Có nên ngưng chích ngừa bệnh
viêm gan siêu vi B hay không?
Bs Lê Đình Phương
Với tư cách một thầy
thuốc, tôi đã xuất hiện nhiều lần trên các phương tiện thông tin đại chúng để
nói về các bệnh viêm gan B, và C. Trong đó, tôi đã đề cập đến chương trình
chích ngừa bệnh viêm gan siêu vi B (VGSV B).
Hôm nay, khi tin tức
đang tràn ngập trên báo chí, TV về việc 3 trẻ sơ sinh xấu số ở bệnh viện Hướng
Hoá, Quảng Trị bị tử vong ngay sau khi được chích ngừa bệnh VGSV B. Vaccine này
còn hạn dùng đến năm 2015, do công ty Công ty vắc xin sinh phẩm số 1
(Vabiotech) thuộc Bộ Y tế cung cấp. Theo trang web của công ty (http://vabiotech.com.vn/?act=info&id=8)
vaccine này đã “đoạt giải nhì VIFOTECH 1995, Công trình đoạt giải nhì
VIFOTECH 1995, Giải thưởng KOVALEVSKAIA 1999, Huy chương vàng Hội chợ Vì tuần
lễ xanh quốc tế, Sản phẩm được chứng nhận đạt tiêu chuẩn Việt Nam và tiêu chuẩn
Quốc tế”.
Trang web này ghi rõ
về tác dụng phụ có thể có của vaccine của công ty mình như sau:“Vắcxin
Viên gan B không gây ra những phản ứng phụ đáng kể song cũng có thể gây đau nhẹ
tại chỗ tiêm nhưng sẽ hết vài ngày sau khi tiêm”
Bên cạnh những giải
thưởng khoa học đó, lần đầu tiên, y giới Việt Nam có được bằng chứng cụ thể về
nguyên nhân của những cái chết xảy ra liên tiếp sau khi chích ngừa: cơ địa em
bé trước khi chích hoàn toàn khoẻ mạnh, cái chết xảy ra chỉ dăm phút sau khi
chích thuốc. Và quan trọng hơn hết, bằng chứng mổ tử thi mà theo báo cáo của
Bệnh viện Đa khoa huyện Hướng Hóa, các cháu bé tử vong nghi do “sốc phản vệ”
sau khi tiêm thuốc. (Nguồn:http://www.thanhnien.com.vn/pages/20130721/tam-dung-tiem-vac-xin-viem-gan-b-cho-tre-so-sinh-tai-quang-tri.aspx)
Dĩ nhiên, tôi nhận được
rất nhiều câu hỏi, email, điện thoại… để chất vấn về sự việc này. Trong đó,
hoàn toàn hữu lý khi nhiều bậc phụ huynh có ý định không cho con cái đi tiêm
phòng bệnh VGSV B nữa. Họ có lý khi nói: “không tiêm chưa chắc đã chết, mà tiêm
chết ngay như thế thì làm sao tôi dám mang con đi được?”
Để rộng đường dư luận,
tôi đưa lại một số thông tin, tham khảo từ những tạp chí y học có uy tín. Tự
những con số sẽ nói lên tất cả!
1. Bệnh
VGSV B có phổ biến và nguy hiểm không?
Việt Nam là một trong
những nước có tỷ lệ VGSV B cao nhất thế giới: 20% (1 phần năm dân số). Bệnh này
là nguyên nhân hàng đầu của ung thư gan. 25% bệnh nhân mắc phải siêu vi B sẽ đi
vào biến chứng xơ gan, ung thư gan nếu không điều trị. 100% ung thư gan ở trẻ
em là do VGSV B.
Ở trẻ em Việt Nam, tỷ
lệ bị mắc VGSV B vào khoảng từ 13-18%. Chủ yếu các em bị lây nhiễm theo chiều
dọc từ mẹ sang con trong quá trình chuyển dạ.
2. Có thể
phòng ngừa bệnh VGSV B không?
Tuy nguy hiểm, nhưng
hoàn toàn có thể phòng ngừa được bệnh bằng chích ngừa. Vaccine có thể ngừa được
bệnh trong ít nhất 95% trường hợp. Ở Đài Loan, chỉ 10% sau khi áp dụng tiêm
chủng đại trà cho trẻ em, tỷ lệ bé sơ sinh nhiễm bệnh từ 10% đã giảm còn 1%.
Đồng thời, tỷ lệ ung thư gan ở trẻ em trong cùng thời điểm giảm gần 50%.
Thiên vương Lưu Đức
Hoa, một người mắc bệnh VGSV B, đã được chính phủ Trung quốc mời sang Hoa lục
để cố suý cho việc chích ngừa VGSV B.
Với hiệu quả như vậy,
vaccine ngừa VGSV B đã được mệnh danh là vaccine ngừa ung thư đầu tiên của nhân
loại.
3. Miễn
dịch với bệnh kéo dài trong bao lâu?
Với phác đồ chuẩn 0,
1, 6 tháng, hiệu quả bảo vệ của vaccine có thể kéo dài ít nhất 15 năm, thậm chí
cả đời. Trừ một số trường hợp đặc biệt, không cần thiết phải theo dõi
nồng độ kháng thể để chỉ định tiêm nhắc liều thứ 4. Lý do: cơ chế bảo vệ của
vaccine chủ yếu là qua hệ miễn dịch tế bào, vai trò kháng thể chỉ là thứ yếu.
Do đó, tiêm nhắc liều thứ 4 sau 5 năm là một tuỳ chọn, không phải bắt buộc để
bảo đảm hiệu quả bảo vệ của vaccine.
4. Chủng
ngừa có an toàn không?
Có nhiều tranh luận đã
nổ ra quanh độ an toàn của vaccine ngừa bệnh VGSV B. Tuy nhiên, hệ thống thu
thập dữ liệu về an toàn thuốc của Hoa Kỳ cho thấy: 1991 đến 1998, có 18 trẻ em
tuổi từ 0 đến 28 ngày tử vong sau khi tiêm vắcxin ngừa viêm gan B. Phân
tích chi tiết nguyên nhân tử vong cho thấy có 12 trường hợp chết do đột tử
(sudden infant death syndrome hay SIDS), 3 trường hợp do nhiễm trùng, 1 trường
hợp do xuất huyết não, và 1 trường hợp không rõ nguyên nhân. Trang thông tin
chính thức của Trung Tâm Kiểm soát bệnh tật Hoa Kỳ (CDC) khẳng định: “kể từ khi
áp dụng vào năm 1982, đã có hơn 100 triệu lượt người được chích và hoàn toàn
không ghi nhận được tác dụng phụ nghiêm trọng nào. Tác dụng phụ chủ yếu là đau
chỗ tiêm chích” (http://www.cdc.gov/hepatitis/B/bFAQ.htm#bFAQ38)
Dựa vào những con số
thống kê này, y học hoàn toàn không ghi nhận được trường hợp tử vong nào có
liên quan trực tiếp, nhân quả với tiêm ngừa vaccine này, nếu nó được bào chế
đúng chuẩn, bảo quản đúng qui cách. Vaccine này tiêm bắp thịt, nên nếu việc
tiêm thuốc không đúng qui cách thì bất quá là không gây miễn dịch cho trẻ,
không thể làm chết người được. Do đó, vaccine ngừa VGSV B vẫn được tiếp tục sử
dụng ở mức độ chương trình tiêm chủng toàn quốc ở hơn 150 quốc gia. (Bộ Y tế Mỹ
từ năm 1991 đã áp dụng chương trình này cho toàn bộ trẻ sơ sinh).
Năm
2007, tức khoảng 10 năm được đưa vào chương trình tiêm chủng quốc gia, văcxin
ngừa viêm gan B từng bị Bộ Y tế tạm ngưng tiêm sau khi có một số trường hợp trẻ
tử vong sau chích ngừa. Các chuyên gia y tế nhớ lại, thời điểm ấy, vào tháng 4
có 2 em bé sơ sinh ở Hà Tĩnh tử vong sau tiêm. Tháng 5, một bé khác ở Thanh Hóa
cũng có hiện tượng sốc phản vệ sau tiêm và được cấp cứu kịp thời. Vài ngày sau
một bé gái sinh tại Bệnh viện Nguyễn Tri Phương TP HCM cũng tử vong sau khi
chích ngừa văcxin viêm gan B.
Cũng
như 3 em bé ở Quảng Trị, 5 phút sau khi tiêm, bé gái này tím tái, có dấu hiệu
sốc, cấp cứu không hiệu quả. Trong khi đó một bé khác cùng lúc được tiêm lọ
văcxin trùng lô với cháu bé này thì khỏe mạnh bình thường. Kết luận khám nghiệm
tử thi sau đó xác định bé tử vong do phù phổi vì sốc phản vệ sau khi tiêm
văcxin viêm gan B. Những ngày sau đó, TP HCM còn ghi nhận thêm 3 em bé bị
sốc phản vệ nhưng không có trường hợp nào nguy kịch.
Ngày 20/7, sau khi cùng tiêm văcxin viêm gan
B, 3 em bé sơ sinh ở Bệnh viện đa khoa huyện Hướng Hóa, Quảng Trị, tím tái, lịm
dần rồi qua đời. Hiện chưa có kết luận chính thức nguyên nhân tử vong, đoàn
công tác của Bộ Y tế tạm cho rằng các cháu bị sốc phản vệ chưa rõ nguyên nhân.
Các chuyên gia đánh giá sự việc này là đáng lo, hiếm thấy. Một ngày sau đó, một
em bé ở Bình Thuận cũng tử vong sau khi tiêm văcxin này. Sở Y tế tỉnh cho rằng
có khả năng nguyên nhân bé mất không liên quan đến văcxin B vì tai biến xảy ra
nhiều tiếng đồng hồ sau khi chích ngừa. (Trích nguồn: VNExpress)
Thông tin từ y văn và
thế giới là vậy! Nhưng như nhiều chuyện đáng buồn khác, tình hình nước ta có
những “đặc thù” riêng (?). Với tư cách một thầy thuốc và một người làm cha mẹ,
tôi cũng đang chờ câu trả lời minh bạch, trung thực từ Bộ Y Tế.
Trong lúc chờ đợi, tôi
vẫn khuyên bệnh nhân của mình đi chích ngừa VGSV B. Dĩ nhiên, với một loại
vaccine tin cậy (mặc dù chúng không có huy chương hay giải thưởng): Engerix-B
(GSK), Recombivax HB (Merck) hay Twinrix (vaccine phối hợp ngừa VGSV A và B,
GSK). Xin đừng trách tôi “sính ngoại”: Ít nhất, tôi có quyền tin rằng bệnh nhân
của mình sẽ không chết thảm, như nhiều em bé vô tội vừa qua.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét