21/6/23

 

Thành ngữ buồn.

Do công việc, hằng ngày, tôi thường đi ngang qua hành lang phòng chờ sinh bệnh viện và rất nhiều lần được nghe câu chúc mừng của các bà nội, ngoại: “ Ruộng sâu, trâu nái không bằng con gái đầu lòng”( Ruộng sâu là ruộng đất tốt cho năng suất cao, trâu nái là trâu cái, sẽ đẻ, sinh lợi nhanh), khi một sản phụ nào đó vừa cho ra đời

một ả Tố Nga.Thành ngữ trên, giới trẻ bây giờ ít người biết; chỉ những ai sinh ra bên gốc rạ (như tôi) mới hiểu và… xót xa!

Dân ta, đa phần (80%) là nông dân; nay, giảm đi nhiều (vì đất đã phân lô bán nền!). Xưa, làm ruộng vất vả lắm, “con trâu đi trước cái cày theo sau”; chưa có cơ giới thâm nhập, nên sức người vẫn là chính, gia đình nào đông con, coi như…giàu(!). Do khoa học sinh sản chưa tới được cổng làng, lại thêm quan niệm “rậm người hơn rậm cỏ” của những bố gia trưởng, nên, có nhiều bà  vợ “bị đẻ” cho đến ngày hết trứng! Cảnh hai năm ba đứa, đàn con leo nheo lóc nhóc, “quây quần” bên mâm cơm ít thịt nhiều rau của thập niên 60-70 thế kỷ trước, giờ vẫn còn như in trong tâm trí nhiều người.

 Gia cảnh như thế, thì con gái đầu lòng vô cùng hữu ích (từ hữu ích, nghe xót làm sao!), từ chuyện giúp mẹ nấu nướng, giặt giũ, trông giữ em, cho đến cả chuyện đồng áng nặng nhọc đều có bàn tay chị. Ruộng sâu, trâu nái sao “kinh tế” và “đa hệ”bằng chị! Đặc biệt, có gia đình không may, mẹ mất sớm, lúc này, vai trò của người chị càng “khủng” hơn nữa. Có chị suy dinh dưỡng lớn không nổi, có chị gù vẹo do gánh gồng quá sớm trong khi cơ thể chưa hoàn thiện. Do hoàn cảnh mà cha mẹ vô tình bóc lọt sức lao động của con mình nhiều khi đến tàn nhẫn! Chưa hết đâu, ngoài chuyện nhường cơm sẻ áo, chị còn nhường luôn việc học hành cho các em, nhiều chị thất học hoặc học hành không đến nơi đến chốn là vì thế. Lo cho gia đình, nhường cho các em, tuổi thanh xuân của chị trôi qua lúc nào không biết, đến lúc nhìn lại thấy mình “quá lứa lỡ thì”, tình yêu đã cao chạy xa bay, chỉ còn nghe ai đó nghêu ngao: “chị tôi chưa lấy chồng”; để nhiều đêm thức cùng giun dế, nhận ra nước miếng mình khá mặn!

Thời gian trôi đi, các em, đã yên bề gia thất, chị lại lo cha mẹ già trái tính trái nết; ngày tết, giỗ, chạp,…, con cháu đề huề đông đủ; đêm nằm, có đứa cháu vô tình hỏi, “sao dì không đi học như mẹ cháu để khỏi ở quê vất vả?”, chị gượng cuòi, sáng dậy, hai mắt đỏ hoe…Có em, ở xa, lâu lâu mới về, dúi vào túi mẹ mấy đồng, có chuyện chẳng biết ất giáp gì, lại chì chiết chị…Chị buồn, lặng lẽ ra sau vườn, ngồi khóc.

Viết về chị đã có dăm bài thơ, đôi ba bài hát, nhưng chẳng thấm vào đâu so với “công sức” của Chị. Mong rằng, câu thành ngữ buồn trên không còn hiện thực trong đời sống và chỉ được nhắc đến trang trọng trong văn chương nghệ thuật, để hoài niệm về một thời đã qua.

 

 

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét