20/5/24

 

Tô Thuỳ Yên – một bóng trên đường lớn.

Hôm qua, đi làm về, người khá mệt, mắt bâng quơ, nhìn phía hồ cá góc sân, thấy nhánh lan rừng mà tôi đã bỏ bê từ lâu, nở một chùm hoa vàng ánh; trời mùa này nắng nóng, giò lan rừng cằn cổi, khô quắp, thế mà vẫn cho đời vài bông hoa thật đẹp và ngay trong khoảnh khắc ấy, câu thơ “Cám ơn hoa đã vì ta nở” trong bài Ta Về của Tô Thuỳ Yên, hiện về trong trí nhớ.

Nhà thơ Tô Thuỳ Yên tên thật là Đinh Thành Tiên (1938-2019), sinh ở Gò Vấp, Gia Định; ông nguyên là thiếu tá quân đội, trưởng phòng văn nghệ, trực thuộc Tổng cục chiến tranh chính trị của VNCH,[nay gọi là tuyên huấn(?)]; ông đã 3 lần đi học tập cải tạo, tổng cộng 13 năm; từ 1993 định cư và mất ở Mỹ (21/5/2019).


Bài Ta về, được viết vào 7/1985, sau 10 năm “học tập” đầu tiên.Ta về, có 124 câu, mỗi câu bảy chữ (thất ngôn), đây là thể thơ sở trường của ông.Đọc Ta về, không thấy bóng dáng gì của một người sau 10 năm sống trong “địa ngục chín tầng sâu’’, dẫu “ đá cũng ngậm ngùi thay’’về kể khổ, rồi chửi đời, chửi người, chửi chế độ. Ta về, chỉ thấy hình ảnh một đứa con nao nức muốn đi thăm lại quê hương làng mạc sau bao năm xa cách; “Chiều nay ta sẽ đi thơ thẩn/ Thăm hỏi từng cây, những nỗi nhà/ Hoa bưởi hao tầm xuân có nở?/ Mười năm cây có nhớ người xa”. Ở Ta về, có đau xót, bi quan, nhưng bao dung, độ lượng, đứng trên cái oán hận căm thù; “ Ta về khai giải bùa thiêng yểm/ Thức dậy đi nào sỏi đá ơi!/ Hãy kể lại mười năm mộng dữ/Một lần kể lại để rồi thôi’’; và trong cái bất như ý ấy, ta vẫn nghe thấy mùi trầm hương trong không gian Thiền định, “Ta về cúi mái đầu sương điểm/Nghe nặng từ tâm lượng đất trời/ Cám ơn hoa đã vì ta nở/ Thế giới vui từ mỗi lẻ loi’’.


Ta, là một đại từ nhân xưng, Ta về, ông viết cho ông và cho cả một thế hệ cùng ông.Bài thơ, có mười một (11) lần “Ta về như…’’ ,“ Ta về như bóng chim qua trễ/ như lá rơi về cuội/ như hạt sương trên cỏ/ như sợi tơ trời trắng…’’ 11 là con số ước lệ cho những“thân phận’’trong cõi đời này; bởi ông đã từng viết “đối với tôi, văn chương vẫn chỉ là một chứng từ sao lại về thất bại của con người trước cuộc sống’’.Ta về, không thù không hận,“ Ta về như lá rơi về cội/ Bếp lửa nhân quần ấm tối nay/ Chút rượu hồng đây, xin rưới xuống/ Giải oan cho cuộc biển dâu này”  “Ta tiếc đời ta sao hữu hạn/ Đành không trải hết được lòng ta”. Có cao thượng nào cao hơn?!

Là một trí thức, một người lính, ông hiểu bản chất cuộc chiến mà ông tham dự, anh và tôi đều là cánh quạt máy bay, “phải quạt, phải quạt/ chỉ vì nó phải quạt’’ thế thôi, qua đó, “ Ta thương ta yếu hèn/ Ta thương ngươi khờ khạo/ Nên cả hai cùng cam phận quay cuồng/ Nên cả hai cùng mắc đường Lịch Sử/ Cùng mê sa một con đĩ thập thành!”, nên ông chẳng phiền hà chi khi được gọi là“tên lính nguỵ’’; rồi ông tự vấn “ Nghĩ cho cùng, nghĩ cho cùng/ Ví dầu các việc ngươi làm, các việc ta làm/ Có cùng gom góp lại/ Mặt đất này đổi khác được bao nhiêu?’’(Chiều trên phá Tam Giang). Có thể nói, Chiều trên phá Tam Giang, viết 6/1972, trong chuyến đi thị sát bằng trực thăng trên đầm phá Tam Giang trong chiến dịch mùa hè đỏ lửa ở Quảng Trị, là một bài thơ phản chiến đặc biệt nhất của văn- thơ- nhạc- hoạ phản chiến trước 1975, “ Chiều trên phá Tam Giang rộn ràng tiếng chiến trận/ Chiều trên phá Tam Giang im lìm âm cảm thông”! Toàn bài thơ là sự khắc khoải siêu hình về cái chết, về tình yêu trong chiến tranh.

Chiều trên phá Tam Giang, được Trần Thiện Thanh, lấy đoạn 2, phổ thành nhạc phẩm cùng tên,với tiếng hát sang trọng của ca sĩ Thanh Lan, đã thành một tình ca thời chiến, đẹp đẽ, thanh tao nhưng rắn rỏi và biết rõ thân phận mong manh dễ vỡ của mình; tình yêu đi giữa chiến tranh, đầy tên bay đạn lạc, nên em mãi ám ảnh cái điều không dám nghĩ, khi em lang thang trên sân trường “nhìn bong bóng nước chạy trên hè’’ và liên tưởng đến anh… đang ngoài mặt trận, có thể “vỡ” bất cứ lúc nào! Rất thực tế, rất đời, không có chuyện hảo- đợi anh về em nhé! Chiều trên phá Tam Giang là tiếng nức nở của Tình yêu tuyệt vọng “thấy tình yêu như vận hội tàn đời”, “anh yêu em, yêu nuối tuổi hai mươi/ rực chiếu bao nhiêu giấc mộng đua đòi/ như những mặt trời con thật dễ thương/ sẽ rơi rụng dọc đường lên dốc tuổi”.

Nói thơ ông mà không nhắc đến “Trường Sa hành” là một thiếu sót lớn! Ông viết Trường Sa hành trong chuyến đi công vụ ra quần đảo Trường Sa tháng 3/1974, trước đó  2 tháng Tàu cộng đánh chiếm Hoàng Sa (19/1/1974). Trường Sa hành, thực chất là những hình ảnh điêu tàn, khốc liệt, mất mát hy sinh của Hoàng Sa sau trận thuỷ chiến không cân sức, bất ngờ(và được làm lơ của “ ý thức hệ”) của kẻ xâm lược; và qua đó tác giả nghĩ về tương lai của Trường Sa. “ Trường Sa! Trường Sa! Đảo Chuếnh choáng/ Thăm thẳm sầu vây trắng bốn bề”, “Đảo hoang vắng cả hồn ma quỉ/ Thảo mộc thời nguyên thuỷ lạ tên”, thực tế đau thương ấy đã làm “ Sóng thiên cổ khóc, biển tang chế” và ông “ tiếc ta chẳng được bao nhiêu lệ/ Nên tưởng trùng dương khóc trắng trời” thử hỏi, còn câu thơ nào sâu sắc hơn! Dù “Ngày, ngày nắng chói chang như giũa/Ánh sáng vang lừng điệu múa điên”… thiên nhiên có khốc liệt đến đâu, nhân hoạ có tàn nhẫn cỡ nào, ở Trường Sa, vẫn thấy tiềm tàng một sức sống mãnh liệt, từ con người cho tới cỏ cây “Rễ bung còn gượng cuộc tồn sinh”. Trong cái hỗn mang ấy, rồi thời gian trôi đi, “ Những nỗi niềm kia cũng mãn khai/Thời gian kết đá mốc u tịch/ Ta lấy làm bia tưởng niệm Người”, chữ Người viết hoa, Người nào đây? Đó là 74 chiến sĩ hy sinh trong đó có Nguỵ Văn Thà tử thủ ở Hoàng Sa.Trường Sa hành như một cuốn album ảnh về Hoàng Sa và Trường Sa, như ông đã từng lập ngôn khi bước vào nghiệp văn chương, “ tôi là Tô Thuỳ Yên, là thi sĩ, là người chép sử tương lai” và ông đã chép sử bằng thơ. Có thể nói, Trường Sa hành là cột mốc chủ quyền văn học đầu tiên của Việt Nam được đóng trên quần đảo Trường Sa!

Thơ ông, hay, sâu sắc và kén người đọc; thơ không thuộc loại ê a xuôi vần thuận điệu, nên ít ai thích, ai thuộc. Đọc thơ ông cần dụng công và phải có một background nhất định; như trên đã nói, nếu không biết lịch sử thì chỉ thấy Trường Sa hành là một mớ chữ nghĩa khó hiểu, như “Ta hỏi han, hề,Hiu Quạnh lớn”, “ Đất liền, ta gọi, nghe ta không/ Đập hoảng Vô Biên tín hiệu trùng.”…và không thể cảm được khổ thơ tuyệt cú của ông nhìn cảnh hoàng hôn trên biển “Mặt trời chiều rã rưng rưng biển/ Vầng khói chim đen thảng thốt quần/ Kinh động đất trời như cháy đảo…/Ta nghe chừng phỏng khắp châu thân.” Đơn giản hơn, như câu mở đầu trong Ta Về “ Ta về- một bóng trên đường lớn/ Thơ chẳng ai đề vạt áo phai…”, nếu không biết câu ca dao “ Người về ta chẳng cho về/ Ta kéo vạt áo, ta đề câu thơ” thì sẽ khó hiểu được cái sâu sắc trong câu thơ; thơ ông đầy những ngôn từ chữ nghĩa của ca dao, tục ngữ (về cội, ngựa đá qua sông, truông cùng phá…) được ông xử dụng một cách tài tình; một ví dụ khác, qua câu ca dao: “ Đêm qua chớp biển mưa nguồn/ Đấy vui có biết đây buồn hay không?” và câu tục ngữ: “ máu chảy ruột mềm”, ông gởi gắm nỗi buồn nhân thế của mình qua khổ thơ “ Ta khóc tạ ơn đời máu chảy/ Ruột mềm như đá dưới chân ta/ Mười năm chớp biển mưa nguồn đó/ Người thức nghe buồn tận cõi xa”(Ta về), hỡi thế nhân có xót xa(?) khi máu chảy nhưng ruột mềm như đá! Ông cũng là một trong những rất ít người trong giới văn chương đã sáng tạo, làm đẹp, làm phong phú tiếng Việt, có thể kể như: “tầng buồn” trong “ như những tầng buồn lay động mãi”; “Nhớ bất tận”, “ âm cảm thông”, “Cơn nghĩ”, nói về tuổi, Trịnh Công Sơn có “tuổi đá buồn” ông có: “tuổi cũ”, “tuổi lưng chừng”, “dốc tuổi”…( “ Kéo tấm chăn thuê màu sặc sỡ/ Đắp lên ta tuổi cũ hồn nhiên”, “ Em về vườn cũ thăm cây trái/ Gặp tuổi lưng chừng khóc giữa hoa” (Mùa hạn), và còn nhiều nữa. Tương phản, hình tượng và gợi cảm, là những điều ta thấy khi đọc thơ ông; thủ pháp lặp lại cũng là một nét mỹ học độc đáo, như trong Ta về ( ta về như, mười năm), Chiều trên phá Tam Giang ( anh yêu em, phải quạt, nghĩ tới…), Cánh đồng con ngựa chuyến tàu (tàu chạy mau, ruợt tàu…)…; làm cảm xúc người đọc như được dồn nén, rồi vỡ oà và thăng hoa trong ngữ nghĩa. Là một thành viên chủ chốt trong nhóm Sáng Tạo, chủ trương canh tân “Một nền nghệ thuật mới” ở miền nam sau 1954 nhưng trong thơ, ông vẫn dùng nhiều từ Hán Việt, điển tích, lấy ý từ ca dao, tục ngữ làm vật liệu chế tác cho thơ của riêng mình trên cái khung thất ngôn sở trường độc đáo; nên đọc thơ ông, ta nghe thoang thoảng mùi Đường thi! “ Mai có ai về ngang quãng sông này/ Xin ném cho hòn đất hỏi thăm” (Viễn Tây), “ Ta về như hạc vàng thương nhớ/ Một thủa trần gian bay lướt qua” (Ta về).

“ Ta tiếc đời ta sao hữu hạn/ Đành không trải hết được lòng ta”, có phải vì muốn “trải hết” và quên câu ý tại ngôn ngoại, nên thơ ông nhiều chữ quá, nhiều bài trên 100 câu “trường thiên thất cú”, nhiều bài đọc tới đọc lui nhưng chẳng hiểu gì. Chính vì thế nên nguời ta nhát đọc, khó nhớ và khó dịch!Trừ phi thích và yêu lắm cơ! Mà cũng đúng thôi, mọi đỉnh cao trong nghệ thuật không có chỗ cho sự dễ dàng và dễ dãi!

Ngoài 3 bài thơ nổi tiếng được nhắc ở trên, ông còn có những Tàu Đêm, Mùa Hạn, Tháng Chạp Buồn và một số bài khác, đã làm nên một tên tuổi Tô Thuỳ Yên sống mãi trong tâm những người yêu thơ và trên diễn đàn văn học nước nhà. Đâu phải ngẫu nhiên mà có buổi trò chuyện mang tên Thơ Tô Thùy Yên - Để mà thương nhớ thơ diễn ra ngày 24-4- 2021 tại địa chỉ mới của không gian văn hóa Cà phê thứ bảy: 79A Phan Kế Bính, Q.1, TP.HCM.(1). Sự kiện đặc biệt này, đủ nói lên tầm vóc “cây đa, bóng đề” thi ca của ông. Và tôi tin, qua sự sàng lọc khắc nghiệt của thời gian, của nhân tâm, mọi giá trị sẽ được đặt đúng chỗ.

Tôi, là người ngoại đạo, chỉ biết ông qua sách vỡ, qua Google và yêu thích thơ ông; bài viết như một nén tâm nhang, xin được thắp cho ông trong lần giỗ thứ 5 này. Chỉ vậy thôi!

 (1)https://tuoitre.vn/nha-nghien-cuu-nhat-chieu-nha-tho-to-thuy-yen-la-bac-thay-cua-tieng-viet-20210424220214909.htm)

 

 

 

 

 



 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét