2/7/15

Thói quen phán xét

“Sai một ly, đi một dặm”, câu nói này đúng với trường hợp của anh bác sĩ Bệnh viện đa khoa Lâm Thao, Phú Thọ. Trong lúc khám cho bệnh nhân, anh gác một chân lên giường bệnh. Một chiếc smartphone giơ lên, hình ảnh được tung lên mạng.
Cộng đồng phẫn nộ về y đức của anh, đòi phải xử lý thật nghiêm. Anh bị miễn nhiệm và sau đó thì tự nguyện xin từ chức. Sự việc diễn ra quá nhanh, khiến tôi cứ băn khoăn mãi. Chẳng lẽ một cái chân đặt sai tư thế lại là vi phạm nghiêm trọng đến vậy?
Tôi không cho rằng, việc bác sĩ đặt chân lên giường bệnh là đúng, nhưng cái tôi cần biết hơn: anh chăm sóc người bệnh ra sao, hoàn thành công việc như thế nào, và có chấp hành quy định của Bộ Y tế hay không. Tiếc thay, nhiều người chỉ phán xét quanh cái chân để nhầm chỗ.
Nó gợi lại cho tôi vụ một bệnh viện ở Hà Nội nhân bản kết quả xét nghiệm cho nhiều bệnh nhân khác nhau. Người ta chỉ xét nghiệm cho một người, và phát cái giấy đó cho nhiều người khác, bất kể khác biệt về bệnh tật hay lứa tuổi. 1000 phiếu xét nghiệm dùng cho 2000 người. Hành động này nguy hiểm ra sao, chắc không cần phải nói thêm. Phải mất một năm, hình thức kỷ luật mới được đưa ra cho những cá nhân chịu trách nhiệm: cao nhất là giáng một chức, còn lại là cảnh cáo.
Cái chân sai chỗ và việc chà đạp lên lời thề Hippocrates, tội nào lớn hơn?
Khi còn đi học ở nước ngoài, những người thầy của tôi hay ngồi lên bàn, gác chân lên ghế để thảo luận với sinh viên. Họ làm điều đó một cách tự nhiên, gần gũi và không một ai phán xét. Tất nhiên ở đây có vấn đề về tập quán văn hóa. Nhưng tôi cho rằng, xã hội nào cũng cần: thầy cô giáo để truyền dạy kiến thức và kỹ năng, kiến trúc sư biết thiết kế, và bác sĩ biết khám và chữa bệnh; chứ không phải những ma- nơ-canh để phán xét sự chuẩn mực. Khi chỉ đánh giá sự việc bằng hình thức bên ngoài, thì kết quả chúng ta nhận được cũng sẽ là bề ngoài. Và đáng tiếc thay, qua lăng kính của mạng xã hội, nhiều khi ấn tượng mạnh nhất chỉ là phần nổi của tảng băng.
Bản thân mạng xã hội, hay bất kỳ tiến bộ công nghệ nào, đều là trung tính. Nó tốt hay xấu chủ yếu phụ thuộc vào người sử dụng. Trong nền tảng một xã hội vẫn thích soi xét, đánh giá người khác qua bề ngoài, mạng xã hội nhiều khi trở thành một "pháp trường" nơi đám đông mặc nhiên thể hiện sự tàn nhẫn. Họ ném đá những người họ không thích, bất kể đúng sai. Họ cười nhạo kẻ khác biệt mình không một giây suy nghĩ. Họ soi mói đời sống riêng tư, thậm chí thích thú trước nỗi khổ của người khác. Gõ phím xong, họ có thể quên lơ mọi thứ, rời khỏi ghế và sống cuộc sống thực của mình. Họ coi thế giới ảo như một trò chơi, phủi tay tắt máy là câu chuyện kết thúc. Nhưng mạng xã hội không phải là trò chơi. Hậu quả của những việc tưởng như vô bổ trên mạng tàn khốc hơn nhiều.
Những hành động mà tôi liệt kê ở trên, có thể coi là hành vi quấy rối trên mạng (cyber harassment). Nó không chỉ khiến người ta mất chức, mà nhiều khi còn cướp đi mạng sống. Mới đây thôi, một em gái ở Đồng Nai tự vẫn khi bị người yêu đăng clip nhạy cảm lên mạng. Gia đình chạy đến hết chỗ này nơi khác để cứu em, nhưng vô vọng. Cô bé mới 16 tuổi, không thể chống đỡ áp lực từ cơn bão mạng. Kẻ đăng clip đã gián tiếp giết em và cả những người lan truyền nó nữa.
Tiến bộ công nghệ, như mạng xã hội, mang lại cho chúng ta rất nhiều quyền năng. Giám sát hoạt động của các cơ quan chức năng, phản ánh những điều không hài lòng với chính quyền, hay theo dõi các câu chuyện hấp dẫn được cập nhật từng giây ở khắp nơi trên thế giới, mọi vấn đề dường như đều được giải quyết với một chiếc điện thoại và internet. Nhưng tôi cho rằng, quyền năng luôn phải đi kèm với trách nhiệm. Bởi phía sau những nút share, click, comment vô hồn là cả cuộc sống không chỉ của một con người.
Khắc Giang

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét