13/5/15

Gánh nặng nợ nần và sự gánh vác của dân

(Dân trí) - Theo chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành, hiện có ba vấn đề lớn của ngân sách năm 2015 là: Thất thu từ giảm và xóa bỏ thuế trong cam kết hội nhập; thất thu từ nhập siêu khi “bóng ma” nhập siêu quay trở lại (dự tính cả năm nhập siêu 6 - 8 tỷ USD) và các vấn đề thất thu thuế, chống chuyển giá của các doanh nghiệp liên doanh, 100% vốn nước ngoài chưa được hiệu quả khiến Việt Nam mất thu.
 >> Tăng thu phí, phụ phí do đâu?


(Minh họa: Ngọc Diệp)
(Minh họa: Ngọc Diệp)

Chưa kể, nợ đến hạn phải trả tính đến năm 2015 của Việt Nam là 7,1 tỷ USD (tương đương khoảng 150.000 tỷ đồng), chủ yếu là phần nợ vốn vay ODA, vay nợ Chính phủ qua trái phiếu.
Nhập siêu luôn là nỗi ám ảnh của nền kinh tế, chỉ riêng quan hệ thương mại với Trung Quốc, nhập siêu tăng hằng năm trong suốt 14 năm, kể từ năm 2011. Riêng năm 2014, theo Viện Kinh tế Việt Nam, Tổng cục Thống kê Trung Quốc công bố Việt Nam nhập siêu từ Trung Quốc tới 43,8 tỉ USD trong năm 2014, tăng thêm 20 tỉ USD so với số liệu chính thức của Việt Nam.
Người dân nghe những thông tin này tưởng như chuyện đâu đâu ngoài trung ương, chuyện xa vời, chuyện “vĩ mô”, không liên quan gì đến gạo cơm mắm muối thường nhật của mình. Những vấn đề “vĩ mô” đó có nhà nước lo.
Nhưng thực tế lại không phải như vậy. Tất cả những chuyện tưởng như rất xa vời đó lại có ảnh hưởng trực tiếp tới cân gạo, ký đường trong mỗi gia đình. Bởi vì, nợ là nước Việt Nam nợ, dân Việt Nam nợ. Muốn trả nợ thì lấy tiền đâu ngoài thu từ người dân và bán tài nguyên khoáng sản. Thu từ dân bằng cách tăng các khoản, thuế và phí, hoặc ít nhất cũng phải dỡ bỏ các chính sách hỗ trợ người dân để giảm áp lực cho ngân sách.
Những đề xuất tăng phí, phụ phí, mỗi thứ một ít, sẽ ảnh hưởng tới thu nhập của từng cá nhân, hộ gia đình. Tất nhiên, đất nước khó khăn thì mỗi công dân đều phải có trách nhiệm chia sẻ, dù thụ động cũng là trách nhiệm. Và cũng để khẳng định một điều rằng, không có việc gì nhà nước có thể làm được, lo được nếu như không có sức dân, trí dân, lực dân.
Nghèo thì phải đi vay mượn để có vốn xây dựng đất nước, kiến thiết quốc gia. Dân sẵn sàng chia sẻ khó khăn, trả nợ nần, nhưng đồng vốn đó phải được sử dụng hiệu quả thì mới xứng đáng. Các khoản chi tiêu phải công bằng, minh bạch từng xu. Nhưng trên thực tế, còn có những dự án sử dụng đồng vốn không hiệu quả, lãng phí, thất thoát thì đó là không xứng đáng.
Đồng tiền đi vay là mồ hôi công sức nên quý như máu thịt. Chi tiêu cẩu thả, hối lộ, tham nhũng, chia chác lợi ích nhóm là phí phạm “máu thịt”. Để cho nhiều kẻ tham nhũng làm giàu trên những đồng tiền đi vay đó còn dân phải còng lưng ra trả nợ thì quá đau.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét