Mùa thu của Hội Nhà văn
Vũ Soan
Nếu ai nghĩ rằng việc hơn hai mươi tác giả vừa tuyên bố ly khai Hội Nhà văn Việt Nam, trong đó có những tên tuổi như Nguyên Ngọc, Đỗ Trung Quân, Dạ Ngân…, sẽ dẫn tới sự sụp đổ nhanh chóng của kỷ nguyên Hữu Thỉnh và đế chế văn nghệ Hội Nhà văn, người đó sẽ thất vọng. Đâu đó người ta sẽ sớm có những biện pháp. Đại hội sẽ vẫn diễn ra như dự kiến. Một Ban Chấp hành mới sẽ thay thế ban chấp hành cũ, và tất cả sẽ trở về trong vòng kiểm soát, ít nhất là trong thời gian trước mắt. Nhưng nếu ai coi nhẹ sự kiện này thì cũng là sai lầm. Nó hoàn toàn có thể là một khởi đầu. Khởi đầu cho mùa Thu của Hội Nhà văn, và khởi đầu cho mùa Xuân của một kỷ nguyên mới.
Đứng từ vũ đài thế giới nhìn vào, ở đầu thế kỷ 21, Hội Nhà văn Việt Nam hiện ra như một sân kho văn nghệ tỉnh lẻ, cô đơn, mục ruỗng, quái gở của những trạng thái bệnh lý tâm thần tập thể. Cứ 5 năm một lần, những con người tự coi mình là đại diện của lương tâm và tự do lại nhóm họp nhau lại, không phải để bàn cách làm thế nào để nuôi nấng hay làm tỏa rạng lương tâm và tự do, mà để duy trì tình trạng dối hèn và nô lệ. Trong lịch sử của mình, chưa bao giờ Hội Nhà văn, tiếng nói của các nhà văn Việt Nam, dám đứng ra đối đầu với quyền lực để đòi những quyền căn bản nhất của người cầm bút: quyền tự do ý kiến, tự do lập hội, tự do báo chí và tự do xuất bản. Chưa bao giờ Hội Nhà văn dám lên tiếng bênh vực cho những bất công mà các tác giả, tác phẩm phải chịu đựng chỉ vì chúng cất lên tiếng nói của lương tâm và tự do sáng tạo, từ Nhân văn – Giai phẩm, Dương Thu Hương, Chuyện kể năm hai nghìn, hay gần đây như Luận văn Nhã Thuyên. Chưa bao giờ Hội Nhà văn bày dám tỏ ý kiến về tình trạng đối xử tàn bạo, gần như là thủ tiêu cả một nền văn nghệ: văn nghệ Miền Nam 54 - 75. Ngược lại, Hội Nhà văn luôn đồng tình với quyền lực, thậm chí, một cách công khai, tự nguyện là công cụ đắc lực của quyền lực và tự hào vì luôn tận tụy phục vụ ý chí của quyền lực.
Nhưng mặt khác, Hội Nhà văn không phải không hấp dẫn, có khi còn đặc biệt gợi cảm nữa. Chẳng phải những tên tuổi lớn nhất của nền văn học Việt Nam đương đại vẫn đang góp mặt ở trong đó, kể cả tác giả của Tướng về hưu lẫn Nỗi buồn chiến tranh, hay sao? Phải giải thích sức gợi cảm này như thế nào?
Vì quyền lợi (việc làm ở các cơ quan thuộc Hội, báo Văn nghệ, nhà xuất bản, tài trợ sáng tác, trại viết văn, công du nước ngoài, đi thực tế, những chương trình dịch hoặc quảng bá sách…), hay vì tránh cô đơn và tìm cảm hứng (những rạo rực hội hè, lửa trại, bia rượu, váy áo …)? Tóm lại là tiện, như lời nhà văn Phạm Thị Hoài nói năm 1990 khi bà muốn gia nhập Hội nhưng bị bác đơn? Có thể. Có thể đúng là tiện thật. Bởi nếu không phải là hội viên Hội Nhà văn thì những quyền lợi đó hoặc là nằm xa tầm tay, hoặc rất khó với, đặc biệt nếu ta nhớ về cái thời trước 1990, khi mà tấm thẻ hội viên không những đi kèm quyền lợi vật chất, mà còn có ý nghĩa như một chứng chỉ xác nhận nghề nghiệp và địa vị xã hội. Không có thẻ, không an tâm được. Vả lại, vào Hội thì có mất gì đâu? Vẫn sáng tác, vẫn in sách (nếu qua được kiểm duyệt), vẫn xuất bản ở nước ngoài (nếu muốn), vẫn phê phán Đảng và chế độ (trong khuôn khổ), nhưng lại được thêm bảo kê, dễ hơn, tiện hơn.
Xét thế thì Hội Nhà văn là một hội vui, những thành viên của nó là những con người thỏa mãn và hạnh phúc đấy chứ, và cũng chẳng có gì để bàn nếu đôi khi những đòi hỏi của lương tâm và lý trí – những phẩm tính của nhà văn như là những con người trăn trở – lại trỗi dậy. Lương tâm khiến họ không yên ổn trước bất công, còn lý trí khiến họ đặt ra câu hỏi: Tại sao chúng ta cứ phải mãi như thế? Tại sao chúng ta không thể làm khác đi? Tại sao chúng ta tự tước đi quyền nghĩ, quyền nói, quyền làm của mình? Chẳng phải tình trạng lâu nay là cực kỳ quái gở hay sao? Vì lý do gì mà chúng ta chấp nhận Văn nghệ, Văn nghệ Công an, Văn nghệ Quân đội – những cái tên tạp chí mà nếu dịch ra tiếng Anh có thể khiến cho các nhà văn thế giới rùng mình – là những diễn đàn đại diện cho chúng ta? Tại sao chúng ta không được quyền lập ra các hội văn bút để truyền tải quan điểm văn nghệ của mình? Tại sao chúng ta không được mở những tờ báo hay nhà xuất bản để in ấn tác phẩm? Tại sao chúng ta phải để cho những kẻ mù tịt về văn chương chăn dắt, chỉ bảo cho chúng ta về sáng tạo? Tại sao chúng ta không thể đi đứng, nói năng một cách đĩnh đạc, đường hoàng, mà chỉ biết dỗi vặt hay hờn mát? Tại sao chúng ta lại tự biến mình thành trẻ con như thế? Tại sao chúng ta không yêu cầu Hội Nhà văn, thay vì phủ phục trước quyền lực, hãy là cơ quan đại diện cho các quyền căn bản của chúng ta, mà nếu Hội không muốn hoặc không thể đáp ứng, hãy dõng dạc ly khai? Tại sao chúng ta run sợ, sao chúng ta không dám đứng trên đôi chân của mình, tìm đường cho mình?
Những câu hỏi như vậy sẽ phải bật ra, và chúng thực sự đã bật ra, và một khi chúng đã được bật ra thì, như ánh sáng khai minh, chúng sẽ rất khó bị thu hồi. Con người tự do ban đầu có thể chông chênh, run rẩy, vì đã bị trói buộc quá lâu, nhưng rồi nó sẽ quen, sẽ trở nên mạnh mẽ, vì hiểu rằng chỉ có Tự Do mới đảm bảo được cho con người quyền sống trong phẩm giá, lẽ phải và công bằng.
Vũ Soan
Vũ Soan
(Vũ Soan là bút hiệu của một nhà văn đang sống tại Hà Nội.)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét