6/11/20

Thư Yersin gởi Mẹ.

Sống xa quê hương, dù ở Pháp, Việt Nam hay Trung Quốc, hầu như tuần lễ nào ông cũng viết thư cho mẹ. Tính đến khi mẹ ông mất, năm 1905, ông đã gởi ngót 1.000 bức thư, cho bà biết sức khỏe và công việc hằng ngày của mình. 


Trong một bức gửi cho mẹ mình ông đã viết:

" Mẹ có hỏi, liệu con có thích hành nghề y hay không? 
Có và không!


Con rất vui khi được chăm sóc những người đến khám, nhưng con không muốn biến y khoa thành một nghề. Có nghĩa là, không bao giờ con có thể đòi tiền người bệnh cho việc chăm sóc họ.

Con coi y khoa như là một chuyên môn và con được phục vụ, đòi tiền để chăm sóc bệnh nhân chẳng khác nào nói với người đó rằng: “Tiền hay mạng sống”. Đó là những suy nghĩ mà con biết rằng không phải đồng nghiệp nào cũng chia sẻ. 

Nhưng ít nhất thì đó là suy nghĩ của con. Và con tin rằng con sẽ khó lòng từ bỏ nó. "



Yersin rất nhẫn nại tử tế với những người cộng sự bản xứ, không bao giờ to tiếng, không bao giờ thị uy. Người dân Nha Trang gọi ông là Ông Tư (theo cách gọi của người đàng trong, chỉ ông là con thứ ba). Hay Ông Năm vì theo ngạch nhà binh ông là Đại tá quân y. 

Ông không lấy vợ, sống thanh đạm độc thân. Yersin đến với người Việt Nam bằng một tấm lòng chân thật. Đó là chìa khoá mở cửa cho ông đi vào tình cảm của người Việt Nam.

Ông ra đi rất thanh thản, ngày 01 tháng 03 năm 1943 vào lúc 01 giờ sáng, vừa đúng tám mươi tuổi. Một ngày trước khi từ giã cõi đời, ông còn ngồi trên ghế xích đu dùng ống nhòm đo mực thủy triều. Mặc dầu có lời căn dặn của ông trong di chúc muốn được an táng đơn giản, nhưng đám tang của ông vẫn rất đông người đến viếng và là một đám viếng to lớn chưa từng thấy ở Việt Nam. 

Ngoài đại diện của chính quyền còn vô số người Việt, người Pháp, người Chà, người Hoa, người Thượng. Dân chúng bày hương án hai bên đường từ Nha Trang lên tận Suối Dầu nơi ông an giấc ngàn thu. Thể theo chúc thư, đám tang của ông được tổ chức thật giản dị và không có ai đọc điếu văn.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét