16/5/24

Ngày của Mẹ.

 Hôm nay, 12/5/2024, là Ngày của Mẹ, theo văn hóa phương Tây, thiễn nghĩ cũng tương đồng với ngày lễ Vu Lan, theo truyền thống Phật giáo, là ngày báo hiếu cho Mẹ; tôi xin được chúc mừng cho những ai đương còn mẹ để ‘thấy lòng vui sướng hơn !

’. Anh/chị hãy hãnh hiện và vui mừng về điều đó; khác với tôi, trong những ngày này, thường ngêu ngao nhẩm theo lời hát : ‘Mẹ ơi ! con đã già rôì, con ngồi nhớ mẹ, khóc như trẻ con…’ ‘mẹ ơi hãy dắt con theo, để con mãi mãi bên mẹ’… ‘Rủi mai này mẹ hiền có mất đi, như đóa hoa không mặt trời, như trẻ thơ không nụ cười,…, như đời mình không lớn khôn thêm…’ Chúng ta biết ơn Sư ông Nhất Hạnh- ns Phạm Thế Mỹ (Bông hồng cài áo), ns Y Vân (Lòng Mẹ), ns Trần Tiến (Mẹ tôi), ns Nguyễn Văn Chung (Nhật ký của mẹ) và nhiều nhà thơ, nhạc sĩ khác nữa…, đã có những lời thơ, ca từ bình dị nhưng sâu sắc, giúp ta được đồng cảm mà nhớ ơn đấng sinh thành. Ta chỉ nhớ công ơn cha mẹ thôi còn chưa đủ, huống chi nói đến việc đáp đền!

Nói về Mẹ, mọi ngôn từ đều thiếu hụt, trong chiến tranh, người mẹ ngủ say như chết mặc cho bom đạn gầm rú trên đầu, nhưng chỉ cái trở mình của đứa con là người mẹ tỉnh giấc và biết bao bà mẹ gầy mòn theo năm tháng khi những đứa con ra đi ngày ấy...không về, và đó là Tình Mẫu tử Thiêng liêng ta có được. Không phải ngẫu nhiên mà Bersot phát biểu :‘Kỳ quan đẹp nhất thế giới là trái tim người mẹ’ và nhà thơ đất Quảng, Xuân Tâm (1916-2012) rơi nước mắt viết câu ‘Tôi biết tôi mất mẹ/ là mất cả bầu trời’, bởi ‘nếu không còn mẹ, cái gì cũng không’.
‘Mẹ già như chuối chín cây/ gió đông cũng sợ gió tây cũng buồn’, ai nói ca dao VN là bình dân, không bác học( ?), ai diễn tả được tâm trạng của người con khi nhìn dáng mẹ hao gầy ở tuổi xế chiều hay hơn thế( ?); ngay cả Tô Thùy Yên viết “ Cha mẹ già như trúc trổ bông” cũng không hơn mấy! Viết đến đây, tôi chợt nhớ bài Mừng Tuổi Mẹ của ns Trần Long Ẩn : ‘Mẹ già như chuối chín cây/ Gió lay mẹ rụng con phải mồ côi’ ; tôi, không rành văn chương chữ nghĩa, nên cảm thấy sai sai thế nào ấy, ‘gió lay mẹ rụng’ nghe thô thiển và phủ phàng quá ! Sao dùng từ như giới giang hồ với mẹ mình vậy( ?)Văn hóa phương Đông, ngay cả từ ‘chết’ cũng ít ai dùng mà thường thay bằng : ‘qui tiên’, ‘cưỡi hạt về trời’, ‘về với ông bà’. ‘ về nơi chín suối’…Buồn thay!
Làm lâu năm trong bệnh viện, tôi, chứng kiến bao điều, trong đó ‘Cha mẹ nuôi con biển hồ lai láng/Con nuôi cha mẹ tính tháng kể ngày’ là thật ; một mẹ nuôi năm bảy người con nhưng năm bảy người con không nuôi nổi một mẹ là thật ; cha mẹ có khi như trái bóng, được các con chuyền qua, đá lại và cuối cùng nhà quàng ghi điểm ! Có thể nói: Cha mẹ ốm đau là ‘tiêu chuẩn vàng’ để xét nghiệm lòng hiếu tử !
Bài hát “Nhật ký của mẹ”, có số lượng ca từ dài nhất trong số những nhạc phẩm viết về mẹ, nhưng sao dài bằng chín tháng mười ngày và cả cuộc đời của mẹ dành cho chúng ta. Hãy nghe ca sĩ Hiền Thục hát một lần, cảm nhận và thương mẹ mình hơn.
p/s: ảnh trên net- Xin cám ơn và lượng thứ.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét