17/12/24

 Chuyện cuối tuần # 1

Nghĩ về- Định Mệnh.
Chắc ai yêu thich văn học cũng đã đọc: Bi kịch Oedipus- thần thoại Hy Lạp cổ đại đặc sắc. Câu chuyện lâu đời nên có nhiều dị bản, tóm tắt như sau:
Ở nước Thebes, vua Laius và Hoàng hậu Jocasta, không có con nối dõi; một hôm nhà vua đi cầu tự và gặp nhà tiên tri, nhà tiên tri nói: nhà ngươi sẽ có con ngay thôi, nhưng ta nói trước đứa con này lớn lên sẽ giết ngươi và lấy mẹ của nó.
Rồi Hoàng hậu có thai;để trừ hậu hoạ, ngay khi đứa bé ra đời, nhà vua bèn lấy lưỡi gươm rạch nát bàn chân đứa bé, rồi cho hầu cận đem bỏ vào rừng sâu làm mồi cho hổ báo. Trên đường đi, người hầu cận gặp một người chăn cừu, nghe chuyện, ông ta thương cảm đem về nuôi dưỡng, sau đó không lâu, đứa bé được vua Polybus và hoàng hậu Merope xứ Corinth xin làm con nuôi vì họ cũng không có con. Thấy bàn chân đứa bé có nhiều vết thương ở mắt cá, nhà vua đặt tên cho bé là Oedipus, có nghĩa là “sưng mắt cá chân”.
Oedip lớn lên trong tình thương yêu và dạy dỗ chu đáo của vua Polybus và hoàng hậu, ngày càng thông minh tuấn tú và tuyệt nhiên Oedipus không hề hay biết đó là cha mẹ nuôi của mình.

Một hôm, chàng thanh niên Oedipus viếng thăm Delphi, thành phố cổ với ngôi đền thờ thần Apollo linh hiển nhất Hy Lạp. Tại đây, Oedipus được thần linh tiết lộ: Ngươi sẽ giết cha mình và lấy mẹ làm vợ. Cái tin động trời này làm Oedipus choáng váng và anh quyết định không bao giờ gặp lại cha mẹ mình, để tránh cái việc làm tàn nhẫn, vô luân đó.
Khi lang thang tới gần biên giới Thebes, Oedipus gặp một đoàn người đi kinh lý, hai bên không ai nhường ai khi phải ngang qua một vách núi hẹp, lời qua tiếng lại, kèm với nỗi bất an trong lòng; cuối cùng, Oedipus tuốt guơm, giết gần hết đoàn người, trong đó có vua Laius(tức cha ruột của mình).
Vào đến trung tâm Thebes, Oedipus, được người dân cho biết, thành bây giờ bị một con quái vật(có đầu người, mình sư tử và đôi cánh đại bàng)Sphinx (Nhân sư),thống trị khi nhà vua mới bị một kẻ lạ mặt giết chết. Tiếp tục đi, Oedipus gặp Sphinx, quái vật đưa ra câu hỏi, nếu trả lời không đúng thì phải chịu chết để quái vật ăn thịt như xưa nay với người dân; Oedipus trả lời là CON NGƯỜI khi được Sphinx hỏi: “Con gì lúc sáng đi bằng bốn chân, trưa đi hai chân và tối lại đi ba chân?”.Câu trả lời đúng, thế là quái vật phải tự sát (như giao ước).
Có công dẹp loạn, đem lại ấm no hạnh phúc,thần dân Thebes phong vua cho Oedipus và dâng hoàng hậu Jocasta (là mẹ ruột) cho chàng. Nhờ uống Tiên dược “trường xuân bất lão” của nữ thần Aphrodite mà Jocasta vẫn mãi lộng lẫy xuân thì nên Oedipus ưng thuận ngay.
Vua Oedipus và hoàng hậu Jocasta có với nhau bốn mặt con.
Thành Thebes năm đó bị dịch hạch hoành hành, người chết như rạ, lòng dân khốn khổ.Vua Oedipus sai Creon, em trai của hoàng hậu (tức cậu ruột của mình), đi khẩn cầu thần Apollo, thần phán: “Thành Thebes chỉ thoát khỏi kiếp nạn khi tìm được kẻ đã giết vị vua tiền nhiệm Laius và tống nó ra khỏi nơi này.”Creon về thuật lại như vậy.
Để cứu dân, Oedipus cho mời nhà tiên tri mù Tiresias đến để lên kế hoạch điều tra. Khi diện kiến vua Oedipus, Tiresias không dám hé nửa lời, vua tức giận doạ giết, sau cùng nhà tiên tri nói chính Oedipus là người đã giết vua Laius. Oedipus vô cùng tức giận, cho rằng Creon đã thông đồng với nhà tiên tri, nói vậy, để cướp ngôi của mình. Sợ bị chém, Creon chạy trốn.
Oedipus đem chuyện này kể với hoàng hậu; Jocasta nói chuyện này không đúng vì vua Laius đã bị chính con trai của ông giết theo như lời tiên tri trước đây.
Nghe vậy, Oedipus nhớ lại sự việc xảy ra khi anh bỏ nhà ra đi và chém giết nhiều người trong đó có thể có Laius chăng(?). Oedipus rùng mình và cảm thấy một luồng điện lạnh chạy dài theo sống lưng. Lấy lại bình tỉnh, Oedipus kể lại với hoàng hậu câu chuyện thần Apollo nói chàng sẽ giết cha và lấy mẹ lúc còn trẻ.
Dự cảm có điều gì bất thường, Oedipus cho người về thành Corinth, để điều tra và Oedipus biết được vua Polybus và hoàng hậu Merope không phải là cha mẹ đẻ của mình.
Oedipus cũng tìm được người đã đem ông về nuôi dưỡng lúc ông bị đem bỏ vào rừng.
Oedipus cũng cho gọi lại những người sống sót sau trận ẩu đả với mình khi mới vào Thebes để thẩm vấn.
Xâu chuổi lại những kết quả của cuộc điều tra, Oedipus xác nhận mình đã giết vua cha Laius và đã lấy mẹ mình. Lời tiên tri chứng nghiệm.
Trươc sự thật quá tàn nhẫn, đau đớn, phũ phàng như vậy; hoàng hậu Jocasta tự tử. Ngay sau đó, Oedipus lấy cây trâm cài tóc của Jocasta, tự đâm vào mắt, để mù loà vĩnh viễn, không còn nhìn thấy những điều xấu xa đã làm.

Nhường ngôi vua lại cho Creon và nhờ cậu chăm sóc những đứa con của mình; Oedipus đi khỏi Thebes, sống cô đơn lay lắt cho đến chết ở một làng quê hẻo lánh ngoài Athens. Đó là bi kịch cuộc đời của vua Oedipus. Hết.
..........................
Cốt lõi của câu chuyện trên, nói lên con người không thể thoát khỏi cái bóng Định Mệnh. Oedipus, dẫu cố trốn thoát, nhưng số phận đưa đẩy, cuối cùng vẫn phải làm cái việc tàn nhẫn vô luân mà định mệnh đã sắp đặt.
Thuyết định mệnh (Fatalism) cho rằng “ mọi thứ sẽ trở nên cái nó đã định trước”, nôm na là mọi hiện tượng, sự vật, kể cả con người; đều được “lập trình” trước bởi một Đấng tối cao nào đó, con người chỉ biết chấp nhận, cam chịu, không cải được và chẳng “biết gì về ngày chưa tới”.
Định mệnh làm cho con người tuyệt vọng về mặt tâm lý, nhưng hy vọng kiểm soát đời mình là có thật.Vậy, thêm một phạm trù triết học ra đời: Quyết định luận (Determinism) và Ý chí tự do (Free Will).
Quyết định luận chấp nhận có Định mệnh nhưng con nguời sống trong Vũ trụ này nên cũng bị chi phối bởi các qui luật của nó và con người là động vật duy nhất (cho tới bây giờ trong Thái dương hệ ) có tư duy, nên có Ý chí tự do. Đó là tư tưởng triết học cổ đại bên trời Tây.
Bên Đông, gần cùng thời, Khổng Tử (551- 497TCN), có lẽ, do quá chăm lo “Nhân Nghĩa Lễ Trí Tín, Tam cương, Ngũ thường”…, nên không mặn mà với Định mệnh và đã trả lời học trò “ Ngã ư từ mệnh, tắc bất năng dã” (ta bàn chữ mệnh không nổi); thế mà lại phán một câu xanh rờn “ Bất tri thiên mệnh vô dĩ vi quân tử dã” (Không biết mệnh trời thì không phải là người quân tử). Đúng là làm thầy nên muốn nói gì cứ phán!!!
Ngay từ đầu truyện Kiều, Nguyễn Du (tưởng bở) đã “ nhét” vào miệng Kim Trọng “ Xưa nay nhân định thắng Thiên cũng nhiều”; rồi, nhìn Kiều đi luân lạc mười lăm năm, với ba chìm bảy nổi; kết cuộc, Cụ viết“ Ngẫm hay muôn sự tại Trời/ Trời kia đã bắt làm người có thân/ Bắt phong trần phải phong trần/ Cho thanh cao mới được phần thanh cao” và khuyên định mệnh đã vậy, nên“ Cũng đừng trách lẫn trời gần trời xa”. Một cách đầu hàng số phận rất chi là… fair play!
Ý chí tự do, giúp con ngưòi tung hoành dọc ngang trong trời đất, thỏa mãn được “cái tôi” cá nhân ích kỷ mong muốn thoát khỏi vòng kim cô định mệnh của mình.
Jawaharal Nehru (1889-1964) cố Thủ tướng Ấn Độ, viết: “Life is like a game of cards. The hand that is dealt you represents determinism; the way you play it is free will.(Cuộc đời giống như một ván bài. Quân bài được chia cho anh là định mệnh; cách anh chơi là ý chí tự do). Anh không thể thay đổi được quân bài, anh chỉ thay đổi được cách chơi. Có lẽ, đây là câu minh hoạ tuyệt vời nhất cho luận điểm triết học này.
Triết học Duy vật (và ngay cả Phật giáo), đều thừa nhận có một thế giới vật tự nó, tồn tại khách quan với thế giới loài người. Đây là thế giới người trần không thể trải nghiệm được; nó chứa tất cả các quy luật chi phối chúng ta như luật hấp dẫn, luật nhân quả, luật vô thuờng v.v. gọi chung là Thiên Địa tự nhiên chi Đạo, luật có sẵn trong trời đất.
Thiết nghĩ rằng, Định mệnh là cách gọi khác của Quả trong Nhân Quả; Quả hôm nay (hiện tại) ta nhận, có Nhân từ hôm qua (quá khứ).
“Cây Nhân” có hai loại: Loại bách tuế có quả ngay trong cõi trăm năm này; loại thiên tuế cho quả ở hai ba trăm năm sau hay lâu hơn nữa.
Ý chí Tự do chỉ tạo Quả cho thì tương lai thôi, không có trong hiện tại. “ Tận nhân sự, quan thiên mệnh” phải hiểu tận lực hôm nay, để đoán trước cái quả của ngày mai. Vậy ta có “cải mệnh” được không? Câu trả lời là không, nhưng ta có thể có một số mệnh tốt ở tương lai nếu biết “tận nhân sự” những điều tốt đẹp từ hôm nay (nghe thoảng mùi tương chao!) và đó mới là biện chứng là triết học.
Anh chị đã biết mệnh mình chưa?
(Ảnh trên net- xin lượng thứ)

Tất cả cảm 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét