Chuyện cuối tuần #2
Mít mùa đông.
Phàm, ở đời, cái gì ngược ngược trái trái, không theo qui luật thông thường, thì bị nhìn nhận một cách không tích cực cho lắm. Mượn hình ảnh trái mít mùa đông, mít trái mùa, theo quán tính ấy, người đời phán: “ Ngon chi thứ mít mùa đông/ Khôn chi thứ gái lộn chồng mà ra”(cd) và hình như vẫn chưa hạ được cơn tức tối, họ lại bồi thêm “ Dứa trôi sông không bầm cũng dập/ Thứ gái bỏ chồng không chứng nọ cũng tật kia” Ô hay hỉ (?), mít ngon dỡ có dính dán gì với chuyện ly dị/ tự giải thoát đời mình của chị em nhà người ta ? Nói thế là xúc phạm. Những lời cay độc đó, có lẽ, chỉ xuất phát từ bàn nhậu của những kẻ không che được mưa nắng nhà mình cả nghĩa đen và bóng hay của những bà gia gay ngày xưa coi con dâu như người ở.
Không biết vì sao và tự bao giờ việc chi liên quan tới chuyện
gái-trai thì đem mít ra so ra sánh. “ Thân em như tấm mít xơ/ Chó chê không gặm
ai ngờ anh thương” (cd); còn bà chúa thơ Nôm, không thể nhầm lẫn khi coi em như
trái mít: “ Thân em như quả mít trên cây/ Vỏ nó xù xì, múi nó dày/ Quân tử có
yêu thì đóng cọc/ Xin đừng mân mó nhựa ra tay”; và nếu không có ai “đóng cọc”,
khi đã quá lứa lỡ thì, em lại đi… bán mít, “Còn duyên buôn bưởi bán bòng/ Hết
duyên bán mít, tối về gặm xơ” (cd). Có lẽ hương vị của mít như hương vị trong
tình yêu chăng(?); một thứ hương không bao giờ chán ngán, như hôm nay ăn đã no
nê, ngày mai thấy mít đê mê lại thèm!
Khi Hai Bà Trưng thất trận ( năm 43 SCN), chế độ phụ hệ và
tư tưởng Khổng Nho được Tàu áp đặt hòng Hán hoá dân tộc Việt. Sau này (từ thế kỷ
V-XV), các triều đại phong kiến Việt Nam còn chủ động rước cái của nợ này về để
cai trị dân lành. Một ngàn năm đô hộ giặc
Tàu, gần chừng ấy năm sống trong chế độ phong kiến, người phụ nữ không có vai
trò gì trong gia đình và xã hội, họ chưa bao giờ được sống đúng nghĩa mà chỉ tồn
tại trong cái lồng “Tam tòng,Tứ đức” khắc nghiệt, vô lý và bất công; việc bỏ chồng
xem như tội phạm không bằng! Gần đây hơn, tội cho chị em, họ còn bị ru ngủ,
thao túng tâm lý bởi khẩu hiệu “giỏi giỏi đảm đảm” gì đấy; coi phụ nữ như có ba
đầu sáu tay, mới nghe qua tưởng như đề cao lắm lắm nhưng đó là một áp đặt duy ý
chí, phản khoa học; rất may hôm nay chẳng còn nhắc đến.
Thực ra, quyền của phụ nữ, trong đó có quyền ly hôn, được hiến
định trong bộ luật đầu tiên của nước Việt, luật HỒNG ĐỨC ( 1483, đời vua Lê
Thánh Tông); trong đó có một điều hết sức đặc biệt, tiến bộ và thú vị, đó là: Người
vợ có quyền xin ly hôn trong trường hợp chồng không chăm nom, săn sóc vợ trong
5 tháng (1 năm - nếu vợ đã có con). Quy định này là vô tiền khoáng hậu; không
có trong bất kỳ bộ luật nào trên thế giới cũng như các văn bản cổ luật trước
hay sau triều Lê. Yêu thương chị em đến thế là cùng!
Ngược với vị anh minh Lê thánh Tông, Minh Mạng, vị vua “xài”
thê thiếp nhiều nhất, đến nỗi còn lưu danh Minh Mạng thang, lại nghe Tàu cấm chị
em miền bắc mặc váy: “Tháng sáu có chiếu vua ra/ Cấm quần không đáy người ta
hãi hùng/Không đi thì chợ không đông/ Đi thì phải mượn quần chồng sao đang./Có
quần ra đứng bán hàng/Không quần ra đứng đầu làng trông quan. Vua gì mà quan
tâm đến váy thế!
Trái ngược với thông thường là sự khác biệt nêú không nói là
đặc biệt và tất nhiên có giá trị nội tại cho sự khác biệt ấy. Tại sao ta không
nói: “ Không ngon cũng mít mùa đông/ Không khôn sao dám lộn chồng mà ra”. Bỏ
túi câu này để phản đòn khi cần thiết chị em nhé.
Là đấng trượng phu, nếu
có ngày em bỏ ta đi, hãy ra quán nhậu uống vài ly, khi thấy em “hiện về trong
đáy cốc” (QD), vào karaok, ngêu ngao “đời vắng em rồi say với ai?” (VHC) và “người
đi một nửa hồn tôi mất, một nửa hồn tôi bỗng dại khờ” (HMT), rồi liêu xiêu một
mình trên đường vắng, thấu phận mình lẻ loi. Thế mới sang! Không nên hằn học
làm gì.
P/s: Hôm bữa, lên anh Th chơi, được ăn mấy múi mít, ngon tuyệt,
nên mới sinh ra cái sự này.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét