phách ồn ào đến đêm khuya, khiến chính quyền thành phố đã ra quy định nghiêm ngặt về thời gian tụ họp.  Giá nhà phố cũng tăng dần, tiền thuê nhà đắt hơn trước.  Để tránh sự nhòm ngó của bót cảnh sát Hàng Đậu gần đó, nên vùng đất Thái Hà là nơi được chọn để thay thế cho khu nhà hát cô đầu phố Hàng Giấy.  Do đó, khu nhà hát cô đầu phố Khâm Thiên ra đời.

Tên “Phố Khâm Thiên” đã nhắc nhở tới Khâm Thiên Giám hay Tư Thiên Giám vào thời Lý, Trần, Lê trải dài từ thế kỷ 11 đến 18, là nơi theo rõi thời tiết, thiên văn, báo giờ để định mùa vụ cho dân và nghiên cứu lịch pháp...

Nhà thiên văn học như Đặng Lộ, phát minh kính viễn vọng tên “Lung Linh nghi”.  Trần Nguyên Đán tác giả cuốn lịch “Bách thế thông kỷ thư” đã làm việc tại Khâm Thiên Giám.

Khâm Thiên giám dưới các triều đại:

  • Triều Lê Thánh Tông, Tư thiên giám thuộc Bộ Lễ.  Trưởng quan trật Chánh lục phẩm, Phó quan trật Chánh thất phẩm.
  • Triều Nguyễn Gia Long, cơ quan Tư thiên giám đổi thành Khâm Thiên giám tại kinh sư và đặc cơ quan Khâm thiên giám tại các tỉnh với tên Chiêm hậu ty.
  • Năm Minh Mạng 8 (1827), đặt Khâm Thiên giám Giám chính trật Chánh ngũ phẩm và 2 Giám phó trật Tòng ngũ phẩm (Chánh cao hơn Tòng).

Tại triều đình, Khâm Thiên giám do vị quan đại thần đứng đầu một cơ quan, kiêm nhiệm Khâm Thiên giám với chức Kiêm quản Khâm Thiên giám sự vụ đại thần.  Trong công việc hàng ngày, Khâm Thiên giám được điều hành bởi 2 quan Giám chính và Giám phó cùng các thuộc viên là Ngũ quan chính và Linh đài lang…

Thời Pháp, phố Khâm Thiên thuộc về địa phận huyện Hoàng Long tỉnh Hà Đông nguyên là đất của các thôn cũ: Tương Thuận, Trung Tiền, Trung Tả, Tô Hiền, Lệnh Cư, Thổ Quan.  Đầu phố có Núi Gò tức Thiên Đài, di tích của Khâm Thiên Giám thuộc về các triều đại xưa.  

Phố Khâm Thiên cũng mang nhiều dấu ấn lịch sử, với chiều dài 1.170m, từ phố Hàng Lọng (đường Lê Duẩn hiện nay) đến Ô chợ Dừa.  Khâm Thiên có 26 ngõ ngoằn ngoèo, trong đó phải kể tới:  

Ngõ Thổ Quan: Theo ông Nguyễn Vĩnh Phúc, người nghiên cứu về Hà Nội, đình Thổ Quan tọa lạc trong ngõ Thổ Quan, nơi thờ ba chị em họ Đào gồm: chị tên Đào Phương Dung và hai em trai Hiển Hiệu và Quý Minh, Đào Phương Dung là nữ tướng của Hai Bà Trưng.  Khi Hai Bà Trưng tuẫn tiết ở cửa Hát Môn, ba chị em lui về Thổ Quan dựng ba đồn chống giặc.  Sau trận đánh với quân của Mã Viện, ba chị em cùng hy sinh trên chiến trường.  Dân làng không nhận ra xác ba chị em họ Đào, vì quân lính hai bên chết rất nhiều, không phân biệt được người Nam hay quân lính Tầu, nên khâm liệm chung dọc theo con đường phía Bắc đê La Thành, nay là phố Khâm Thiên.  Trong đình còn có đôi câu đối:

Nhất thi khảng khái anh hùng lệ
Bách chiến quan hà cố quốc tâm

Dịch nghĩa :

Một bài thơ cảm khái anh hùng nhỏ lệ
Quan hà trăm trận, vững bề cố quốc lòng chung.

Khâm Thiên là một phố có nhiều biệt danh, từng được gọi là phố “Cầm Ca”, một nơi mà khách say mê tiếng phách gọi tắt là “KT” hay “xuống xóm”.  Khâm Thiên còn được gọi là phố “Nhiệt Đới” hay “Xích Đạo” vì nằm thẳng một chiều Đông Tây, nắng từ sáng sớm đến chiều tối.

Sau năm 1920, Khâm Thiên ngày một mở mang phát đạt, đã trở thành một khu mệnh danh “ăn chơi nhất, hiện đại và đắt khách nhất”.  Giá thuê nhà cũng tăng theo mức độ phát triển, khiến các chủ nhà hát không đủ tiền thuê, đã phải xuống khu rẻ hơn như Ngã Tư Sở, Vạn Thái (Bạch Mai), Chùa Mới (chợ mơ)… Vì vậy, dân gian mới có câu:

Nhiều tiền ra Khâm Thiên
Ít tiền ra Vạn Thái…

Vào năm 1936-1940, giá một chầu hát ở khu Khâm Thiên lên tới 20$, không kể chi phí về rượu, thuốc phiện, ăn đêm… lên tới hàng trăm đồng, trong khi lương Tri huyện tập sự vào thời bấy giờ chỉ có 80$.

Nhà hát cô đầu phát triển ngày càng nhiều ở một số tỉnh miền Bắc như Hà Nội, Nam Định cũng như tại Hà Tĩnh, Nghệ An, Thanh Hóa của miền Trung.  Vào năm 1938 Hà Nội có 216 nhà hát với 2000 cô đầu.  Theo bài viết của Đốc lý Hà Nội Virgitti đăng trên báo “Le périn vénérien à Ha Noi”: từ năm 1936 đến 1939, trên một đoạn đường dài 800m của phố Khâm Thiên có tới 40 nhà hát với trên 200 cô đầu.  Ngoài ra còn có 6 vũ trường với 50 gái nhẩy và hai khách sạn.

Trong số nhà hát sang trọng của khu Khâm Thiên, đứng đầu phải kể tới nhà hát số 96 của cô đầu Đốc Sao, một nhà hát có khiêu vũ đầu tiên tại Hà thành.  Không biết tên thật của cô là gì, sinh năm nào, chỉ biết cô đến từ tỉnh Hưng Yên, sau khi lấy bác sĩ người Hoa tên Lầu Màn Sầu (Lưu Nam Sao) nên cô mang tên Đốc Sao.  Bác sĩ Lưu Nam Sao (Docteur Sao)  là người chồng đầu tiên và duy nhất, sau 5 năm chung sống ông qua đời. Nhờ tài sản của chồng để lại, Đốc Sao mở nhà hát cô đầu.  Nhà hát cô đầu của Đốc Sao nổi tiếng nhất khu phố Khâm Thiên trước khi mở phòng khiêu vũ.  Y phục của vũ nữ và cô đầu trong nhà hát của Đốc Sao đều do các sinh viên trường Cao đẳng mỹ thuật Đông Dương thiết kế.  Khách tới đây hầu hết là nhữg người có chức sắc và gia đình giàu có.

Nhan sắc mặn mà đa tình của cô đã làm điêu đứng các văn nhân công tử.  Đốc Sao không những xinh đẹp mà còn hát hay và khiêu vũ giỏi.  Nhiều người tới đây chỉ muốn chiêm ngưỡng bước nhẩy bay bướm của Đốc Sao.  Một tờ báo đã nhận định: “Khi nhìn Đốc Sao, người ta không thể nghĩ những điều tốt đẹp hơn.”

Cùng với người tình Hoàng Tích Chu, một người có tâm hồn lãng mạn, sau khi ở Pháp về làm chủ tờ báo Đông Tây, Đốc Sao đã góp phần đưa khiêu vũ trở thành nếp sinh hoạt mới của Hà thành.  Chính Hoàng Tích Chu đã giúp Đốc Sao huấn luyện các cô đầu trở thành vũ nữ như dạy đàn ca, một chút tiếng Pháp và cách chiều đãi khách.  Vào thời gian này, Hoàng Tích Chu là một nhà báo nghèo sống bằng tiền nhuận bút, không thể so sánh với những người giầu có theo đuổi Đốc Sao.

Nhiều người ngưỡng mộ Đốc Sao, nhưng Đốc Sao chỉ chung tình, chăm lo săn sóc đời sống của Hoàng Tích Chu và tờ báo Đông Tây.  Sau khi Hoàng Tích Chu qua đời vào năm 36 tuổi, Đốc Sao ở vậy, mặc toàn quần áo màu đen trong 3 năm tang chế.  Cô đầu Đốc Sao từ chối mọi săn đón hứa hẹn một cuộc sống vương giả của những người đàn ông giầu có quyền thế.  Đốc Sao dành tình yêu cho Hoàng Tích Chu, với hàng chữ “Bà góa phụ Hoàng Tích Chu” in trên tấm danh thiếp.  Sự chung tình của một cô đầu nổi tiếng khu Khâm Tiên như Đốc Sao, làm nhiều người thán phục. (7)

Văn hóa ả đào đã ảnh hưởng sâu đậm tới sự nghiệp văn chương của các văn thi sĩ trước năm 1945.  Khu cô đầu Khâm Thiên là nơi nhộn nhịp nhất, được các nhà văn, nhà báo, nhà thơ nổi tiếng chiếu cố tận tình.  Nhà văn Vũ Bằng đã gọi phố cô đầu Khâm Thiên là “cái nôi văn nghệ của Hà Nội” và cho rằng: “các văn nghệ sĩ hội họp uống rượu, ngâm thơ, đánh một khẩu trống để thưởng một câu văn hay, một giọng ca buông bắt thật tài tình.  Đôi khi họ tức cảnh làm những câu mưỡu, bài hát nói bằng thơ lục bát thật hay…”, ông cũng nhận định chưa có nhà văn nhà báo nào tại đất Bắc mà không ra vào nhà hát cô đầu.  Nhà văn Tchya Đái Đức Tuấn cho rằng: “Khâm Thiên là đường Nhà Trời tới đây để quên đau khổ bằng rượu, thuốc phiện…”.  Nhạc sĩ Văn Cao gọi khu Khâm Thiên là “Phường dạ lạc”

Nhờ những cảm hứng nơi các nhà hát cô đầu, một số tác giả như Thế Lữ, Nguyễn Bính, Vũ Hoàng Chương, Xuân Diệu… đã lưu lại những áng văn thơ bất hủ trong kho tàng văn học cho các thế hệ sau này.    

Vũ Hoàng Chương với bài thơ “Nghe Hát”: (8)

Phách ngọt, đàn say, nệm khói êm
Tiếng ca buồn nổi giữa chừng đêm’
“Canh khuya đưa khách” lời gieo ngọc
Mơ gái Tầm Dương thoảng áo xiêm…

Xuân Diệu cũng thông cảm với số phận ca nương trong “Lời kỹ nữ”: (9)

Khách ngồi lại cùng em trong chốc nữa;
Vội vàng chi, trăng sáng quá, khách ơi.
Đêm nay rằm: yến tiệc sáng trên trời;
khách không ở, lòng em cô độc quá…

Từ Đông sang Tây, các danh nhân đã cảm thông với nghiệp cầm ca của ca sĩ.  Nhạc sĩ Charlie Spencer Chaplin (1889-1977) còn gọi là “Vua hề Charlot”, sau một thời gian dài thăng trầm với nghệ thuật sân khấu, đã sáng tác bản nhạc nhan đề Terry’s Theme cho bộ phim Limelight năm 1952.  Sau đó bài hát Terry’s Theme được đặt tên lại là Eternally (vĩnh viễn).  Cuốn phim Limelight trở lên nổi tiếng, nên bài hát Eternally quen gọi là Limelight.  Năm 1955, nhạc sĩ Nguyễn Xuân Mỹ đặt lời Việt là “Ánh đèn Mầu”, mở đầu với lời ca:

Đời ca hát ngày tháng cho người mua vui
Đời son phấn làm mất bao ngày thơ ngây
Cùng bên ánh mầu sắc lạc lõng trong tiếng đàn hát đêm khuya
Rồi bao nếp nhăn về với tháng năm đời lãng quên rồi…..

oOo

Ca Trù cũng như văn hóa của dân tộc hiện diện từ nhiều thế kỷ đã theo chân người tỵ nạn vào miền Nam hay dàn trải đến các quốc gia tự do trên thế giới sau ngày chia đôi đất nước.  Các tác phẩm văn học như truyện Kiều của Nguyễn Du và các bài Ca Trù (hát nói) của Nguyễn Công Trứ, Cao Bá Quát, Nguyễn Khuyến… đều nằm trong chương trình giáo khoa được giảng dạy tại các trường trung học, đã ảnh hưởng sâu đậm tới tinh thần yêu văn hóa dân tộc của giới trẻ miền Nam.

Rất tiếc, sau năm 1945, khi Chính phủ “Việt Nam Dân chủ Cộng hòa” ra đời, áp dụng một số chính sách tàn nhẫn của Trung cộng như “Cải cách ruộng đất, Đấu tố và Trăm hoa đua nở…” tại miền Bắc, đã đốt bỏ toàn bộ sách báo văn học lưu lại từ nhiều thế kỷ cũng như tù đầy các nhà trí thức, gây kinh hoàng cả về vật chất lẫn tinh thần cho người Việt.  Chính vì thành kiến sai lầm này, đã loại bỏ mọi sinh hoạt văn hóa, từ âm nhạc đến văn chương, trong đó có Ca Trù và coi đây là thứ văn hóa đồi trụy, tàn dư của chế độ cũ.

Nghệ thuật Ca Trù là một nghệ thuật bác học, nên thưởng thức Ca Trù gọi là “nghe hát” chứ không phải “xem hát” như trình diễn văn nghệ hiện tại.  Ca Trù là một nghệ thuật thoát thai từ sau lũy tre xanh, nên gắn bó mật thiết với lễ nghi phong tục và hương ước xóm làng, đã ảnh hưởng tới đời sống xã hội, từ chốn Triều đình tới miền đồng ruộng, từ nông thôn đến thành thị và dàn trải trên thế giới, nơi có bóng dáng người Việt.

Ca Trù không được quan tâm nên đã tàn lụi theo thời gian.  Nhất là sau ngày “kháng chiến thành công”, các ca nương và nhạc sĩ nổi danh một thời đã phải che giấu lai lịch, không dám nhận mình là nghệ nhân của khu phố Khâm Thiên, đã làm thui chột những tài năng và loại bỏ một bộ môn của văn học đã một thời nổi danh là thanh tao, uyên bác, ra khỏi sinh hoạt văn hóa của dân tộc.

Chính vì bị trù dập và không liên tục trong một thời gian dài, mà điều quan trọng  nhất, là thiếu “không khí Ca Trù” để văn hóa Ca Trù nẩy sinh, tạo lên sự rung cảm trong tâm hồn người Việt.  Do đó, Ca Trù chỉ có thể phát triển khi trở thành một bộ môn giáo khoa trong trường học.

 Như nhiều người nhận định, chính quyền hiện tại đang lo sợ không ngăn chặn được những giá trị văn hóa trước năm 1975 của miền Nam nay bùng phát trở lại, khởi đầu bằng âm nhạc?
Trước tình trạng văn hóa suy đồi hiện tại, nhiều người lo ngại cho một bộ môn văn hóa bác học như Ca Trù đang trên bờ vực thẳm.  Thực ra, không riêng gì Ca Trù mà cả văn hóa của dân tộc ngày một xuống dốc.  Câu nói để đời của cụ Phạm Quỳnh luôn nhắc nhở mọi người: “Truyện Kiều còn tiếng ta còn, tiếng ta còn nước ta còn”.  Truyện Kiều vẫn còn đó, nhưng liệu linh hồn văn hóa Việt có còn khi mà những người giữ trách nhiệm duy trì văn hóa, vì chịu ảnh hưởng của “Văn hóa Định hướng”, nên đã xa rời văn hóa dân tộc.  Những người ưu tư với nền văn hóa nước nhà bị gạt ra ngoài, đành nhìn sự mai một của một nền văn học đã một thời mang lại niềm tự hào cho con dân nước Việt.

Như nhiều người nhận định, chính quyền hiện tại đang lo sợ không ngăn chặn được những giá trị văn hóa trước năm 1975 của miền Nam nay bùng phát trở lại, khởi đầu bằng âm nhạc?... Nhận định trên đây cũng là ước vọng của tuổi trẻ Việt Nam hôm nay, đang quyết tâm hướng tới một xã hội nhân bản, phục vụ cho lợi ích thiết thực của con người

Văn hóa là tài sản, là lẽ sống của con người, mang tính liên tục từ thế hệ trước tiếp nối thế hệ sau.  Văn hóa chỉ có thể phát triển trong môi trường tự do, nơi mà người dân có đầy đủ quyền sống, một xã hội mà mỗi cá nhân phải được tôn trọng và bảo vệ.

Do đó, để phục hồi niềm tự hào cũng như văn hóa của dân tộc trong đó có Ca Trù, một lựa chọn duy nhất là phải hướng xã hội tới Tự do và Dân chủ thực sự.

Trần Nhật Kim

Chú thích:

(1) TS. Ninh Tốn (1743-1795):  Quê Ninh Bình, làm quan dưới triều Lê Trung Hưng và Tây Sơn.

(2) Nguyễn Hải Phương: (1933-2002) Nhà thơ, GS triết.  Quê quán Hải Hậu, Nam Định.  Sống tại Sài Gòn.

(3) Nguyễn Công Trứ (1778-1858): vào cuối thế kỷ 18 sang đầu thế kỷ 19, được Vua Minh Mạng phong chức Dinh Điền Sứ, khai khẩn vùng đất bồi mầu mỡ thành hai huyện Kim Sơn và Tiền Hải.

(4) Dương Khuê sinh năm Kỷ Hợi (1839-1902) tại làng Vân Đình, Tổng Phương Đình, Hà Đông.  Cụ đỗ Tiến sĩ năm Mậu Thìn, niên hiệu Tự Đức 21 (1868) và được bổ nhiệm chức tri phủ Bình Giang, tỉnh Hải Dương.  Năm 1897 cụ cáo quan về ở ẩn và qua đời năm 1902, hưởng thọ 63 tuổi. Tác giả bài ca trù “Hồng Hồng Tuyết Tuyết”.

(5) Nguyễn Khuyến: 1835-1909) tên thật Nguyễn Thắng.  Hiệu: Quế Chi, tự Miễu Chi.

(6) Phạm Quỳnh (1892-1945): Bài diễn thuyết về “Văn chương trong lối hát ả đào” tại Hội Khai Trí Tiến Đức, Hà Nội (Nam Phong, số 69-tháng 3-1923 / Nguồn: Blog PhamTon )  Tên hiệu: Thượng Chi, bút danh: Hoa Đường, Hồng Nhan.  Sinh tại Hà Nội, quê quán: Làng Lương Ngọc, phủ Bình Giang, tỉnh Hải Dương.  Cụ giữ chức Thượng thư Bộ Học và sau chót là Thượng thư Bộ Lại (1944-1945 dưới Triều nhà Nguyễn.  Cụ bị Việt Minh bắt giam ngày 23-8-1945 và bị xử bắn cùng với Tổng đốc Quảng Nam Ngô Đình Khôi và con là Ngô Đình Huân.  Di hài cụ Phạm Quỳnh tìm thấy trong khu rừng Hắc Thú năm 1956, và được cải táng tại khuôn viên chùa Vạn Phước, Huế ngày 29-2-1956.

(7) Hoàng Tích Chu: Sinh ngày 1-1-1897 tại Từ Sơn, Bắc Ninh.  Mất ngày 25-1-1933 tại Hà Nội.   Ông sang Pháp năm 1923 theo học cách viết báo, ông về nước năm 1926 và trở lại Pháp năm 1927 để tham dự các buổi thuyết trình của báo giới cũng như một số trường Đại học.  Ông viết các bài báo dưới bút hiệu: Kế Thương, Hoàng Hồ, Văn Tôi.  Năm 1929, ông làm chủ bút cho tờ báo Hà Thành Ngọ Báo, chuyên viết mục Xã thuyết dưới bút danh Hoàng Hồ.  Tại đây ông cùng Đỗ Vân thực hiện cải cách cả về lối viết lẫn hình thức của tờ báo.  Những bài báo viết theo lối mới với bút danh Văn Tôi với nội dung nặng về chính trị như thông cảm sự thất bại của cuộc khởi nghĩa Yên Bái, phê phán chủ thuyết Quân chủ của Phạm Quỳnh, tố cáo những viên tham quan như Tổng đốc Thái Bình Vi Văn Định… Tờ báo được dân chúng ủng hộ mạnh mẽ và là tờ báo bán chạy nhất Bắc Kỳ thời đó.  Năm 1930, nhờ uy tín ông trúng cử vào Viện Dân biểu Bắc Kỳ.

(8) Vũ Hoàng Chương: sinh ngày 5-5-1916 tại Nam Định. Chánh quán của ông ở làng Phù Ủng tỉnh Hưng Yên.  Ngày 13-4-1976 ông bị bắt giam tại khám Chí Hòa.  Bị bệnh nặng đưa về nhà được 5 ngày thì mất.  Ông mất vào ngày 6-9-1976 tại Sài Gòn.  Thơ của ông được cho là sang trọng, hoài cổ, giầu chất nhạc, với nhiều sắc thái Đông phương.

(9) Xuân Diệu (tên thật Ngô Xuân Diệu) sinh 2-2-1916 – 18-12-1985 tại Tuy Phước tỉnh Bình Định.

Tài liệu tham khảo:
  • Phạm Quỳnh: Văn chương trong lối hát ả đào
  • Trần văn Khê (1921-2015 ): Vài nét đặc thù của ca trù Việt Nam.
  • Cát Vàng: (vietnamhoc.the-talk.net):  Nghệ thuật ca trù
  • Nguyễn Xuân Diện: Văn nhân và ả đào
  • Hoàng Tích Chu rời Hà Thành Ngọ Báo vào tháng 9-1929 và ngày 15-11-1929, ông cùng với các ông Phùng Tất Đắc, Phùng Bảo Thạch và Tạ Đình Bính xuất bản tờ báo Đông Tây, tòa soạn đặt tại số 12 phố Nhà thờ Hà Nội.  Thời gian đầu báo ra hàng tuần, về sau 2 tuần một số.  Từ ngày 28-5-1932 báo ra hàng ngày với 4 trang khổ lớn và in tại nhà in Trung Bắc của Nguyễn Văn Vĩnh.
  • Tờ báo Đông Tây quy tụ nhiều cây viết nổi danh như:  Phan Khôi, Phùng Bảo Thạch, Tạ Đình Bính, Phùng Tất Đắc, Trần Tuấn Khải, Lê Phổ, Vi Huyền Đắc, Hoàng Ngọc Phách…
  • Thân phụ ông là cụ Hoàng Tích Phụng, từng làm Tri Phủ, và tham gia phong trào Đông Kinh Nghĩa Thục.  Các em: họa sĩ Hoàng Tích Chù, nhà viết kịch Hoàng Tích Linh, bác sĩ Hoàng Tích Tộ và nhà biên soạn kịch Hoàng Tích Chỉ.
  • Mặc dù Hoàng Tích Chu chỉ mới nổi danh trong 3 năm (1929-1932, nhưng ông thể hiện là một nhà báo đã góp công lớn trong việc cách tân báo chí Việt Nam vào đầu thế kỷ 20.  Ông đã để lại dấu ấn trong lịch sử báo chí Việt Nam, một bước cách tân đáng kể cả về hình thức lẫn trình bầy.
  • Năm 1933 Hoàng Tích Chu qua đời sau một thời gian lâm bệnh, hưởng dương 36 tuổi.
  • Phố Hòe Nhai thuộc Quận Ba Đình - Hà Nội, chạy từ phố Yên Phụ đến Phan Đình Phùng.  Cây Hòe trồng hai bên đường hiện nay không còn.
  • Hình trên mạng Wikipedia.

    Không có nhận xét nào:

    Đăng nhận xét